Mục đích sử dụng của phép điệp ngữ trong diễn đạt là gì

Điệp từ hay điệp ngữ chính là một trong những biện pháp tu từ được sử dụng rất phổ biến trong văn học. Ngay từ chương trình ngữ văn lớp 7, các em học sinh đã có cơ hội tiếp cận với biện pháp tu từ này. Để giúp học sinh hiểu thêm về điệp ngữ, Tạp Chí Giáo Dục sẽ chia sẻ cho các bạn những kiến thức về biện pháp tu từ này nhé!

Thế nào là điệp từ, điệp ngữ?

Điệp từ, điệp ngữ là một trong những biện pháp tu từ thường gặp trong văn học. Biện pháp tu từ này có đặc điểm đó là lặp đi, lặp lại một từ hay một cụm từ nhằm mục đích nhấn mạnh, khẳng định hay liệt kê để làm nổi bật lên vấn đề cần nói đến.

Ví dụ:

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công!

Trong 2 câu văn này ta thấy có điệp ngữ là từ “đoàn kết” và “thành công”. Hai câu này nhằm mục đích nhấn mạnh ý nghĩa đó là có đoàn kết mới mang đến sự thành công.

Tác dụng của điệp từ, điệp ngữ

Như chúng tôi đã trình bày ở trên điệp từ hay điệp ngữ là một biện pháp tu từ được sử dụng rất nhiều trong văn học hiện nay. Tác dụng của nó như sau:

Nhấn mạnh điều mà tác giả muốn nói cho người nghe, người đọc

Ví dụ:

“… Nhớ sao lớp học i tờ Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan Nhớ sao ngày tháng cơ quan Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều

Chày đêm nện cối đều đều suối xa…”

Chúng ta thấy trong đoạn thơ trên, điệp từ “nhớ sao” được lặp lại tới 3 lần cho thấy tác giả đang muốn nhấn mạnh sự nhớ nhung của mình với những kỷ niệm xưa cũ nơi chiến khu.

Mục đích liệt kê, nhấn mạnh sự vật và sự việc

Ví dụ:

Hạt gạo làng ta Có vị phù sa Của sông Kinh Thầy Có hương sen thơm Trong hồ nước đầy Có lời mẹ hát…. Có bão tháng bẩy

Có mưa tháng ba

Trong đoạn thơ này, ta thấy tác giả đã sử dụng phép điệp ngữ: “Có vị phù sa, có hương sen thơm, có lời mẹ hát, có bão tháng bẩy, có mưa tháng ba”. Mục đích của việc lặp đi lặp lại cấu trúc này là để nhấn mạnh hạt gạo được tạo ra từ những tinh túy của đất trời. Ở đó còn có sự tần tảo, sớm hôm của người nông dân nữa. Chính vì thế chúng ta cần phải biết quý trọng hạt gạo là “ngọc thực” trời ban.

Mục đích tạo sự khẳng định và nhấn mạnh

Ví dụ:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng Nhị vàng, bông trắng, lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”

Trong đoạn thợ trên biện pháp điệp ngữ ở đây là lặp lại một cụm từ “nhị vàng, bông trắng, lá xanh” được sử dụng để khẳng định vẻ đẹp của bông sen. Bông sen dù có sống trong bùn lầy vẫn giữ được vẻ đẹp thanh tao mà không bị hôi tanh mùi bùn.

Xem thêm: Tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê

Các hình thức của điệp từ, điệp ngữ trong văn học

Trên thực tế, điệp ngữ trong văn học được sử dụng với nhiều dạng thức khác nhau. Dưới đây chính là ba dạng cơ bản cho các bạn tham khảo:

Điệp từ điệp ngữ cách quãng

Điệp ngữ cách quãng chính là cách chúng ta lặp đi, lặp lại các cụm từ. Và cụm từ này nằm cách quãng, không có sự liên tiếp với nhau. Mục đích vẫn là nhấn mạnh thông điệp mà tác giả muốn nói cho người đọc, người nghe cảm nhận.

Ví dụ:

Điệp từ “nhớ”

“Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương

Nhớ ai dãi nắng dầm sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”

Điệp từ điệp ngữ nối tiếp

Điệp ngữ nối tiếp chính là cách lặp lại các từ lặp lại nối tiếp nhau, tạo điểm nhấn nổi bật về cảm xúc hoặc ý nghĩa quan trọng. Chúng ta sẽ thấy việc lặp đi lặp lại một từ, cụm từ có sự nối tiếp nhau trong câu văn và câu thơ.

Ví dụ 1:

Trông trời trông đất trông mây

Trông mưa trông nắng, trông ngày trông đêm

Trông cho chân cứng đá mềm

Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng.

Trong đoạn thơ trên chúng ta thấy sự lặp đi lặp lại của điệp từ “Trông”. Nó được lặp lại liên tiếp qua các câu thơ nhằm mục đích nhấn mạnh sự phụ thuộc vào thời tiết khi làm nông nghiệp lúc xưa.

Ví dụ 2: Học ăn, học nói, học gói, học mở.

Trong câu này có điệp từ “học” được nhấn đi nhấn lại. Việc nhấn mạnh từ “học” để ông cha ta răn dạy có 4 kỹ năng căn bản mà ai cũng phải học để trở thành người lịch sự.

Điệp ngữ chuyển tiếp

Điệp ngữ chuyển tiếp hay còn được gọi tên là điệp ngữ vòng thường được sử dụng trong các thể thơ lục bát, thất ngôn lục bát, thơ tứ tuyệt… Nó có tác dụng giúp cho lời thơ được diễn đạt một cách mạch lạc, kết nối về mặt ngữ nghĩa của các câu thơ được liền mạch với nhau.

Ví dụ:

“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”

Trong đoạn thơ này, chúng ta thấy điệp ngữ được sử dụng là: “thấy” và “ngàn dâu”. Nó có tác dụng nhấn mạnh sự mong nhớ của người con gái dành cho người yêu của mình. Cô gái trông mong chàng trai đến mỏi mòn nhìn mãi chỉ thấy “ngàn dâu” mà không thấy bóng của người yêu đâu.

Một số lưu ý khi sử dụng điệp từ, điệp ngữ

Điệp ngữ là biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến trong văn chương. Nó có tác dụng giúp nhấn mạnh và khắc họa rõ nét, ý nghĩ và cảm xúc của tác giả đối với người đọc. Đó là trong văn học còn trong giao tiếp và viết văn bình thường, các bạn cần phải xác định được mục đích sử dụng điệp ngữ. Điều này sẽ giúp bạn tránh được sự rườm rà, tối nghĩa khiến cho người nghe, người nói cảm thấy khó chịu.

Bài tập về phép điệp từ, điệp ngữ

Câu 1. Cho đoạn văn sau:

Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim. Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ. Hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi. Hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh. Tất cả đều lóng lánh, lung linh trong nắng. Chào mào, sáo sậu, sáo đen… đàn đàn lũ lũ bay đi bay về. Chúng nó gọi nhau, trêu ghẹo nhau, trò chuyện ríu rít. Ngày hội mùa xuân đấy.

[theo Vũ Tú Nam]

  1. Tìm và chỉ ra các điệp từ, điệp ngữ có trong đoạn văn trên và cho biết đó là dạng điệp ngữ gì?
  2. Cho biết tác dụng của phép điệp từ, điệp ngữ đó.

Trả lời:

  1. Trong đoạn văn trên, điệp từ được sử dụng đó là: hàng ngàn – điệp ngữ ngắt quãng
  2. Tác dụng: “Hàng ngàn” được sử dụng để nhấn mạnh và khẳng định sự hiện diện của rất nhiều các bông hoa và búp nõn đã tạo nên vẻ đẹp tuyệt vời của cây gạo dưới nắng.

Câu 2.

  1. Đặt câu miêu tả khung cảnh trên sân trường vào giờ ra chơi có sử dụng phép điệp từ có tác dụng liệt kê.
  2. Đặt câu miêu tả khung cảnh lớp học có sử dụng phép điệp từ có tác dụng nhấn mạnh.

Gợi ý:

1. Trên sân trường, các bạn học sinh đang chơi đá bóng, chơi nhảy dây, chơi đá cầu, chơi đuổi bắt rất vui vẻ.

Biện pháp tu từ điệp ngữ được sử dụng ở đây có tác dụng liệt kê các trò chơi của học sinh trên sân trường.

2. Cô giáo giảng bài, các bạn học sinh yên lặng lắng nghe, những chú chim ngoài cửa sổ cũng yên lặng, đến cả cái quạt hay cót két cũng yên lặng theo.

Biện pháp điệp ngữ ở đây là từ “yên lặng”. Từ này được lặp đi lặp lại nhằm nhấn mạnh việc cả không gian như đều tĩnh lặng để nghe cô giáo giảng bài.

Câu 3. Tìm và xác định dạng điệp ngữ trong các trường hợp sau:

[1] Tiếng suối trong như tiếng hát xa Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”

[2] Vậy mà giờ đây, anh em tôi sắp phải xa nhau. Có thể sẽ xa nhau mãi mãi. Lạy trời đây chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ thôi.

Trả lời:

Trong đoạn thơ trên điệp ngữ được sử dụng là “lồng…lồng” đây là điệp ngữ cách quãng. Và một điệp ngữ nữa là “chưa ngủ…. chưa ngủ” điệp từ chuyển tiếp. Ta thấy biện pháp điệp ngữ được sử dụng để nhấn mạnh vẻ đẹp của cảnh khuya và khắc họa chân dung người cha già đang lo lắng suy nghĩ về nước nhà.

[2] Trong câu văn này có sử dụng điệp ngữ là: “Xa nhau … xa nhau …” là loại điệp ngữ cách quãng. Và điệp ngữ vòng tròn: Một giấc mơ được sử dụng để nhấn mạnh rằng tác giả không muốn an hem phải xa nhau. Nên tác giả mong rằng đó chỉ là một giấc mơ mà thôi.

Tạm kết:

Hy vọng với những kiến thức chúng tôi trình bày trên đây đã giúp các bạn biết điệp từ, điệp ngữ là gì. Từ đó ứng dụng biện pháp tu từ này trong cuộc sống hiệu quả hơn.

Video liên quan

Chủ Đề