Tư tưởng triết học An Độ cổ đại

Câu hỏi: Khái lược về triết học Ấn Độ cổ, trung đại và triết học Phật giáo?

Trả lời:

I. Hoàn cảnh ra đời triết học và đặc điểm của triết học ấn Độ cổ, trung đại

1. Điều kiện tự nhiên:

Ấn Độ cổ đại là một lục địa lớn ở phía Nam châu á, có những yếu tố địa lý rất trái ngược nhau: Vừa có núi cao, lại vừa có biển rộng; vừa có sông Ấn chảy về phía Tây, lại vừa có sông Hằng chảy về phía Đông; vừa có đồng bằng phì nhiêu, lại có sa mạc khô cằn; vừa có tuyết rơi giá lạnh, lại có nắng cháy, nóng bức…

2. Điều kiện kinh tế – xã hội:

Xã hội ấn Độ cổ đại ra đời sớm. Theo tài liệu khảo cổ học, vào khoảng thế kỷ XXV trước Công nguyên [tr. CN] đã xuất hiện nền văn minh sông Ấn, sau đó bị tiêu vong, nay vẫn chưa rõ nguyên nhân.

Từ thế kỷ XV tr. CN các bộ lạc du mục Arya từ Trung Á xâm nhập vào ấn Độ. Họ định cư rồi đồng hóa với người bản địa Dravida tạo thành cơ sở cho sự xuất hiện quốc gia, nhà nước lần thứ hai trên đất Ấn Độ.

Từ thế kỷ thứ VII trước Công nguyên đến thế kỷ XVI sau Công nguyên, đất nước Ấn Độ phải trải qua hàng loạt biến cố lớn, đó là những cuộc chiến tranh thôn tính lẫn nhau giữa các vương triều trong nước và sự xâm lăng của các quốc gia bên ngoài.

Đặc điểm nổi bật của điều kiện kinh tế – xã hội của xã hội Ấn Độ cổ, trung đại là sự tồn tại rất sớm và kéo dài kết cấu kinh tế – xã hội theo mô hình “công xã nông thôn”, trong đó, theo Mác, chế độ quốc hữu về ruộng đất là cơ sở quan trọng nhất để tìm hiểu toàn bộ lịch sử Ấn Độ cổ đại.

Trên cơ sở đó đã phân hóa và tồn tại bốn đẳng cấp lớn: tăng lữ [Brahman], quý tộc [Ksatriya], bình dân tự do [Vaisya] và tiện nô [Ksudra]. Ngoài ra còn có sự phân biệt chủng tộc, dòng dõi, nghề nghiệp, tôn giáo.

3. Điều kiện về văn hóa:

Văn hóa Ấn Độ được hình thành và phát triển trên cơ sở điều kiện tự nhiên và hiện thực xã hội. Người Ấn Độ cổ đại đã tích lũy được nhiều kiến thức về thiên văn, sáng tạo ra lịch pháp, giải thích được hiện tượng nhật thực, nguyệt thực…

Ở đây, toán học xuất hiện sớm: phát minh ra số thập phân, tính được trị số π, biết về đại số, lượng giác, phép khai căn, giải phương trình bậc 2, 3… Về y học đã xuất hiện những danh y nổi tiếng, chữa bệnh bằng thuật châm cứu, bằng thuốc thảo mộc.

Nét nổi bật của văn hóa Ấn Độ cổ, trung đại là mang dấu ấn sâu đậm về tín ngưỡng, tôn giáo. Văn hóa Ấn Độ cổ, trung đại được chia làm ba giai đoạn:

- Khoảng từ thế kỷ XXV – XV tr. CN gọi là nền văn minh sông Ấn.

- Từ thế kỷ XV – VII tr. CN gọi là nền văn minh Vêda.

- Từ thế kỷ VI – I tr. CN là thời kỳ hình thành các trường phái triết học tôn giáo lớn gồm hai hệ thống đối lập nhau là chính thống và không chính thống.

Hệ thống chính thống bao gồm các trường phái thừa nhận uy thế tối cao của Kinh Vêda. Hệ thống này gồm sáu trường phái triết học điển hình là Sàmkhya, Mimànsà, Védanta, Yoga, Nyàya, Vai’sesika.

Hệ thống triết học không chính thống phủ nhận, bác bỏ uy thế của kinh Vêda và đạo Bàlamôn. Hệ thống này gồm ba trường phái là Jaina, Lokàyata và Buddha [Phật giáo].

Triết học Ấn Độ cổ đại có những đặc điểm sau:

Trước hết, triết học Ấn Độ là một nền triết học chịu ảnh hưởng lớn của những tư tưởng tôn giáo. Giữa triết học và tôn giáo rất khó phân biệt. Tư tưởng triết học ẩn giấu sau các lễ nghi huyền bí, chân lý thể hiện qua bộ kinh Vêda, Upanisad.

Tuy nhiên, tôn giáo của Ấn Độ cổ đại có xu hướng “hướng nội” chứ không phải “hướng ngoại” như tôn giáo phương Tây. Vì vậy, xu hướng trội của các hệ thống triết học – tôn giáo ấn Độ đều tập trung lý giải và thực hành những vấn đề nhân sinh quan dưới góc độ tâm linh tôn giáo nhằm đạt tới sự “giải thoát” tức là đạt tới sự đồng nhất tinh thần cá nhân với tinh thần vũ trụ [Atman và Brahman].

Thứ hai, các nhà triết học thường kế tục mà không gạt bỏ hệ thống triết học có trước.

Thứ ba, khi bàn đến vấn đề bản thể luận, một số học phái xoay quanh vấn đề “tính không”, đem đối lập “không”.

II. Nhận định về triết học Ấn Độ cổ, trung đại

Triết học Ấn Độ cổ, trung đại đã đặt ra và bước đầu giải quyết nhiều vấn đề của triết học. Trong khi giải quyết những vấn đề thuộc bản thể luận, nhận thức luận và nhân sinh quan, triết học Ấn Độ đã thể hiện tính biện chứng và tầm khái quát khá sâu sắc; đã đưa lại nhiều đóng góp quý báu vào kho tàng di sản triết học của nhân loại.

Một xu hướng khá đậm nét trong triết học Ấn Độ cổ, trung đại là quan tâm giải quyết những vấn đề nhân sinh dưới góc độ tôn giáo với xu hướng “hướng nội”, đi tìm cái Đại ngã trong cái Tiểu ngã của một thực thể cá nhân.

Có thể nói: sự phản tỉnh nhân sinh là một nét trội và có ưu thế của nhiều học thuyết triết học Ấn Độ cổ, trung đại [trừ trường phái Lokàyata], và hầu hết các học thuyết triết học này đều biến đổi theo xu hướng từ vô thần đến hữu thần, từ ít nhiều duy vật đến duy tâm hay nhị nguyên. Phải chăng, điều đó phản ánh trạng thái trì trệ của “phương thức sản xuất châu Á” ở ấn Độ vào tư duy triết học; đến lượt mình, triết học lại trở thành một trong những nguyên nhân của trạng thái trì trệ đó!

III. Tư tưởng triết học Phật giáo [Buddha]

Đức Phật thiền định. Ảnh: Fizdi.com.

1. Đạo Phật ra đời vào thế kỷ VI tr. CN. Người sáng lập là Siddharta [Tất Đạt Đa]. Sau này ông được người đời tôn vinh là Sakyamuni [Thích ca Mâu ni], là Buddha [Phật].

Phật là tên theo âm Hán – Việt của Buddha, có nghĩa là giác ngộ. Phật giáo là hình thức giáo đoàn được xây dựng trên một niềm tin từ Đức Phật, tức từ biển lớn trí tuệ và từ bi của Siddharta.

Kinh điển của Phật giáo gồm Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Phật giáo cũng luận về thuyết luân hồi và nghiệp, cũng tìm con đường “giải thoát” ra khỏi vòng luân hồi. Trạng thái chấm dứt luân hồi và nghiệp được gọi là Niết bàn.

Nhưng Phật giáo khác các tôn giáo khác ở chỗ chúng sinh thuộc bất kỳ đẳng cấp nào cũng được “giải thoát”. Phật giáo nhìn nhận thế giới tự nhiên cũng như nhân sinh bằng sự phân tích nhân – quả.

Theo Phật giáo, nhân – quả là một chuỗi liên tục không gián đoạn và không hỗn loạn, có nghĩa là nhân nào quả ấy. Mối quan hệ nhân quả này Phật giáo thường gọi là nhân duyên với ý nghĩa là một kết quả của nguyên nhân nào đó sẽ là nguyên nhân của một kết quả khác.

2. Về thế giới tự nhiên:

Bằng sự phân tích nhân quả, Phật giáo cho rằng không thể tìm ra một nguyên nhân đầu tiên cho vũ trụ, có nghĩa là không có một đấng Tối cao [Brahman] nào sáng tạo ra vũ trụ. Cùng với sự phủ định Brahman, Phật giáo cũng phủ định phạm trù [Anatman], nghĩa là không có tôi] và quan điểm “vô thường”.

Quan điểm “vô ngã” cho rằng vạn vật trong vũ trụ chỉ là sự “giả hợp” do hội đủ nhân duyên nên thành ra “có” [tồn tại]. Ngay bản thân sự tồn tại của thực thể con người chẳng qua là do “ngũ uẩn” [5 yếu tố] hội tụ lại là: sắc [vật chất], thụ [cảm giác], tưởng [ấn tượng], hành [suy lý] và thức [ý thức]. Như vậy là không có cái gọi là “tôi” [vô ngã].

Quan điểm “vô thường” cho rằng vạn vật biến đổi vô cùng theo chu trình bất tận: sinh – trụ – dị – diệt. Vậy thì “có có” – “không không” luân hồi bất tận; “thoáng có”, “thoáng không”, cái còn thì chẳng còn, cái mất thì chẳng mất.

3. Về nhân sinh quan:

Phật giáo đặt vấn đề tìm kiếm mục tiêu nhân sinh ở sự “giải thoát” [Moksa] khỏi vòng luân hồi, “nghiệp báo” để đạt tới trạng thái tồn tại Niết bàn [Nirvana]. Nội dung triết học nhân sinh tập trung trong thuyết “tứ đế”- có nghĩa là bốn chân lý, cũng có thể gọi là “tứ diệu đế” với ý nghĩa là bốn chân lý tuyệt vời.

– Khổ đế [Duhkha – satya]:

Phật giáo cho rằng cuộc sống là khổ, ít nhất có tám nỗi khổ [bát khổ]: sinh, lão [già], bệnh [ốm đau], tử [chết], thụ biệt ly [thương yêu nhau phải xa nhau], oán tăng hội [oán ghét nhau nhưng phải sống gần với nhau], sở cầu bất đắc [mong muốn nhưng không được], ngũ thụ uẩn [năm yếu tố uẩn tụ lại nung nấu làm khổ sở].

– Tập đế hay nhân đế [Samudayya – satya]:

Phật giáo cho rằng cuộc sống đau khổ là có nguyên nhân. Để cắt nghĩa nỗi khổ của nhân loại, Phật giáo đưa ra thuyết “thập nhị nhân duyên” – đó là mười hai nguyên nhân và kết quả nối theo nhau, cuối cùng dẫn đến các đau khổ của con người: 1/ Vô minh, 2/ Hành; 3/ Thức; 4/ Danh sắc; 5/ Lục nhập; 6/Xúc; 7/ Thụ; 8/ ái; 9/ Thủ; 10/ Hữu; 11/ Sinh; 12/ Lão – Tử. Trong đó “vô minh” là nguyên nhân đầu tiên

– Diệt đế [Nirodha – satya]:

Phật giáo cho rằng mọi nỗi khổ có thể tiêu diệt để đạt tới trạng thái Niết bàn.

– Đạo đế [Marga – satya]:

Đạo đế chỉ ra con đường tiêu diệt cái khổ. Đó là con đường “tu đạo”, hoàn thiện đạo đức cá nhân gồm 8 nguyên tắc [bát chính đạo]: 1/ Chính kiến [hiểu biết đúng tứ đế]; 2/ Chính tư [suy nghĩ đúng đắn]; 3/ Chính ngữ [nói lời đúng đắn]; 4/ Chính nghiệp [giữ nghiệp không tác động xấu]; 5/ Chính mệnh [giữ ngăn dục vọng]; 6/ Chính tinh tiến [rèn luyện tu lập không mệt mỏi]; 7/ Chính niệm [có niềm tin bền vững vào giải thoát]; 8/ Chính định [tập trung tư tưởng cao độ].

Tám nguyên tắc trên có thể thâu tóm vào “Tam học”, tức ba điều cần học tập và rèn luyện là Giới – Định – Tuệ.

Giới là giữ cho thân, tâm thanh tịnh, trong sạch.

Định là thu tâm, nhiếp tâm để cho sức mạnh của tâm không bị ngoại cảnh làm xáo động.

Tuệ là trí tuệ. Phật giáo coi trọng khai mở trí tuệ để thực hiện giải thoát.

Sau khi Siddharta mất, Phật giáo đã chia thành hai bộ phận: Thượng toạ và Đại chúng.

Phái Thượng tọa bộ [Theravada] chủ trương duy trì giáo lý cùng cách hành đạo thời Đức Phật tại thế; phái Đại chúng bộ [Mahasamghika] với tư tưởng cải cách giáo lý và hành đạo cho phù hợp với thực tế.

Khoảng thế kỷ II tr. CN xuất hiện nhiều phái Phật giáo khác nhau, về triết học có hai phái đáng chú ý là phái Nhất thiết hữu bộ [Sarvaxtivadin] và phái Kinh lượng bộ [Sautrànstika].

Vào đầu công nguyên, Phật giáo Đại thừa xuất hiện và chủ trương “tự giác”, “tự tha”, họ gọi những người đối lập là Tiểu thừa.

Ở ấn Độ, Phật giáo bắt đầu suy dần từ thế kỷ IX và hoàn toàn sụp đổ trước sự tấn công của Hồi giáo vào thế kỷ XII.

Video liên quan

Chủ Đề