Tại sao tiền ngày càng mất giá

Lo ngại tiền đồng mất giá?

Chụp lại hình ảnh,

Một trong các quan tâm của người dân và các doanh nghiệp là dự trữ bằng loại tiền gì

Hãng tin tài chính Bloomberg hôm 22/7 có bài phản ánh thực trạng tiền đồng của Việt Nam mất giá ở mức kỷ lục so với đôla Mỹ - với 1đôla Mỹ đổi được 17860 đồng.

Hãng này trích lời Tổng giám đốc một ngân hàng lớn nói về điều được mô tả là tình huống đáng lo ngại khi mọi người quay lưng lại với tiền đồng và giữ các tài sản khác trong đó có đôla.

Trong khi đó hiện cũng có quan ngại lạm phát có khả năng tăng lại trong giai đoạn từ nay tới cuối năm.

Vậy các quan ngại này có cơ sở hay không? Đài BBC đã đặt câu hỏi này cho tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại VN:

Ts Vũ Thành Tự Anh: Thực ra thì đồng tiền Việt trong năm 2008 bị giảm giá khoảng 10% - tức là so thời điểm từ cách đây một năm với hiện tại thì đồng Việt Nam bị giảm giá gần 10% so với đồng đôla. Như vậy, rõ ràng là giảm giá gần 10% so với mức độ lạm phát thì nó không phải là quá cao.

Tuy nhiên, điều tôi nghĩ các doanh nghiệp và người dân lo lắng là tương lai của đồng tiền trong sáu tháng cuối năm và trong năm sau sẽ như thế nào? Tâm lý của người có thu nhập, những người có tiền, là họ phải quyết định giữ đồng tiền đấy dưới dạng nào?

Một trong các hình thức giữ tiền là dưới dạng đôla. Thế thì nếu đồng tiền VN tụt giá quá nhiều so với đồng đôla thì họ sẽ chuyển sang tiền đôla.

Chụp lại hình ảnh,

Tiến sĩ Tự Anh là giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại VN

Còn tâm lý quay lưng lại với đồng tiền Việt thì tôi nghĩ cũng không hoàn toàn chính xác, bởi vì nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm bằng tiền đồng thì vẫn cứ tăng chứ không phải là giảm, tức là không có hiện tượng người ta rút tiền đồng ra để sau đó đi mua đô một cách ào ạt. Chuyện đó chúng ta chưa thấy.

Còn nhìn về khu vực doanh nghiệp thì có một hiện trạng là các doanh nghiệp xuất khẩu khi xuất khẩu thu được tiền đô thì muốn giữ tiền đô chứ không muốn bán cho ngân hàng, với lý do một phần là sợ rủi ro về tỉ giá, thứ hai nữa là bản thân họ cũng phải dùng tiền đô đấy để đi nhập khẩu. Tức là nhà xuất khẩu đồng thời lại là nhà nhập khẩu, chứ không phải có riêng một cái nhóm gọi là nhà nhập khẩu hay nhà xuất khẩu.

Vì sự chênh lệch giữa tỉ giá chợ đen [phi chính thức] và tỉ giá chính thức nó lớn đến như vậy và đang có xu hướng càng ngày càng dãn ra, thì lập tức người ta phải phòng vệ thôi. Tôi nghĩ cái việc mà người ta hay gọi là găm giữ tiền đô thì nó là cái việc rất là bình thường với chế độ hai giá như hiện nay.

BBC:Câu hỏi lớn hơn là giá trị của tiền đồng từ nay cho tới cuối năm, nhiều người cũng liên hệ tới việc mất giá tiền đồng với khả năng lạm phát mà thậm chí có người nói rằng có thể lên tới gấp đôi so với sáu tháng đầu năm thì điều này có cơ sở hay không?

Ts Vũ Thành Tự Anh: Tôi nghĩ là tỉ giá giữa đồng VN với đồng đôla phụ thuộc vào mấy yếu tố. Thứ nhất, nó liên quan tới cán cân thương mại, cán cân ngoại thương. Nếu chúng ta nhập siêu nhiều, rõ ràng nó sẽ ảnh hưởng không tốt đến tỉ giá này theo hướng là nó sẽ làm cho đồng tiền Việt Nam mất giá hơn.

Thực tế là trong sáu tháng đầu năm nay, tỉ lệ nhập siêu ở Việt Nam giảm rất đáng kể so với nửa đầu năm ngoái. Nếu thời điểm này của năm 2008, nhập siêu của Việt Nam là khoảng độ 30-35% của GDP, thì đến thời điểm này là trên 500% GDP, tất nhiên là chúng ta tính ở đây là tính cả vàng - loại vàng ra thì nó ở khoảng độ gần 15%.

Tức là cán cân thương mại được cải thiện. Thế nên sức ép đối với tiền đồng ở góc độ này là không cao.

Tuy nhiên đứng dưới góc độ khác, một là lạm phát và hai là chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng, tôi cho là tỉ lệ lạm phát, chỉ số CPI trong mấy tháng cuối năm chắc chắn sẽ cao hơn so với đầu năm, đó là chuyện chắc chắn. Chỉ có điều cao hơn bao nhiêu, thì có nhiều mô hình và các cách tính toán khác nhau.

Nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu đến cuối năm nay, con số CPI trung bình ở VN ở vào khoảng 7,8%. Nếu mà nói trên 10 hoặc 15% - thậm chí có một số nhà nghiên cứu dự báo tới 25% - thì tôi nghĩ là không có cơ sở. Một cái mức nào đó trên dưới 10% - không quá xa 10% - thì tôi nghĩ là một kỳ vọng hợp lý.

Vấn đề thứ hai là chính sách nới lỏng tiền tệ và tín dụng, như tôi hiểu hiện nay chính phủ đã bắt đầu lo ngại về lạm phát. Thế nên chính phủ đã bắt đầu có chính sách hạn chế dần tín dụng và đặc biệt là có những khuyến cáo, ví dụ hạn chế tín dụng tiêu dùng, hạn chế thị trường tín dụng và bất động sản, chứng khoánvv..

Tôi nghĩ đây là những định hướng chính sách đúng đắn. Chỉ có điều nó được thực hiện như thế nào, hiệu quả ra sao, chúng ta chưa thể khẳng định được ở thời điểm này mà phải chờ xem.

BBC:Việc tiền đồng của VN xuống giá có lợi cho xuất khẩu hay không?

Ts Vũ Thành Tự Anh: Đúng thế, về nguyên tắc khi tiền đồng của VN mất giá thì nó sẽ tăng cao được khả năng cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, nên lưu ý là điều này chỉ đúng khi tỉ giá hiệu dụng - tức là tỉ giá sau khi điều chỉnh mức độ lạm phát - phải được tăng lên.

Chụp lại hình ảnh,

Ông Tự Anh nói mức độ mất giá của tiền đồng hiện nay chưa đáng lo ngại

Bởi vì nếu chúng ta chỉ nói tỉ giá thuần túy, nó không đúng với bản chất kinh tế. Mà chúng ta phải tính tỉ giá sau khi điều chỉnh lạm phát. Thế nên nếu như đồng tiền Việt Nam mất giá, ví dụ 5%, mà lạm phát của Việt Nam lại trên 5% thì nó cũng không giúp được gì cho nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu VN cả.

Tỉ giá đồng tiền là một chuyện, nhưng cái tỉ lệ lạm phát phải thấp hơn tốc độ mất giá, thì lúc đấy nó mới có tác dụng.

BBC:Và nếu nhìn lại một số biện pháp khống chế lạm phát của VN từ năm ngoái tới nay thì tính hiệu quả của các biện pháp này như thế nào?

Ts Vũ Thành Tự Anh: Tôi nghĩ khi chính phủ bắt đầu thắt chặt tín dụng, thắt chặt cung tiền và giảm đầu tư công vào quí ba năm 2008 thì tác dụng của nó hầu như thấy ngay lập tức.

Tức là khi chính phủ hành động với những định hướng chính sách đúng đắn, cụ thể là thắt chặt tín dụng, thắt chặt tiền tệ, giảm đầu tư công và tăng lãi suất thì lập tức CPI của VN giảm.

Đến thời điểm này, CPI của tháng 6/2009 so với tháng 6/2008 chỉ ở mức khoảng 5% thôi, và nếu tính trung bình của sáu tháng đầu năm thì CPI trung bình ở khoảng độ 10.25% gì đó, là ở mức mà tôi nghĩ hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Và nếu chiều hướng này còn tiếp tục, cộng với cả ngân hàng nhà nước bắt đầu giảm bớt tín dụng, đặc biệt là khuyến cáo các ngân hàng thương mại là không tăng tín dụng cho vay bất động sản và chứng khoán tiêu dùng quá mức, tôi nghĩ tỉ lệ CPI của VN trong năm nay sẽ dừng ở mức độ kiểm soát được.

Tuy nhiên, phải nói thêm, nếu như quĩ đạo chính sách hiện nay vẫn được tiếp tục, có nguy cơ là đến năm 2010 lạm phát sẽ quay trở lại, và có thể sẽ dẫn tới tình huống của năm 2007, tức là lạm phát cao, sau đó các doanh nghiệp và các ngân hàng phải đua nhau tăng lãi suất, và điều đó sẽ dẫn tới nền kinh tế quá nóng như năm 2007.

Nếu chúng ta hạn chế và kiểm soát tín dụng tốt từ bây giờ thì sẽ không lặp lại chuyện đó, còn nếu như quỹ đạo chính sách hiện nay, với tăng trưởng tín dụng rất nhanh, 5-7%/tháng như hiện nay, nguy cơ quay trở lại tình huống năm 2007 là hoàn toàn có thể.

Video liên quan

Chủ Đề