Bác sĩ phan xuân trung là ai

Bác sĩ Phan Xuân Trung rất thích bài Cát Bụi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng cho biết không có nhiều thời gian để ngồi quán cà phê nghe nhạc, như trong buổi trò chuyện với đài BBC từ góc cà phê nhà thờ Huyện Sỹ.

Là bác sĩ, nhưng anh Trung không ngần ngại bước sâu vào ngành điện toán để sản xuất phần mềm phục vụ y khoa vì theo anh, được khuyến khích từ một người đi trước.

Bên cạnh những suy nghĩ về nghề nghiệp, bác sĩ Trung cũng có không ít các suy tư về vấn đề dân sinh và chính trị xã hội Việt Nam, với quan điểm cho rằng muốn hiểu Việt Nam thì cần phải nhìn vấn đề từ trong lòng cuộc sống.

Các ý kiến nhận xét về bức chân dung này xin mời gửi về hoặc sử dụng hộp tiện ích bên tay phải, dùng font chữ UNICODE. Các chân dung dự thi chọn phát trong chương trình sáng hàng tuần theo giờ Việt Nam sẽ được bình chọn để đoạt giải nhất là một cặp vé máy bay đi Thái Lan. Thể lệ cuộc thi xin tìm trong các trang bài của BBCvietnamese.com

------------------------------------------------------------------------------------------------------

Lưu Cường, Đà Lạt

Tôi rất kính phục bác sĩ về sự dấn thân phục vụ những đồng bào nghèo đói, bất hạnh. Dù là bác sĩ làm việc từ thiện đó với mục đích như thế nào, thì cũng là một việc làm cần thiết ở Việt Nam hiện nay. Tôi nghĩ, con chim ở trong lồng son thiếp vàng, đồ ăn thừa mứa, tổ ấm bao nhiêu chăng nữa, thì cũng là chim trong lồng, và chắc nó chỉ biết hót theo sự giáo dục của chủ nhân, không biết hót những điệu ca du dương của thiên nhiên dậy nó. Nói cách khác con chim được nuôi từ khi chưa biết bay, có thả ra khỏi lồng nó cũng chẳng biết bay đi đâu. Nghe bác sĩ tuyên bố không muốn nói chuyện chính trị, nhưng trong trong hàm ý của ông, tôi nghe thoang thoảng tư tưởng yêu mến chủ nghĩa xã hội ngày nay của Việt Nam.

Nếu được, xin bác sĩ cho tôi, và một số người biết cảm tưởng của ông về sự bắt giam BS Nguyễn Đan Quế, BS Phạm Hồng Sơn.v.v. của nhà nước Việt Nam. Bác sĩ nghĩ tội của những vị đó có đáng bị hình phạt như thế không? Tự do báo chí ở Việt Nam, theo bác sĩ đã có chưa? Bác sĩ dám phát biểu ngược lại ý [con cái trong nhà cũng có điều không vừa ý cha mẹ] của nhà nước Việt Nam hay không? Và bác sĩ có muốn tranh đấu cho tự do ngôn luận không? Vì chắc hẳn bác sĩ Trung thừa biết các đồng nghiệp của bác sĩ bị bắt chỉ vì "nói" những điều nhà nước Việt Nam không muốn nghe.

Chris Võ, Toronto

Bác sĩ là những người thuộc tầng lớp ăn trên ngồi trước trong mọi xã hội. Tôi chưa bao giờ thấy bác sĩ nào nghèo hết, ở Việt Nam cũng như hải ngoại. Tôi nghĩ tốt hơn nên để một người Việt Nam bình thường nói về cảm nghĩ của họ về cuộc sống hiện tại ở Việt Nam mà tôi biết là khá khó khăn và vất vả. Tôi không thấy bác sĩ Trung nói gì về đóng góp của anh đối với những người nghèo và kém may mắn ở xã hội Việt Nam hiện nay.

Phạm Minh, Pomona

Tôi là một người xa quê hương gần 10 năm nên chẳng dám cho ý kiến tốt xấu về hiện tình của đất nước, các tin tức mà tôi thâu nhập được thì cũng từ các nguồn như Little Saigon Radio, BBC, Radio Bolsa, và các tờ báo như Người Việt, Việt Báo, Viễn Đông... cùng các trang báo điện tử như VnExpress, Nhân Dân... vì thế theo tôi nghĩ những nguồn thông tin của tôi thâu nhận được chắc không quá lỗi thời hay phiến diện. Tôi đồng ú với ý kiến của BS Trung là Việt Nam đang thay đổi và thay đổi một cách nhanh chóng, nhưng tôi không đồng ý việc BS Trung cho rằng "có chung một hoàn cảnh thì mới có tiếng nói" và quan điểm như trong phần kết luận của bác sĩ. Vậy BS phủ nhận hoàn toàn 2 triệu người đang sinh sống ngoài Việt Nam sao ? Chúng tôi không là người Việt à ? Những ý kiến và tiêu chuẩn đóng góp của mọi thành phần trong và ngoài nước không nằm ngoài mục đích là làm cho dân giàu nước mạnh. Nếu cứ như tình trạng nhắm mắt bịt tai không thèm nghe những ý kiến của người khác thì không biết có sự phát triển và có dân chủ thực sự không hả BS Trung ?

Nguyễn Hùng Anh, tp.HCM

BS Phan Xuân Trung có sự khác biệt lớn so với các BS con ông cháu cha tính từ cái đầu trở lên, và trí nhớ, khi mà vẫn nhớ được lời thề của vị lương y khi tốt nghiệp.

Quang, Saigon

Tôi là BS đang làm việc tại khoa ngoại một bệnh viện nhà nước tại Sài Gòn được 5 năm. Tôi đã tiếp xúc đủ loại bệnh nhân nghèo giàu điều có cả. Tôi nghĩ BS Trung nói cũng có phần đúng. Tôi không muốn đề cập tới bởi vì mỗi người có mỗi hoàn cảnh, tâm trạng khác nhau nên có những suy nghĩ và hành động khác nhau. Vì vậy tôi xin nêu những suy nghĩ và hành động của tôi chia sẻ cùng quí vị. Ngày ra trường cũng như bao bác sĩ khác đang bơ vơ trước ngã ba đường. Hoặc là tiếp tục học nữa hoặc chạy xin vào bệnh viện hoặc làm việc gì đó để kiếm tiền. Chuyện xin việc thì gia đình tôi đã tính từ lâu rồi nhưng không phải dễ. Vì để xin vào bệnh viện phải quen từ sở đến ban giám đốc và bác sĩ trưởng khoa, gia đình tôi thì không quen biết nhiều và cũng không có tiền cho họ, nên đành quên ý niệm này. Nếu tiếp tục học thì chẳng biết học ngành nào vì liệu sau khi học nội trú hay cao học có chỗ cho tôi làm hay không, hay lại tiếp tục đứng trước ngã ba đường ?

Với lại ba mẹ tôi đã còng lưng nuôi 6 năm trời chưa đủ hay sao ? Ba tôi chạy xe ôm mẹ tôi bán rau ngoài chợ, nuôi tôi đến chừng này mà bây giờ còn muốn gì nữa. Thực lòng tôi có rất nhiều ước mơ nhưng phải tạm gác lại. Điều quan trọng nhất tôi cũng không muốn học nữa là tôi chán ngấy hệ thống giáo dục này rồi, qua 6 năm tôi phải cố chịu đựng qua những kỳ thi cực hình này. Từ những năm đại cương bọn tôi phải học những môn Triết học Mác-Lênin và lịch sử Đảng, mà cách dạy và thi cử điều hình thức. Mọi sinh viên nguyền rủa với môn học này. Họ khinh bỉ những giảng viên về môn này, nhưng phải vào lớp học, phải lắng nghe học thuộc lòng từng câu nói hết sức là ngớ ngẩn. Bạn phải học thuộc lòng từng câu, ngay cả dấu chấm phẩy, không có quyền ý kiến hay phát biểu gì cả. Nếu tôi tiếp tục học thì lại phải học lại những môn này.

Nhưng điều quan trọng hơn cả là những môn y học cơ bản, chỉ một vấn đề nhỏ trong chuyên môn thì mỗi ông nói mỗi kiểu, không có hệ thống y học chứng cứ gì cả. Những ông GS, TS trưởng khoa thường cho mình là đúng, họ bắt sinh viên phải học những câu bài giảng của mình không khác gì những câu triết học trên. Một nền y học mà ngay cả giải phẫu bệnh cũng không được đào tạo bài bản thì làm sao có cái để gọi là đúng hay sai. Những kinh nghiệm của những ông GS này có từ đâu khi mà bằng tiến sĩ hay việc phong chức giáo sư phải chạy chọt, khi mà ông ta cho toa thuốc tại phòng mạch mình điều lột nhãn cả, khi mà cái chức trưởng phó khoa của ông đươc phong bổ từ bộ khi cùng phe với họ, những BS tài giỏi trong khoa sẽ bị đì, hoặc tống chỗ khác.

Các bạn trong nước nhìn xem tôi nói có đúng không ? Những BS thực sự giỏi thường họ không có bằng tiến sĩ, chỉ có những kẻ tranh giành quyền lợi, địa vị họ mới chạy chọt cái bằng này. Những công trình nghiên cứu sinh của họ được qui ra bằng những bữa nhậu hay những lời nịnh bợ. Những hội nghị tổ chức trong nước bạn thường thấy phần lớn là thiếu trung thực với những con số khống và những kết quả dối trá. Có bao giờ người ta kiểm chứng lại những công trình nghiên cứu của họ không ? Bạn thử xem một nền y học như vậy có đáng cho tôi học nữa không chứ ? Thế là tôi lao vào con đường kiếm tiền. Bạn thử hỏi tôi phải làm gì khi tốt nghiệp trường y nếu không làm trong bệnh viện. Tôi sẽ làm bất cứ việc gì từ tiếp thị nhà hàng, bán vé số hay đạp xích lô. Nhưng may mắn thay có một công việc khác kiếm tiền khá dể mà nhiều bác sĩ hiện nay đang làm là trình dược viên [medical representive] hay còn gọi là bán thuốc dạo.

Tôi được nhận vào một công ty dược và được phân công phụ trách 3 bệnh viện lớn trong thành phố để giới thiệu các sản phẩm kháng sinh kháng viên và thuốc bổ. Nhiệm vụ của tôi là giới thiệu sản phẩm sao cho bán thuốc càng nhiều càng tốt dù bất kỳ thủ đoạn nào. Bắt tay ngay vào việc tôi phải tìm hiểu đối thủ cạnh tranh của mình phải bám sát theo chân các bác sĩ từ phòng khám đến nhà, phải nắm rõ sở thích và nhu cầu của họ, nếu họ có dùng điện thoại phải mua card tặng, nếu họ thích nhậu hay đi massage phải mời đi, nếu họ có đi nghỉ mát với gia đình hay đi hội nghị ở đâu thì phải lo tất. Mới đầu sau khi thực hiện những chính sách trên bán thuốc khá chạy, nhưng vài tháng thì Bs ấy không dùng thuốc nửa. Tìm hiểu ra thì có đối thủ cạnh tranh khác chiết khấu cho họ. Dưới áp lực công ty tôi đến nhà gặp và hỏi ra lẽ với BS này thì ông yêu cầu phải chiết khấu 35% cho những toa thuốc ông ta ra. Thế là tôi phải chấp nhận và bắt buộc công ty nâng giá thuốc.

Từ ngày ấy bán thuốc rất chạy tôi dành dụm được một số tiền. Có lẽ bạn sẽ trách tôi phải chăng ? bạn sẽ cho tôi tham tiền phải không ? Thưa bạn nếu tôi không làm việc đó thì tôi sẽ làm gì trên đất này ? tôi phải sống bằng gì ? ba mẹ già tôi ai lo ? Mọi người họ vẫn cho việc đó là bình thường mà, bạn bè tôi bao nhiêu đứa vẫn vui vẻ làm vậy mà, bao nhiêu anh chị đi trước họ vẫn làm vậy mà ? Có lẽ bạn sẽ trách những bác sĩ vô lương tâm cho thuốc đó phải không ? Xin bạn đừng làm thế, chính là bạn đã trách tôi rồi. Sau thời gian làm trình dược viên tôi có một số tiền kha khá và có một số quan hệ, nên tôi xin được vào làm hợp đồng một bệnh viện một cách trôi chảy, họ không yêu cầu chuyên khoa hay kinh nghiệm gì.

Tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng vì mình được làm nghề mà mình yêu thích, được khám và điều trị cho bệnh nhân. Nhưng than ôi sau vài tháng thì số tiền dành dụm ngày trước đã cạn dần. Tiền lương mà họ trả cho tôi chỉ đủ đổ xăng và ăn sáng mỗi ngày. Thế mà bây giờ tôi phải nuôi vợ và con nhỏ [lúc này tôi đã có vợ và một con]. Bạn thử hỏi tôi phải làm gì có tiền trong thời điểm này, Thế là tôi phải đi vào con đường tội lỗi như bao bác sĩ khác. Hàng loạt trình dược viên đua nhau đến nhà tìm tôi giống như tôi ngày trước. Bạn nghĩ tôi phải từ chối họ phải không, bạn nên nhớ rằng tôi đã từng là trình dược viên, nên tôi hiểu rõ hoàn cảnh và công việc của họ, cũng chỉ vì miếng cơm manh áo như tôi và cuối cùng tôi cũng phải tiếp họ. Sau một tháng cho thuốc họ lần lượt đến nhà trao tiền huê hồng cho tôi.

Bạn nghĩ tôi lấy tiền đó không ? Bạn phải bảo tôi sống bằng không khí chăng, lấy gì lo đóng tiền học cho con tôi ? Khi lấy tiền thì phải cho thuốc dù ít hay nhiều. Hỡi những người bệnh, hỡi những linh hồn hãy tha lỗi cho con. Con không có sự lựa chọn nào khác. Bạn có cho rằng tất cả những BS đều nhận huê hồng từ toa thuốc bệnh nhân không ? Tất nhiên là không vì có một số bác sĩ không ngồi ở phòng phám thì lấy gì mà trình dược viên chi tiền. Đó là những vị phó trưởng khoa, những vị giáo sư tiến sĩ, họ làm việc chủ yếu là ở phòng mạch thôi, lương họ cũng không hơn tôi bao nhiêu đâu. Tiền đâu họ mua nhà cao, có xe hơi như vậy. Bạn đến phòng mạch mấy ổng xem, bán thuốc không còn nhãn hiệu, chỉ đưa một bọc rồi hướng dẫn cách uống.

Nhiều lúc tôi tự hỏi phần lớn những viên thuốc đó là bột mì phải không ? Chứ tại sao mấy ổng nhà cao cửa rộng vậy ? Những thành phần khác không làm phòng phám bệnh viện, cũng không khám phòng mạch đó là ban giám đốc, các ông làm ở sở. Lương họ cũng không hơn gì tôi vậy mà các ổng đi xe hơi và nhà cao cửa rộng. Bạn thử hỏi ổng lấy tiền từ đau ? Nếu các bạn ở xa về ghé thăm Việt nam, bạn bị bệnh thì đi khám ở đâu ? Bạn vào phòng khám của các ông giáo sư, tiến sĩ, coi chừng uống nhầm bột gì đó đấy. Bạn không có quyền ý kiến nếu có thì không được tiếp đón nữa vì họ có quá nhiều bệnh nhân mà. Lỡ thay ông ấy có cho bạn uống thuốc lộn bị tử vong thì cũng không thưa kiện ai được, vì thuốc ấy không nhãn hiệu thì có trăm ngàn lý do cho ông ta giải thích, nếu bạn gởi lên sở hay bộ thì cũng vô ích vì đó là một nhà mà. Nếu bạn vào bệnh viện bạn sẽ được khám sơ sài rồi cho một bọc thuốc 7-8 loại dù là có trường hợp không cần uống thuốc.

Tức là bạn sẽ được trình dược viên điều trị từ xa rồi đó. Bạn không có quyền thưa kiện gì cả, trên đất này có nơi nào xử kiện cho bệnh nhân không ? Nếu lỡ bị bệnh bạn phải nhập viện điều trị thì bạn sẽ cho lên nằm 2 người một gường, nếu than phiền thì về, bạn sẽ bị họ hét nạt, từ người giữ xe, cho đến cô hộ lý, y tá .... Nếu được tâm sự bạn sẽ nghe họ giải thích bằng những lời lo ló.... Bạn không có quyền ý kiến gì, và hầu như tất cả mọi bệnh nhân phải làm tuân thủ như vậy vì không còn sự lựa chọn nào, họ chỉ muốn khỏi bệnh và ra khỏi cái nơi này càng sớm càng tốt. Bạn nghĩ tôi có đối xử như vậy với bệnh nhân không ? Đó là chuyện cư xử bình thường mà, không những trong bệnh viện mà còn nhiều nơi khác, ở bất kỳ cơ quan nhà nước nào. Nếu bạn có chỉ định phẫu thuật thì phải chạy đến nhà ông trưởng khoa ngay chứ không thì nằm hoài đó đấy. Người ta sẽ mổ như thế nào là tùy thích, lỡ có bị chết đi cũng không có quyền thưa kiện, bởi bạn kiện ai, gởi đơn nơi nào ? Bởi họ là người một nhà mà.

Không có nơi nào binh vực cho người dân đen trên xứ sở này. Trong những năm gần đây có một số y tế tư nhân, dịch vụ ? Nhưng bạn có tin chắc họ tốt hơn không ? Phần lớn những bác sĩ làm ở cơ sở tư nhân từ bệnh viện nhà nước, quan điểm của họ là lợi nhuận, nếu bạn vào khám thì họ cho làm xét nghiệm đủ thứ, họ sẽ khuyên bạn nhập viện và sẽ đòi mổ bạn ngay, vì mổ họ sẽ có tiền mà. Bạn cũng không thưa kiện ai, vì họ cũng là một nhà mà, không có nơi nào binh vực cho bệnh nhân trên đất nước này. Kính thưa các bạn, bạn có tin những lời tôi là sự thật hay không ? Bạn cứ hỏi các bác sĩ phòng khám có ai không nhận tiền huê hồng hay quà cáp từ trình dược viên hay không ? Nếu họ trả lời không thì họ dối lòng rồi, bởi lẽ nhìn vào đồng lương của họ bạn sẽ hiểu ? Hầu hết chúng ta đều có ít nhất một lần vào bệnh viện, bạn hãy kiểm chứng những điều tôi tôi nói có đúng hay không ? Chỉ thương cho những người dân cùng khổ, họ phải chịu đựng đến bao giờ ? Bạn phải khuyên tôi phải sống như thế nào ? Và nền y học Việt Nam sẽ đi về đâu ? Nếu bạn có ý kiến gì không hài lòng bài viết này xin gởi email về cho tôi.

Lê Quang Thông, Đà Nẵng

Tôi cũng là Bs, năm 1975 là năm thứ tư ĐHYK. Cha tôi là Đại tá chế độ cũ,học tập 13 năm... Tôi vẫn làm việc tại BV Nhà nước. Tôi biết và rất kính phục Bs Phan Thanh Hải, một "nhân tài y khoa hiếm có của Việt nam" và Bs Trung là đàn em Bs Hải cũng là một "nhân tài của Medic". Ngoài chuyên môn y khoa, tôi biết Bs Trung rất giỏi về Điện toán và đa số các Bs Medic rất có tấm lòng với bệnh nhân chứ không riêng gì Bs Hải.

Tôi còn nhớ tại Internatinal Congress of Radiology tại Singapore 1994, khi Bs Hải báo cáo về Phát triển Siêu âm tại Việt nam,các đồng nghiệp thế giới nghe khám Siêu âm một lần 1USD, [hiện nay siêu âm là 20.000VND] anh nào cũng ngạc nhiên, nhưng chính có những người như vậy, "dám" du nhập kỹ thuật cao và giá có thể chấp nhận với thu nhập hiện nay và như thế người bệnh nhân Việt nam vẫn hưởng đựợc các thành tựu y khoa tân tiến "giá bèo" chẳng thua gì các nước trong khu vực và Âu Mỹ, và tôi chắc rằng phát biểu của Bs Trung rất thành thật và anh ta rất yêu Việt Nam hiện tại.

Gạt ra ngoài các thành kiến chính trị và nhận xét chủ quan của vài thính giả, tôi nghĩ Việt nam bây giờ đã khác xưa nhiều lắm, dĩ nhiên còn cái kém cõi...chứ đâu đã hoá rồng, nhưng ai cũng hướng về tương lai và muốn làm một cái gì đó cho đất nước, ngay cả cựu Phó TT Nguyễn Cao Kỳ cũng nghĩ nên quên chuyện cũ [Phỏng vấn của BBC], cho nên nói như Vũ Thành An "lâu rồi đời mình cũng qua" và ai cũng rất thích khi cuộc sống của đất nước dần dần tốt lên.

Eric Le, USA

To Dr. Trung, You are right that Vietnam is changing rapidly and I am glad to see such changes. However, Vietnam needs to do much more. The professionals with positive thoughts and entrepreneurial spirits like you are the backbone to lead Vietnam's economy to the better and who knows, an economic power within a few decade. Please understand and keep in mind that the Vietnamese community, in the USA and all over the world, does stand by you and appreciate what you do for Vietnam and other Vietnamese, to bring about positive changes. Some negative individuals do not represent the whole expatriate Vietnamese community. Keep up the good work and the positive thoughts.

Trả lời của BS Phan Xuân Trung

Thật thú vị khi phát biểu của tôi tại mục Chân dung thính giả lại được nhiều sự chú ý như vậy. Những ý kiến của quý vị thật đáng quan tâm khiến tôi phải suy nghĩ và phải có lời đáp.

1. Giới thiệu về bản thân

Để đánh giá một lời phát biểu đôi khi cần biết người phát biểu là ai, đại diện cho tầng lớp nào. Bạn Nguyễn Chiến – New York đã quan tâm đến điều này, tìm hiểu xuất xứ của tôi, vì vậy tôi phải tự giới thiệu về mình để tránh sự ngộ nhận hay suy diễn sai lầm.

Tôi là người miền Nam, gia đình không có ai tham gia Cách Mạng. Tôi trải qua thời thơ ấu và lớn lên sau ngày đất nước thống nhất. Tôi đã học hành như bao nhiêu bạn khác và vào đại học bằng chính sức lực của mình mà hoàn toàn không phải do lý lịch. Tôi thi đậu và học Đại Học Y Dược TPHCM hệ chính quy, không phải chuyên tu, không phải tại chức.

Mẹ tôi đã một mình nuôi tôi ăn học dù phải bị ho lao 2 lần do vất vả !

Tôi học tập, lao động và gặt hái kết quả từ chính sức lao động của mình như những người Việt Nam khác, không có gì gọi là “ưu thời mẫn thế” hay có những “điều kiện đặc biệt” như hai bạn Kắc Kớ và Thiện nghĩ đâu.

Vì vậy, tôi có thể đại diện cho những người Việt Nam bình thường phát biểu đúng những gì mình nghĩ. Khi phát biểu, tôi dựa vào thực tế chung chứ không căn cứ vào trường hợp đơn lẻ, bạn Nguyễn Chiến nên nhớ điều này.

2. Tôi có sợ hãi không khi trả lời phỏng vấn đài BBC ?

Thưa không. Tôi không làm điều gì phạm pháp hay gây phương hại đến an ninh quốc gia. Tôi không thích chuyện chính trị. Tôi đang thể hiện quyền tự do ngôn luận mà Pháp luật Việt Nam cho phép.

Tôi nhận được câu hỏi phỏng vấn của BBC bất ngờ và tôi trả lời phỏng vấn của phóng viên đài BBC bằng những suy nghĩ chân thực nhất từ đáy lòng về Đất Nước mình sinh ra và lớn lên. Những phát biểu của tôi không có chuẩn bị và đài BBC cũng không hề xin phép Sếp của tôi trước đó. Cảm ơn bạn Quang, Sài gòn, bạn Đặng Hân và bạn Lê Minh Tâm đã quan ngại.

Tôi không hề ngại sự chỉ trích từ bất kỳ ai về phát biểu của mình. Mỗi người có quan điểm riêng tuỳ trình độ nhận thức và trạng thái tâm lý hiện tại của họ, không thể bắt ép ai theo ý mình. Bạn Hàn – Sài gòn không cần kêu gọi, mọi người sẽ tự nhiên phát biểu khi thấy cần và hãy để BBC làm chức năng của họ.

3. Chuyện ngành y tế

Có lẽ bạn Người Việt Nhớ Nhà đang miên man trong những nỗi nhớ nhung nên không nghe rõ những phát biểu của tôi. Tôi nào dám khoe khoang y tế Việt Nam so với y tế Hoa Kỳ nơi Bạn đang làm việc. Tôi cũng chưa hề đề cập đến hệ thống y tế Việt Nam hay sự công bằng giữa người giàu và người nghèo lời nào. Vì vậy những ý kiến của bạn là một đề tài mới. Tuy nhiên, khi bạn bàn đến vấn đề này tôi cũng xin phép được tham gia.

Trước đây Nhà Nước bao cấp về y tế và giáo dục, người nghèo nào cũng được chữa bệnh và học hành miễn phí, chắc bạn còn nhớ? Cái thời đó đã qua và Việt Nam đang bước vào nền kinh tế thị trường - nền kinh tế chi phối bởi tiền bạc. Vậy thì có gì khó hiểu về chuyện người giàu đi chữa bệnh ở nước ngoài mà bạn thắc mắc? Họ có tiền thì có quyền hưởng những dịch vụ tốt nhất chứ sao? Còn người nghèo bị bệnh ai thấy mà không tội nghiệp? Tuy nhiên nếu chỉ chép miệng tội nghiệp suông như bạn thì ai cũng chép miệng được hàng ngàn cái. Nếu bạn muốn làm người khác động lòng từ đề tài này thì không khó, bạn có thể kiếm dẫn chứng ở ngay nơi bạn đang ở.

Nhà nước Việt Nam đang cố gắng thoát khỏi những điều không mong muốn đó. Chính sách xoá đói giảm nghèo đang mang lại nhiều kết quả, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo giúp mang lại ánh sáng cho hàng ngàn bệnh nhân nghèo mù, chương trình vì nụ cười trẻ thơ chữa trị dị tật sứt môi, hở hàm ếch. Những bệnh xã hội như Lao, Phong, Tâm Thần… được Nhà Nước chữa trị hoàn toàn miễn phí. Những đoàn Công Tác Xã Hội thường xuyên khám và phát thuốc miễn phí cho đồng bào vùng sâu vùng xa. Mạng lưới y tế phủ khắp đất nước, mỗi phường, xã đều có Bác sĩ, Bảo hiểm y tế tự nguyện đang vươn đến hộ dân nghèo… Bạn không nhận thấy lòng nhân đạo tràn ngập trong những việc này sao?

Bạn đúng khi thấy Sài gòn đổi mới với những Hotel lộng lẫy. Những Hotel đó phải đi trước để có tiền xây dựng Nhà Thương và Trường Học. Có lẽ bạn chỉ kịp thấy Hotel mà chưa kịp nhìn thấy hàng loạt Bệnh Viện chuyên khoa cao cấp cả công lẫn tư, với trang thiết bị hiện đại đang mọc lên trên khắp miền đất nước. Những hiện tượng phát triển hiện nay là biểu hiện của chủ trương, chính sách từ nhiều năm trước. Nhiều Việt Kiều bị bệnh phải về Việt Nam chữa bệnh với chi phí rẻ mạt đó.

Bạn đừng nghĩ rằng những bệnh nhân khám tại Clinic mà tôi đang làm việc là những bệnh nhân giàu có và vì vậy tôi không thấy được hoàn cảnh của người nghèo khổ. Những người đến với chúng tôi hầu hết là người nghèo từ các tỉnh lỵ xa xôi, vì chi phí khám bệnh ở đây hoàn toàn không mắc hơn bệnh viện nhà nước nhưng nơi đây lại có thiết bị chẩn đoán hiện đại. Bản thân tôi cũng như bao người khác đều xuất phát từ con số không tài sản kể từ trước năm 85. Mẹ tôi phải trị bệnh Lao 2 lần. Sao tôi lại không thông cảm những hoàn cảnh như vậy?

Bạn nói rằng nơi bạn làm việc ở US toàn những người nghèo! Bạn có nói hớ không? Qua lăng kính của người Việt Nam sống tại Mỹ, tôi tưởng điều đó không hề có chứ!

Cám ơn bạn nhắc nhở về chuyện Y Đức “… tôi chắc chắn với bạn rằng dù có chữa cho nhiều dân nghèo đi nữa bạn cũng không chết đói đâu…”. Dù cho đã trải qua những ngày tháng tăm tối nhất, gia đình tôi chưa hề đói ngày nào do vậy không cần bạn nói điều này. Bạn hãy giữ lại câu ấy cho chính bạn.

Bạn Kắc Kớ hỏi “Có bao giờ ông bác sĩ chữa cho những con bệnh không hề có tiền mà chỉ có bệnh không ?”.

Thưa có ạ! Khi là sinh viên tôi vẫn thường dẫn anh em đi làm công tác xã hội, khám chữa bệnh và ủy lạo lũ lụt. Khi ra trường tôi làm việc tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chuyên về bệnh Lao phổi. Cho đến nay tôi vẫn chưa mở phòng mạch tư để kiếm tiền từ bệnh nhân dù đã quá hạn thâm niên từ lâu. Tôi mở website YKHOANET từ tiền túi của mình dể phục vụ miễn phí cho dân Việt Nam, thường xuyên trả lời thắc mắc sức khoẻ qua mạng mà không hề đòi thù lao. Về TTYK MEDIC, không ít bệnh nhân nghèo đã được Ông Chủ tôi miễn giảm phí khám bệnh, ngay cả chụp CT, MRI và cả tiền mổ xẻ chữa bệnh nữa. Điều này chỉ có thể xảy ra khi có một tấm lòng.

Và thêm một điều nữa, tôi được sinh ra cùng lúc với cái bao tử của tôi nên tôi cũng cần phải ăn để sống. Ngành y tế Việt Nam cũng vậy, cần phải thu để tái sản xuất sức lao động và để nâng cấp cơ sở vật chất.

4. Nhìn vào thực tế

Nếu ai đó được một lần đến Saigon hôm nay, nhìn thấy nhịp sống hối hả của người dân thành phố hẳn sẽ biết rằng không ai có thì giờ nhàn rỗi uống cà phê kiểu “giết thì giờ” như 10 năm về trước. Quả có thế thật trong những năm đói nghèo bao cấp. Nhưng sức sống của người Việt Nam không bị dừng lại ở đó. Khi được tháo xích xiềng cấm vận, người Việt Nam đã tự lực, tự cường đi lên trên chính đôi chân của mình. Từ thiếu ăn đã thành nước xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới. Từ nước nhận viện trợ đã thành nước giúp viện trợ. Năm 2003 Việt Nam được Thế giới đánh giá cao, có tốc độ phát triển kinh tế đứng hàng nhất nhì thế giới. Người dân Việt Nam sống trong yên bình, không lo khủng bố, không có chiến tranh. Việt Nam được đánh giá là nước an ninh nhất thế giới. Ngành y tế Việt Nam khiến thế giới nể mặt về quản lý phát triển dân số, ngăn chặn dịch SARS… [tham khảo BBC và VN Express]. Giờ đây người Việt Nam có quyền tận hưởng những giờ phút thong thả bên quán cà phê hay quán nhậu sau một ngày lao động hết sức.

Bạn hãy hình dung một người bất chợt bị mù mắt thì trong ký ức họ còn lại những hình ảnh gì? Chỉ là những hình ảnh của quá khứ, phải không ? Họ không thể nhìn thấy hiện tại đang xảy ra đựợc huống hồ là tương lai, có phải vậy không bạn Nguyễn Hoàng - USA ? Tôi mong bạn mở mắt nhìn về tương lai chứ đừng nhắm mắt hình dung về quá khứ.

Nếu các bạn vẫn nhìn thấy ở đâu đó người ta còn xài giấy bạc 100 đồng, nếu các bạn còn thấy những em nhỏ lang thang đánh giày, bán vé số kiếm sống… thì bạn hãy làm điều gì đó giúp đỡ cho các em chứ đừng bắt chước những người Mỹ bàng quan chụp hình các em làm kỷ niệm hay làm bằng chứng về sự đói nghèo của Việt Nam. Chính bom đạn và lệnh cấm vận của họ đã dìm Việt Nam vào bước lùi lịch sử, để lại sự nghèo đói mà chính bạn phải trốn chạy.

Bạn có trí tưởng tượng thật phong phú khi nói rằng “trẻ con trên khắp thế giới đều đang ăn trưa và đang học tại trường”. Bạn đã đi khắp thế giới để có cơ sở cho điều bạn nói chưa? Tôi chưa đi khắp thế giới để kiểm chứng lời bạn nói nhưng chí ít đã thăm 7 đất nước, cả Anh Quốc giàu có và cả Campuchia nghèo khổ, để hiểu Việt Nam đang ở vị trí nào.

Bạn Hoàng-USA nên học cách nhìn phần nước có trong ly chứ đừng nhìn quá lâu vào phần vơi của ly nước đó. Chẳng có gì trên đời này toàn bích đâu. Tôi thường giảng cho các bạn trẻ trong Lớp Tư Duy Tích Cực rằng, trong tư duy chúng ta có 4 phần: thiện [possitive thinking], ác [negative thinking], rác [Wast thought] và cần [Necessary thought]. Hãy giữ lấy phần Thiện và phần Cần thiết thôi bạn ạ, đừng giữ phần Ác và phần Rác trong đầu nữa. Là người Việt Nam bạn hãy có tấm lòng với quê hương đất nước mình đi. Dẫu cho đất nước hôm nay còn ốm o trong khó khăn thì cũng hãy vui vì cuộc sống hôm nay đã khác ngày qua.

Có thể nào tin những người “có tấm lòng” mà suốt đời buông ra những lời chưởi rủa, chỉ trích, thoá mạ, bêu xấu? Có thể nào tin những người nhân danh “vì đất nước Việt Nam” mà vỗ tay hoan hô khi con cá Basa bị Mỹ chơi tồi? Tôi không tin.

5. Cát bụi và tấm lòng

Tôi không chỉ thích bài Cát Bụi của Cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà nhiều bài khác nữa. “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng… Để làm gì? Em biết không? Để gió cuốn trôi…”

Ít người hiểu được tại sao “để gió cuốn trôi” nhưng ai cũng hiểu “cần có một tấm lòng”.

Tôi nghe một Bác Sĩ Bậc Thầy nói rằng “đồng cảnh thì mới đồng cảm” . Cảm ơn bạn Cao Quang, NoName và các bạn khác đã đồng cảnh và đồng cảm với tôi. Dẫu cho mai này thân thể có thành cát bụi thì vẫn còn đó một tấm lòng với quê hương đất nước.

Nguyễn Khoa, Houston

Khi nghe lời bác sĩ Trung, tôi không khỏi nghi ngờ về sự trung thực của nó. Trong một xã hộI mọi người không được nói lên nhưng gì mình muốn, từ thủ tướng đến thường dân.

No Name, HCMC

Tôi thấy BBC đăng tin một chiều. Tôi biết BBC nắm thông tin về Việt Nam rất rõ, nhưng chỉ biết đăng những tin xấu về Việt Nam thôi. Ví dụ như bài phát biểu của bác sĩ Trung, tôi có nghe bài phát biểu của bác sĩ Trung trên đài và khi đọc lại bài viết của đài thì BBC đã cắt bớt vài câu và chính những câu này gây sự hiểu lầm về cuộc sống ở Việt Nam. Tôi đọc một số ý kiến của các bạn ở trên đây, và tôi biết được bạn nào ở Việt Nam, bạn nào ở nước ngoài. Những bạn ở nước ngoài thì tôi thấy hình như là họ đã từng về Việt Nam nhưng cách đây hơn 5 năm hoặc là chỉ nghe kể về Việt Nam, mà những lời kể này đã cũ rích rồi.

Người Việt nhớ nhà, Dallas

Tôi thường theo dõi đài từ lâu, chủ yếu để biết thêm tin tức ở quê nhà. Bản thân tôi có tính thích quan sát và để ý, chú ý khi phát biểu. Nhưng khi nghe cuộc phỏng vấn của BBC với anh bác sĩ Trung tôi có vài ý kiến muốn nói. Với tư cách là một người bạn đồng nghiệp, và sau đó là một người đồng hương. Tuy đã ở bên này hơn 23 năm, nhưng Việt Nam vẫn luôn ở trong tim tôi. Cứ mỗi năm tôi thường về Việt Nam cùng với phái đoàn bác sĩ, đa số từ USA, đa số là người Mỹ, với nhiều chuyên khoa, cả ngoại lẫn nội, và ngay cả nhi đồng. Đôi khi tôi có cơ hội về Việt Nam đến 2 lần trong một năm, như năm ngoái chẳng hạn, do đó tôi có thể nói một cách tự tin rằng những nhận xét của tôi về Việt Nam là khá mới và có thể nói là hiện tại.

Nếu mà BBC hỏi tôi như là câu hỏi đã hỏi bác sĩ Trung thì cái nhận xét của tôi có nhiều cái khác, nhất là về hệ thống y khoa, hệ thống bệnh viện và sự công bằng của người giầu nghèo khi họ mắc bệnh, ngay cả trường hợp cấp cứu. Nếu mà bạn có tiền thì cái gì cũng có, mấy bác sĩ cũng được, thậm chí theo bạn đồng nghiệp của tôi làm việc ở Sài Gòn nói là họ còn ra nước ngoài như là Singapore, Hongkong... Bản thân tôi ở University Hospital bên US cũng có VIP cán bộ là bệnh nhân. Cái mà tôi muốn nói là người nghèo ở Việt Nam họ tội lắm, nằm la liệt ở bệnh viện, nặng cũng như nhẹ, cấp cứu hay không cấp cứu cũng phải chờ mút mùa nếu mà người đó không có tiền.

Lần vừa rồi lúc đang còn ở Việt Nam, có một người bạn bị té xe, chấn thương sọ não - closed head injury, with subdural hematoma - vậy mà nằm hơn 36 tiếng mới được chụp hình. Về chuyên môn chăm sóc thì rất là sơ sài. Tôi có đến thăm bệnh nhân này mới thấm thía được cái khó khăn của một người bệnh nhân nghèo. Lúc thăm bệnh nhân này, tôi đi với vài người quen chứ không có ai biết tôi là bác sĩ cả.

Sự thật mà nói, nếu mà ngồi để nói cho bác sĩ Trung biết cái thiếu sót nào thì không biết đâu mà nói cho hết. Tôi nghĩ bác sĩ Trung cứ rời phòng mạch của mình và thường xuyên vào những bệnh viện công sẽ thấy. Nếu cứ khám bệnh nhân trong clinic của mình thì bác sĩ chỉ thấy được ai cũng cơm no áo ấm. Họ có tiền mới đến clinic của bạn. Thử hỏi bản thân của bạn sẽ cư xử như thế nào nếu hàng ngày bà con xóm làng ở cạnh clinic của bạn cứ đến khám nhưng hoàn toàn không có khả năng để trả, và bạn có thể bị truy tố trước pháp luật nếu bạn từ chối người bệnh nhân ấy. Ở bên US này là chuyện dĩ nhiên, và cũng nên nhắc bạn rằng bệnh nhân của tôi đa số là nghèo, tại vì bệnh viện của tôi làm ở innercity nên người nghèo nhiều lắm. Nhưng tôi chắc chắn với bạn rằng dù có chữa cho nhiều dân nghèo đi nữa bạn cũng không chết đói đâu.

Tôi cũng muốn nói với bác sĩ Trung rằng tôi thuộc về thế hệ trẻ, lúc giải phóng về tôi còn bé, năm nay chỉ hơn bác sĩ Trung có 3 tuổi thôi. Tôi không muốn pha trộn chính trị vào y khoa, vào tình thương và sự đối xử giữa người lương y thầy thuốc với bệnh nhân, nên những nhận xét này không có ý để chỉ trích hay lên án một điều gì. Tôi đồng ý với bạn là Sài Gòn có nhiều cái đổi mới lắm. Nhiều hotels thật lộng lẫy, nhpng bệnh viện thì quá cũ kỹ, và lạc hậu, và quá tải.

Cao Quang, Hà Nội

Tôi rất thích "Ý kiến của bạn". Đây là chuyên mục rất hay tạo cơ hội cho những người bình thường như chúng tôi bày tỏ ý kiến của mình. Đã là người Việt Nam ai ai cũng muốn cuộc sống ngày một tốt đẹp lên, người nghèo sẽ giảm đi. Các bạn cũng như tôi cùng góp thêm nhiều ý kiến để mục đích đó nhanh chóng đạt được. Và tôi thấy rằng: dù là Đảng Cộng Sản hay bất kỳ một đảng nào đi chăng nữa, thì cuối cùng cũng có một ước muốn cho đất nước chúng ta được tốt hơn lên. Còn những cá nhân hay một vài người nào đó làm sai trái thì chúng ta phải ra sức chống lại, đánh lại. Theo tôi nghĩ cũng có nhiều bạn vì một nỗi tức giận nào đó mà buông những lời không đúng mực thi nên gạt đi những giận dữ đó để có thể có những đóng góp cho đất nước bổ ích hơn. Những gì khổ đau hay buồn giận của từng cá nhân rồi sẽ qua đi khi chúng ta biết bao dung và tha thứ. Rồi một ngày nào đó, bạn sẽ thấy tình yêu đất nước trong bao dung sẽ lớn dần thành tình yêu nhân loại và thế giới đang sống.

Quang, Saigon

Lâu nay có nhiều bác sĩ bị bắt vì liên quan chính trị. Tôi tự hỏi ngành ấy có nhiều tiêu cực gì không, thử khi nào chúng ta bàn về nền y học Việt Nam trên BBC xem sao ?

Hàn, Saigon

Tôi rất thích mục chân dung thính giả này. Tôi muốn các anh chị trích các ý kiến về bác sĩ Xuân Trung. Hãy để cho người ta chỉ trích, hãy để cho người ta ca ngợi. Sự thật phải được phơi bày. Đó mới là tính cách của BBC.

Đặng Hân,

Xin quí anh chị hãy cẩn thận trích những thư từ phản ánh của BS Phan Xuân Trung. Vì trung tâm MEDIC là một y tế tư nhân, mặt dù được nhà nước cho phép, nhưng họ luôn kèm chế sự phát triển. Nếu có một sơ xuất nào thì ngoài Hà Nội sẽ bắt lỗi. Bs Xuân Trung là bác sĩ bình thường không đại diện cho MEDIC, nhưng đó cũng là cớ để cho họ theo dõi.

Nguyễn Chiến, New York

Cháu xin mạo muội làm một bài toán nhẩm. Bác sĩ năm nay 37 tuổi, vậy cháu xin phép năm sinh của bác sĩ là 1966, 18 năm sau bác sĩ tốt nghiệp phổ thông trung học, tức là khoảng vào năm 1984 bác sĩ vào đại học. Theo cháu biết thì vào những năm đó thì vào đại học Y khoa, trước tiên là lý lịch phải tốt, cha mẹ không dính dáng với chế độ trước 1975, hay là con của những người gọi là có công với cách mạng, thì sẽ được ưu tiên, được cộng thêm điểm. Hồi đó bác sĩ có học đại học chuyên tu hay tại chức không ? Chuyên tu, tại chức là dành cho những cán bộ kháng chiến học chưa hết lớp 12, nhưng vẫn vào được đại học, và cho cả con cán bộ có chức quyền. Người Việt chúng ta có câu "ăn cây nào rào cây đó" thì cháu cũng không có gì ngạc nhiên khi bác sĩ phát biểu như vậy. Bác sĩ muốn biết người ta có được thoải mái, hay là không bị stress, thì bác sĩ nên nhìn vào những mảnh đời khác, chứ bác sĩ nhìn vào quán cà phê mà bác sĩ đánh giá là những người trong đó trên khuôn mặt họ không thấy stress và thấy họ thoải mái, bác sĩ nói như vậy thì có công bằng cho những đứa trẻ bán vé số hay những đứa nhỏ đánh giầy không ? Bác sĩ nghĩ sao khi một đứa trẻ mà bán chưa hết vé mà đã đến giờ xổ số ? Người ta đứng bên ngoài thì quan điểm người ta không có giá trị, vậy những người bên trong nước có được những tiếng nói theo quan điểm của mình như bác sĩ nói là có giá trị không thưa bác sĩ ? "Chợt một chiều tóc trắng như vôi" thì lúc đó đã muộn màng. Có thể lúc đó thế hệ sau sẽ trách móc chúng ta, khi chúng ta hài lòng với những khuôn mặt không bị stress và rất thoải mái mà bác sĩ thấy trong quán cà phê. "Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy..."

Nguyên Hoàng, Hoa Kỳ

Nếu BS Trung thích "Cát Bụi" của Trịnh Công Sơn thì nên thêm thời giờ buổi trưa ngồi quán cà phê vĩa hè, không có nhạc. Ở đó BS mới nhìn đúng được vấn đề từ trong lòng cuộc sống thật, cảnh sống thật của đại đa số người. Hãy ngồi và nhìn qua bên kia đường một hai phút, BS sẽ thấy năm ba đứa trẻ con. Quay lại nhìn quanh mình gần hơn bên trái bên phải, BS sẽ nhìn thấy năm ba đứa trẻ con khác. Chúng đang làm gì? Có phải tuổi thơ VN đang lang thang nhếch nhác kiếm ăn???. Trong khi đó buổi trưa, trẻ con trên khắp thế giới đều đang ăn trưa và đang học tại trường. Chắc chắn tuổi thơ VN chẳng muốn hiểu, chẳng muốn nhìn vấn đề từ trong lòng cuộc sống đó. Cái nhà nước mà BS đang phục vụ nó cũng chẳng để mắt. Và tôi hy vọng rằng BS chẳng theo chân các đàn anh.

Lê Đạt, tp.HCM

Chào đài BBC. Tôi nghĩ diễn đàn này là một đề tài khá thú vị đây. Việc bác sĩ Trung có ý kiến về công việc của anh và các vẫn đề xã hội Việt Nam hiện nay, những phát biểu của bác sĩ Trung rất bổ ích lắm chứ.

Lê Vũ, tp.HCM

Tôi cứ nghĩ bệnh viện Hòa Hảo là của nhà nước. Các bệnh viện công còn phải nhờ đến bệnh viện của bác sĩ Phan Thanh Hải nữa. Nếu vị nào ở nước ngoài ở nước ngoài cứ về xem xã hội đã thay đổi rồi. Gia đình tôi đều theo chế độ trước giải phóng. 1975 tôi mới sinh ra.

Lê Minh Tâm,Saigon

Yêu cầu BBC vui lòng giấu lí lịch của người góp ý nếu thấy nguy hiểm. Bác sĩ Trung tôi tin chắc trước khi được BBC phỏng vấn đã phải xin phép sếp của anh, bằng không không cho anh về quê thì khổ, làm sao anh dám nói lên cái thật trong lòng ?

Kắc Kớ, Vietnam

Tôi nghĩ rằng chân dung cuộc sống muôn hình muôn vẻ. Có những cái chân dung không là chân dung vì ta không nhận ra, những mảnh đời bất hạnh. Có bao giờ ông bác sĩ chữa cho những con bệnh không hề có tiền mà chỉ có bệnh không ? Ông và những kẻ ưu thời mẫn thế như ông nói làm gì những điều tốt đẹp không thôi. Một xã hội gọi là vì dân lại không hề có một nhà thương thí, vào viện việc đầu tiên là ứng tiền rồi mới chữa ? Ông nghĩ sao?

Thiện, Vietnam

Gửi ông bác sĩ Trung. Với những điều kiện khá đặc biệt của ông thì ông thấy Việt Nam tốt là điều hiển nhiên. Nhưng cũng chỉ quanh quẩn ở tp.HCM, tức là cửa ngõ của đất nước. Vậy xin hỏi ông có tưởng tượng hiện tại ở miền Bắc vẫn còn sài giấy bạc 100 đồng ? Về việc vui vẻ uống cà phê thì quả thật khôi hài, vì đây là tệ nạn giết thì giờ ở Việt Nam từ hơn 10 năm trước. Nếu có ai thống kê chắc chắn là số lượng quán cà phê nhiều nhất so với hàng quán, dịch vụ, ngành nghề khác. Vì đơn giản vừa rẻ tiền, vừa giết thì giờ dễ dàng nhất. Về khoản này nước Mỹ cũng không bằng Việt Nam ta đâu ông Trung ạ.

Video liên quan

Chủ Đề