Xứ đoài là ở đâu

Nghị quyết số 15 ngày 29/5/2008 của Quốc hội đã mở ra vận hội mới cho Thủ đô Hà Nội, nâng diện tích lên tầm vóc của 17 thủ đô lớn nhất trên thế giới. Đối với văn hóa và tâm linh, Thủ đô mở rộng đã ôm trọn trong mình thế mạnh của cả hai vùng đất “địa linh nhân kiệt” từ ngàn đời. Hai vùng văn hóa lớn là Thăng Long và xứ Đoài cùng một số vùng phụ cận.

Xứ Đoài [Đoài là hướng chính Tây - một trong 8 hướng bát quái] theo từng quan điểm, thời kỳ, có thể trải từ Phú Thọ xuống ranh giới phía Tây Hà Nội cũ [trước năm 2008]. Từ dãy Ba Vì sang dãy Tam Đảo là vùng đất quanh các con sông Nhuệ, sông Hồng, sông Đáy hoặc hẹp hơn khi chỉ gồm các huyện phía Tây Hà Nội.

Xứ Đoài là một vùng đất rộng lớn bao bọc trung tâm châu thổ sông Hồng ở phía Tây, Tây Bắc và phía Bắc. Nơi đây được định vị bởi sông Đà ở phía trên và sông Nhị Hà ở phía dưới, tả ngạn có ngọn núi Tam Đảo và hữu ngạn có ngọn núi Tản Viên hùng vĩ. Xứ Đoài còn có ngã ba Bạch Hạc, là nơi hợp thành của ba sông, đó là sông Đà, sông Thao và sông Lô.

Cảnh đẹp chùa Thầy

Mùa xuân về thăm xứ Đoài, tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng nơi đây, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp truyền thống của một vùng quê sơn thủy hữu tình với những phong tục tập quán mang đậm bản sắc của người Việt cổ. Hơn thế, du khách còn được hưởng "một không gian văn hóa vật thể và phi vật thể" rất độc đáo, đa dạng và hấp dẫn.

Xứ Đoài vốn có truyền thống lịch sử, văn hiến lâu đời với cảnh vật hữu tình. Ao Vua, thác Đa, hồ Ngải Sơn, Đồng Mô, Suối Hai, vườn quốc gia Ba Vì, núi Tản Viên, thành cổ Sơn Tây, ấp xưa Đường Lâm, dãy núi Ba Vì âm vang cồng chiêng, sông sâu dồn tiếng mái chèo khua nước… Xứ Đoài còn trầm tích một vùng văn hóa tâm linh Lạc Việt. Đền Và, chùa Mía, chùa Tây Phương, chùa Thầy, đình Tây Đằng, những truyền thuyết, huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh, sự tích thần Tản Viên - một trong tứ vị thần bất tử Việt Nam, bà Man Thiện - người mẹ anh hùng của Hai Bà Trưng, Bố Cái Đại Vương - Phùng Hưng… với những bài văn tế thần, lễ nghi cúng bái, lễ hội đền chùa, các lễ hội về Thánh Tản: Rước bài vị Thánh qua sông Hồng, mở tiệc cá gỏi làm bằng cá lăng, cá quất dâng lên Sơn Tinh, rước Thánh Tản về tế Đền Hùng… tràn khí thiêng địa linh, nhân kiệt.

Những bức tường bằng đất đá ong ở làng cổ Đường Lâm

Khi tìm hiểu về xứ Đoài, người ta thấy tính cách của người dân nơi đây khá bộc trực và ngay thẳng, sống khẳng khái, khoan dung, nhường nhịn, ít háo danh. Người dân xứ Đoài nổi tiếng hay làm và cũng rất khéo tay. Con trai xứ Đoài có tiếng là tài hoa, gan dạ và thông minh. Con gái xứ Đoài chịu thương chịu khó, giỏi làm ăn, chiều chồng và khéo nuôi con. Người dân xứ Đoài cư xử với tất cả mọi người không phân biệt địa phương, bất cứ người ở đâu cũng đều được quan tâm giúp đỡ theo phương châm "tứ hải giai huynh đệ".

Nói tới xứ Đoài, người ta không chỉ nhắc tới quê hương của nhiều làng nghề nổi tiếng như gấm và lụa vân Vạn Phúc; Lụa, the, lĩnh La Khê; Tiện gỗ Nhị Khê; Thợ nề thợ mộc làng Chàng; Thợ đá ở Hoàng Xá... mà còn nhắc tới đất của những điệu dân ca, nghi lễ dân gian như hát dô [huyện Quốc Oai], chèo tàu [Đan Phượng], múa sênh tiền [huyện Phú Xuyên], trống quân [Thường Tín], phường rối Tế Tiêu, Thạch Xá, Chàng Sơn. Sôi nổi hơn nữa là hội hát chèo tàu ở bốn thôn của xã Tân Hội [huyện Đan Phượng], gắn với tục thờ cúng Hai Bà Trưng, Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử...

Dấu ấn văn hóa xứ Đoài

Nhiều đời nay, xứ Đoài với vùng lõi thị xã Sơn Tây còn là một vùng văn hóa đặc trưng với hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, lề lối sinh hoạt, ứng xử văn hóa mang nét riêng, rất độc đáo. Đó là hệ thống di tích nổi tiếng mà tên gọi đã gắn liền với tên đất và con người Sơn Tây như làng cổ Đường Lâm, đền Và, thành cổ Sơn Tây; Chùa Mía - ngôi chùa có nhiều tượng phật cổ nhất miền Bắc, đền Phùng Hưng, đình Mông Phụ, rặng duối 1.000 năm tuổi, hơn 200 ngôi nhà cổ bằng đá ong có niên đại từ 100 - 400 năm… Đặc biệt, Sơn Tây còn một số giếng cổ mang màu sắc huyền thoại xứ Đoài mà ngày nay Nhân dân vẫn lấy nước để sinh hoạt như giếng Chân Voi [phường Quang Trung], giếng Ngõ Bắc, Ngọc Kiên [xã Cổ Đông], giếng Đà Hang [xã Thanh Mỹ], giếng xóm Chim, xóm Sải, xóm Hè, giếng sữa Chuông Sa [xã Đường Lâm].

Nhìn lại lịch sử văn hóa, đấu tranh dựng nước và giữ nước của hai vùng đất này cũng có những nét tương đồng, gắn bó và bổ trợ nhau. Trong dựng nước và giữ nước, Nhân dân ta thường đấu tranh với kẻ thù mạnh hơn rất nhiều và giành thắng lợi nhờ tinh thần đoàn kết của cả dân tộc. Trong đó, Hà Nội và Hà Tây cũ thực chất như một, gắn kết với nhau, từ thời nhà Trần, nhà Lê đến sau này.

Hà Tây với những “cô gái Suối Hai, chàng trai Cầu Giẽ”, với “chiếc gậy Trường Sơn”… vẫn được xem như phên giậu, như cửa ngõ, tấm áo giáp giúp Thủ đô nghìn năm bền vững. Mười ba năm kể từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, những nét đẹp trong văn hóa của vùng đất Hà Tây cũ vẫn đang được gìn giữ.

Về góc độ văn hóa, Thăng Long xưa, Hà Nội trước và sau khi mở rộng đều nằm chung trong khu châu thổ sông Hồng. Nói đến văn hóa, người ta vẫn hay gọi chung là văn hóa sông Hồng. Mặc dù Hà Tây và Hà Nội xưa, mỗi nơi có nét văn hóa đặc trưng riêng nhưng nét chủ đạo, nét chung vẫn là văn hóa sông Hồng.

Cảnh đẹp Suối Yến [chùa Hương]

Nếu vùng văn hóa Thăng Long - cái nôi của nền văn hóa dân tộc, hình thành cùng với nền văn minh sông Hồng được đắp bồi, là kết tinh của văn hóa tâm linh và hào khí dân tộc thì văn hóa xứ Đoài cũng là “một vùng trời đất gấm hoa”. Có ý kiến lo lắng, sự kết hợp giữa hai vùng văn hóa lớn này nếu cùng cộng hưởng, giao thoa, thẩm thấu vào nhau thì mỗi bên có bị tổn hại, bị phai nhạt bản sắc văn hóa của mình không? Tuy nhiên, thực tiễn đã cho thấy, lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân làm văn hóa của cả Hà Nội và Hà Tây [cũ] đều rất gắn bó, hòa đồng, kề vai sát cánh mở rộng giao lưu, trao đổi, hợp tác, phát huy hết tiềm năng và sức sáng tạo của mình, nâng hoạt động văn hóa Thủ đô lên tầm cao mới, làm sáng tỏ ý nghĩa tương tác tích cực và hiệu quả giữa các vùng.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long nhận định: “Sau khi hợp nhất vào Hà Nội, trở thành những công dân Thủ đô thì đời sống của người dân Hà Tây cũ cũng có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, đường làng ngõ xóm cũng được sửa sang, đời sống khá lên. Nhiều cụ già nói với tôi, cái họ thấy là được nhiều hơn lúc trước. Nhiều vùng quê ở Hà Tây sau khi hợp nhất được áp dụng những mô hình sản xuất công nghệ cao. Đấy là những nét tương đồng, hỗ trợ cho nhau phát triển tốt đẹp hơn”.

Hơn 10 năm, chúng ta đã được chứng kiến văn hóa Thăng Long cùng văn hóa xứ Đoài và các vùng văn hóa khác phát huy được bản chất đặc sắc và tinh túy của mình. Các nền văn hóa cùng phát triển hài hòa, bổ sung cho nhau một cách có chọn lọc để vươn tới tầm cao, đạt tới giá trị tinh hoa đích thực, tạo thành giá trị văn hóa Thủ đô.

Mỗi khi nhắc tới xứ Đoài, người ta cảm thấy bịn rịn với những nét xưa, để mỗi người thêm yêu và có trách nhiệm nhiều hơn với văn hóa của vùng đất mà mình đã và đang sống. Chính điều này làm cho văn hóa xứ Đoài thêm đậm đà bản sắc và tồn tại mãi với thời gian.

Khánh Vy

Xứ Đoài là vùng đất Sơn Tây cổ có bề dày lịch sử bắt nguồn từ thời Hùng Vương, tục còn gọi là trấn Đoài, trấn Tây – một trong tứ trấn Thăng Long xưa. Trên bản đồ hành chính ngày nay, tên gọi xứ Đoài không còn tồn tại, địa giới có nhiều đổi khác, chỉ còn thị xã Sơn Tây [vốn là thủ phủ của xứ Đoài xưa] trực thuộc thành phố Hà Nội. Vậy nên nhắc đến xứ Đoài là ai nấy đều biết rằng nói tới Sơn Tây. Từ lâu, nơi đây là vùng đất “nắm giữ” trái tim của nhiều du khách. Đặc biệt, với khoảng cách chỉ mất 1 giờ lái xe từ trung tâm Hà Nội, xứ Đoài là điểm đến vô cùng thích hợp cho một chuyến đổi gió trong ngày hoặc kỳ nghỉ cuối tuần. Tuy không giữ được nguyên vẹn dáng hình xưa cũ nhưng nơi đây vẫn còn vô vàn những dấu tích văn minh Việt cổ, với đất lề quê thói, với vẻ đẹp thanh bình, yên ấm đặc trưng cho làng quê Bắc Bộ và cả những thắng cảnh thiên nhiên hoàn hảo cho du lịch sinh thái. 

Thành cổ Sơn Tây

Thành cổ Sơn Tây được xây dựng từ triều vua Minh Mạng thứ ba [năm 1822], trên khu đất bằng thuộc phạm vi hai làng Thuần Nghệ và Mai Trang thuộc huyện Tùng Thiện xưa, nay thuộc thị xã Sơn Tây. Đây là toà thành đá ong duy nhất của Việt Nam và là kiến trúc quân sự cổ bảo vệ phía tây thành Hà Nội.

Hào nước bao quanh thành cổ Sơn Tây

Theo sử sách ghi lại, ngày trước thành Sơn Tây có 5 khu: khu giữa thành là khu nghi lễ, hai ao sen hai bên, có vọng lâu [nay là cột cờ] cao 18 thước. Trong thành có điện Kính Thiên rộng 5 gian lợp ngói lưu ly, bên trong có 2 cột tròn làm bằng gỗ lim sơn màu cánh gián. Hai gian bên có cửa sổ tròn trang trí hình chữ Thọ.

Thành có diện tích 16 ha, xung quanh có hào nước bao bọc, tường thành được kết cấu theo lối kiến trúc Vauban [có chỗ lồi ra để đặt các pháo đài] với 4 cổng quay ra các hướng Bắc, Nam, Tây, Đông có tên là: cửa Hậu, cửa Tiền, cửa Hữu, cửa Tả; những cổng thành này hiện vẫn còn nguyên vẹn. Trải qua những thăng trầm và biến cố lịch sử, thành đã bị phá hủy nhiều nhưng vẫn còn nguyên vẹn hình dạng và những dấu tích các công trình xưa. Trước đây bốn cửa đều có cầu gạch bắc qua hào nước, nhưng hiện nay chỉ có hai cửa chính là cửa Tiền và cửa Hậu có cầu bắc qua hào nước, dẫn vào cổng thành.

Điện Kính Thiên

Năm 1994, Thành cổ Sơn Tây được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia. Dựa vào các tư liệu cổ, nhiều dự án tu bổ, khôi phục lại các công trình của thành đã được triển khai dựng lại trên nền cũ như điện Kính Thiên, vọng lâu [cột cờ], tường thành bằng đá o­ng. 

Cột cờ đã được phục dựng lại ở Thành cổ Sơn Tây

Đặc biệt, không chỉ có giá trị văn hoá – lịch sử, thành cổ còn có hệ thống cây xanh lâu năm và thảm thực vật phong phú, được ví như lá phổi xanh của thị xã Sơn Tây và là không gian giải trí tuyệt vời cho người địa phương và du khách

Làng cổ Đường Lâm

Với mọi người Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm là niềm kiêu hãnh, là mạch nguồn của sức mạnh tinh thần; còn với du khách, đây là ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam - nơi được xem như bảo tàng của lối sống nông thôn cổ xưa.

Được gọi là làng cổ nhưng thực chất Đường Lâm từ xưa gồm 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh [huyện Phúc Thọ, trấn Sơn Tây], trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán, và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi. 

Có niên đại gần 3 kỷ, Đường Lâm hội tụ đủ những nét đặc trưng của không gian văn hoá làng quê Bắc Bộ thuần nông với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu, điếm canh, giếng nước, ruộng nước, gò đồi. Hệ thống đường sá của Đường Lâm được kiến tạo theo cấu trúc hình xương cá gồm một trục đường chính với rất nhiều ngõ nhỏ thông với nhau. Với cấu trúc này, người đi từ đình sẽ không bao giờ quay lưng vào cửa Thánh – vị trí mang tính tín ngưỡng tôn nghiêm nhất của mỗi ngôi làng.

Nhưng để góp phần tạo nên linh hồn của Đường Lâm thì phải nhắc đến đá ong – thứ vật liệu có bề mặt xù xì, lồi lõm như tổ ong dùng làm gạch xây tường nhà, cổng nhà, cổng làng, giếng làng… Đá ong là vật liệu tự nhiên được người dân khai thác từ lòng đất xứ Đoài không chỉ đem đến sự mát mẻ cho ngôi nhà trong mùa hè, ấm áp trong mùa đông mà ít mọc rêu trơn, bền chắc và đem tới cho Đường Lâm diện mạo độc đáo.

Đến nay, Đường Lâm còn khoảng 300 ngôi nhà đá ong cổ được bảo tồn tương đối nguyên vẹn, nằm rải rác ở các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh, là điểm tham quan cho du khách. Nhiều chủ nhân của những ngôi nhà này vẫn theo nghề truyền thống được truyền từ nhiều đời như làm kẹo lạc, kẹo dồi, chè lam, ủ tương… nên khi ghé thăm nhà cổ, du khách vừa có thể trực tiếp trải nghiệm cách làm và nếm thử những sản vật địa phương này, vừa mua về làm quà.

Đặc biệt, theo sự phát triển của du lịch nên một số nhà cổ đã mở dịch vụ homestay để đem đến cho du khách cơ hội trải nghiệm cuộc sống nơi làng cổ. Không chỉ ngủ đêm trong nhà cổ, nếu muốn, du khách có thể dậy sớm đi chợ, vào bếp tự nấu ăn để được hoà mình cùng với những sinh hoạt bình dị hàng ngày của người địa phương.

Ngoài nhà cổ, Đường Lâm còn có nhiều di tích có nghĩa đặc biệt cả về mặt văn hoá, lịch sử và kiến trúc như đình làng Mông Phụ, chùa Mía, Văn miếu Sơn Tây, đền thờ Bà chúa Mía, lăng Ngô Quyền, đình Đoài Giáp [thờ Phùng Hưng]… Khi đi chơi mệt, du khách có thể nghỉ chân ở một quán nhỏ bên đường, uống bát nước vối hoặc chè xanh, nhấm nháp chiếc kẹo quê để nghe bà hàng nước trò chuyện về vùng đất địa linh nhân kiệt này – nơi duy nhất một ấp hai vua [Phùng Hưng và Ngô Quyền] và cũng là nơi xuất thân của nhiều danh nhân như bà Man Thiện [mẹ Hai Bà Trưng], bà chúa Mía [vương phi của chúa Trịnh Tráng], thám hoa Giang Văn Minh, Phan Kế Toại…

Đồng Mô

Khu du lịch Đồng Mô nằm trong quần thể du lịch Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam có không gian thoáng đãng và hồ chứa nước rộng khoảng 500 ha, nằm trong khu vực chân núi Ba Vì. Không khí ở đây lúc nào cũng trong lành và có phần bình yên hơn hẳn so với Hà Nội ồn ào, tấp nập. Đặc biệt, các khu nghỉ dưỡng được xây dựng trên các đảo và bán đảo trên hồ với những thảm cỏ trải rộng và cây cao xanh mát tạo nên cảnh quan đẹp và lạ mắt, là lựa chọn lý tưởng cho những chuyến dã ngoại, cắm trại hoặc nghỉ dưỡng cuối tuần. Đừng bỏ qua trải nghiệm du hồ bằng thuyền máy bởi đây là hành trình thú vị giúp bạn tận hưởng vẻ đẹp của hồ Đồng Mô.

Gần đây, biệt thự Phan thị - nơi được dùng làm bối cảnh quay cho bộ phim truyền hình “Người phán xử” – cũng mở cửa đón du khách. Khu biệt thự mang phong cách cổ điển với nội thất xa hoa này không chỉ là nơi check in tuyệt đẹp mà còn có nhiều dịch vụ hấp dẫn để du khách có cơ hội thử một lần trải nghiệm cuộc sống của người nhà Phan thị.

Chùa Khai Nguyên

Xứ Đoài xưa là vùng đất của nhiều đền chùa cổ nổi danh về vẻ đẹp kiến trúc, văn hoá và sự linh thiêng còn tồn tại đến ngày nay như chùa Mía, đền Và, chùa Trăm Gian, chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Trầm nhưng cũng có những ngôi chùa cổ đã dần biến mất theo dòng lịch sử.

Cổ Liêu Tự [thường được gọi là Chùa Cheo] có niên đại lịch sử từ nửa đầu thế kỷ XVI, có vị trí thuộc thôn Khoang Sau, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây ngày nay. Tương truyền, đây là nơi gửi gắm tâm nguyện của đông đảo Phật tử thập phương, bốn mùa khói hương không dứt nhưng tất cả những gì còn lại của Cổ Liêu Tự ngày nay chỉ là một chiếc chuông đồng lớn.

Từ năm 2006, các tín đồ Phật tử từ khắp nơi đã cùng nhau tôn tạo một quần thể chùa mới trên nền cũ của Cổ Liêu Tự, lấy tên là chùa Khai Nguyên. Chùa mới có kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc”; có tả vu, hữu vu, tiền Phật, hậu Tổ, cuối Tăng Đường… và khu nội viện. Điểm nổi bật của chùa Khai Nguyên là bức tượng A Di Đà lớn nhất Đông Nam Á có chiều cao 75m nằm trong khuôn viên và tôn tượng Đức Phật Thích Ca bằng gỗ mít lớn nhất Đông Nam Á hiện nay có cao 7,88 m.

Dù chưa hoàn thiện quá trình tôn tạo, chùa Khai Nguyên vẫn mở cửa đón khách thập phương và đang là điểm đến tâm linh thu hút đông đảo khách hành hương.

Thông tin thêm: 

Hành trình: Sơn Tây cách trung tâm Hà Nội khoảng 50 km, đi hết 1 giờ lái xe. Từ Hà Nội, bạn có thể tới Sơn Tây bằng đường cao tốc Láng – Hoà Lạc hoặc đường quốc lộ 32.

Phương tiện: Ô tô tự lái hoặc xe máy. Bạn cũng có thể lựa chọn đi xe bus số 20B, 70, 71 hoặc 77.

Ẩm thực: Gà mía, lợn quay đòn, bánh tẻ, chè lam, kẹo dồi, tương là những món đặc trưng không thể bỏ qua khi đến Sơn Tây.

Tour: Bạn có thể đặt tour 1 ngày khám phá Đường Lâm từ Hà Nội với giá khoảng 800.000 - 900.000 đồng/người

Video liên quan

Chủ Đề