Bạn đánh giá thế nào về những khó khăn hiện tại trong học tập và trong cuộc sống của bạn

Mọi thứ đều sẽ qua

Thời gian vẫn trôi, theo thời gian vạn vật đều đổi thay. Điều đơn giản này ai cũng biết nhưng lại ít người nắm bắt để tự tạo niềm tin cho bản thân bởi họ thường chỉ đau khổ và thở than với những khó khăn hiện tại. Ngày mai sẽ không giống hôm nay, chỉ cần bạn lặp lại “câu thần chú” này mỗi ngày để hiểu rằng “rồi trời lại sáng và ta lại ... ráng”.

Nhắc bản thân về những điều tốt đẹp đã từng có trong cuộc sống

Khi rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng, chúng ta thường quên đi những giai đoạn đẹp đẽ trong cuộc sống trước đây. Không có điều gì là mãi mãi. Bạn đã có những ngày tươi đẹp nên dù hôm nay khó khăn ra sao thì không có nghĩa tương lai sẽ như vậy, nó có thể lại tươi đẹp một lần nữa!

Có một bài học rất hay mà nhà văn Vũ Trọng Phụng từng mô tả trong cuốn “Hà Nội 36 phố phường”. Câu chuyện về người gánh nồi mỳ và vằn thắn đi bán, vì đồ ngon mà trở thành ông chủ mở được cao lâu. Khi mở cao lâu, ông lại bắt chước các ông chủ khác, chơi cờ bạc rồi vỡ nợ và trắng tay. Nhưng điều đáng quý là ông đã nhận ra sai lầm, lại ghé vai gánh mỳ và vằn thắn đi bán với nụ cười tươi nở trên môi. Và có lẽ điều tốt đẹp sẽ lại một lần nữa đến.

 [Nguồn ảnh: Internet]

Linh hoạt

Tưởng tượng bản thân như một cái cây trôi theo thác nước, thay vì cứ thả mặc theo dòng chảy và liên tục va vào bất cứ chướng ngại vật nào trên đường đi, chỉ cần bạn uyển chuyển “lách” mình đôi chút, hướng đi của bạn có thể sẽ rất khác. Ví dụ như bạn nhận được tin sẽ bị giảm lương trong nhiều tháng tới hoặc có khả năng sẽ nằm trong danh sách các nhân viên tạm thời nghỉ việc không lương, bạn ngay lập tức cảm thấy công ty chắc không còn trọng dụng mình hoặc bạn không đáng bị đối xử như vậy. Bạn buông xuôi, buồn chán và đôi khi tỏ ra khá chống đối. Thế nhưng, với tình hình khó khăn chung, thay vì cá nhân hoá sự việc và cảm thấy bị đả kích, bạn có thể tìm cách thảo luận lại với công ty để hiểu rõ hơn tình hình xem việc giảm lương này sẽ kéo dài bao lâu, có nằm trong chính sách của công ty không và nếu bạn phải tạm ở nhà không lương thì liệu có chế độ hỗ trợ nào bạn có thể nhận được.

Tìm ý nghĩa trong cuộc đời

Có lúc chúng ta thấy địa vị xã hội thật quan trọng, ta cần ngẩng mặt khi bước ra ngoài. Nhưng bạn lại nhận thấy một công việc đủ trang trải cuộc sống, cho ta sức khoẻ, sự cân bằng, thời gian ở cạnh gia đình lại quan trọng hơn. Vậy thì thay vì tìm cách so sánh với cuộc sống của ai đó, chăm chỉ làm tốt công việc hiện tại có thể khiến bạn hạnh phúc hơn nhiều bởi ngay lúc này đây bạn đã may mắn hơn rất nhiều người nếu vẫn còn một công việc để đôi lúc... căng thẳng và để được cống hiến.

Ví dụ như thay vì buông thả thời khoá biểu làm việc chỉ vì cho rằng không ai quản lý mình trong thời gian “work from home” [làm việc tại nhà], chúng ta hãy tự quản lý bản thân để làm mọi thứ ý nghĩa hơn khi “work from heart” [làm việc bằng trái tim]. Ý nghĩa của cuộc đời mỗi người chỉ có thể do chính mỗi người tự định nghĩa.

Luôn chuẩn bị cho bản thân những phương án phòng ngự

Cuộc sống luôn đầy rẫy những rủi ro và biến cố. Đây không phải là một nhận định khiến bạn bi quan hơn mà nó là một thực tế để chúng ta luôn “kích hoạt” chế độ chuẩn bị tốt nhất trong mọi hoàn cảnh. Khi dư dả, ta hãy học cách khiến “lương ơi, đừng sợ” để dành cho những lúc ốm đau, bệnh tật, dịch bệnh hoặc khó khăn khách quan. Nếu ta đang dần ... cạn kiệt tài chính, hãy học cách cắt giảm tối đa từ những thứ thích xuống những thứ thật sự cần. Và thay vì ngồi ủ rũ thụ động chờ đợi tình hình chung thay đổi, hãy thử tìm kiếm thêm cơ hội bên ngoài bởi dù cho thế nào, thế giới quanh ta vẫn không thể ngừng chuyển động và biết đâu đó một cơ hội phù hợp khác đang cần đến bạn.

 [Nguồn ảnh: Internet]

Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ không cảm thấy cô đơn trong “cuộc chiến” hiện tại với tình hình dịch bệnh lan rộng và những khó khăn như một hệ quả tất yếu đang diễn ra. CareerBuilder luôn cập nhật những tin tức mới nhất về chính sách dành cho người lao động, những cơ hội nghề nghiệp đa lĩnh vực và những bài viết hữu ích mỗi tuần tại CareerBuilder.vn!

[Nguồn: CareerBuilder]

Làm gì để vượt qua những khó khăn, áp lực khi gặp phải? Một câu hỏi của khá nhiều người trẻ trong thời buổi hiện nay

Tìm đọc những tấm gương có nghị lực vượt qua nghịch cảnh

Theo Lê Thị Thanh Tuyền, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cuộc sống vốn rất muôn màu, muôn vẻ và mỗi người trong chúng ta sẽ có nhiều áp lực đối diện từ gia đình, học hành, công việc... “Chính vì vậy đôi lúc bạn sẽ cảm thấy áp lực, khó khăn chồng chất và thậm chí muốn buông xuôi tất cả. Mình cũng từng rơi vào tâm trạng như thế”.

Vậy bạn đã vượt qua giai đoạn khó khăn ấy ra sao? “Mình hay tìm một số cuốn sách hay nói về những tấm gương có nghị lực vượt qua nghịch cảnh, sống có ước mơ hoài bão lớn để đọc. Khi đọc những điều này, mình ngộ ra một điều, hóa ra mình vẫn còn may mắn và hạnh phúc hơn rất nhiều người trong xã hội, như thế thì cớ gì phải than vãn quá áp lực không thể vượt qua?”.

Lấy kinh nghiệm từ bản thân, anh Nguyễn Hồng Ân [34 tuổi], làm việc tại Công ty TNHH Việt Nhật [Q.Gò Vấp, TP.HCM], chia sẻ: “Những lúc bạn thấy áp lực và quá khó khăn thì đừng bao giờ vùi đầu vào giấc ngủ hay tự thu mình lại như một con ốc mà hãy bước ra bên ngoài. Khi bạn bước ra ngoài thì bạn sẽ bắt gặp được nhiều tình cảnh đôi khi nó còn bi đát hơn mình nữa đằng khác nhưng họ vẫn lạc quan. Lúc đó, bạn sẽ có những suy nghĩ và có cách sống tích cực hơn, cố gắng làm những việc có ích hơn cho cộng đồng hay ít ra cũng sống có trách nhiệm với bản thân và người thân của mình. Bởi vì, nếu bạn không thể thay đổi được những thứ xung quanh, hãy cố gắng thay đổi suy nghĩ, nhìn nhận lại chính mình”.

Hãy tin vào những việc làm mới và sáng tạo sẽ đạt kết quả tốt hơn, tích cực hơn [Ảnh:

Theo chị Trần Thị Ngọc Hiền [31 tuổi], ngụ tại chung cư Phạm Viết Chánh, P.19, Q.Bình Thạnh [TP.HCM], người trẻ có nhiều cái hay, có nhiều đột phá nhưng cũng có nhiều khuyết điểm là không kiên trì, dễ từ bỏ, buông xuôi. “Trong chúng ta, chắc hẳn ai cũng có khoảng thời gian bản thân rơi vào tình trạng như thế. Và tôi cũng từng rơi vào tình cảnh như vậy”, chị Hiền nói.

Câu chuyện cụ thể của chị ra sao và khi ấy chị đã làm gì để thay đổi cho cuộc sống của mình tốt hơn? Chị Hiền, chia sẻ: “Nếu ai nhìn vào cách sống hiện tại của tôi rất tốt và yêu đời. Tuy nhiên, có ai biết được tôi từng có thời gian sống gần như buông xuôi”.

Rồi chị Hiền, kể: “Năm 2016, sau nhiều năm yêu nhau, tôi chia tay với người yêu vì có sự bất đồng của gia đình hai bên quá lớn. Khi ấy, cuộc sống của tôi vô cùng tẻ nhạt, nếu không muốn nói là mất phương hướng, tâm trạng lúc nào cũng cảm thấy vô cùng chán chường, chẳng muốn giao du với ai cả”.

Theo chị Hiền, tình trạng như thế kéo dài khoảng gần hai năm. Một hôm tôi bắt xe khách đi theo kiểu du lịch bụi một mình vài ngày đến TP.Đà Lạt. Những ngày lưu lại thành phố đồi thông, nhìn thấy mọi người xung quanh sao ai cũng rất vui vẻ, yêu đời nên tôi nghĩ cần phải thay đổi bản thân, tự làm mới mình chứ không thể sống trong cảnh thu mình mãi như vậy.

“Thế là mình đã lên kế hoạch kinh doanh. Nói kinh doanh vậy thôi chứ ban đầu không có nhiều vốn, nên bắt đầu từ một quán ăn nhỏ. Khi bạn đứng ra làm chủ, bạn có rất nhiều việc phải làm, phải lo và phải tính toán, cân đối nên dường như không còn thời gian để cho bạn chán chường và suy nghĩ những điều vô vị nữa”, chị Hiền, chia sẻ.

Dành thời gian xem xét lại mọi thứ để cải thiện bản thân

Theo thạc sĩ công tác xã hội Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Tương Lai [TP.HCM], trong thời đại mới 4.0 như hiện nay, người lớn hay người trẻ đều gặp vô vàn những khó khăn, áp lực trong cuộc sống. Cụ thể, khó khăn trong kinh doanh, việc làm, học tập, sức khỏe… “Tuy nhiên, do người lớn đã có trải nghiệm và kinh nghiệm sống cho nên khả năng vượt qua những khó khăn và áp lực tương đối thuận lợi. Còn người trẻ do tuổi đời còn ít, trải nghiệm chưa nhiều, lại thiếu kinh nghiệm sống nên rất nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực khi gặp khó khăn, áp lực trong cuộc sống”.

Mỗi người trẻ cần biết cách sử dụng thời gian một hợp lý để cân bằng giữa việc học tập, làm việc, ngủ nghỉ, vui chơi giải trí và quan hệ cộng đồng

Vậy, người trẻ cần làm gì để vượt qua những giai đoạn khó khăn này? Thạc sĩ Trần Minh Hải, nói: “Hãy xem những khó khăn, áp lực là thử thách trong cuộc sống mà mọi người ai cũng trải qua vài lần trước khi đi đến thành công. Chính vì vậy, các bạn trẻ hãy xem những khó khăn, thất bại đầu đời chính là thử thách để mình rút kinh nghiệm sau đó sẽ tìm cách vượt qua. Ví dụ, làm bài bị điểm kém, thi không qua môn, thất tình…khi gặp những khó khăn như vậy, hãy bình tĩnh dành thời gian xem xét lại mọi thứ xem mình còn thiếu sót điểm nào để cải thiện bản thân”.

Thạc sĩ Minh Hải, lưu ý: “Không nên so sánh mình với bạn khác, bởi vì mỗi người đều có những khó khăn, thuận lợi và những ưu nhược điểm khác nhau. Bạn chỉ nên so sánh bản thân mình hôm nay với hôm qua xem mình đã phát triển được gì? Cái gì cần phải cố gắng vượt qua là tốt nhất?

Thạc sĩ Trần Minh Hải nhìn nhận: “Người trẻ ngày nay, có rất nhiều điểm mạnh và thuận lợi để vào đời. Họ rất sáng tạo, năng động, tiếp cận thông tin nhanh và bắt kịp xu thế rất nhanh. Tuy nhiên, người trẻ cũng gặp một số yếu điểm và khó khăn đó là thiếu kiên nhẫn và ít dành thời gian đào sâu một vấn đề nào đó”.

Rồi ông Hải, khuyên: “Khi bạn cảm thấy khó khăn, bế tắc trong cuộc sống mà không suy nghĩ được ra giải pháp nào cả thì hãy tìm đến một người mà bạn tin tưởng nhất trong các mối quan hệ của mình như: người thân, bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp để chia sẻ. Có khi họ không đưa ra giải pháp khả thi cho bạn nhưng ít ra cũng có người đồng cảm giúp bạn giải tỏa tâm lý và bình tâm trở lại.

Bạn cũng cần chú ý đến việc sử dụng thời gian một cách hợp lý để cân bằng giữa việc học tập, làm việc, ngủ nghỉ, vui chơi giải trí và quan hệ cộng đồng. Hãy chịu khó di chuyển đi đây đó để mở tầm nhìn, đọc thêm sách báo để suy nghĩ sâu sắc thêm các vấn đề của cuộc sống xung quanh. Ngoài ra, các bạn cũng nên tìm một môn thể thao hay một môn nghệ thuật mình yêu thích để luyện tập hàng ngày sẽ giúp cân bằng giữa thể chất và tâm lý”.

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề