Những câu hỏi về hiệu ứng nhà kính

Với mục đích giúp người đọc có cái nhìn tổng quan về hiện tượng nhà kính và các tác nhân chủ yếu gây nên hiệu ứng nhà kính, bài viết này của Giải Đáp Việt sẽ giúp các bạn tìm hiểu sâu hơn về điều này nhé các bạn

Hiệu ứng nhà kính là gì? Hiệu ứng nhà kính có hoàn toàn gây hại cho con người?

Kết quả của sự của sự trao đổi không cân bằng về năng lượng giữa trái đất với không gian xung quanh, dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ của khí quyển trái đất. Hiện tượng này diễn ra theo cơ chế tương tự như nhà kính trồng cây và được gọi là Hiệu ứng nhà kính.

Năng lượng Mặt trời chiếu xuống Trái đất dưới dạng các tia bức xạ có bước sóng ngắn các tia này đi thẳng vào Trái đất mà không bị giữ lại bởi lớp khí quyển. Trái đất nhận năng lượng, sau đó sẽ phát xạ ra khoảng không vũ trụ một phần năng lượng dưới dạng các tia có bước sóng dài. Tuy nhiên, các tia có bước sóng dài này lại bị lưu giữ lại tại tầng đối lưu và phát xạ trở lại Trái đất làm cho nhiệt độ của khí quyển tầng thấp và bề mặt Trái đất tăng dần lên.
Hiện tượng giữ nhiệt [các tia bức xạ có bước sóng dài] này xảy ra do một số khí được gọi là khí nhà kính. Khí nhà kính là những khí có khả năng hấp thụ các bức xạ sóng dài [hồng ngoại], chủ yếu bao gồm: hơi nước, CO2, CH4, N2O, O3 [ôzôn], các khí CFC, CF6, HFCs và PFCs.

Nhờ hiệu ứng nhà kính này mà nhiệt độ trung bình của bề mặt trái đất theo quan trắc là 15oC. Nếu không có hiệu ứng nhà kính này xảy ra thì theo tính toán nhiệt độ trung bình bề mặt trái đất sẽ là -18 oC.

Như vậy có thể nói rằng hiệu ứng nhà kính không hoàn toàn có hại cho chúng ta vì đã có công giúp mặt đất duy trì được nhiệt độ thích hợp với đời sống con người.

Đến đây chúng ta đặt ra vấn đề là tại sao phải kiểm soát hiện tượng nhà kính? Nếu để hiện tượng nhà kính không mong muốn thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng ta như thế nào?

Các hoạt động sống của con người, đặc biệt là hoạt động đốt nhiên liệu hoá thạch [than, dầu mỏ và khí thiên nhiên], hoạt động nông nghiệp [đốt phụ phẩm sau thu hoạch, vv], thay đổi sử dụng đất [phá rừng, vv] làm sinh ra nhiều khí nhà kính hơn. Khi nồng độ khí nhà kính càng tăng làm cho quá trình giữ nhiệt tăng lên. Hậu quả là nhiệt độ bề mặt trái đất tăng lên nhanh chóng, gây nên biến đổi khí hậu. Biểu hiện của biến đổi khí hậu như:

Sự nóng lên của khí quyển và Trái đất nói chung.

Sự thay đổi thành phần và chất lượng khí quyển có hại cho môi trường sống của con người và các sinh vật trên Trái đất.

Sự dâng cao mực nước biển do băng tan, dẫn tới sự ngập úng ở các vùng đất thấp, các đảo nhỏ trên biển.

Sự di chuyển của các đới khí hậu tồn tại hàng nghìn năm trên các vùng khác nhau của Trái đất dẫn tới nguy cơ đe dọa sự sống của các loài sinh vật, các hệ sinh thái và hoạt động của con người.

Sự thay đổi cường độ hoạt động của quá trình hoàn lưu khí quyển, chu trình tuần hoàn nước trong tự nhiên và các chu trình sinh địa hoá khác.

Sự thay đổi năng suất sinh học của các hệ sinh thái, chất lượng và thành phần của thuỷ quyển, sinh quyển, các địa quyển.

Vì vậy chúng ta phải bảo vệ khí hậu trái đất thông qua kiểm soát phát thải các khí gây hiệu ứng nhà kính, có như vậy mới bảo vệ được môi trường sống của chúng ta.

Đến đây chúng ta tiếp tục đặt ra vấn đề là các thành phần nào chủ yếu gây nên hiệu ứng nhà kính? Cộng đồng Quốc tế và Việt Nam chúng ta đã hành động như thế nào để kiểm soát vấn đề này?

 Những tác nhân gây hiệu ứng nhà kính:

Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu Trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác. Sáu loại khí chủ yếu gây nên hiện tượng nhà kính bao gồm: CO2, CH4, N2O, HFCs, PFCs và SF6. Trong đó:

CO2 phát thải khi đốt cháy nhiên liệu hóa thạch [than, dầu, khí] và là nguồn khí nhà kính chủ yếu do con người gây ra trong khí quyển. CO2 cũng sinh ra từ các hoạt động công nghiệp như sản xuất xi măng và cán thép.

CH4 sinh ra từ các bãi rác, lên men thức ăn trong ruột động vật nhai lại, hệ thống khí, dầu tự nhiên và khai thác than.

N2O phát thải từ phân bón và các hoạt động công nghiệp.

HFCs, đặc biệt là khí HFC-23 chính là một sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất loại hóa chất mới HCFC-22 để thay thế cho khí CFC dùng chủ yếu trong điều hòa không khí và làm lạnh.

PFCs sinh ra từ quá trình sản xuất nhôm. SF6 sử dụng trong vật liệu cách điện và trong quá trình sản xuất magiê.

Mức độ tác hại của 6 loại khí trên được thể hiện ở bảng sau:


Trong đó hiệu số GWP, là từ viết tắt tiếng Anh, Global Warming Potential, tạm dịch là hiệu suất nóng dần lên của trái đất qua hiện tượng nhà kính khi so sánh tương đối với khí CO2.

 Hành động của Quốc tế đối với vấn đề này:

Một trong những cố gắng đầu tiên của nhân loại để giảm mức độ ấm dần trái đất do khí thải kỹ nghệ là việc các quốc gia đã tham gia bàn thảo và tìm cách ký kết một hiệp ước có tên là Nghị định thư Kyoto. Nghị định thư Kyoto được ký kết giữa các nước nhằm hạn chế và ổn định 6 loại khí nêu trên.

Hưởng ứng nghị định thư Kyoto, nước Mỹ và các nước tiên tiến khác đã có nhiều nỗ lực để giảm khí độc mà chủ yếu thải ra từ xe máy nổ và các nhà máy kỹ nghệ đã được áp dụng khá mạnh mẽ. Ở Hoa Kỳ, hầu hết các tiểu bang đều có luật bắt buộc các phương tiện giao thông dùng động cơ nổ phải có giấy chứng nhận qua được các thử nghiệm định kì về việc đạt tiêu chuẩn nhả khói của hệ thống xe.

 Hành động của Chính phủ Việt Nam và hành động của chúng ta?

Nhận thấy những tác hại do biến đổi khí hậu gây ra, Chính phủ Việt Nam đã sớm đề ra lộ trình chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 thông qua Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012.

Để hiện thực hóa chiến lược đó, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 về kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020; Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 9792/QĐ-BCT ngày 30/10/2014 về việc kế hoạch hành động của Bộ Công Thương về vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Vậy để góp phần hiện thực hóa giảm thiểu khí thải gây biến đổi khí hậu do Chính phủ Việt Nam đề ra, chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ, cụ thể gồm những việc làm thiết thực sau đây:

Trồng nhiều cây xanh [nhất là những loại cây hấp thụ nhiều CO2 trong quá trình quang hợp] nhằm làm giảm lượng khí CO2 trong bầu khí quyển, từ đó làm giảm hiệu ứng nhà kính khí quyển.

Hãy tiết kiệm điện: Một phần điện năng được sản xuất từ việc đốt các nhiên liệu hóa thạch, sinh ra một lượng khí CO2 lớn. Hãy sử dụng ánh sáng tự nhiên, dùng bóng đèn tiết kiệm điện, tắt hết các thiết bị điện khi ra khỏi phòng.

Khi cần di chuyển những quãng đường gần, hãy đi bộ thay vì dùng xe máy. Sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, đi học bằng xe đạp, vừa bảo vệ được túi tiền lại vừa bảo vệ môi trường!

Hãy cho những cái bếp than hay bếp dầu “cổ lổ” đi vào quá khứ, sử dụng bếp gas vừa nhanh lẹ vừa tốt cho môi trường.

Hãy dùng Hàng Việt Nam chất lượng cao. Tại sao chúng ta lại ăn nho Mĩ, táo New Zealand trong khi đất nước ta bốn mùa đều có trái cây tươi ngon, không có chất bảo quản? Việc vận chuyển hàng hóa giữa các nước tạo ra một lượng khí CO2 khổng lồ và đó rõ ràng là một sự lãng phí tài nguyên rất lớn.

– Hãy tiết kiệm giấy [in giấy ở cả 2 mặt, sử dụng tập cũ để làm giấy nháp…], tái chế bao nilông, vỏ chai nhựa sẽ giúp bảo vệ môi trường và giảm khí CO2 trong quá trình sản xuất./.

Video liên quan

Chủ Đề