COVID ảnh hưởng đến ngành công nghệ thông tin

Dựa trên kết quả khảo sát hơn 400 doanh nghiệp, VietnamWorks hôm 8/10 công bố báo cáo về thị trường lao động sau làn sóng Covid-19 lần thứ tư tại Việt Nam. Tổ chức này đánh giá, đợt dịch bùng phát từ cuối tháng 4 ảnh hưởng nặng nề tới toàn bộ ngành nghề, mức tác động lớn hơn cả ba lần trước cộng lại. Tình trạng của nhóm ngành được chia thành 6 mức độ, từ giữ nguyên nhân sự và phúc lợi, cắt một phần đến đã dừng hoạt động.

Đầu tiên, nhóm ngành không cắt giảm nhân sự, giữ nguyên lương và phúc lợi chiếm 49,9% trong số hơn 400 công ty được khảo sát, áp đảo các nhóm còn lại. Hơn 85% số này hoạt động trong ngành IT [công nghệ thông tin]; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; xuất - nhập khẩu, quy mô có sự dao động lớn, từ 10-1.000 nhân lực. Nhóm còn lại thuộc ngành gia công, chế biến, sản xuất, quy mô 301-1.000 người.

Nhóm thứ hai tăng hoạt động, tăng tuyển nhân sự theo địa lý, chiếm 11,6%, trong đó mức độ tăng trưởng tại Hà Nội cao hơn TP HCM, phần lớn đều đồng nhất chọn tăng tuyển dụng cho lĩnh vực công nghệ thông tin.

Như vậy, Công nghệ thông tin là ngành chiếm thế thượng phong hai nhóm này. Nhiều chuyên gia đánh giá, trong tương lai, các ngành nghề đều cần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, cần đội ngũ kỹ thuật viên hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng. Do đó, công nghệ thông tin vẫn có "đất" trong giai đoạn khó khăn vì đại dịch.

Trước đó, Navigos Search cũng tiến hành phân tích thị trường nhân lực ngành công nghệ thông tin trong một thập niên [2010-2020], kết quả cho thấy nhu cầu tuyển dụng ngành này tại Việt Nam tăng gấp 4 lần. Đến năm 2020, nhu cầu tuyển dụng các vị trí công nghệ thông tin vẫn tiếp tục gia tăng. "Chúng tôi dự đoán, năm 2021, nhu cầu tuyển dụng những ngành này tăng đến 25% so với 2020", bà Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc khu vực miền Bắc của Navigos Search - nhận định.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT, cho rằng Covid-19 là "chất xúc tác" khiến cuộc cách mạng công nghệ diễn ra nhanh hơn. Theo ông, vì dịch bệnh, nhiều hoạt động buộc phải chuyển sang hình thức trực tuyến, từ kinh doanh, ăn uống đến học tập. Trong khi đó, các hoạt động trực tuyến đều phải xây dựng và diễn ra trên nền tảng công nghệ thông tin.

Đại diện trường FPT đánh giá các đại học cần xác định và nắm bắt được những xu hướng chuyển đổi này để thay đổi cách dạy, cách học, giúp sinh viên có thể cạnh tranh trong một môi trường việc làm khắc nghiệt.

Trong khi đó, bà Ngô Thị Ngọc Lan đưa ra 4 kỹ năng cơ bản các bạn trẻ cần tập trung trau dồi: học hỏi tích cực; kiến thức về công nghệ thông tin; quản lý bản thân và người khác; tư duy phản biện. Kèm theo những kỹ năng cơ bản này là năng lực ngoại ngữ. Đây là yếu tố rất quan trọng để học hỏi tích cực.

Trần Hữu Trí, cựu sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Viện Công nghệ thông tin và truyền thông của Đại học Bách khoa Hà Nội. Trước khi tốt nghiệp thủ khoa sớm 5/2021, Trí đã tham dự chương trình đào tạo về BigData. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Các nhóm ngành không cắt giảm nhân sự nhưng giảm lương và phúc lợi thuộc mức độ tác động thứ ba, chiếm 18,9%. Trong số này, những ngành bị cắt giảm nặng nề nhất, đến 80% lương, là nhà hàng, khách sạn, du lịch, giáo dục và đào tạo. Ở mức độ nhẹ hơn, các ngành bất động sản, xây dựng, kiến trúc, chế biến bị giảm 25-50% lương; dịch vụ quảng cáo, tiếp thị trực tuyến, truyền thông giảm 15-20%; điện tử - điện tử viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm 5-10%.

Ba mức độ tác động còn lại gồm cắt giảm nhân sự, lương và phúc lợi [chiếm 9,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát], giảm nhân sự theo cấp bậc và phòng ban nhưng giữ lương, phúc lợi [7,3%] và đã dừng hoạt động [3%].

Thanh Hằng

Nhằm thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin [CNTT] trong mọi hoạt động quản lý, điều hành, thực thi công vụ, sản xuất, kinh doanh, giao dịch thương mại...

Dạy, học trực tuyến trên nền tảng CNTT đang là giải pháp tối ưu để không làm gián đoạn chương trình giáo dục đối với những đơn vị trường không thể tổ chức dạy, học tập trung do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Thời điểm đầu năm 2021, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại và nhất là trong đợt dịch lần thứ 4 này, ngoài chỉ đạo kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch, UBND tỉnh đã yêu cầu tất cả các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành, kinh doanh dịch vụ cũng như trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Theo đó, để giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương dễ dàng triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, giải quyết công việc, Sở Thông tin và Truyền thông [TT&TT] đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai hệ thống quản lý điều hành điện tử thống nhất trong các cơ quan Nhà nước; hướng dẫn các ngành, địa phương xây dựng và triển khai hoạt động ứng dụng CNTT bảo đảm phù hợp với định hướng chung của tỉnh.

Đặc biệt, nhằm tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, Sở TT&TT đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như đưa chuyên trang về phòng, chống dịch COVID-19 và ứng dụng “Smart Thanh Hóa” vào thực tiễn. Triển khai đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm phòng, chống, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 trong doanh nghiệp; hệ thống Robot call [tổng đài tự động] truy vết phòng, chống dịch COVID-19; hệ thống camera giám sát tại các cơ sở cách ly tập trung... Hiện nay, có nhiều ứng dụng công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, có một số ứng dụng được các ngành chức năng khuyến khích người dân, cơ quan, doanh nghiệp sử dụng như: ứng dụng Bluezone; ứng dụng NCOVI - hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện, cho phép mỗi người dân cập nhật tình hình sức khỏe của bản thân và của gia đình thông qua khai báo y tế tự nguyện; ứng dụng khai báo y tế cho người nhập cảnh - VHD; hệ thống ghi nhận người đến và đi các địa điểm công cộng [mã QR-Code] tại các địa điểm công cộng như công sở, bệnh viện, trường học, siêu thị, chợ truyền thống, các cơ sở lưu trú, nhà hàng; hệ thống bản đồ chống dịch - an toàn COVID-19. Những ứng dụng này đã và đang được đông đảo người dân, các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong tỉnh áp dụng và thực thi có hiệu quả, trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực trong phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Không chỉ đẩy mạnh sử dụng các ứng dụng công nghệ số, để góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch, trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các cơ quan, đơn vị đã đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật qua các cổng thông tin, trang thông tin điện tử; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các cuộc thi theo hình thức trực tuyến; tăng cường đăng tải các bài viết về pháp luật trên các kênh thông tin địa phương, trên mạng xã hội qua ứng dụng zalo, facebook, fanpage... nhằm cung cấp những thông tin chính thống, nhanh chóng, kịp thời và đa dạng tới đông đảo người dân.

Cùng với những hoạt động trên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 cũng như căn cứ vào tình hình thực tế, tỉnh đã chỉ đạo phân loại các tình huống để áp dụng triển khai hội họp, làm việc trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã; áp dụng “Phòng họp không giấy” nhằm giảm văn bản hành chính trong mỗi cuộc họp, rút ngắn thời gian chuẩn bị họp, tăng cường sự tương tác giữa các thành viên dự họp trên nền tảng CNTT, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo điều hành... Đồng thời, tăng cường cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp người dân, doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ thủ tục hành chính ở mọi lúc, mọi nơi, không phải đi lại nhiều lần, không phải xếp hàng và không mất thời gian chờ đợi, tránh tụ tập đông người góp phần thực hiện thành công mục tiêu phòng, chống dịch. Đặc biệt, ở những địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều thực hiện làm việc trực tuyến tại nhà trên nền tảng CNTT, trừ các trường hợp công việc thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới phải đến làm việc tại công sở. Hoạt động này được các cơ quan, đơn vị đánh giá cao và là giải pháp tối ưu vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả công việc, duy trì hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị.

Với ngành giáo dục, trước thực trạng giáo viên, học sinh không đến trường dạy và học tập trung do ảnh hưởng của dịch bệnh, Sở Giáo dục và Đào tạo [GD&ĐT] đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh tăng cường áp dụng hình thức dạy học trực tuyến qua internet và trên truyền hình; khuyến khích giáo viên sử dụng các ứng dụng mạng xã hội zalo, zoom để hướng dẫn, kiểm tra học sinh học tập tại nhà. Ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho hay: Để ứng phó với đại dịch COVID-19 trong năm học vừa qua, toàn ngành giáo dục đã rất nỗ lực vượt qua khó khăn và áp lực; đồng thời có thêm nhiều kinh nghiệm để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong năm học mới dưới nhiều hình thức, trong đó có việc dạy học trực tuyến trên nền tảng CNTT. Năm học mới 2021-2022 đã bắt đầu, tuy nhiên vẫn còn không ít trường chưa thể tổ chức dạy học tập trung, vì vậy ngành đã chỉ đạo các nhà trường kích hoạt hệ thống dạy học online. Vẫn biết nhiều địa phương, trường học, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn sẽ gặp khó khi triển khai nhiệm vụ này, nhưng đây đang giải pháp tối ưu để không làm gián đoạn chương trình giáo dục khi học sinh không học tập trung tại trường trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.

Có thể thấy, việc phát huy tối đa ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động, nhất là trong bối cảnh phòng, chống dịch không chỉ góp phần hạn chế sự lây lan dịch bệnh mà còn bảo đảm hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ ở mỗi cơ quan, đơn vị. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những ca bệnh trong cộng đồng, song tình hình dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát. Đây vừa là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo chủ động, kịp thời, quyết liệt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và cũng là kết quả của việc ứng dụng CNTT trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa tập trung phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Video liên quan

Chủ Đề