Lương hưu tăng năm 2023

  • Thời sự
  • Chính trị

Chủ nhật, 9/10/2022, 23:55 [GMT+7]

Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban cán sự Đảng Chính phủ hoàn thiện phương án điều chỉnh tiền lương trong năm 2023 để trình Quốc hội xem xét.

Chiều 9/10, Ban Tuyên giáo Trung ương phát thông báo về Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, trong đó cho biết Trung ương đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến vào các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước ba năm 2023-2025; phương án điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2023.

Sau khi thảo luận, Ban chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị căn cứ ý kiến thảo luận của Trung ương và báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị, chỉ đạo tiếp thu, hoàn chỉnh, ban hành kết luận. Đồng thời, Bộ Chính trị chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ hoàn chỉnh các báo cáo nêu trên, trong đó có phương án điều chỉnh tiền lương để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.

Sáng cùng ngày, trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về các vấn đề kinh tế, xã hội, ngân sách, quy hoạch và phương án điều chỉnh tiền lương.

Đại biểu dự Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, tháng 10/2022. Ảnh: Nhật Bắc

Theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương, việc cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang dự kiến thực hiện vào tháng 7/2021. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 kéo dài, chủ trương này liên tục phải lùi. Tháng 11/2021, Quốc hội đồng ý lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương; đồng thời, chưa nâng lương cho người thu nhập thấp, mới đi làm trong năm 2022; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.

Lần điều chỉnh tăng lương cơ sở áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức gần nhất là từ 1/7/2019, tăng từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng. Theo đó, công chức trình độ đại học mới đi làm [hưởng lương bậc 1 với hệ số 2,34] sẽ nhận lương 3.486.600 đồng.

Tại phiên họp tháng 6/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng phương án, chuẩn bị nguồn lực, sớm trình Quốc hội quyết định cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm thích hợp.

Ngày 29/9, tiếp xúc cử tri Hải Phòng trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, trong ba năm gần đây, do nguyên nhân khách quan, nhất là tác động của dịch bệnh Covid-19, lộ trình cải cách tiền lương bị chậm lại. Tuy nhiên, đây là vấn đề cấp thiết, do đó Quốc hội sẽ bàn vấn đề này tại kỳ họp thứ tư vào cuối năm.

Từ năm 2019 đến nay, lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức chưa tăng. Vậy, tăng lương cơ sở khi nào và mức tăng bao nhiêu là phù hợp?

Thông tin Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 khai mạc ngày 20.10 sắp tới thu hút nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Chị Trần Thị N - Phó Trưởng trạm y tế tại một xã của huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình - bày tỏ vui mừng và hy vọng trước thông tin đăng tải trên báo chí liên quan đến điều chỉnh tiền lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức. 

“Lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng, đã áp dụng từ năm 2019. Như vậy là đã rất lâu rồi, công chức, viên chức chưa được tăng lương. Vì vậy, theo tôi cần tăng lương càng sớm càng tốt, có thể tăng luôn trong quý IV này để những viên chức như tôi bớt đi phần nào khó khăn” - chị N nói.  

Dù là lãnh đạo, nhưng thu nhập của chị N chỉ vỏn vẹn khoảng 6,5 triệu đồng/tháng. Cụ thể, hiện nay, chị có hệ số lương là 3,06 x mức lương cơ sở [1.490.000 đồng] = 4.559.400 đồng. Ngoài ra, chị còn được 149.000 đồng/tháng chức danh dự phòng; phụ cấp 0,15 của vị trí phó trưởng trạm, thêm một khoản tiền trực đêm.  

“Mức thu nhập này khó để tôi trang trải cuộc sống hàng ngày, dù là ở quê. Con út năm nay lên học đại học ở Hà Nội, mỗi tháng tôi đã phải gửi 5 triệu đồng cho cháu. Nếu không trồng thêm rau, nuôi thêm con gà, thì cuộc sống của gia đình tôi còn khó khăn hơn nữa” - chị N cho hay.  

Trong khi đó, chị N thấy nhiều mặt hàng, dịch vụ có xu hướng tăng giá. Vừa qua, sau khi mưa nhiều ngày, mớ rau muống đã tăng từ 5.000 đồng lên mức 7.000-8.000 đồng; thịt lợn tăng từ 90.000 đồng/kg lên 110.000-120.000 đồng/kg. “Nếu không tăng lương thì những viên chức như tôi sẽ ngày càng khó khăn trong cuộc sống” - chị N than thở.  

Còn chị Nguyễn Thị H - giáo viên tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội - cho biết, chị mới được vào biên chế, hiện có hệ số lương là 2,66, lương gần 4 triệu đồng/tháng. Cộng với một số khoản phụ cấp, tổng thu nhập của chị cũng rất thấp. Với mức thu nhập này, cuộc sống của chị khá khó khăn, chật vật, trong bối cảnh vật giá leo thang.  

“Tôi được biết, đối với cán bộ, công chức, viên chức, lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần nhất là từ ngày 1.7.2019, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng lên mức 1.490.000 đồng. Trong khi đó, cùng thời gian này, người lao động trong doanh nghiệp đã được điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng. Tôi mong sớm được tăng lương, nhưng với tình hình thực tế hiện nay, có lẽ tăng lương từ đầu năm 2023 là hợp lý” - chị H nêu ý kiến. 

Lương tối thiểu vùng [áp dụng với người lao động khu vực doanh nghiệp] điều chỉnh thời gian qua như sau: 

Mức lương tối thiểu vùng năm 2019 tăng lên 5,3% so với mức lương tối thiểu vùng năm 2018. 

Mức lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng lên 5,5% so với mức lương tối thiểu năm 2019. 

Từ năm 2021 đến trước ngày 1.7.2022: Mức lương tối thiểu vùng chưa được điều chỉnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Mức lương tối thiểu vùng tăng thêm 6%, điều chỉnh từ ngày 1.7.2022 đến ngày 31.12.2023. 

Trong khi đó, với cán bộ, công chức, viên chức, lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần nhất là từ ngày 1.7.2019, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng lên mức 1.490.000 đồng. 

Chủ Đề