Hướng dẫn cách viết sổ lên lớp

Hướng dẫn ghi sổ gọi tên và ghi điểm năm 2022 - 2023 giúp giáo viên có thêm nhiều gợi ý tham khảo để biết cách viết sổ ghi điểm cho đúng quy định của Bộ GD&ĐT.

Sổ gọi tên và ghi điểm là mẫu sổ được lập ra để ghi chép lại điểm của học sinh theo từng bộ môn giáo viên đó giảng dạy. Sổ gọi tên và ghi điểm lập thành văn bản trên giấy theo mẫu của Bộ GD&ĐT; có đủ dấu của nhà trường đóng giáp lai giữa hai trang liên tiếp. Vậy cách viết sổ gọi tên và ghi điểm như thế nào? Mời các bạn hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn.

Hướng dẫn cách viết Sổ gọi tên và ghi điểm

I. Quy định chung về sổ ghi điểm

1. Sổ gọi tên và ghi điểm là hồ sơ pháp lý ghi nhận kết quả học tập và rèn luyện học sinh trong một năm học và được lưu giữ vĩnh viễn.

2. Sổ gọi tên và ghi điểm lập thành văn bản trên giấy theo mẫu của Bộ GD&ĐT; có đủ dấu của nhà trường đóng giáp lai giữa hai trang liên tiếp (kể cả các trang bìa).

3. Danh sách học sinh được xếp thứ tự theo vần a, b, c,... Đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm ghi số thứ tự, họ và tên học sinh vào các trang trong Sổ Gọi tên và ghi điểm (phải thống nhất giữa các trang). Nếu học sinh thôi học, dùng bút đỏ gạch ngang tên học sinh.

4. Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh căn cứ vào Quy chế đánh giá xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT hiện hành.

5. Chỉ sử dụng bút có mực màu đen để ghi Sổ gọi tên và ghi điểm (trừ nội dung sửa chữa).

6. Điểm các bài kiểm tra, Điểm trung bình môn (học kỳ, cả năm), Điểm trung bình các môn (học kỳ, cả năm) ghi bằng số nguyên hoặc số thập phân được lấy đến chữ số thập phân thứ nhất sau khi làm tròn số (Ví dụ: 5,0; 6,5; 8,2). Xếp loại học kỳ, cả năm đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét được phép ghi tắt: Đạt yêu cầu (Đ); Chưa đạt yêu cầu (CĐ).

7. Kết quả xếp loại học lực (trừ học lực Kém), hạnh kiểm được viết tắt. Cụ thể Hạnh kiểm: Tốt (T), Khá (K), Trung bình (Tb), Yếu (Y); Học lực: Giỏi (G), Khá (K), Trung bình (Tb), Yếu (Y), Kém (Kém).

8. Sửa chữa khi ghi sai điểm hoặc ghi sai kết quả đánh giá xếp loại, danh hiệu: Người ghi sai dùng bút mực màu đỏ: Gạch 1 nét ngang nội dung cần sửa chữa, ghi nội dung sửa chữa (phía trên, bên phải nội dung vừa gạch ngang). Cuối mỗi trang giáo viên chủ nhiệm cần xác nhận số lỗi thuộc từng nội dung (điểm, kết quả xếp loại, danh hiệu).

II. Quy định riêng với từng nội dung

1. Sơ yếu lý lịch học sinh (trang 2, 3)

- Họ và tên; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính (Nam, nữ); Dân tộc; Họ và tên cha, mẹ (hoặc người giám hộ) của học sinh: Ghi theo giấy khai sinh hoặc quyết định công nhận của cấp có thẩm quyền. Nơi sinh chỉ ghi: Huyện (thị xã, thành phố); tỉnh (thành phố) theo giấy khai sinh.

- Chỗ ở hiện tại: Ghi theo hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú của học sinh theo trình tự: Xã (phường, thị trấn), huyện (thị xã, thành phố).

- Nghề nghiệp của cha, mẹ (hoặc người giám hộ): Ghi theo nghề nghiệp hiện tại, không viết tắt.

- Những thay đổi cần chú ý của học sinh (hoàn cảnh gia đình, nơi ở, sức khỏe, ...): Ghi ngay sau khi có sự thay đổi.

2. Phần kiểm diện học sinh

Giáo viên chủ nhiệm cập nhật điểm danh hàng tuần, cuối tháng tổng hợp và ghi số ngày nghỉ của từng học sinh trong tháng đúng vị trí quy định.

3. Phần ghi điểm và tổng hợp kết quả đánh giá, xếp loại học kỳ, cả năm

- Giáo viên bộ môn: Hàng tuần ghi điểm các bài kiểm tra của học sinh đảm bảo tiến độ theo kế hoạch của nhà trường; Cuối học kỳ, cuối năm học ghi điểm trung bình môn và xếp loại môn học (các môn đánh giá bằng nhận xét) vào Sổ gọi tên và ghi điểm.

- Giáo viên chủ nhiệm: Ngay sau khi giáo viên bộ môn hoàn thành việc ghi học ghi điểm trung bình môn và xếp loại môn học, phải tính và ghi điểm trung bình các môn, ghi kết quả xếp loại học lực, hạnh kiểm, ghi kết quả được lên lớp hay không được lên lớp (được xét tốt nghiệp THCS hay không được xét tốt nghiệp THCS, được thi THPT quốc gia hay không được thi THPT quốc gia), ghi danh hiệu đạt được (nếu có): Học sinh giỏi, học sinh tiên tiến,... (học kỳ, cả năm). Chậm nhất 15 ngày trước khi bắt đầu năm học tiếp theo, phải hoàn thành việc ghi các kết quả của học sinh sau khi kiểm tra lại (rèn luyện lại) trong hè (nếu có).

Chú ý:

- Đối với các lớp học cuối cấp phải hoàn thành các nội dung theo quy định về thời gian xét công nhận (thi) tốt nghiệp hằng năm của Sở GD&ĐT.

- Đối với học sinh THCS học theo mô hình trường học mới thì thực hiện theo quy định hiện hành

- Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, ký xác nhận và quản lý theo quy định.

Theo tôi được biết Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành văn bản quy định về hồ sơ, sổ sách trong đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng. Anh chị cho tôi hỏi theo quy định này thì hồ sơ, sổ sách dành cho các trường trung cấp, cao đẳng được quy định như thế nào? Mong anh chị giải đáp giúp tôi.

Tại Điều 4 Thông tư 23/2018/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực 21/01/2019, quy định hồ sơ, sổ sách dành cho các trường trung cấp, cao đẳng như sau:

1. Chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo thể hiện được mục tiêu đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp; phạm vi và cấu trúc nội dung, phương pháp và hình thức đào tạo; cách thức đánh giá kết quả học tập đối với từng mô đun, tín chỉ, môn học, từng chuyên ngành hoặc từng nghề và từng trình độ. Chương trình đào tạo được quy định tại Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH ngày 01 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình; tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

2. Kế hoạch đào tạo

Kế hoạch đào tạo là văn bản cụ thể hóa chương trình đào tạo, thể hiện toàn bộ thời gian, hoạt động của chương trình đào tạo; xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc của mỗi học kỳ, năm học, khóa học; thời gian, thời lượng đào tạo các môn học, mô đun, tín chỉ phù hợp với chương trình đào tạo; thời gian đào tạo lý thuyết, thực hành, thực tập; kế hoạch và tổ chức các hoạt động thi, bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp (nếu có); thời gian thi hết môn học, mô đun, thi tốt nghiệp; thời gian nghỉ hè, lễ tết, khai giảng, bế giảng; thời gian học tập ngoại khóa và một số nội dung khác tùy theo từng ngành, nghề.

3. Tiến độ đào tạo

Tiến độ đào tạo là kế hoạch thể hiện tóm tắt toàn bộ tiến độ thực hiện nội dung hoạt động của từng lớp học của trường theo từng tuần, từng tháng trong thời gian của một năm học, làm cơ sở cho việc xây dựng thời khóa biểu học tập. Tiến độ đào tạo của trường được xây dựng trên cơ sở tiến độ đào tạo của từng khoa/đơn vị căn cứ vào chương trình và kế hoạch đào tạo.

4. Thời khóa biểu

Thời khóa biểu là loại kế hoạch ghi chép thời gian học tập cụ thể cho từng ngày trong tuần của từng lớp hoặc của từng chương trình đào tạo. Thời khóa biểu có thể ổn định trong một học kỳ hoặc một năm học.

5. Sổ lên lớp

Sổ lên lớp là loại sổ dùng để theo dõi toàn bộ quá trình học tập và kết quả học tập của học sinh, sinh viên và giảng dạy của giáo viên, giảng viên trong toàn khóa học đối với từng lớp học. Sổ lên lớp bao gồm các thông tin như: Lớp học, khóa học, ngành/nghề đào tạo, năm học; danh sách giáo viên, giảng viên tham gia giảng dạy môn học/mô đun; danh sách giáo viên, giảng viên làm công tác chủ nhiệm; danh sách học sinh, sinh viên; nội dung cơ bản của từng buổi học, ngày học theo thời khóa biểu đã được phê duyệt; theo dõi, đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên; ghi điểm của học sinh, sinh viên.

6. Sổ quản lý học sinh, sinh viên

Sổ quản lý học sinh, sinh viên là sổ ghi chép, theo dõi về học sinh, sinh viên. Nội dung sổ quản lý học sinh, sinh viên bao gồm: Sơ yếu lý lịch, kết quả rèn luyện của học sinh, sinh viên theo từng kỳ học, năm học, khóa học.

7. Sổ theo dõi đào tạo tại doanh nghiệp

Sổ theo dõi đào tạo tại doanh nghiệp là sổ ghi chép các hoạt động đào tạo tại doanh nghiệp của từng nhóm, từng lớp. Sổ theo dõi đào tạo tại doanh nghiệp bao gồm các nội dung như: Nhóm/lớp học, khóa học, ngành/nghề đào tạo, năm học; danh sách người hướng dẫn thực hành, thực tập; danh sách giáo viên, giảng viên tham gia giảng dạy, quản lý học sinh, sinh viên; danh sách học sinh, sinh viên; nội dung thực hành, thực tập; kết quả thực hành, thực tập của học sinh, sinh viên và các nội dung khác có liên quan tới đào tạo tại doanh nghiệp.

8. Sổ cấp bằng tốt nghiệp

Sổ cấp bằng tốt nghiệp là loại sổ theo dõi việc cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Sổ cấp bằng tốt nghiệp được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 10/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13 tháng 03 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về mẫu bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng; in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng.