Làm sao để trẻ làm việc nhà

Có lẽ bố mẹ nào cũng thấy thời gian trôi thật nhanh khi mới ngày nào con bạn chỉ là một đứa trẻ còn nằm trong nôi thì giờ đã là đứa trẻ 4 tuổi và chuẩn bị bước vào mẫu giáo. Đây cũng là độ tuổi thích hợp để dạy con cách làm việc nhà và giúp đỡ bố mẹ. 

Dưới đây là danh sách những cách dạy trẻ 4 tuổi làm việc nhà đơn giản, dễ thực hiện mà Kiến Guru muốn chia sẻ cho các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi này

Lợi ích của khi dạy trẻ làm việc nhà

Cho trẻ tham gia làm việc nhà là một cách tuyệt vời để dạy bé về trách nhiệm đối với gia đình. Ngày nay, cuộc sống khiến bố mẹ trở nên bận rộn, khó mà cân bằng giữa các công việc gia đình và dành thời gian chơi cùng con. Một cách để cân bằng giữa công việc và chăm sóc con cái là kết hợp cả hai lại, dạy con cách làm việc nhà để bé có thể hoạt động thể chất, trở nên tự lập hơn và có trách nhiệm hơn.

Tuy nhiên, làm việc nhà không chỉ đơn giản là bạn hướng dẫn là bé sẽ làm được mà còn cần một số phương pháp và mẹo để bé có thể làm đúng. 

Cách dạy trẻ 4 tuổi làm việc nhà: Những khó khăn thường gặp

Bất kì quá trình học hỏi nào cũng có những khó khăn nhất định, việc nhà cũng không ngoại lệ. Sau đây là một số khó khăn bạn có thể gặp phải trong quá trình dạy con làm việc nhà.

Yêu cầu không rõ ràng:

Bé cần hiểu rõ công việc chính xác gì và bố mẹ mong con sẽ làm gì. Hãy rõ ràng về tiêu chuẩn làm việc nhà như làm như thế nào được xem là hoàn thành. Điều này sẽ tốt hơn là bạn để bé làm và không đặt ra mục tiêu nào, bé sẽ chỉ làm mà không hoàn thành theo cách bạn muốn. Ví dụ như bạn yêu cầu bé quét nhà, bé quét nhưng không sạch vì bé không biết như thế nào là “sạch”.

Phải nhất quán:

Bạn nên rõ ràng về việc phân công nhiệm vụ của con. Ví dụ bạn giao cho con dọn dẹp góc vui chơi, cho thú cưng ăn hay bỏ quần áo bẩn vào giỏ. Nếu thỉnh thoảng bạn làm hộ con thì mọi nỗ lực rèn luyện cho con tính trách nhiệm bằng cách làm việc nhà sẽ tan thành mây khói. Không nên có bất kì ngoại lệ nào, trách nhiệm của con thì con nên là người hoàn thành, đương nhiên là trừ những trường hợp bất khả kháng. 

Thời gian:

Nên phân chia thời gian làm việc nhà hợp lý cho bé. Các bé và cả người lớn sẽ có xu hướng không làm việc nhà hoặc làm không tới nơi tới chốn vì lý do: “Không đủ thời gian”. 

Anh chị em ruột:

Việc phân chia công việc nhà không đồng đều giữa anh em trong nhà với nhau sẽ khiến các bé trở nên bất mãn và dần có tâm lý chống đối với công việc mà bố mẹ phân cho. Cách dạy trẻ 4 tuổi trong trường hợp này là phân công việc và khối lượng công việc phù hợp với độ tuổi. Cả nhà có thể cùng ngồi xuống và thảo luận xem các con có thể làm gì để phụ giúp việc nhà.

Cách dạy trẻ 4 tuổi làm việc nhà: Phương pháp

Nếu đã hiểu rõ những khó khăn trong quá trình dạy trẻ làm việc nhà, bạn hoàn toàn có thể khắc phục bằng những phương pháp khéo léo sau đây:

Giao cho trẻ nhỏ những công việc đơn giản:

Trẻ em hai tuổi đã bắt đầu có thể phụ người lớn làm việc nhà. Khi bạn xếp quần áo, có thể cho con ngồi kế bên và hướng dẫn con cách xếp quần áo của chính mình, khi bé đã quen thì bé hoàn toàn có thể tự làm một mình. Tương tự, bé cũng có thể tự ăn và mang tô của mình bỏ vào bồn (với sự giúp đỡ của bố mẹ), khi bé lớn hơn thì cũng có thể tự làm điều đó. Mục tiêu ở giai đoạn này là để tạo thói quen và dạy bé có trách nhiệm chứ không phải là mong trẻ có thể gấp quần áo một cách hoàn hảo. Và như một kết quả tất yếu, khi trẻ lên 4 thì bé đã có thể thuần thục tự làm những công việc mà mình luyện tập từ bé

Chọn công việc phù hợp:

cách dạy trẻ 4 tuổi làm việc nhà hiệu quả thứ 2 là chọn công việc phù hợp. Bé càng lớn thì sẽ được giao nhiều công việc hơn, tốn thời gian nhiều hơn, đòi hỏi nhiều công sức và nỗ lực hơn như: bày chén bát, dọn bàn sau khi ăn xong, rửa chén hoặc quét nhà. 
  • Bạn có thể làm thời khóa biểu để giúp con phân chia ngày nào làm việc nào. Sử dụng thời khóa biểu hoặc lịch làm việc sẽ giúp trẻ học được kĩ năng sắp xếp, quản lý công việc tốt hơn.
  • Cân nhắc thời gian làm việc nhà cho bé: Hãy giao việc cho bé vào thời gian phù hợp nhất với con. Không nên bắt con làm việc nhà ngay sau khi tan học vì đây là thời điểm bé đã cạn kiệt năng lược, trước khi đi ngủ cũng không phải là thời điểm tốt vì đây là lúc bé cần nghỉ ngơi để có thể chìm vào giấc ngủ dễ hơn. 
  • Công việc nhà là trách nhiệm của mọi thành viên trong gia đình. Không nên tạo cho bé suy nghĩ việc nhà là việc của phụ nữ hay bố không cần phải làm việc nhà. Ngoài làm việc nhà thì đây cũng là cách dạy trẻ 4 tuổi về trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, và đương nhiên, cả sự công bằng trong gia đình.

Công nhận nỗ lực của con:

Hãy cân bằng giữa việc khen ngợi và công nhận nỗ lực của con. Công việc nhà là một phần của cuộc sống và nên được coi là một phần đóng góp của gia đình hơn là một “sự nhờ vả” hay “thành tích”. Bạn nên ghi nhận việc con hoàn thành việc nhà như "làm tốt công việc, hoàn thành đúng giờ". Bạn có thể trả cho con một khoản tiền tiêu vặt nhỏ để ghi nhận nỗ lực của con, đồng thời đây cũng là cách để dạy con về đồng tiền, phải lao động thì mới có thành quả.

Cho con quyết định:

Cho con cảm thấy mình được tôn trọng và được lựa chọn bằng cách hỏi con là con muốn làm việc nhà nào? Con muốn quét nhà hay rửa bát?. Nhưng đương nhiên là con cũng cần biết là mẹ cũng có thể giao cho con những công việc con không muốn làm.

Cố gắng để tạo sự vui vẻ:

Bạn có thể biến những công việc nhà thành niềm vui hằng ngày với bé bằng những cách đơn giản như sau. Hãy bảo với bé việc giặt giũ là trò phân loại quần áo màu và quần áo trắng, thi xếp đồ trong thời gian quy định. Có thể bật những bản nhạc sôi động mà bé thích để công việc nhà hàng ngày trở nên sôi động hơn, mẹ và con cũng có thể cùng nhau nhún nhảy để bé thích thú hơn. Thậm chí bé có thể “trông đợi” để làm việc nhà hàng ngày nữa đấy.

Quan tâm đến cảm xúc của con:

Sẽ có những ngày bé bỗng nhiên không muốn làm việc nhà hay làm một cách hời hợt thì chắc chắn đã có điều gì đó xảy ra. Hãy quan tâm liệu sức khỏe của con có ổn không, hoặc hỏi con có chuyện gì đã xảy ra sẽ là cách để bé biết rằng bạn quan tâm bé rất nhiều. Nếu bé buồn chán, bạn có thể cùng bé làm công việc của bé nhưng tuyệt đối không làm giúp hoàn toàn cho bé.

Làm việc nhà là cách để bé phát triển những kĩ năng chăm sóc gia đình, chăm sóc bản thân mà bé rất cần trong tương lai. Đây cũng là quãng thời gian quý giá mỗi ngày để cả gia đình có thể gắn kết với nhau, giải tỏa căng thẳng và yêu thương nhau nhiều hơn. Tùy vào mỗi gia đình mà công việc nhà có thể khác nhau nhưng những công việc cơ bản nhưng giặt giũ, lau nhà, rửa chén, sơ chế thực phẩm đơn giản là những điều nên dạy bé.


Kiến Guru hi vọng rằng, với những cách dạy trẻ 4 tuổi làm việc nhà mà chúng tôi vừa chia sẻ, bố mẹ có thể giúp con làm việc nhà thuần thục hơn, nhiều niềm vui hơn mà không phải tốn nhiều công sức. Chúc bạn thành công

Làm việc nhà là cách đơn giản nhất giúp cha mẹ dạy con tự lập và học được tinh thần trách nhiệm. Ở phòng khám Cây Thông Xanh của chúng tôi, có một câu hỏi thường xuyên được nghe từ phía cha mẹ của con, là con rất lười biếng, không chịu làm việc giúp cha mẹ, suốt ngày chỉ biết nằm dài xem tivi, chơi điện tử. Cha mẹ đi làm về mệt nhọc, lại vội vàng lao vào chuẩn bị cơm cơm nước nước mà con cũng không thấy có phần trách nhiệm gì trong đó. Con cái thường coi đó như là trách nhiệm của cha mẹ.

Phải khẳng định rằng tất cả trẻ con đều thích làm việc nhà. Hãy cứ xem những em bé lăng xăng bên mẹ khi mẹ nấu cơm, em đòi nhặt rau, đòi rửa bát, đòi dọn bàn ăn sẽ thấy, tình yêu làm việc của các em lớn lắm. Vậy có khi nào tình yêu làm việc của các em tự mất đi, khi các em lớn lên hay không?

Thực ra, tình yêu công việc, đặc biệt là việc nhà là do các em được cha mẹ dậy dỗ từ nhỏ. Khi các em lăng xăng bên cha mẹ đòi được cầm cọng rau để nhặt, cha mẹ đã làm gì khuyến khích em hay là quát lên “Đi ra ngoài kia chơi đi để mẹ làm”. Lần nào muốn làm gì cũng nghe câu “để mẹ làm”, dần dần lớn lên các em sẽ coi việc nhà đương nhiên không phải việc của mình. Chính vì thế mà mọi việc trong nhà các em đều “để mẹ làm” như một lẽ đương nhiên.

Có lần, nhà có khách, tôi đang rửa cả chồng bát ở ngoài sân thì bé Bông nhà chị bạn cứ lân la đến gần rồi cười rất bẽn lẽn. Đoán rằng em đang thích nghịch nước, tôi hỏi “con thích rửa bát phải không?”. Em gật đầu “Vâng” rất nhanh. Tôi  nheo mắt: “Thế còn chần chừ gì nữa, rửa luôn”. Em xông xáo xắn tay áo, nhanh tay cho bát xuống dưới vòi nước rất chuyên nghiệp. Tôi hỏi “Bông thích rửa bát thế ở nhà Bông có giúp mẹ rửa bát không?”. Bông hồn nhiên trả lời “Không ạ, mẹ không cho cháu rửa”. Tôi hiểu lý do vì sao mẹ không để em rửa bát. Mẹ em cũng như nhiều bà mẹ khác, sợ em rửa bát không sạch, sợ rửa xong bát thì em cũng ướt hết quần áo, bẩn hết người. Nhưng có sao đâu so với việc em đã biết yêu lao động, biết thích làm việc nhà. Và quan trọng hơn là biết không để toàn bộ việc nhà “để mẹ làm” khi em lớn lên.

Làm sao để trẻ làm việc nhà

Trẻ em khi được giao việc, các em sẽ rất háo hức với công việc mình được làm, và quan trọng hơn là các em cảm thấy mình rất quan trọng đối với gia đình. Và đó cũng chính là một cách để bố mẹ dạy con về vai trò, vị trí của con trong gia đình.

Có lần đến nhà chị bạn chơi, tôi thấy con trai 3 tuổi của chị chạy ra hào hứng lấy cho chị miếng lót chân chống xe cho nền nhà khỏi xước, chờ mẹ dắt xe vào là con háo hứng đặt miếng lót vào chân chống. Rồi em lấy chổi ra quét quét nền nhà. Hẳn các bạn biết bé 3 tuổi mà quét nhà thì như thế nào rồi đấy, nhưng chị vẫn kiên nhẫn đứng nhìn bé quét, không chê bai, không chỉ trích. Bé quét xong chị động viên “Con trai mẹ chăm chỉ quá, biết giúp mẹ quét nhà khi mẹ đi làm về rồi nhé”. Em cười mắt long lanh “tuổi nhỏ làm việc nhỏ mẹ nhỉ”, rồi em xách túi giúp mẹ mang vào nhà. Đợi em vào phòng khác, chị nhẹ nhàng lấy chổi quét lại nhà cho sạch. Chị bảo nếu chị quét nhà luôn thì sẽ không tốn thời gian cho việc quét nhà 2 lần, nhưng chị vẫn kiên trì chờ đợi. Bởi với chị, tốn một chút thời gian hôm nay dạy con lao động, dạy con tự lập, ngày sau chị sẽ được an nhàn, nghỉ ngơi mà không phải tất tả, vội vã về nấu cơm cho các con hai ba mươi tuổi đầu đang chờ mẹ về nấu bữa tối.

Dưới đây là bảng những công việc trẻ có thể làm ở từng độ tuổi nhằm giúp bố mẹ tham khảo và lựa chọn những việc nhà phù hợp để giao cho con. Tùy vào điều kiện gia đình mà bố mẹ có thể hướng dẫn con mình những việc khác nhau, nhưng luôn phải ghi nhớ: Một khi bé bắt tay vào làm việc nhà, hãy nhẹ nhàng bảo ban con, đừng mắng mỏ hay cáu gắt nếu con làm chưa tốt. Thái độ của bạn sẽ quyết định tới sự ham học hỏi của bé!

2 – 3 tuổi 4 – 5 tuổi 6 – 7 tuổi 8 – 9 tuổi
Cất đồ chơi vào hộp

Xếp sách lên giá sách

Mang quần áo bẩn bỏ vào máy giặt

Bỏ rác vào thùng

Thu nhặt cành cây nhỏ

Vắt khăn mặt

Dọn bàn ăn

Vứt bỉm/tã bẩn

Lau bụi bẩn

Cho vật nuôi ăn

Lau chùi giá sách

Dọn dẹp đồ chơi

Trải ga giường

Gấp chăn màn

Tưới cây

Dọn bát đũa lên bàn ăn

Làm đồ ăn nhẹ

Sử dụng máy hút bụi

Lau bàn ăn

Lau khô bát đĩa và cất đi

Lau tay nắm cửa

Thu gom rác

Vắt khăn tắm

Hút bụi sàn nhà

Phơi quần áo

Gấp và cất các quần áo sạch

Quét nhà

Gọt vỏ khoai tây, cà rốt

Trộn salad

Thay giấy vệ sinh

Cất đồ ăn vào tủ lạnh

Rửa bát

Thay bóng đèn tròn

Giặt quần áo

Phơi quần áo

Lau chùi mọi đồ đạc

Rửa sân

Chiên trứng

Nướng bánh

Dắt chó đi dạo

Quét nhà

Lau sạch bàn ăn

10 – 11 tuổi 12 tuổi trở lên
Dọn nhà tắm

Dọn thảm

Lau chùi bồn rửa bát

Dọn nhà bếp

Rửa bát, lau chùi bồn rửa bát

Nấu những món đơn giản

Sửa những đồ vật đơn giản (đơm cúc áo, vặn ốc xe…)

Quét dọn nhà để xe

Lau nhà

Thay bóng đèn tuýp

Rửa và hút bụi xe ô tô

Sơn tường

Đi chợ theo yêu cầu

Nấu một bữa ăn hoàn chỉnh

Nướng và làm bánh

Sửa đồ gia dụng đơn giản

Lau cửa sổ

Là quần áo

Trông em bé

Và còn nhiều việc khác nữa bố mẹ có thể điền thêm vào bảng này và giao cho con.

Chúc bố mẹ và con cái luôn cảm thấy vui vẻ vì các công việc nhà đã có người chia sẻ và cùng làm, cùng vui.

Phòng khám Cây Thông Xanh