Cách làm máy bay bằng bìa cắt tông

Máy bay tiêm kích giấy cất cánh từ tàu sân bay Bằng quán tính của giây thun, chiếc máy bay chiến đấu làm từ đồ tái chế có thể cất cánh từ bệ phóng dài 75 cm với tốc độ 0,25 giây. Đây là sản phẩm của một học sinh 17 tuổi.
Trong căn nhà nhỏ ở đường Bến Súc, xã An Hòa, huyện Củ Chi [TP HCM], cậu bé 17 tuổi, Nguyễn Chí Thanh tận dụng thời gian rảnh rỗi ngồi sản xuất đồ chơi quân sự. Đặc biệt, các sản phẩm của Thanh được làm bằng bìa carton. Tác giả cho biết, ngay từ khi học lớp 6, em đã biết chế tạo ra những chiếc ôtô bằng giấy.
Sau hơn một năm theo đuổi đam mê, hiện nay cậu học sinh lớp 12 Trung tâm GDTX huyện Củ Chi có cả bộ sưu tập tàu chiến hùng hậu với một tàu sân bay và 15 tàu nhỏ, gồm các tuần dương hạm và khu trục hạm làm từ các loại vật liệu tái chế.
Trong đó, kỳ công và ấn tượng nhất là chiếc tàu sân bay có hình dáng mô phỏng như tàu sân bay của Hải quân Mỹ. Sản phẩm có chiều dài 2,24 m, rộng 75 cm, cao 76 cm, làm hoàn toàn từ bìa thùngcarton. Trên sàn là hàng chục loại "máy bay" chiến đấu.
Đài chỉ huy có hệ thống ra-đa, các tầng chỉ huy, treo cờ Tổ quốc. Thanh cho biết, em đã mất một tháng để hoàn thiện sản phẩm này.
Các loại máy bay chiến đấu đậu dọc hai bên tàu sân bay. Giữa sàn là cờ Tổ quốc và số hiệu của tàu.
Khung tàu sân bay mô hình được làm bằng những thanh sắt nhỏ để đảm bảo chắc chắn. Trong hầm có không gian rộng dành để chứa máy bay, khoảng 50 chiếc.
Khi sắp xếp đúng vị trí, trên sàn và dưới hầm có thể chứa được 65 máy bay. Tàu được thiết kế 4 cửa tự nâng bằng tay thông qua các trụ dùng bằng ống hút, có thể đóng, mở để đưa máy bay lên xuống sàn tàu và hầm.
Có 5 loại máy bay như tiêm kích chủ lực, máy bay tìm và phá sóng ra-đa, săn ngầm, máy bay cảnh báo sớm có thể gập cánh, trực thăng cứu hộ.
Loại chủ lực và có số lượng nhiều nhất của hàng không mẫu hạm này là máy bay tiêm kích T45 [tác giả đặt tên]. Để hoàn thành một chiếc máy bay có chiều dài 18 cm, sải cánh rộng 12 cm, có thân như thực tế, Thanh mất khoảng 3 giờ đồng hồ.
Tàu có 4 hệ thống phóng cơ học rất đơn giản với một thanh trượt bằng ống hút, được trượt trên hai máng có khe đánh khoét trên sàn tàu, bắt bánh trước vào 2 cọng dây thun.
Theo tính toán của chàng trai 17 tuổi, trong số các loại đồ chơi đã làm thì T45 có tốc độ nhanh nhất. Máy bay này có thể phóng trên đường băng dài 75 cm với tốc độ 0,25 giây và bay ra khỏi tàu với khoảng cách gần 3 m.
Giống với chiến hạm lớn nhất thế giới, tàu của Thanh còn được thiết kế cả hệ thống hãm tượng trưng với 4 dây cáp thun. Ngoài ra, xung quanh tàu còn có một số ụ pháo, súng máy phòng thủ cho tàu.
Trong hạm đội tàu chiến của Thanh có 15 chiếc được thiết kế khác nhau gồm 6 tuần dương hạm, các khu trục hạm nhỏ với chức năng khác nhau. Chúng được đặt theo tên các vị vua, tướng nổi tiếng của lịch sử Việt Nam.
Trong bộ đồ chơi này, chiếc lớn nhất có chiều dài 1,14 m, ngắn nhất 65 cm. Mỗi chiếc tuần dương hạm tác giả mất khoảng 8 giờ, riêng khu trục hạm tốn khoảng nửa ngày để hoàn thành.
Bộ đôi tàu lớn nhất được trang bị hệ thống pháo, ống phóng tên lửa.
Hàng chục tàu chiến được thiết kế có bãi đỗ trực thăng phía sau đuôi.
Để làm nên bộ sưu tập độc đáo này, Thanh đã tham khảo trên mạng hình ảnh trên thế giới và Việt Nam rồi vẽ lại từng chi tiết vào các mẫu giấy.
Với cậu học sinh lớp 12 này, việc tận dụng các vật liệu bỏ đi có thể góp phần bảo vệ môi trường. Chiếc hàng không mẫu hạm này được Thanh làm 100% từ vật liệu tái sử dụng, trong đó 97,5% từ giấy, 0,5% nhựa và 2% từ sắt. Trên đó là những thông điệp: "Hãy bảo vệ môi trường", "Đừng vứt bỏ mà hãy tận dụng những thứ có thể sử dụng được".
Thanh cho biết, sau khi học xong cấp 3, cậu sẽ tiếp tục tìm hiểu, sáng tạo làm ra nhiều loại tàu, máy bay và cả xe tăng từ loại vật liệu này. "Mong muốn của em là có thể thi vào học trường kỹ thuật, sau này sẽ góp phần chế tạo được những chiếc tàu chiến thực tế cho đất nước", cậu bé quê đất thép Củ Chi chia sẻ.

Video liên quan

Chủ Đề