Ký túc xá D6 Đại học Hà Nội

TP - Khi biết đã trúng tuyển, chưa nhận giấy báo nhập học, nhiều tân sinh viên đã phải lo lắng tìm cách đăng ký để mong có cơ hội được ở trong ký túc xá [KTX], giảm chi phí sinh hoạt cho gia đình khi đến Hà Nội học.

Nguyễn Văn Dũng [Thanh Hóa] vừa trúng tuyển vào một trong 8 trường đại học [ĐH] trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội và có nguyện vọng được ở trong ký túc xá Mễ Trì.

Nhận được thông báo KTX mở cổng đăng ký, nhưng dù ngồi chầu chực bên máy tính, Dũng cũng không thể đăng ký được do quá ít suất mà nhu cầu lại lớn. Chính vì vậy, em lại tìm bạn học cùng quê để có thể thuê trọ cùng nhau.

Sinh viên đăng ký ở tại ký túc xá Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội Ảnh: VNU

Chị Nguyễn Bích Thủy ở Long Biên, Hà Nội chia sẻ, năm nay cháu ruột ở quê trúng tuyển vào Học viện Ngân hàng. Do sợ cháu đi lại vất vả nên chị muốn cháu ở KTX cho tiện. Dù đã đăng ký thành công nhưng chị Thủy cho rằng khả năng có được 1 suất trong KTX gần như bằng 0 vì Học viện xét theo thứ tự ưu tiên mà cháu chị không thuộc đối tượng ưu tiên nào.

TS Vũ Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết, đầu năm, nhà trường chỉ tiếp nhận đăng ký ở KTX đối với các sinh viên khóa mới, còn không xét duyệt sinh viên khóa cũ. Không những thế, tân sinh viên cũng phải thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định mới được ở. Nguyên nhân là KTX không đủ chỗ để đáp ứng hết mọi yêu cầu của sinh viên.

Hiện nay, ĐH Quốc gia Hà Nội có 3 KTX [Mễ Trì, ĐH Ngoại ngữ, Mỹ Đình 2] với hơn 6.000 chỗ ở. Trong đó, ưu tiên quỹ nhà dành cho sinh viên năm thứ nhất là khoảng 1.700 chỗ cho 8 trường ĐH và 4 khoa trực thuộc. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 của ĐH Quốc gia là 13.150, chỗ ở KTX đáp ứng được gần 13% sinh viên năm thứ nhất. Còn xét trên quy mô toàn ĐH Quốc gia Hà Nội, KTX đáp ứng được trên 13%.

Do đó, giống như các trường ĐH khác, ĐH Quốc gia Hà Nội xét ưu tiên một số đối tượng được ở KTX như diện chính sách xã hội, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của người có công; học sinh, sinh viên khuyết tật; có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số; có hộ khẩu thường trú tại vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; mồ côi cả cha và mẹ; là con hộ nghèo, cận nghèo; học sinh, sinh viên thuộc nhiệm vụ đào tạo chiến lược của ĐH Quốc gia Hà Nội; đạt giải cao, điểm cao trong kỳ thi học sinh giỏi, thi tuyển sinh ĐH...

Tại Hà Nội, rất hiếm trường ĐH có thể đáp ứng đủ chỗ ở KTX cho sinh viên có nhu cầu. Phần lớn các trường đều xét theo đối tượng ưu tiên từ trên xuống dưới nên sinh viên bình thường gần như không có cơ hội tiếp cận chỗ ở trong KTX.

PGS.TS Phạm Thanh Huyền, Trưởng phòng Truyền thông, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, chỗ ở trong KTX của trường là 4.200. Đối với sinh viên năm thứ nhất, trường thường dành khoảng 1.000 chỗ, cơ bản đáp ứng hết nhu cầu ở KTX [chỉ tiêu năm nay của trường là hơn 8.000].

Bà Đặng Hương Giang, Trưởng phòng Công tác chính trị và Quản lý Sinh viên, Trường ĐH Thủy lợi, cho biết tòa nhà KTX 11 tầng của trường đáp ứng được 4.000 chỗ ở cho sinh viên. Tuy vậy, nhà trường vẫn xét theo đối tượng ưu tiên, với các đối tượng khác, nhà trường cố gắng bố trí đáp ứng yêu cầu. Bà Giang chia sẻ, có lúc vẫn còn dư chỗ ở.

KTX của Trường ĐH FPT cơ sở Hòa Lạc, Hà Nội đang phục vụ hai đối tượng là học sinh Trường THPT FPT và sinh viên ĐH. Nhà trường hiện đáp ứng đủ 100% chỗ ở KTX cho học sinh phổ thông. Đối với sinh viên, mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% quy mô đào tạo, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, cho biết.

Theo TS Lê Trường Tùng, Bộ GD&ĐT đang xây dựng tiêu chuẩn cơ sở đào tạo giáo dục ĐH, trong đó có tiêu chí: “KTX sinh viên và các công trình phục vụ sinh hoạt của sinh viên đảm bảo theo quy định và đáp ứng điều kiện nội trú cho ít nhất 25% tổng quy mô đào tạo [hoặc tương đương 100% quy mô tuyển sinh năm thứ nhất]”.

10/08/2018 | Blacasa Education

Hanu- tên viết tắt của trường đại học Hà Nội- ngôi trường của rất nhiều các bạn trẻ ngành ngôn ngữ: Anh, Đức, Pháp, Nga, Nhật, Hàn, Trung,... Trong bài viết này tôi muốn Review về cuộc sống ở kí túc xá Hanu dưới góc nhìn của bản thân mình. Những lợi ích và bất lợi của ký túc xá mà tôi sẽ chia sẻ với các bạn là trải nghiệm của bản thân tôi khi sống ở đây. Với những bạn muốn sống ở ký túc xá, tôi sẽ chia sẻ các kinh nghiệm xin vào ký túc xá của mình trong bài viết này.

Lợi ích thấy ngay

Cái đầu tiên mà tôi làm được đó là tiết kiệm được rất nhiều tiền từ việc sống trong ký túc xá bởi giá thuê phòng.Tôi sống ở khu nhà F. Khu nhà này không có nhiều tiện nghi nhưng giá thuê phòng chỉ bằng 1/5 so với thuê ở ngoài và đóng 1 cục luôn để cả năm không phải suy nghĩ gì thêm về tiền nhà. Tôi không phải lo đóng tiền nước hàng tháng như ở ngoài, nước cứ dùng thoải mái. Điện mỗi tháng được cho bao nhiêu số cả phòng và nếu dùng hết thì phải đóng thêm nhưng không nhiều.

Tôi được sống trong trường, tiện đi họcnên không ngại đường xá Hà Nội tắc nghẽn và bụi bẩn. Kí túc lại ngay sát sân vận động, tập thể dục tha hồ, rất tốt cho sức khỏe. Ngoài ra thì mọi hoạt động của trường tôi đều được thông tin và tham gia nếu muốn.

Cũng 1 cái lợi ích đó là trong khuôn viên của trường Hanu cũng có nhiều sinh viên nước ngoài sinh sống hoặc đến để giao lưu nên bạn sẽ thường xuyên được gặp gỡ, tiếp xúc,trao đổi, trò chuyện tốt cho việc học ngoại ngữ của mình. Giá thuê phòng ký túc xá cho sinh viên nước ngoài tại Hanu cao hơn sinh viên Việt Nam nhưng phòng chất lượng hơn. Gửi xethoải mái và không có tình trạng trộm cắp ở thời điểm tôi thuê. Mỗi phòng đều có khu vệ sinh khép kín.

Trước kia tại ký túc xá Hanu, sinh viên không được nấu ăn, nhưng bây giờ đã có khu nấu ăn chung rồi. Lại thêm địa điểm gần chợ Phùng Khoang, mua gì cũng rẻ nhưng rau quả nhớ các bạn lưu ý mua về rửa cẩn thận vì rất nhiều thuốc sâu.

Khuôn viên đại học Hà Nội.

Bất tiện trong thời gian ở

Tất nhiên là lợi có mà hại cũng đáng kể. Ở ký túc xá Hanu, do mật độ đông nên nhiều khi chúng tôi nói chuyện cả ngày, party, tụ tập bạn bè... khiến cho việc học trong nhà rất khó tập trung → cách khắc phục: đến thư viện hoặc lên trường học bài/ hoặc nếu nhà có điều kiện hơn thì có các phòng cao cấp hơn trong ký túc xá chỉ ở chung 4 người.Tại phòng ký túc xá Hanu có cả 8 người cùng ở [vào năm 2012 lên tới cả 12 người] trên 1 phòng, nên mỗi người khó có không gian riêng của mình. Nếu 1 lúc nào đó buồn ngủ mà có bạn nào vui quá hét lên thì không hề thoải mái. Thỉnh thoảng cũng có bạn dẫn người yêu về nhưng trong phòng “chỉ nắm tay thôi không làm gì cả” vì phòng chúng tôi không dùng rèm che ở mỗi giường như 1 số ký túc khác. Có những bạn không hợp tính cũng là điều không thể tránh khỏi, nó "random", quan trọng là bạn có thích nghi được hay không. Trường hợp xấu là có những bạn vì không thể thích nghi trong môi trường đa tính cách nên đã phải chuyển ra ngoài sống → khắc phục: mỗi người nhường nhịn nhau 1 tý, cần học cách suy nghĩ cho người khác và đặt bản thân mình vào vị trí của người kia để hiểu nhau.

Ngoài ra, điều kiện môi trường trong ký túc xá Hanu còn nhiều bất tiện: nước giếng khoan, hay xảy ra ngập úng trong trường gây khó khăn cho đi lại→ hạn chế nhược điểm này, các bạn nên mua nước đóng chai để sử dụng và tích góp lương thực [mì tôm, ruốc,...] phòng khi trời mưa, ngập lụt không tiện ra ngoài.

Lợi ích lâu dài

Do sống trong ký túc xá nên tôi có thêm nhiều bạn. Chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm học tập, kinh nghiệm sống với nhau. Sự giao tiếp với những người học cùng khoa cũng nhiều hơn. Thi cử có người cùng ôn, mỗi lần mà tính đi chơi rồi nhìn sang cửa sổ thấy chị bạn cùng lớp đang cầm quyển sách là cảm giác lại thấy áy náy trong lòng. Mấy đứa cũng rủ nhau đi làm Mini job. Hè cùng nhau vui chơi và đi làm thêm sinh viên, dạy gia sư,...

Tình cảm

Nhớ 1 lần vào năm cuối đại học, tôi bị ngã xe máy trên đường đi dạy gia sư về , các bạn cùng phòng đã giúp tôi đi sửa xe, và cùng tôi đến bệnh viện lúc tối muộn. Hôm đó tôi thực sự rất cảm động và thấy rất yêu chúng nó. Hoặc lúc bị ốmmới thấy là ở ký túc xá tình cảm biết bao.

Lúc hết tiền

Đó là khi trong túi chỉ còn mấy nghìn đồng để chia nhau 1 đĩa rau muống, đậu phụ với tinh thần là sẵn sàng giảm béo. Dân ký túc xá được cái sống tiết kiệm và dáng cũng đẹp nữa, ít khi có người bị thừa cân.

Kinh nghiệm xin vào ký túc xá

Về cơ bản các cô chú trong ban quản lý ký túc xá cũng là những người hiểu rõ, cảm thông và khá là thương yêu các bạn sinh viên của trường nên sẽ cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để các sinh viên được ở trong ký túc xá. Tuy nhiên phòng cho sinh viên thuê trong trường thì có hạn mà sinh viên nộp đơn thì rất đông. Vì thế ở đây tôi cũng xin được chia sẻ kinh nghiệm bản thân và từ kinh nghiệm các bạn của tôi.

Mối quan hệ

Mối quan hệ mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là sự quen biết. Nếu bạn có người thân quen gì làm ở trong trường thì tốt rồi. Còn không thì hãy hỏi chính những người bạn bè của mình đang ở trong ký túc xá xem họ có biết phòng nào đang thiếu người hoặc ai đó sắp chuyển đi để nộp đơn thế chỗ.

Kí túc xá luôn dành ưu tiên cho các bạn ở rất xa, con nhà nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt

Chính vì vậy bạn cần phải viết 1 tờ Đơn xin ở ký túc xávới hoàn cảnh thật xúc động. Bạn có thể nhờ bố mẹ xin ở địa phương cho mấy giấy tờ liên quan là nhà ở xa xôi miền núi, trung du, nhà nghèo, cận nghèo, có ông/bà là thương binh,....  với điều kiện học tập khó khăn. Ví dụ: không có tiền thuê trọ nên em đang ở nhờ nhà họ hàng, nhưng nhà họ hàng rất xa và  mỗi ngày đều phải đạp xe đến trường 2 tiếng,...Trong trường hợp khẩn cấp hãy đem cả vali quần áo đến để nộp đơn với bộ dạng thật khổ sở thì ai mà không mủi lòng. Nếu vẫn không được, hãy thường xuyên đến hỏicho đến khi người ta không muốn nhìn mặt bạn nữa thì có thể là bạn sẽ đạt được mục đích của mình.

Ưu tiên chọn phòng và chỗ ở trong phòng

Phòng ký túc xá Hanu có nhiều giường tầng, ai đến sớm hơn sẽ được chọn giường ở vị trí tốt hơn. Ở gần cửa sổ sẽ có nhiều ánh sáng tốt cho mắt, nhưng mùa hè sẽ nóng hơn chút.

Giường tầng trên có thêm không gian để trang trí và treo đồ đạc, không bị ảnh hưởng bởi sự di chuyển của đứa bạn cùng giường và mọi người đi lại xung quanh. Tuy nhiên, khi ở ký túc xá thì mỗi thành viên nên cố gắng nhẹ nhàng nhất có thể để khi các bạn khác học bài hoặc đang ngủ.

Kết

Sau 4 năm học đại học ở Hanu tôi vẫn thấy quyết định chuyển vào ký túc xá của mình là sáng suốt, không chỉ tiết kiệm được chi phí rất nhiều cho gia đình. Cũng có những buồn-vui-yêu-ghét trong thời gian ở, nhưng tôi có khoảng thời gian rất vui vẻ và thêm nhiều điều thú vị hơn trong cuộc đời mình. Các bạn có thể tham khảo thêm về nộp đơn đăng ký và  giá phòng ký túc xá Hanu tại đây nhé:

Nộp đơn đăng kí tại ĐÂY

Tham khảo giá thuê phòng tại ĐÂY

Tác giả: Phan Thu Trang

Sinh viên đại học Erfurt, CHLB Đức, cựu sinh viên HANU

Chủ Đề