Tại sao lịch âm chậm hơn lịch dương


Phương pháp làm lịch căn cứ vào sự vận động của Trái Đất (TĐ) trên quỹ đạo xung quanh Mặt Trời (MT) (dương lịch), hoặc sự vận động của Mặt Trăng trên quỹ đạo xung quanh TĐ (âm lịch) hoặc phối hợp cả 2 sự vận động của TĐ và Mặt Trăng (âm dương lịch).

Tại sao lịch âm chậm hơn lịch dương

Dương lịch được tính mỗi năm chẵn 365 ngày. Vì TĐ di chuyển 1 vòng quanh MT mất khoảng 365 ngày 1/4 nên cứ 4 năm dương lịch lại có 1 năm nhuận có 366 ngày.

Tại sao lịch âm chậm hơn lịch dương

Âm lịch được tính mỗi năm 354 hoặc 355 ngày, mỗi tháng chẵn 29 hoặc 30 ngày, vì Mặt Trăng di chuyển một vòng quanh TĐ phải mất khoảng 29 ngày 1/2.

Tại sao lịch âm chậm hơn lịch dương

Âm dương lịch được tính theo cả sự di chuyển của TĐ quanh MT và sự di chuyển của Mặt Trăng quanh TĐ. Một năm dương lịch có 365 ngày, bằng 12 tháng 11 ngày âm lịch, vì vậy trung bình cứ khoảng 3 năm dương lịch lại có 1 năm nhuận có 13 tháng âm lịch (nhiều hơn 1 tháng so với năm thường). Hiện nay, lịch ta vẫn dùng có cả 2 loại: dương lịch và âm dương lịch.

 Âm lịch là loại lịch dựa trên các chu kỳ của tuần trăng. Loại lịch duy nhất trên thực tế chỉ thuần túy sử dụng âm lịch là lịch Hồi giáo, trong đó mỗi năm chỉ chứa đúng 12 tháng Mặt Trăng. Đặc trưng của âm lịch thuần túy, như trong trường hợp của lịch Hồi giáo, là ở chỗ lịch này là sự liên tục của chu kỳ trăng tròn và hoàn toàn không gắn liền với các mùa. Vì vậy năm âm lịch Hồi giáo ngắn hơn mỗi năm dương lịch khoảng 11 hay 12 ngày, và chỉ trở lại vị trí ăn khớp với năm dương lịch sau mỗi 33 hoặc 34 năm Hồi giáo. Lịch Hồi giáo được sử dụng chủ yếu cho các mục đích tín ngưỡng tôn giáo. Tại Saudi Arabia lịch cũng được sử dụng cho các mục đích thương mại.

Phần lớn các loại lịch khác, dù được gọi là “âm lịch”, trên thực tế chính là âm dương lịch. Điều này có nghĩa là trong các loại lịch đó, các tháng được duy trì theo chu kỳ của Mặt Trăng, nhưng đôi khi các tháng nhuận lại được thêm vào theo một số quy tắc nhất định để điều chỉnh các chu kỳ trăng cho ăn khớp lại với năm dương lịch. Hiện nay, trong tiếng Việt, khi nói tới âm lịch thì người ta nghĩ tới loại lịch được lập dựa trên các cơ sở và nguyên tắc của lịch Trung Quốc, nhưng có sự chỉnh sửa lại theo UTC+7 thay vì UTC+8. Nó là một loại âm dương lịch theo sát nghĩa chứ không phải âm lịch thuần túy.

Do âm lịch thuần túy chỉ có 12 tháng âm lịch (tháng giao hội) trong mỗi năm, nên chu kỳ này (354,367 ngày) đôi khi cũng được gọi là năm âm lịch.

Dương lịch là loại lịch mà ngày tháng của nó chỉ ra vị trí của Trái Đất trong chuyển động của nó xung quanh Mặt Trời (hay nói tương đương là vị trí biểu kiến của Mặt Trời trên thiên cầu).

Trong ngôn ngữ giao tiếp thông thường của người Việt hiện nay, thuật ngữ dương lịch nói chung chỉ là nói tới lịch Gregory mặc dù trên thực tế có nhiều loại lịch khác có cách thức tính toán ngày tháng như đã nói trên.

Nếu như vị trí của Trái Đất (hay Mặt Trời) được tính toán liên quan tới điểm phân (điểm xuân phân hay điểm thu phân) thì ngày tháng chỉ ra mùa (và như thế nó đồng bộ với xích vĩ của Mặt Trời). Những loại lịch như thế được gọi là dương lịch chí tuyến.

Một năm lịch trung bình của loại lich như thế là xấp xỉ bằng một vài dạng của năm chí tuyến (thông thường hoặc là năm chí tuyến trung bình hoặc là năm xuân phân).

Các loại lịch sau là dương lịch chí tuyến:

Lịch Gregory

Lịch Julius

Lịch Bahá’í

Lịch Alexandria

Lịch Iran (lịch Jalāli)

Lịch Malayalam

Lịch Tamil

Dương lịch Thái

Các loại lịch kể trên đều có một năm thường bằng 365 ngày, và đôi khi được mở rộng bằng cách bổ sung thêm 1 ngày dư để tạo thành năm nhuận.

Trần Đức Thịnh ST

Chúng ta cùng tìm hiểu một số vấn đề về Âm lịch nói chung và Âm lịch Việt Nam nói riêng.

1. Cơ sở tính toán lịch Việt Nam

Âm lịch Việt Nam là một loại lịch thiên văn, được tính toán dựa trên sự chuyển động của Mặt trời, Trái đất và Mặt trăng. Vì dựa trên cả hai yếu tố Mặt trời và Mặt trăng nên mặc dù gọi là Âm lịch nhưng lịch Việt Nam không phải là lịch thuần âm mà là Âm Dương lịch. 

1.1. Ngày Âm lịch

Ngày âm lịch gồm có 12 giờ, đó là các giờ: Tý (23h - 1h), Sửu (1h - 3h), Dần (3h - 5h), Mão (5h - 7h), Thìn (7h - 9h), Tị (9h - 11h), Ngọ (11h - 13h), Mùi (13h - 15h), Thân (15h - 17h), Dậu (17h - 19h), Tuất (19h - 21h), Hợi (21h - 23h). Như vậy, độ dài của ngày Âm lịch bằng với độ dài của ngày Dương lịch, tức đều kéo dài 24 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, ngày Âm lịch bắt đầu và kết thúc sớm hơn ngày Dương lịch 1 giờ. Cụ thể, ngày Dương lịch bắt đầu từ 0 giờ đến 24 giờ, còn ngày Âm lịch bắt đầu từ đầu giờ Tý đến hết giờ Hợi (tức từ 23 giờ hôm trước đến 23 giờ hôm sau).

1.2. Tháng Âm lịch và năm Âm lịch

Tháng Âm lịch là khoảng cách giữa hai điểm Sóc kế tiếp nhau. Sóc là thời điểm hội diện, khi Trái đất, Mặt trăng và Mặt trời nằm trên một đường thẳng và Mặt trăng nằm giữa Trái đất và Mặt trời.  Chu kỳ của điểm Sóc là khoảng 29,5 ngày. Ngày chứa điểm Sóc được gọi là ngày Sóc, và đó là mồng 1, ngày bắt đầu của tháng Âm lịch.

Nếu hai điểm Sóc kế tiếp cách nhau 29 ngày thì tháng đó là tháng thiếu; còn cách nhau 30 ngày thì đó là tháng đủ.

1.3 Trung khí và Tiết khí Người xưa chia vòng Hoàng đạo (tức quỹ đạo Trái đất quay quanh Mặt trời mà người xưa cho là Mặt trời quay quanh Trái đất) thành 12 phần bằng nhau gọi là 12 Cung Hoàng đạo và quy định rằng Mặt trời cứ đi vào nửa Cung Hoàng đạo thì có một Tiết tương ứng. Lúc Mặt trời bắt đầu đi vào Cung Hoàng đạo gọi là Trung khí, còn lúc Mặt trời tới giữa Cung Hoàng đạo gọi là Tiết khí. Như vậy có tất cả 12 Trung khí và 12 Tiết khí, gọi chung là 24 Tiết khí.  24 Tiết khí trong năm gồm: Lập xuân, Vũ Thủy,  Kinh trập, Xuân phân, Thanh minh, Cốc vũ, Lập hạ, Tiểu mãn, Mang chủng, Hạ chí, Tiểu thử, Đại thử, Lập thu, Xử thử, Bạch lộ, Thu phân, Hàn lộ, Sương giáng, Lập đông, Tiểu tuyết, Đại tuyết, Đông chí, Tiểu hàn, Đại hàn(*). Trong 24 tiết khí thì 12 Trung khí đặc biệt dùng để tính lịch, còn 12 Tiết khí kia chỉ đánh dấu thêm thời tiết, mùa vụ trong năm. 12 Trung khí tính từ Đông chí (khoảng 21/12 Dương lịch) của năm này đến Đông chí năm sau vừa vặn một vòng quay của Trái đất quanh Mặt trời. Để tính ngày tháng Âm lịch cho một năm bất kỳ người ta cần xác định những ngày nào trong năm chứa các thời điểm Sóc và các thời điểm Trung khí trong năm. Một khi đã tính được ngày Sóc sẽ biết được ngày bắt đầu và kết thúc của một tháng Âm lịch và khi đã biết ngày bắt đầu/kết thúc các tháng, người ta có thể xác định tên các tháng trong năm.  Cụ thể: người ta tính khoảng cách giữa 2 điểm Sóc ngay trước ngày Đông Chí thứ nhất và điểm Sóc ngay trước ngày Đông Chí thứ hai. Nếu khoảng cách này dưới 365 ngày thì năm Âm lịch đó có 12 tháng, và những tháng đó có tên là: tháng Một (11), tháng Chạp (12), tháng Giêng (1), tháng Hai (2), tháng Ba (3), tháng Tư (4), tháng Năm (5), tháng Sáu (6), tháng Bảy (7), tháng Tám (8), tháng Chín (9), tháng Mười (10).  Ngược lại, nếu khoảng cách giữa hai Sóc này trên 365 ngày thì năm Âm lịch đó có 13 tháng và là năm nhuận, điều cần là tìm xem đâu là tháng nhuận. 

1.4 Tại sao Âm lịch có tháng nhuận và năm nhuận?

Chúng ta biết, với Dương lịch, một năm sẽ có 365 hoặc 366 ngày (đối với năm nhuận). Trong khi đó Âm lịch lại khác, chu kỳ quay của Mặt trăng quanh Trái đất chỉ là 29,53 ngày nên một năm Âm lịch chỉ có 354 ngày, so với năm Dương lịch ngắn hơn 11 ngày. Vì vậy, cứ sau 3 năm sẽ chênh lệch đến 33 ngày, tức là chênh nhau hơn 1 tháng. Vì thời tiết thay đổi theo Dương lịch mà mùa vụ lại tính theo Âm lịch nên để phù hợp giữa thời tiết và mùa vụ, cứ 3 năm Âm lịch sẽ có 1 tháng nhuận. Song cho dù thực hiện 3 năm nhuận 1 tháng thì năm Âm lịch vẫn sẽ chậm hơn năm Dương lịch vì 3 ngày còn dư. Người ta khắc phục tình trạng trên bằng cách cứ 19 năm lại có một lần cách 2 năm thêm một tháng nhuận, tức là cứ 19 năm thì có 7 năm nhuận, và 7 năm đó được quy ước vào các năm thứ 3, 6, 9, 11, 14, 17, 19 của chu kỳ 19 năm. Vì vậy, muốn biết năm Âm lịch có tháng nhuận hay không, chỉ cần lấy năm Dương lịch tương ứng chia cho 19,  nếu chia hết hoặc có các số dư là 3, 6, 9, 11, 14, 17 thì năm đó sẽ có tháng nhuận. Ví dụ: Xem năm Canh Tý 2020: ta lấy 2020 chia 19 được 106 dư 6, như vậy năm Canh Tý 2020 là năm nhuận (có 1 tháng nhuận). 

1.5 Xác định tháng nhuận

Như trên đã biết, 12 Trung khí tính từ Đông chí của năm này đến Đông chí năm sau vừa vặn một vòng quay của Trái đất quanh Mặt trời. Người xưa so sánh 12 tháng Âm lịch với 12 Trung khí để cho năm Âm lịch không bị lệch với thời tiết khí hậu. Nếu trong khoảng giữa hai Đông chí chỉ có 12 điểm Sóc tương ứng với 12 tháng Âm (tức mỗi tháng đều chứa một Trung khí) thì năm đó không có tháng nhuận. Còn nếu trong khoảng thời gian này có 13 điểm Sóc thì sẽ xuất hiện một tháng Âm lịch dư ra không tương ứng với Trung khí nào. Tháng đó sẽ là tháng nhuận. Như vậy tính các điểm Sóc người ta biết được các ngày trong tháng, nhưng để biết tháng đó là tháng mấy thì phải tính thêm các Trung khí để biết có tháng nhuận trong năm hay không. Ngoài ra tháng Một (11) Âm luôn luôn chứa Trung khí có tên là Đông chí, đây là cơ sở để gọi tên các tháng khác. Tổng quát lại, một năm Âm lịch có 12 tháng, mỗi tháng đều chứa một Trung khí, đó là năm thường. Năm Âm lịch có 13 tháng, trong đó có tháng không chứa Trung khí nào, đó là năm nhuận. Trong năm nhuận, tháng không có Trung khí là tháng nhuận, tháng này có tên trùng với tên tháng trước nó  và thêm chữ “nhuận”. Nếu trong năm nhuận có hai tháng không có Trung khí thì tháng đầu tiên sau Đông chí là tháng nhuận.

2. Điểm khác nhau giữa lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc

Quy tắc tính Lịch Âm Dương của Việt Nam, Trung Quốc và các nước Á Đông khác đều giống nhau, thống nhất với các quy tắc do Đài Thiên văn Tử Kim Sơn công bố 1984, chỉ khác nhau ở múi giờ tham chiếu. Cụ thể, Việt Nam sử dụng múi giời GMT + 7, kinh tuyến pháp định 105 độ Đông, còn Trung Quốc sử dụng múi giờ GMT + 8, kinh tuyến pháp định 120 độ Đông. Sự khác nhau về múi giờ có thể dẫn đến sự khác nhau về điểm Sóc, tháng nhuận, ngày Tết hay ngày chuyển tiết giữa lịch hai nước . Một số nhà nghiên cứu cho biết, sau mỗi 23 năm sẽ có sự khác biệt giữa hai bộ lịch Việt Nam và Trung Quốc, tiêu biểu nhất là năm 1984, năm đó Tết Nguyên đán của Việt nam đến trước tết Nguyên đán của Trung Quốc cả 1 tháng. Nguyên do là: Điểm Đông chí năm 1984 xảy ra lức 23 giờ 23’  ngày 21 tháng 12 gìờ Việt Nam,  lúc đó là 0 giờ 23’ ngày 22 tháng 12 giờ Trung Quốc . Giữa hai điểm Đông chí năm 1984 và 1985 theo lịch Việt Nam chỉ có 12 điểm Sóc, tức không có tháng nhuận, còn do lệch một ngày mà giữa hai điển Đông chí theo lịch Trung Quốc lại có 13 điểm Sóc, tức năm đó có tháng nhuận (nhuận tháng 10) nên Tết Nguyên đán Trung Quốc đến muộn hơn 1 tháng.

Ngô Văn Xuân 

(*) Người xưa đặt bài thơ về Tiết khí 4 mùa để dễ nhớ như sau: Xuân Vũ Kinh Xuân Thanh Cốc thiên Hạ Mãn Mang Hạ Thử tương liên Thu Xử Lộ Thu Hàn Sương giáng

Đông Tuyết Tuyết Đông Tiểu Đại hàn.