hàn quốc thuộc bán đảo triều tiên. vậy “bán đảo” có nghĩa là gì?

70 năm dài bằng một đời người, cuộc đời những người Hàn Quốc - Triều Tiên chia cắt khỏi gia đình, ly biệt với thân nhân, trong giấc mộng thống nhất chưa hẹn ngày cập bến.

Cụ bà Lee Ok Yeon lặng người khi đối diện cụ ông Chae Hoon Sik, hai bên trân trân nhìn nhau không nói nên lời. Lần cuối hai ông bà gặp nhau đã là hơn 70 năm trước, khi ông Chae từ biệt người vợ mới cưới, đến thăm gia đình họ hàng xa và hứa sẽ trở về sau vài ngày.

"Tôi đã gạt nước mắt nhiều tới mức giờ đây trong tôi chẳng còn chút nước mắt nào để khóc nữa", bà Lee nói vậy, nhưng trên bờ mi nước mắt đã chực trào.

Lee Ok Yeon và Chae Hoon Sik chỉ vừa kết hôn không bao lâu trước khi cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra năm 1950. Hương lửa mặn nồng ngắn chẳng tày gang, đôi vợ chồng trẻ thất lạc khi quân đội Liên Hợp Quốc bị đẩy lùi về phía nam vĩ tuyến 38. 

"Là lỗi của anh. Nếu như biết trước sự thể như thế này, không đời nào anh rời xa người vợ nhỏ bé của anh dù chỉ một bước chân", ông Chae nức nở, chìa đôi bàn tay nay đã nhăn nheo đồi mồi về phía người vợ.

Mang trong bụng cặp sinh linh bé nhỏ, khói lửa chiến tranh buộc bà Lee phải một thân một mình theo dòng người chạy nạn về miền Nam, trong khi ông Chae kẹt lại đâu đó ở phía Bắc. Vật lộn với cơn vượt cạn tại một bệnh viện dã chiến giữa cảnh loạn lạc, bà Lee hạ sinh người con trai tên Hee Yang. Một người con song sinh khác qua đời khi còn đỏ hỏn trên tay bà mẹ trẻ.

Suốt 70 năm qua, người phụ nữ có chồng cũng như không sống cùng con trai tại Dongducheon, cách đường phân giới liên Triều chỉ 40 km. Bà Lee chưa từng có ý định tái hôn. Khi hình ảnh ông Chae xuất hiện trong giấc mơ năm 1978, bà Lee khóc cạn nước mắt, nghĩ rằng người chồng đã qua đời.

"Em luôn nuôi hy vọng đến ngày biên giới lại mở ra, em và con sẽ tức tốc về nhà tìm anh. Giá như anh ở đó, giá như anh được ôm trong tay con trai [đã mất] của chúng ta", bà Lee cuối cùng vỡ òa, nước mắt chảy thành dòng trong vòng tay người chồng.

Không may mắn như gia đình bà Lee, ông No Jae Wook, một cựu binh Hàn Quốc, đã chờ đợi hàng chục năm mà không được điền tên vào danh sách đoàn tụ. Sinh ra tại một ngôi làng gần Pyongsan, Triều Tiên, cuộc nội chiến đã chia cắt ông No khỏi cha mẹ, người anh trai và một cô em gái.

"Anh trai tôi được gọi nhập ngũ. Bố tôi bảo tôi chạy đi thật xa, ông không muốn tôi theo bước anh tôi. Nhưng rồi số phận thật trớ trêu, tôi lại nhập ngũ cho Hàn Quốc", ông No nói.

Người dân Hàn - Triều đoàn tụ, có còn chờ được ngày thống nhất? Hơn 60.000 gia đình Triều - Hàn đã đợi 65 năm để gặp lại nhau, nhưng có lẽ không nhiều nhân chứng lịch sử sẽ còn sống để tham dự ngày thống nhất.

Suốt hàng chục năm sau ngày bom ngừng rơi, đạn ngừng nổ, ông No luôn canh cánh một suy nghĩ liệu hai anh em, thuộc quân đội hai miền đối địch, đã từng giáp mặt chĩa súng vào nhau trên chiến trường hay chưa.

"Mỗi sáng thức dậy và mỗi tối trước khi ngủ, tôi cố gắng hình dung lại khuôn mặt cha mẹ, anh trai và em gái. Tôi già rồi, trí nhớ chẳng còn được tốt nữa. Hình ảnh họ cứ ngày một nhạt nhòa đi mà tôi không cách nào cưỡng lại", ông No chia sẻ.

Nay đã 87 tuổi, sức khỏe ông No đang xấu đi nhanh chóng do căn bệnh đường ruột hoành hành trong thời gian dài. Ông sợ rằng mình không còn nhiều thời gian, và có lẽ, sẽ không có cơ hội gặp lại gia đình bên kia giới tuyến. Trọng trách đoàn tụ nay được ông No giao cho người con trai.

"Những sự kiện quan trọng của cuộc đời tôi đều được ghi trong quyển sổ nhật ký. Sau này nếu con trai tôi có cơ hội, nó sẽ mang về trao lại cho gia đình ở phía bên kia", ông No nói. 

Câu chuyện của những ông No, bà Lee có thể được tìm thấy gần như ở mọi nơi trên bán đảo Triều Tiên. Theo thống kê của chính phủ Hàn Quốc, ít nhất 131.000 công dân nước này thuộc diện gia đình ly tán. Hiện nay, khoảng 71.000 người vẫn trong danh sách chờ đợi được đoàn tụ thân nhân.

Tại Hàn Quốc, những người tham gia chương trình đoàn tụ được chọn theo hình thức quay xổ số. Có khoảng hơn 100 người may mắn mỗi lần chương trình đoàn tụ được tổ chức. Con số đó chỉ như giọt nước, so với hàng chục nghìn người mong ngóng từng ngày được gặp mặt người thân.

Ngày 27/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra tuyên bố chung lịch sử, theo đó chương trình đoàn tụ các gia đình ly tán dự kiến được khôi phục ngày 15/6. Khi đa phần những nạn nhân bị chiến tranh chia cắt khỏi gia đình nay đều thuộc độ tuổi trên 80, chương trình đoàn tụ tới đây là cơ hội cuối cùng cho phép những ông già bà lão hai miền gặp mặt người thân sau 7 thập kỷ chia ly.

"Những lực lượng nước ngoài sẽ phải rời đi, và hai miền sẽ thống nhất dưới sự lãnh đạo của Lãnh tụ kính yêu", đó là những gì một người Triều Tiên nói với Huffington Post trong cuộc khảo sát quan điểm người dân phía Bắc vĩ tuyến 38 về tương lai thống nhất hai miền.

Huffington Post đặt câu hỏi cho 100 người Triều Tiên làm việc tại Trung Quốc. Dẫu không thể coi là đại diện cho toàn bộ 25 triệu cư dân Triều Tiên, con số 98% người được hỏi cho rằng thống nhất là "tối quan trọng" cho thấy ít có sự chia rẽ tại miền Bắc về tương lai hai miền chung một nhà. 

Trong một cuộc khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế [CSIS], 94% số người Triều Tiên được hỏi có cùng quan điểm "thống nhất là con đường tất yếu" của bán đảo. Thậm chí, 60% người tham gia khảo sát lạc quan tin rằng họ sẽ sớm được chứng kiến ngày thống nhất hai miền.

Nhưng, những đồng bào tại phía Nam vĩ tuyến 38 không có chung niềm tin và sự lạc quan giống như những người anh em miền Bắc.

"Cuộc chiến không chỉ chia cắt hai miền, giờ sự chia rẽ đang xuất hiện ngay giữa chính những người Hàn Quốc", Won Dae Yon, sinh viên 26 tuổi, nói với Zing.vn.

Những thế hệ lớn tuổi tại Hàn Quốc coi thống nhất là "bắt buộc" bởi người dân hai miền hiển nhiên thuộc về một dân tộc. Không ít người tin rằng việc hợp nhất hai miền sẽ giúp đất nước thống nhất sở hữu "sức mạnh vô song" và "tự định đoạt số phận" của dân tộc mình.

"Hãy tưởng tượng, đất nước sẽ có sức mạnh kinh tế của miền Nam và năng lực răn đe hạt nhân của miền Bắc. Tôi ước ngày đó sẽ đến trong phần đời còn lại của mình", Kim Yu Ho, một luật sư Hàn Quốc hiện làm việc ở Việt Nam, nói với Zing.vn.

Ngược lại, thế hệ trẻ ở độ tuổi dưới 40 không dành nhiều niềm tin vào Bình Nhưỡng sau những màn răn đe hủy diệt mảnh đất nơi họ sinh sống. Trong cuộc khảo sát của Viện Thống nhất quốc gia, một cơ quan do chính phủ Hàn Quốc tài trợ, phần lớn giới trẻ Hàn Quốc cho rằng những người anh em miền Bắc không chia sẻ chung văn hóa và lối sống.

Bất chấp những cải thiện mới đây trong quan hệ liên Triều, hơn 50% nam giới tham gia điều tra hồi tháng 2 thậm chí có ác cảm với Triều Tiên sau những xung đột trong năm 2017. Con số này đặc biệt cao ở nhóm ngoài 20 tuổi và đã tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

"Những người trẻ Hàn Quốc coi Triều Tiên như vị khách lạ không mời, bỗng dưng tham gia cuộc vui mà không có gì để đóng góp", cựu bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Sung Hwan nhận định.

Một lý do khiến những người Hàn Quốc thực tế không hào hứng với thống nhất là nỗi lo kinh tế. Giới chuyên gia tin rằng khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập, và làn sóng lao động lên tới hàng triệu người từ miền Bắc, sẽ tạo áp lực lớn cho nền kinh tế chỉ mới phục hồi của quốc gia Đông Bắc Á này.

Nỗi lo của các nhà kinh tế Hàn Quốc là có cơ sở khi họ nhìn vào bài học của Đức. Theo tính toán của Trung tâm Tài chính Frankfurt, trong vòng hai thập kỷ sau thời điểm thống nhất [1990-2010], Đức đã tốn 2.800 tỷ USD đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, và giáo dục tại vùng lãnh thổ trước đây từng là Đông Đức. Sau gần 30 năm, khoảng cách giàu nghèo vẫn tồn tại giữa 5 bang miền Đông và phần còn lại của nước Đức.

"Thống nhất có thể là mong muốn sâu xa và có phần cá nhân của Tổng thống Moon Jae In, bởi ông ấy xuất thân từ một gia đình di cư từ miền Bắc. Tuy nhiên, lá phiếu sẽ quyết định chính sách. Những cử tri trẻ phản đối thống nhất càng nhiều, khả năng thống nhất hai miền càng mong manh", Kim Ji Yoon, chuyên gia của Viện Nghiên cứu chính sách Asan, Seoul, nhận định.

Sau thông điệp làm hòa bất ngờ của "gã tên lửa" ngày đầu năm 2018, các nhà ngoại giao Seoul đã tất tả ngược xuôi với những chuyến công tác con thoi. Đi cùng sự bận rộn của giới ngoại giao là những tiến triển đáng ngạc nhiên trong quan hệ liên Triều, mà đỉnh cao là cuộc hội đàm với kết quả đột phá không ngờ giữa Tổng thống Moon Jae In và nhà lãnh đạo Kim Jong Un ngày 27/4. 

Qua một ngày đầy ắp những cử chỉ thân mật và cả chuyến viếng thăm "chóng vánh" ngoài dự kiến của ông Moon sang lãnh thổ Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo đã đạt được một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh và hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, bài học lịch sử cho thấy chưa thể quá lạc quan với kết quả vừa đạt được tại Bàn Môn Điếm. Nhiều cử chỉ ấm áp, nhiều thỏa thuận đầy tiềm năng, nhiều tuyên bố đoàn kết đã được các bên đưa ra trong quá khứ, nhưng kết cục đổ vỡ vẫn đến hết lần này qua lần khác, và Triều Tiên ngày càng hoàn thiện năng lực hạt nhân của nước này.

"Hàn Quốc và Triều Tiên không thể làm gì nhiều. Muốn thay thế hiệp định đình chiến bằng hiệp định hòa bình, các bên cần tới tiếng nói của Trung Quốc và Mỹ", Yun Sun, giám đốc nghiên cứu châu Á, Viện Nghiên cứu chính sách Stimson, nhận định.

Hiệp định đình chiến năm 1953 được ký kết giữa Triều Tiên, Trung Quốc và lực lượng Liên Hợp Quốc do Mỹ đại diện. Trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang trên bờ vực một cuộc chiến tranh thương mại, Diplomat nhận định xung đột lợi ích sâu sắc hiện tại sẽ cản trở hợp tác nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Giới chuyên gia nhận định những thỏa thuận được đưa ra sau cuộc hội đàm ngày 27/4 giữa Tổng thống Moon Jae In và nhà lãnh đạo Kim Jong Un phần nhiều mang tính biểu tượng, ít có khả năng tác động tới cục diện trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Moon Jae In hôm 20/4 cũng thừa nhận: "Vai trò của Hàn Quốc sẽ là trung gian thu hẹp khoảng cách giữa Bình Nhưỡng và Washington, tìm kiếm những giải pháp thực tế mà hai bên có thể chấp nhận được".

Phát biểu của Tổng thống Moon một lần nữa xác nhận tình trạng đã tồn tại nhiều năm qua: Mỹ và Triều Tiên là nhân tố có tiếng nói chủ chốt.

Trong hàng thập kỷ, Triều Tiên tìm cách đàm phán trực tiếp nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình với Mỹ. Khác với những diễn biến trong quá khứ, Bình Nhưỡng nay loại bỏ yêu cầu quân đội Mỹ phải rút khỏi bán đảo Triều Tiên như một điều kiện tiên quyết cho phi hạt nhân hóa. Điều kiện giải giáp hạt nhân của Triều Tiên hiện là "đảm bảo an ninh" từ phía Mỹ.

Sau nhiều lần bị "dắt mũi", giới chức Mỹ nay nghi ngờ mọi nhượng bộ, nếu có, từ phía Triều Tiên. Những phát ngôn gần đây của giới lãnh đạo cấp cao Washington cho thấy thỏa thuận hòa bình, đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, là có thể đạt được nếu Bình Nhưỡng "hành xử đúng đắn", tức từ bỏ vũ khí hạt nhân.

"Lập trường của Washington đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ chỉ nhượng bộ nếu Triều Tiên hành động trước. Điều này rất khó xảy ra. Triều Tiên sẽ không giảm quy mô chương trình hạt nhân nếu không đạt được một cam kết chắc chắn về an ninh", Giáo sư Bridget Coggins, chuyên gia khoa học chính trị từ Đai học California, nhận định.

Dù cho Hàn Quốc và Triều Tiên đã có những bước đi đột phá đầu tiên hướng tới một nền hòa bình lâu dài, không ai có thể dám chắc Washington sẽ nhượng bộ tới mức nào trong bối cảnh toan tính của Bình Nhưỡng vẫn chưa thực sự rõ ràng. 

"Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, nhưng vẫn mang bi kịch di sản Chiến tranh Lạnh của thế kỷ 20. Các chính trị gia không phải trả giá, chính nhân dân Hàn Quốc - Triều Tiên mới là người phải hy sinh vì những toan tính chính trị từ năm này qua năm khác", ông Kwon Moon Kook, 87 tuổi, nói. Đã hơn 70 năm nay ông không nghe được tin tức gì từ cha, mẹ và hai em trai ở miền Bắc. 

90s: Bán đảo Triều Tiên trước bước chuyển lịch sử hướng tới hòa bình Những tín hiệu tích cực về khả năng giải giáp hạt nhân, chấm dứt hoàn toàn tình trạng chiến tranh liên tục xuất hiện trước thềm các cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Triều và Mỹ - Triều.

Video liên quan

Chủ Đề