Nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh ebola

BỆNH EBOLA VÀ NHỮNG ĐIỀU THUYỀN VIÊN CẦN BIẾT KHI TÀU HOẠT ĐỘNG TRONG VÙNG CÓ DỊCH BỆNH ĐANG LƯU HÀNH

1.Bệnh Ebola là gì?

Sốt xuất huyết Ebola là một bệnh gây ra bởi virus Ebola. Ở giai đoạn sớm của bệnh nó không có các triệu chứng đặc hiệu và khi bệnh tiến triển nặng thường gây xuất huyết nội tạng và chảy máu ở bên ngoài. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao.

Virus này được phát hiện vào năm 1976 gần sông Ebola ngày nay là Cộng hòa Dân chủ Congo.

Có năm chủng virus Ebola.

Các virus Ebola được ký sinh và phát triển ở loài dơi ăn quả, khỉ, tinh tinh, linh dương và loài nhím. Con người có thể nhiễm virus Ebola do tiếp xúc gần gũi với các loài vật chủ mang vi rút  hoặc chất dịch cơ thể (bao gồm cả máu) khi chúng bị nhiễm bệnh. Một khi virus lây sang người, người này bị bệnh sẽ lây truyền sang người ở cộng đồng hoặc những người đang ở trong bệnh viện. Bệnh có thể lây lan nhanh chóng thành dịch bệnh rất nguy hiểm khi lây từ người sang người.

  1. Bùng phát dịch bệnh

Kể từ năm 1976, dịch đã xảy ra rải rác ở Zaire, Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gabon, và Uganda. Ổ dịch lớn nhất, bắt đầu từ tháng 3 năm 2014, ảnh hưởng đến một loạt các nước ở châu Phi như Guinea, Liberia, Sierra Leone, Senegal và Nigeria. Tại Tây Phi bệnh Ebola bùng phát thành dịch là lớn nhất trong lịch sử với 8.033 báo cáo trường hợp và 3.879 trường hợp tử vong tính đến tháng 8 năm 2014.

Mỗi vụ dịch Ebola đều có sự khác nhau. Trong lịch sử, những dịch Ebola lớn có tỷ lệ tử vong 50% đến gần 90%. Tỷ lệ tử vong được báo cáo ở ổ dịch Ebola Tây Phi bắt đầu từ tháng 3 năm 2014 là khoảng 48% .

  1. Đường lây truyền của bệnh do vi rút Ebola

Trong các đợt dịch xảy ra ở người, một số động vật đóng vai trò vật chủ trung gian truyền bệnh và người ta ví chúng như là “hồ chứa” virus Ebola. Khi một người tiếp xúc trực tiếp với một động vật bị nhiễm bệnh, người đó sẽ bị nhiễm bệnh, rồi từ người này nếu không được cách ly bệnh sẽ lây sang người khác, sau đó có thể dẫn đến một đợt bùng phát dịch bệnh.

Vi rút Ebola có thể được truyền trực tiếp hoặc gián tiếp sang người. Truyền trực tiếp là trường hợp virus truyền từ máu hoặc chất dịch cơ thể của người bệnh sang những người lành ở xung quanh qua con đường quan hệ tình dục hoặc chất dịch cơ thể bị nhiễm bệnh (nước mắt, phân, nước tiểu, nôn mửa, ) tiếp xúc với niêm mạc, hoặc vùng da bị tổn thương của người lành.

Truyền gián tiếp là trường hợp một người bị nhiễm virus từ vật bị ô nhiễm, như thiết bị phẫu thuật bị nhiễm trùng hoặc một bơm kim tiêm đã dùng cho người bệnh.

  1. Dấu hiệu, triệu chứng và cách phát hiện một người bị nhiễm bệnh Ebola

Các dấu hiệu và triệu chứng của người nhiễm virus Ebola bao gồm sốt , nôn mửa, tiêu chảy, đau họng, nhức đầu dữ dội, đau mỏi cơ xương, khớp, đau bụng, mệt mỏi, phát ban, và chảy máu trong. Một số người mắc bệnh có thể bị chảy máu từ mắt, mũi, tai, và trực tràng. Trong các trường hợp nặng có thể có biểu hiện shock.

 Các xét nghiệm có thể phát hiện bất thường về chức năng gan, thận. Các tế bào bạch cầu và tiểu cầu có thể tăng. Thời kỳ ủ bệnh của vi rút Ebola, (định nghĩa là khoảng thời gian tiếp xúc với vi rus cho đến khi khởi phát triệu chứng) là 21 ngày. Thời gian trung bình từ khi tiếp xúc với mầm bệnh đến khi khởi phát triệu chứng là khoảng 8 – 10 ngày; dấu hiệu chảy máu thường xảy ra muộn và đây là biểu hiện triệu chứng nhiễm trùng rất nghiêm trọng.

Xét nghiệm chẩn đoán xác định cho bệnh sốt xuất huyết Ebola là kỹ thuật ELISA và xét nghiệm PCR; mẫu nuôi cấy virus cũng có thể được sử dụng.

  1. Điều trị Ebola

Không có cách chữa trị đặc hiệu đối với bệnh Ebola. Phương pháp điều trị mới và dự phòng bằng vắc xin đang được nghiên cứu áp dụng. Điều trị bệnh Ebola bao gồm việc điều trị triệu chứng và các biến chứng cua bệnh như: Bù nước và điện giải, thở ôxy và kiểm soát chặt chẽ huyết áp động mạch và huyết áp tĩnh mạch trung tâm (nếu có điều kiện). Phòng ngừa và điều trị các bệnh nhiễm trùng phối hợp khác có thể phát triển ở bệnh nhân nhiễm Ebola cũng rất quan trọng.

  1. Biến chứng

Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola  thường có nhiều biến chứng: suy đa cơ quan, chảy máu nặng, vàng da, mê sảng, sốc, co giật, hôn mê, và tử vong (khoảng 50% đến 100% số bệnh nhân bị nhiễm bệnh). Những bệnh nhân may mắn sống sót vẫn có thể có biến chứng phải mất nhiều tháng để chữa trị. Những người sống sót có thể bị suy nhược, mệt mỏi, đau đầu, rụng tóc, viêm gan, thay đổi cảm giác, và viêm một số cơ quan như tinh hoàn và mắt.

7.Vacxin

Hiện nay, Canada, và Mỹ đã chế tạo được vắc xin phòng Ebola và đang lên kế hoạch thử nghiệm trên người. Tuy nhiên. Việc đưa vào sử dụng ở lân sàng cũng còn phải cần một số thời gian nữa.

  1. Phòng bệnh

Tăng cường tuyên truyền bệnh Ebola trong cộng đồng nhằm làm cho mọi người hiểu và phòng tránh nó là tốt nhất.

Người dân sống trong vùng có dịch Ebola lưu hành có thể làm như sau để giảm thiểu nguy cơ nhiễm virus. Làm vệ sinh, khử trùng môi trường nơi ở một cách cẩn thận là rất cần thiết.

Tránh tiếp xúc với các chất dịch cơ thể của những người bị bệnh Ebola hoặc nghi ngờ bị Ebola. Không tiếp xúc với những con dơi và động vật hoang dã có chữa Ebola; không ăn thịt động vật sống hoặc nấu chưa chín vì có thể chứa virus Ebola. Chỉ ngươi có chuyên môn, các nhân viên được đào tạo với đầy đủ đồ bảo hộ mới được quản lý chăm sóc y tế cho bệnh nhân Ebola và xử lý xác chết của nạn nhân Ebola đúng cách.

Cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của Ebola là cách ly người bệnh và sử dụng dụng cụ khử trùng kỹ lưỡng. Nhân viên y tế người tiêp xúc với các bệnh nhân Ebola phải đeo mặt nạ bảo vệ mặt, áo choàng, găng tay, kính bảo hộ là rào cản chống lại việc lây nhiễm virus.

  1. Đối với tàu thuyền đang hoạt động trong vùng có dịch bệnh lưu hành

          Cần phải chú ý một số công việc sau:

Đối với chủ tàu

  • Chủ tàu cần trang bị cho các tàu sẽ hoạt động trong vùng có dịch bệnh đang lưu hành các thiết bị bảo hộ cá nhân để phòng ngừa lây nhiễm vi rút như quần áo không thấm nước, thấm dịch, ủng, găng tay cao su, mũ có kính bảo hộ. bình xịt và hoá chất để khử trùng trên tàu đặc biệt là các phòng đã dùng để cách ly bệnh nhân. Các loại dụng cụ bảo vệ cá nhân và hoá chất khử trung có thể liên hệ mua tại các cơ sở y tế dự phòng đia phương.

Đối với thuyền viên phải tuyệt đối tuân thủ các qui định như:

  • Không lên cảng ở các vùng đang có dịch bệnh lưu hành và không tiếp xúc với người dân trong vùng dịch nếu không có việc được phân công.
  • Nếu buộc phải tiếp xúc thì phải mang đầy đủ phương tiện bảo vệ.
  • Hạn chế tối đa việc nhập thực phẩm từ vùng có dịch. Nếu buộc phải nhập thì khi nấu phải nấu chín thức ăn, không ăn tái, ăn sống, nhất là thịt của các loại động vật có chứac vi rút Ebola.
  • Khi có thuyền viên nghi bị nhiễm bệnh Ebola phải tổ chức cách ly ngay ở phòng y tế, mọi sinhhoạt của bệnh nhân đều được thực hiện tại đây. Người phụ vụ và điều trị phải tuân thủ nghiêm túc các qui định khi tiếp xúc với người bệnh. Rác thải từ phòng bệnh phải được thu gom và xử lý theo qui định xử lý rác thải của dịch bệnh nguy hiểm.
  • Báo ngay về công ty để xin ý kiến chỉ đạo về hành trình, nhân sự đoàn thuyền viên. Xin ý kiến tư vấn của cơ quan chuyên môn ở trên bờ về xử lý dịch bệnh, nhất là khi có người tử vong trên biển.
  • Khi đến cảng gần nhất nên liên hệ với nhà chức trách y tế cảng để có thể chuyển bệnh nhân lên bờ điều trị, rồi hồi hương sau.

Vì tàu vừa là nơi ở, sinh hoạt và làm việc cho nên mọi người cần có ý thức giữ gìn vệ sinh chung để phòng bệnh dịch. Tốt nhất là thực hiện “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.