Lá trúc che ngang mặt chữ điền là gì

THẠCH QUỲBài thơ Đây thôn Vĩ Dạ được tuyển chọn để giảng dạy ở trường phổ thông vài chục năm nay. Đó cũng là bài thơ xuất sắc được bạn đọc cả nước yêu mến. Tuy vậy, cho đến hôm nay, cái hình ảnh “Mặt chữ điền” đầy sức quyến rũ và ám ảnh ấy vẫn chưa được nhận chân, nhận diện một cách chính xác.

Có người bảo Mặt chữ điền là mặt người. Người đàn ông hay người phụ nữ mang gương mặt chữ điền lấp ló sau dậu trúc? Có người bảo “mặt chữ điền” là mặt tấm rèm đan bằng tre hoặc bằng nứa với những ô vuông cài nan ngang dọc, tượng hình cho con chữ ấy... Các nhà nghiên cứu, mỗi người nói mỗi phách. Các thầy giáo, cô giáo thì hàng ngày hàng giờ phải đối diện với câu hỏi của học trò, toát mồ hôi hột cũng chẳng biết nên cắt nghĩa cái mặt chữ điền ấy sao cho thoả đáng!

Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau. Đó là cách hành xử với Mặt chữ điền mấy chục năm nay.

Vừa rồi tôi vào Huế, các thầy giáo ở trường Quốc học, trường Hai Bà Trưng, trường Cao đẳng sư phạm gặp tôi, họ lại “mang chuyện trăm năm giở lại bàn”. Trước yêu cầu cấp thiết của các thầy, cô giáo tôi thấy cần mạnh dạn nói ý kiến của mình về câu thơ đó để cùng tham khảo.

Sao anh không về chơi Thôn Vĩ/ Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên/ Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền....Hãy để ý và dõi theo ánh mắt của nhà thơ. Ánh mắt ấy từ trên cao phía hàng cau, gặp nắng mới lên, thời gian đang là buổi sáng sớm. Ánh mắt từ từ hạ xuống nhìn qua dậu trúc, nhìn thấy mảnh vườn. Nhà thơ thấy gì ở mảnh vườn đó trong buổi sáng sớm ấy? Thứ nhất, thấy bằng cảm giác. Một cảm giác chung, choáng ngợp tâm hồn, nhà thơ phải thốt lên: “Mướt quá!”

Thứ hai, thấy bằng trực giác. Trực giác thông qua liên tưởng và so sánh: “Xanh như ngọc!”

Thứ ba, và đây là hình ảnh trung tâm của cái nhìn sáng tạo: Mảnh vườn vuông vức, luống đất chạy dọc, lá trúc che ngang nên nó hiện lên trong mắt nhà thơ hình ảnh chữ điền

Theo bạn, "mặt chữ điền" ở đây là "mặt ai", hay "mặt gì" [hình vuông của khuôn viên vườn, chữ điền trên bức bình phong ở nhà vườn Huế], hay là "gì" ?

Ảnh: Một ngôi nhà vườn ở Huế, phải chăng là nơi có "lá trúc che ngang mặt chữ điền" của Hàn Mặc Tử ? [ảnh này, tạm mượn từ internet, khi rảnh, tớ sẽ thay bằng ảnh do tớ chụp vườn nhà bác TĐV – một nhà giáo sinh ra ở Huế, dạy học ở Huế, hiện ở Huế]

XUNG QUANH CÂU THƠ : LÁ TRÚC CHE NGANG MẶT CHỮ ĐIỀN

Vũ Nho

Tôi cứ băn khoăn mãi về bài thơ Đây thôn Vỹ Giạ của Hàn Mặc Tử. Đôi lần cũng cầm bút toan viết lời bình, nhưng cảm thấy một khi những mặt chữ điền, khách đường xa mà chưa hiểu rõ thì rất dễ rơi vào suy diễn, vậy nên lại thôi. Tôi tìm đọc những người đã viết về bài thơ này. Nhưng cho đến tận bây giờ, thú thực cái hình ảnh lá trúc che ngang mặt chữ điền ấy vẫn chưa có một lí giải nào thật thuyết phục.

Mặt chữ điền là mặt ai?

Không thể nào hình dung mặt chữ điền lại là mặt của cô gái, chủ của vườn ai mướt quá xanh như ngọc. Bởi lẽ chữ điền là chữ Hán, hình vuông được tạo thành bởi 4 hình vuông nhỏ. Mặt đẹp của phụ nữ là mặt trái xoan hay mặt búp sen [Ai về bên kia sông Đuống. Có nhớ từng khuôn mặt búp sen. Hoàng Cầm]. Mặt chữ điền là mặt vuông vức cuả nam giới. Đó là khuôn mặt cương nghị, rắn rỏi, không cần bàn cãi.

Không thể là mặt của cô gái được vậy thì mặt chữ điền phải là mặt đàn ông. Vậy ai là người đàn ông có khuôn mặt đó?

Đấy là mặt của ông chủ vườn ai. Có thể là bố, là anh của người con gái có khu vườn đẹp. Cũng có thể là mặt một người đàn ông nào đó ngẫu nhiên đi qua khu vườn. Cái vườn mướt quá xanh như ngọc là tiêu biểu cho cảnh đẹp của Vĩ Giạ, của Huế. Vậy cái mặt chữ điền thấp thoáng sau lá trúc che ngang là có thể tiêu biểu cho người Vĩ Giạ, người Huế cương nghị, rắn rỏi phúc hậu. Nghe cũng có vẻ xuôi xuôi. Nhưng chả lẽ “cái mặt chữ điền” đàn ông ấy lại ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc đến Hàn Mặc Tử vậy sao ? Chả lẽ Hàn Mặc Tử làm thơ theo kiểu gặp gì ghi nấy vậy sao ?

Có một cách hiểu khác, đó là mặt của người trở về thôn Vĩ. Người về thôn Vĩ là tác giả Hàn Mặc Tử, mặt chữ điền là mặt tự họa đầy kiêu hãnh của thi nhân. Cách hiểu này sẽ bị bác bỏ vì không đúng với khuôn mặt thật của Hàn Mặc Tử trong ảnh chân dung. Vì thế chăng nên người viết như vậy đã gài thêm cái ngoặc đơn [và cả tự…vơ vào nữa]. Hàn Mặc Tử tự vơ cái mặt chữ điền vào mình để làm gì ? Mặt chữ điền là khuôn mặt phổ biến của những người thường là nông dân cương nghị, rắn rỏi, chân chất gắn bó với đồng ruộng, một khuôn mặt chẳng có gì đặc biệt sang trọng hay quý phái gì về tướng mạo, sao Hàn lại phải vơ vào? Mặt khác, điều này mới là quan trọng : đương gợi tả cái vườn đẹp của người ta xanh như ngọc mà thò cái mặt chữ điền của mình vào đấy thì họa có mà… dở hơi.

Chủ Đề