Báo cáo công tác quản lý nhà nước về môi trường

25/06/2021 Từ viết tắt Đọc bài viết

Tăng cường quản lý nhà nước về môi trường

Trong thời gian vừa qua, công tác quản lý nhà nước về môi trường được tăng cường với nhiều biện pháp tích cực, hiệu quả.

Page Content

Các biện pháp, giải pháp đã thực hiện

Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn; theo dõi, giám sát, nắm bắt đầy đủ, kịp thời diễn biến các vấn đề môi trường, công tác bảo vệ môi trường của các đối tượng thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; tăng cường các biện pháp phòng ngừa các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường. Duy trì phương thức phối kết hợp giữa Trung ương, địa phương trong kiểm soát, giám sát, giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các vấn đề môi trường phát sinh.

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý rác thải, từng bước thực hiện tái chế, tái sử dụng rác thải thay cho chôn lấp, giảm thiểu rác thải nhựa; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về môi trường.

Cải thiện chất lượng môi trường; từng bước khôi phục môi trường các lưu vực sông, cải thiện chất lượng môi trường không khí ở đô thị lớn. Tăng cường công tác quan trắc môi trường và đa dạng sinh học, nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường, cung cấp thông tin về môi trường.

Triển khai các giải pháp bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên. Tăng cường kiểm soát tác động tiêu cực của các dự án, hoạt động kinh tế tới thiên nhiên, đa dạng sinh học.

Kết quả đạt được

Đã trình Chính phủ ban hành các Nghị định: [1] Nghị định số 54/2021/NĐ-CP ngày 21/5/2021 quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường; [2] Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT. Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ thị [Các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ: [1] Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý chất thải rắn; [2] Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí], kế hoạch [Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường theo Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ] bảo vệ môi trường; ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường.

Đang tập trung xây dựng các Chiến lược, Quy hoạch bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường.

Đã tổ chức đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra công tác xử lý triệt để ô nhiễm tại 47 làng nghề ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng tại “Đề án tổng thể BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”; ban hành 12 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 2.584 triệu đồng; duy trì 12 Tổ giám sát đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố ô nhiễm môi trường cao với sự tham gia của chính quyền trung ương và địa phương [Bao gồm: Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam, Nhà máy Bột - Giấy VNT19 tại KKT Dung Quất, Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn tại tỉnh Thanh Hóa; các Dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân - Bình Thuận; Nhà máy nhiệt điện sông Hậu tại Hậu Giang và Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải tại Trà Vinh; Dự án Bôxit nhôm Lâm Đồng và các dự án tại Trung tâm điện lực Thái Bình; Dự án “Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt” tại tỉnh Quảng Ngãi; các cơ sở, chủ đầu tư hạ tầng KCN Tằng Loỏng, Lào Cai; các cơ sở đang hoạt động tại Làng nghề Phong Khê và CCN giấy Phong Khê, tỉnh Bắc Ninh; Công ty TNHH Khai thác chế biến Khoáng sản Núi Pháo, Thái Nguyên; Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất; Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn]; tiếp nhận và chuyển địa phương xử lý hơn 140 thông tin phản ánh về môi trường thông qua Đường dây nóng tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường.

Đã hướng dẫn các địa phương áp dụng các giải pháp tăng tỷ lệ thu gom, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt, giảm tỷ lệ chất thải phải chôn lấp; chất thải nguy hại đã được quản lý tốt hơn. Đến nay, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị ước đạt 87,2%; dự kiến kết quả thực hiện cả năm vượt chỉ tiêu đề ra [87%]. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải nguy hại ước đạt 85%, đạt chỉ tiêu đề ra của cả năm [85%].

Đã phối hợp với các địa phương để điều tra, đánh giá, lập danh mục các khu vực đất ô nhiễm và đề xuất kế hoạch xử lý, cải tạo phục hồi môi trường; ban hành hướng dẫn xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tại các địa phương cấp tỉnh; hướng dẫn địa phương giải quyết các vấn đề môi trường nóng, bức xúc; xây dựng, đề xuất các giải pháp đột phá về bảo vệ môi trường đất, nước, không khí cho giai đoạn 2021 – 2025 [Bao gồm: Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch phòng ngừa xử lý ô nhiễm môi trường do hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước giai đoạn 2021 - 2025; định hướng quản lý môi trường lưu vực sông theo cách tiếp cận mới].

Đã tổ chức triển khai kiểm kê đất ngập nước ven biển; tăng cường năng lực quản lý đất ngập nước tại một số vùng trọng điểm, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Mê Công; phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các hoạt động hưởng ứng, triển khai sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc trồng 1 tỷ cây xanh; tổ chức vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2012 - 2020.

Nhìn chung, thông qua việc triển khai nhiều công cụ, biện pháp quản lý đồng bộ, công tác bảo vệ môi trường trong thời gian qua tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực; các vụ việc, thông tin tình trạng ô nhiễm môi trường được xử lý nhanh chóng và kịp thời, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân. Một số vấn đề môi trường nóng, bức xúc như ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn đã được Bộ kịp thời có văn bản hướng dẫn địa phương phối hợp giải quyết. So với thời điểm tháng 6/2020 [trước thời điểm Nghị quyết số 134/2020/QH14 được ban hành], nhiều chỉ tiêu môi trường có kết quả tích cực như số lượng các KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung tăng 13 KCN, tương ứng tăng 1,7%, số lượng KCN đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục tăng 20 KCN, tương ứng tăng hơn 8%, số lượng CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung tăng 05 CCN, tương ứng tăng 1%; số lượng cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg hoàn thành xử lý triệt để tăng 40 cơ sở, tương ứng tăng 8,8%.

Khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân về công tác bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, chưa chuyển thành ý thức và hành động cụ thể.

Tổ chức bộ máy còn chưa phù hợp, tương xứng; chức năng, nhiệm vụ chồng chéo, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn thấp; công tác tổ chức thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường còn hạn chế.

Chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Khoa học và công nghệ chưa có nhiều đóng góp thiết thực, đột phá cho công tác bảo vệ môi trường.

Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường còn thiếu chủ động, chưa tranh thủ được tối đa, chưa nắm bắt kịp thời các cơ hội huy động hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ về bảo vệ môi trường. Khai thác nguồn hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia và kinh nghiệm quốc tế chưa hiệu quả.

Phương hướng, giải pháp, mục tiêu thực hiện trong thời gian tới

Một là, tập trung phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, đảm bảo thực hiện kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Hai là, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại các Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường.

Ba là, triển khai hoạt động của các Tổ giám sát về môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất lớn đã được thành lập; huy động sự vào cuộc của tất cả các địa phương cấp tỉnh trong việc rà soát, kiểm soát chặt chẽ các dự án, cơ sở có nguồn thải thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thuộc phạm vi quản lý. Đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Tăng cường công tác quan trắc môi trường và đa dạng sinh học, nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về môi trường theo hướng thực hiện đơn giản hoá về điều kiện và cách thức thực hiện, bãi bỏ các thủ tục hành chính không thực sự cần thiết cho công tác quản lý môi trường; lồng ghép, tích hợp việc thẩm định các thủ tục hành chính liên quan trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thực hiện chuyển đổi số để tiến tới thực hiện Chính phủ số, nền kinh tế số đối với lĩnh vực môi trường.

Năm là, phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương để ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả đối với các vụ việc, sự cố liên quan đến môi trường phát sinh; kiện toàn và vận hành hiệu quả đường dây nóng về ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước nhằm giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường.

Sáu là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Cổng TTĐT

Video liên quan

Chủ Đề