Có bao nhiêu nhân vật trong tranh đám cưới chuột

Có bao nhiêu nhân vật trong tranh đám cưới chuột

Tranh Đông Hồ thường có nội dung thể hiện khát vọng ấm no, hạnh phúc của người nông dân, như “Chăn trâu thổi sáo”, “Đàn lợn”, “Đàn gà”, “Cá chép”… hay những bức vừa trào phúng, vui nhộn, vừa có tính châm biếm, hài hước, như “Đánh ghen”, “Hứng dừa”… mang những hàm ngôn giản dị, tươi vui. Và nếu có chút “giáo dục tính” nào đó thì cũng chỉ ở mức “đóng cửa bảo nhau” hết sức tế nhị của những người nông dân luôn trọng “tình làng nghĩa xóm”.

“Đám cưới chuột”, tác phẩm nổi tiếng nhất của dòng tranh Đông Hồ với những hàm ngôn sâu xa hơn, lại nghiêng về phản ánh mối quan hệ xã hội một cách sinh động và đầy hóm hỉnh. Thông qua bức tranh, một phần thuộc tính xã hội thời phong kiến đã được phản ánh bằng chính ngôn ngữ hội họa cũng vô cùng mộc mạc, gần gũi, mà bất kỳ người nông dân nào, từ nhỏ đến lớn, cũng có thể nhận ra. Chính vì vậy mà nói đây là một bức tranh khá đặc biệt, được ưa thích, không chỉ thời xưa mà đến nay vẫn còn những giá trị sinh động.

“Đám cưới chuột” mang đậm nét văn hóa dân tộc vùng nông thôn Bắc Bộ, thể hiện ở nghệ thuật tạo hình, đường nét màu sắc, và cấu trúc của tác phẩm. Bố cục bức tranh chia thành hai lớp, trên - dưới, hay nói cách khác là có hai tầng, nhưng cùng diễn tả một nội dung cũng là một điểm hiếm thấy trong nghệ thuật dân gian xưa nay. Hai nhân vật chính là chuột và mèo, vốn không đội trời chung trong cuộc sống hàng ngày, cùng xuất hiện trong bức tranh nghiễm nhiên đã hàm chứa những vấn đề mâu thuẫn giai cấp trong xã hội. Và chính vì vậy, hành vi của những nhân vật đó cũng giống như những thước phim với đầy đủ lớp lang, giải mã những vấn đề mà người nghệ sỹ dân gian, những người có thể xem là thuộc tầng lớp “bị trị” trong xã hội, đang muốn gửi gắm.

Gọi là “Đám cưới chuột”, nhưng trong tranh Đông Hồ, bức tranh này có hai tên khác nhau, là “Đám cưới chuột” hay “Trạng chuột vinh quy”. Nội dung diễn tả một đám rước đầy đủ kèn trống, cờ quạt, lễ vật… diễn ra trong không khí trang nghiêm, nhưng rất vui vẻ. Các nhân vật trong tranh gồm có "Chuột chồng" mũ mãng, cân đai chỉnh tề, cưỡi ngựa đi trước, "Chuột vợ" ngồi kiệu theo sau. Tùy theo những chữ (hán) được ghi trong tranh là Nghênh hôn, Chú rể, hay Tiến sĩ, Vinh quy mà người ta gọi là tranh “Đám cưới chuột” hay “Trạng chuột vinh quy”. Nhưng dù gọi theo tên nào thì nhìn vào tổng thể bức tranh vẫn thấy toát lên một thông điệp, mang tính ẩn dụ về cuộc sống: Là cuộc đấu tranh giữa trí tuệ (Chuột = tinh khôn, láu lỉnh) và sức mạnh (Mèo = to lớn, hung dữ); là sự phê phán tệ nạn tham ô, ăn đút lót của bọn thống trị (mà Mèo là đại diện); là bài học về cách ứng xử của kẻ yếu thế với kẻ mạnh (họ nhà Chuột muốn được yên thân lo “việc lớn”, đã phải trịnh trọng kèn trống, lễ vật để dâng biếu Mèo đang vểnh râu, trừng mắt ngồi chờ)...

Tính độc đáo của bức tranh là đã thể hiện tiếng cười hóm hỉnh mỉa mai sâu cay của nhân dân lao động, mặc dù trong tranh không chú thích cụ thể về ý đồ của tác giả… Thật hài hước và dí dỏm khi thấy hai con vật đời thường vốn là hai kẻ tử thù, lại cùng ngồi bên nhau (tuy vị thế có khác nhau), với những thái độ hành xử khác nhau, nhưng cuối cùng vẫn là để cùng đạt mục đích riêng của mỗi bên. Chuyện đời là thế. Và triết lý ấy không phải chỉ ở riêng bức tranh này. Cũng trong kho tàng dân gian, người nông dân Việt từng lưu hành câu ca dao liên quan đến mèo và chuột để nói về một điều nghịch lý và đưa ra một bài học về cách ứng xử, khéo léo, mềm mỏng, nhân ái, với mục tiêu chung sống hòa bình.

Con mèo trèo cây cau

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà

Chú chuột đi chợ đường xa

Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo

Thế mới hay ông cha ta xưa, tuy không triết lý cao xa, nhưng mỗi lời nói, mỗi hành động, nhất là những lời nói và hành động đã đi vào nghệ thuật, tồn tại bền bỉ trong đời sống dân gian, đều mang những ẩn ý sâu xa, không phải chỉ để hát chơi, mà còn để suy ngẫm và qua đó dạy dỗ con cháu về cách đối nhân xử thế cho hợp thời và hợp lẽ đời.

Và cũng không phải chỉ ở Việt Nam. Trên thế giới, câu chuyện mèo và chuột cũng là đề tài được đem ra để dạy cho trẻ em những vấn đề về ứng xử. Tuổi thiếu nhi hẳn nhiều người còn nhớ đến bộ phim hoạt hình có tên Tom và Jerry của Mỹ. Hai nhân vật chính của bộ phim là mèo Tom và chuột Jerry. Những cuộc đấu hài hước giữa cặp đối thủ mang tính biểu tượng này cũng hàm chứa rất nhiều ý nghĩa. Tom hiếm khi thành công trong việc bắt Jerry, chủ yếu là do sự thông minh, khôn ngoan và một phần may mắn của Jerry. Ấy là những bài học về sự chiến thắng của trí tuệ trước sức mạnh cơ bắp, là bài học về việc “ở hiền gặp lành”…  Trong một số dịp, Tom và Jerry lại thể hiện tình bạn chân thành và quan tâm đến hạnh phúc của nhau. Vào những lúc khác, chúng gác lại sự ganh đua của mình để theo đuổi một mục tiêu chung… Dường như triết lý ấy, trên trế giới này ở đâu cũng vậy.

Để hiểu thêm về bức tranh “Đám cưới chuột”, thiết nghĩ cũng cần định vị lại nó cũng như dòng tranh Đông Hồ nói chung trong các dòng tranh dân gian Việt Nam. Một cách tóm lược nhất, nếu như tranh Hàng Trống (Hà Nội) có gốc gác từ nơi đô hội, thì đương nhiên dòng tranh này cũng mang hình thức và tâm thức “thị dân” ngay trong màu sắc, đường nét và cả nội dung từng bức tranh. Tranh Làng Sình (Huế), cũng có nguồn gốc dân gian và nhiều nét tương đồng với tranh Đông Hồ, nhưng sau khi chuyển dần thành dòng tranh phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của người dân Huế, thì tinh thần của mỗi bức tranh đã khác.

Tương tự như vậy, tranh Kim Hoàng (Hà Tây) chú trọng hơn về nội dung, nên trên những bức tranh không chỉ có hình ảnh mà có những câu thơ chữ Hán được viết theo lối thảo, tạo nên một chỉnh thể khác hẳn so với các dòng tranh dân gian khác. Trong khi đó tranh Đông Hồ hầu như vẫn giữ nguyên những “hồn cốt” dân gian của một vùng văn hóa khá đặc sắc. Chính vì thế mà “Đám cưới chuột” tuy xuất hiện đã hơn nửa thiên niên kỷ, nhưng sự bền bỉ và sức lan tỏa của nó đã thẩm thấu khá sâu đậm vào tâm tưởng nhân gian người Việt. Đó là những câu chuyện không bao giờ cũ, những câu chuyện từ cuộc đời mà suy ngẫm về cuộc đời… 

Từ bài báo của giáo sư Kiều Thu Hoạch

Phân tích sâu sắc của giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Kiều Thu Hoạch được thể hiện rõ trong một bài viết mang tiêu đề “Tranh Đám cưới chuột trong mối quan hệ loại hình lịch sử - văn hóa” đăng trên tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cách đây nhiều năm. Ông dẫn ra một số cuốn sách nghiên cứu về phong tục Trung Hoa của các tác giả trong và ngoài nước, để nói rằng tục đêm đám cưới chuột là một phong tục dân gian còn lưu truyền phổ biến ở hầu khắp các vùng của Trung Quốc.

Theo sách xưa, truyền thuyết về đám cưới chuột, tóm tắt như sau: Vợ chồng nhà chuột đã luống tuổi mà không có con trai, chỉ sinh được mụn con gái đã đến tuổi gả chồng. Hai vợ chồng bàn nhau, phải tìm nơi có quyền thế gả con. Sau khi tìm gặp mặt trời, đám mây, gió, bức tường đều không thành, cuối cùng lại trở về họ hàng nhà chuột, Mà  chuột lại sợ mèo, do đó hai vợ chồng chuột đành gả con gái cho mèo. Mèo vui vẻ nhận lời và chọn ngày lành đón dâu. Nhưng hôm họ hàng nhà chuột tưng bừng thổi kèn đánh trống, rước kiệu cô dâu đến nhà mèo thì liền bị chú rể mèo đớp luôn một miếng, nuốt sạch cả bọn vào bụng.

Hai bức tranh  dân gian “Đám cưới chuột”, một của Trung Quốc, một của Việt Nam, thoáng nhìn qua trông như là một,  nhưng thực sự phản ánh những tâm thức, căn tính và chiều kích văn hóa rất khác nhau.

Cùng với truyền thuyết dân gian và lễ tục về đám cưới chuột, nghệ thuật tạo hình dân gian Trung Quốc cũng hướng về đề tài này và không có công trình nghiên cứu dân gian Trung Quốc nào khi nói về lễ tục đám cưới mà lại không nói đến tranh dân gian “Đám cưới chuột”. Tranh dân gian với đề tài đám cưới chuột cũng đã đi vào kho tàng tranh Tết của Trung Quốc. Tranh Tết của Trung Quốc về đề tài đám cưới chuột gồm có hai loại: Một loại là tranh khắc gỗ in màu và một loại là tranh trổ/ cắt giấy.

Nội dung tranh khá đa dạng, hoặc vẽ riêng cảnh đưa dâu hoặc vẽ đầy đủ cả cảnh mèo đớp chuột như kết thúc của câu chuyện kể dân gian. Về số lượng chuột trong tranh cùng tùy theo từng loại. Có tranh chỉ vài ba chú, bốn năm chú. Còn loại nhiều tình tiết như tranh trổ, cắt giấy ở Ký Nam (Quảng Châu, Quảng Đông) thì có tới 68 chú chuột. Có nhóm chuột vác nghi tượng; có những chú chuột cầm cờ đuôi nheo, cầm biểu đề chữ hỷ; có chú giương cao lá cờ đại in chữ vương; có nhóm nhã nhạc thổi kèn, đánh trống, gõ phèng la... Cô dâu chủ rể thì ngồi kiệu hoa do bốn phu kiệu khiêng. Có nhóm chuột cưỡi ngựa hộ tống. Có nhóm khiêng hòm thức ăn. Có nhóm đẩy xe, đeo gánh các đồ tư trang, chứng tỏ cô dâu chuột vào loại cực kỳ giàu có... Sau cùng là đoàn chuột đi xem cuộc vui, gồm mười lăm chú, có kẻ dắt tay nhau, có kẻ lớn cõng bé...

Toàn cảnh bức tranh dường như muốn tái hiện phong tục và nghi thức của đám cưới Trung Hoa cổ xưa. Nhiều ý kiến nhận xét rằng, ngoại trừ một số chi tiết chẳng hạn như chú chuột trên lưng ngựa là chàng rể, còn thì tranh dân gian Việt Nam về đám cưới chuột cũng na ná như tranh cùng loại của Trung Quốc.

Tuy nhiên theo GS Kiều Thu Hoạch, xem xét kỹ thì lại không hẳn như vậy. Tranh “Đám cưới chuột” của Trung Quốc do nhiều vùng, nhiều địa phương thực hiện, nên nhiều dị bản hơn tranh cùng đề tài của Việt Nam, do đó mà cũng nhiều tình tiết hơn. Ở Trung Quốc ngoài loại tranh khắc gỗ còn có tranh trổ/ cắt giấy và khắc cả đám cưới chuột trên khuôn đất nung...

Đi sâu vào nội dung tranh, tranh Việt Nam không có chi tiết chuột khiêng hòm tư trang của cô dâu, cũng không có hình ảnh mèo nhe nanh giơ móng vồ chuột...

Trái lại, tranh cùng loại của Trung Quốc không có hình ảnh chuột biếu đồ lễ cho mèo - một chuột hai tay bê con gà, một chuột hai tay bê con cá to bự, trong tranh còn khắc in cả hai chữ Hán “tống lễ” nghĩa là biếu đồ lễ. Và khác biệt lớn nhất, là tranh của Trung Quốc thường ghi là “lão  thủ thú thân” (chuột lấy vợ - ta thường quen gọi là đám cưới chuột), thì ở tranh Đông Hồ của Việt Nam lại ghi là “lão thử thủ thân” (chuột giữ mình). Đây không phải là sự nhầm lẫn về chữ nghĩa, mà là một quan niệm triết lý nhân sinh của dân gian, được nghệ nhân thể hiện trong tranh. Mèo là đại diện cho thế lực cường hào gian ác ở nông thôn xưa. Con chuột là đại diện cho lớp người cùng khổ, là kẻ bị áp bức, bóc lột; vì vậy mà ngay trong ngày vui của mình, vẫn phải lo lót, biếu xén cho bọn hương lý cường hào để “giữ mình”, để được yên thân...

“Đám cưới chuột” không chỉ là bức tranh biếm họa phản ánh phong tục hôn lễ, mà còn là bức tranh phản ánh hiện thực lịch sử, phản ánh cái trật tự của xã hội phong kiến của nông thôn Việt Nam thời xưa.

Đến phát hiện của nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế

Trong cuộc nói chuyện cuối năm với họa sĩ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, tôi lại biết thêm nhiều thú vị mới về tranh “Đám cưới chuột”.

Trần Hậu Yên Thế hào hứng hẳn lên khi tôi hỏi về yếu tố văn hóa Ấn Độ trong tranh như một phát hiện của riêng anh.

Trần Hậu Yên Thế nhấn mạnh: Khi nói tới bức tranh “Đám cưới chuột”, nhiều người đã nói tới yếu tố Trung Hoa trong bức tranh này. Tôi xin được lưu ý rằng ở trong bức tranh “Đám cưới chuột” còn có một tầng lớp văn hóa Ấn Độ cũng rất nên tìm hiểu.

Có bao nhiêu nhân vật trong tranh đám cưới chuột
Họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế. Ảnh: Tác giả cung cấpNgay từ những năm đầu của thế kỉ XX, nhiều học giả Trung Hoa đã say mê đi tìm những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, phát hiện những cống hiến to lớn của văn hóa Ấn Độ cho văn hóa Trung Hoa. Gần đây, xu hướng nghiên cứu so sánh này tiếp tục phát triển trở lại. Việc cho động vật có  thể đi đứng, cười nói có hành vi như con người được đưa tới đỉnh cao nghệ thuật chính là bộ tranh “Bản sinh kinh” (JATAKA). Những câu chuyện tiền kiếp này vốn đã có từ rất sớm trong văn hóa Ấn Độ, nhưng khi Phật giáo ra đời, nó đã tiếp thu, hoàn thiện và nâng lên một tầm cao mới. Vô số tranh tượng trong nghệ thuật Phật giáo đã lấy cảm hứng từ bộ kinh này.

Trong các bộ tranh của “Bản sinh kinh”, rất nhiều con vật đã được nhân cách hóa.

Mặc dù bức tranh “Đám cưới chuột” không liên quan tới Phật giáo, nhưng nghệ thuật tạo hình nhân vật của “Bản sinh kinh” đã gián tiếp tạo nên cung cách hành xử, trang phục, nhạc cụ... cho những chú chuột như của con người. Lớp văn hóa Ấn Độ dù không dễ thấy nhưng không thể không nói tới trong bức tranh này. Cũng như nói về truyện Kiều của Nguyễn Du mà chỉ nhắc đến tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” của Thanh Tâm tài nhân là chưa đủ, còn phải nói tới tư tưởng Phật giáo, các phạm trù Duyên, Nghiệp, Quả báo…

Bài học của cha ông

Về sự khác nhau giữa hai bức tranh “Đám cưới chuột” của Việt Nam và Trung Quốc, Trần Hậu Yên Thế bảo, như nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài sớm nhận ra là ở nhân vật mèo. Với tranh Đông Hồ của Việt Nam thì mèo chỉ là mèo, không phải là chú rể như trong tranh dân gian Trung Quốc: Con chuột bố vì hám quyền thế nên đã dẫn đến đại họa cho nhà chuột khi bị chú rể mèo lao vào xâu xé. Ở Trung Quốc cũng rất phổ biến tranh “Đám cưới chuột” miêu tả khoảnh khắc này.

Như thế, trong tranh dân gian Trung Quốc, con chuột bố là đối tượng bị phê phán, châm biếm. Đây là khác biệt quan trọng nhất dẫn đến sự khác biệt nữa: Tranh Đông  Hồ có chữ thủ thân (giữ mình) mà không phải là thú thân (cưới vợ).

Đám cưới chuột trong tranh Đông Hồ cũng lanh lẹ, láu lỉnh, tinh anh, nhưng quan trọng nhất là biết mình, biết người, biết thời biết thế nên giữ được tính mạng.

Hai bức tranh, mới thoáng nhìn qua trông như là một, nhưng thực sự phản ánh những tâm thức, căn tính và chiều kích văn hóa rất khác nhau.

Bài học ông cha ta gửi gắm qua bức tranh “Đám cưới chuột”: Để giữ được mạng sống của mình để thủ thân, bảo toàn tính mạng, phải khôn khéo, láu lỉnh, linh hoạt, quyền biến, hết sức tỉnh táo với kẻ thù.