Vai trò của công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống

Nhằm cập nhật, cung cấp các thông tin khoa học chính xác và đầy đủ hơn nữa về công nghệ sinh học, Viện Y học ứng dụng Việt Nam trực thuộc Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Croplife Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Công nghệ sinh học với việc cải thiện nguồn cung thực phẩm và sức khỏe” tại Hà Nội

Hội thảo diễn ra ngày 7/11 với sự tham gia của các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sỹ, đầu ngành y khoa và nông nghiệp, sinh học trong và ngoài nước do PGS. TS Nguyễn Thị Xuyên – Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cùng các chuyên gia đầu ngành chủ trì Hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, thế giới đang đối diện với một vấn đề rất mới: Công nghệ sinh học [CNSH] và thực phẩm Biến đổi gen [TPBĐG]. Dù là một thành tựu khoa học tiến bộ của thế giới trong suốt nhiều chục năm qua và được nhiều quốc gia như Mỹ, Australia, Canada và nhiều quốc gia phát triển khác chấp nhận nhưng tại Việt Nam, CNSH, cây trồng biến đổi gien và những ứng dụng của CNSH hiện còn chưa được nhiều người biết đến.

CNSH nói chung và TPBĐG nói riêng đã đem lại lợi ích nhiều mặt về kinh tế, xã hội, môi trường, góp phần làm tăng năng suất, giảm chi phí nông nghiệp, đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm toàn cầu

Chia sẻ thông tin tại Hội thảo, PGS. TS Phạm Văn Hoan, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã đưa ra các thông tin cập nhật về An ninh lương thực, thực phẩm, TPBĐG và vấn đề An toàn vệ sinh thực phẩm.

Đồng thời, PGS.TS Phạm Văn Hoan cũng đã đưa ra các tranh luận và bằng chứng về tính an toàn, giá trị dinh dưỡng cũng như ảnh hưởng của cây trồng biến đổi gen lên sức khỏe con người. Tuy nhiên, nhiều tổ chức lớn và uy tín trên thế giới như WHO, FAO, FDA, EPA đều khẳng định rằng: TPBĐG là an toàn, có giá trị dinh dưỡng tương tự như thực phẩm không biến đổi gen và chưa thấy có ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe con người.

"CNSH đã được ứng dụng rộng rãi vào các ngành sản xuất và đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, y dược, thực phẩm và môi trường. Trong đó, nổi bật hơn cả là lĩnh vực y dược, tạo hiệu quả cao trong phục vụ chẩn đoán và điều trị. Riêng lĩnh vực dược phẩm, CNSH được ứng dụng để sản xuất Cytokine, Enzyme, Hormone, Yếu tố đông máu, Vắc xin, Kháng thể đơn dòng, Chất ức chế enzyme, Chất ức chế miễn dịch…"- PGS.TS Phạm Văn Hoan thông tin

Liên quan đến Hiện trạng ứng dụng CNSH trong nông nghiệp trên toàn cầu, bà Rhodora R. Aldemita – Giám đốc trung tâm SEAsia – Giám đốc Trung tâm Kiến thức toàn cầu về CNSH, Tổ chức Quốc tế về Tiếp thu các ứng dụng CNSH trong Nông nghiệp [ISAAA] khẳng định, CNSH là một trong các lựa chọn để đảm bảo an ninh lương thực, ổn định kinh tế và môi trường bền vững.

CNSH tiếp tục đóng vai trò quan trọng để đảm bảo mục tiêu đạt 50% nhu cầu thực phẩm vào năm 2050, có thể giúp giải quyết các thách thức được chỉ ra bởi FAO, UN như: Quá trình tăng dân số, đô thị hóa, già hoá; Biến đổi khí hậu; Năng suất nông nghiệp và sự đổi mới; Sâu bệnh xuyên biên giới; Dinh dưỡng và sức khoẻ; Tổn thất thực phẩm và chất thải.

GS.TS Lê Huy Hàm – Chủ tịch Hội đồng Khoa học, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam nhập khoảng 7-8 triệu tấn ngô, khoảng 5-7 triệu tấn đậu tương và sản phẩm đậu tương; trong khi đó năm 2017, Trung Quốc nhập 95 triệu tấn đậu tương và hàng chục triệu tấn ngô.

“Công nghệ gen đã giúp Châu Mỹ sản xuất ra lượng lương thực lớn với giá cả hợp lý như vậy. Nếu không có công nghệ gen, châu Á và Việt Nam cũng không được hưởng giá lương thực, thực phẩm như lúc này”- GS.TS Lê Huy Hàm nói.

Các diễn giả tham luận tại hội thảo

Báo cáo tại hội thảo với chủ đề "Ứng dụng CNSH trong chọn tạo giống cây trồng thế hệ mới: Ưu điểm và ứng dụng", TS. Nguyễn Xuân Cảnh - Phó Trưởng khoa Công nghệ sinh học – Học viện Nông nghiệp Việt Nam nêu rõ, CNSH, thông qua tác động to lớn tới chọn tạo giống cây trồng, có thể là tác nhân dẫn tới một cuộc cách mạng xanh mới. Cho tới nay, đã có 26 quốc gia trồng 191,7 triệu ha cây trồng công nghệ sinh học [tăng gần 113 lần so với năm 1996].

Như vậy, CNSH có tiềm năng và triển vọng vô cùng lớn đối với sự phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, cần có các biện pháp đánh giá, quản lý nguy cơ và rủi ro của cây trồng CNSH đối với con người và môi trường.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã thống nhất nhiều quan điểm về áp dụng CNSH trong sản xuất nông nghiệp tại nước ta. Trong đó, đặc biệt chú ý các biện pháp đánh giá, quản lý nguy cơ và rủi ro của cây trồng áp dụng CNSH với môi trường, con người. Đồng thời, xây dựng hệ thống quản lý, sản xuất cây trồng biến đổi gien an toàn, hiệu quả và bền vững, phù hợp với điều kiện thực tiễn.


Ứng dụng công nghệ sinh học góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống

[ĐCSVN] - Thực hiện Chỉ thị 50 - CT/TW ngày 4/3/2005 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học [CNSH] phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhiều tỉnh, thành đã xây dựng đề án, kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế từng ngành, địa phương, góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của việc phát triển và ứng dụng CNSH vào phục vụ sản xuất và đời sống.

Nhờ ứng dụng CNSH nhiều giống cây trồng được lai tạo, cho năng suất cao. [Ảnh: BL]


CNSH góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ [KH&CN], sau gần 10 năm triển khai thực hiện, việc ứng dụng CNSH bước đầu đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực như nông, lâm, ngư nghiệp, lĩnh vực y tế bảo vệ sức khỏe cộng đồng, lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững và nhiều lĩnh vực khác…

Cụ thể, về lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, nhiều công nghệ, kỹ thuật hiện đại của công nghệ gen, tế bào, vi sinh được ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực trồng trọt, sản xuất. Cụ thể, CNSH được ứng dụng trong việc chọn giống, nhân nhanh giống vật nuôi có năng suất cao, sản xuất thức ăn chăn nuôi... đặc biệt phải kể đến việc ứng dụng CNSH trong trồng nấm. Tổng sản lượng các loại nấm và nấm dược liệt đạt trên 250.000 tấn/năm, đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 90 triệu USD/năm.

Đồng thời, nhờ thành tựu của CNSH, các ứng dụng mới trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh đã có bước tiến nhảy vọt. Hiện nay, với các bệnh lạ, nguy hiểm các nhà CNSH của Việt Nam đều có khả năng chẩn đoán bằng việc ứng dụng kỹ thuật gen như: Dịch bệnh SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H7N9… Đặc biệt, công nghệ tế bào gốc trong điều trị bệnh được nghiên cứu ứng dụng trong 5 năm qua, thành công trong việc điều trị bỏng, điều trị ung thư vú, ung thư tử cung…Chúng ta cũng đã xây dựng được Ngân hàng Tế bào gốc, Ngân hàng Máy dây rốn, Ngân hàng tế bào gốc từ người hiến tặng sử dụng trong điều trị bệnh cho trẻ em…CNSH cũng giúp Việt Nam nghiên cứu và sản xuất thành công 10/11 loại vắc xin phục vụ tốt chương trình tiêm chủng mở rộng và tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Với thành công này, Việt Nam trở thành một trong bốn nước trên thế giới [sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc] làm chủ công nghệ và sản xuất thành công vắc xin Rota sống ở quy mô công nghiệp.

Cùng với đó, trong 10 năm qua đã có 100 chế phẩm sinh học được ứng dụng vào thực tế đời sống và sản xuất, như: chế phẩm vi sinh xử lý môi trường, xử lý chất thải rắn, chất tồn dư thuốc bảo vệ thực vật... CNSH cũng được ứng dụng trong chăn nuôi nông hộ. Hiện trên toàn quốc có hàng trăm ngàn hầm biogas trong chăn nuôi hợp vệ sinh, góp phần bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, CNSH đã ứng dụng hiệu quả trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng…Sản xuất thành công các que thử về ma túy, bảng màu, quy trình truy nguyên góp phần trong đấu tranh phòng chống buôn bán và sản xuất ma túy. Việc sử dụng các que thử, phân tích truy nguyên ma túy giúp cơ quan điều tra như Công an, Biên phòng, Hải quan, Viện Kiểm sát…có đủ có sở pháp lý trong quá trình xét xử, chủ động trong phá án.

Tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Đánh giá về 10 năm triển khai Chỉ thị 50, TS. Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ KH&CN các Ngành Kinh tế - Kỹ thuật [Bộ KH&CN] cho biết, Chỉ thị 50 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của CNSH trong sự nghiệp CNH, HĐH, đồng thời đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển CNSH đến năm 2020.

Tổng sản lượng các loại nấm ăn, nấm dược liệu của Việt Nam đã tăng nhanh trong năm qua. [Ảnh: BL]

Đến nay, việc phát triển CNSH không chỉ còn là chủ trương, định hướng mà đã trở thành giải pháp hữu hiệu để phát triển nhanh, bền vững trong các ngành, lĩnh vực, tổ chức sản xuất có liên quan đến sinh học, cũng như tại tất cả các địa phương trong toàn quốc.

Tuy chưa đạt được thành tựu như các nước có bề dày về phát triển CNSH, song các kết quả nghiên cứu đã đạt được của các nhà khoa học Việt Nam đã đóng góp tích cực vào lĩnh vực nông nghiệp, y tế là những lĩnh vực mà thời gian qua đã gặt hái rất nhiều thành công.

Để đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong phát triển CNSH, theo TS Liễu, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ về tài chính cho việc ứng dụng các CNSH mới vào sản xuất, phát triển sản xuất mới trong các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm sinh học dùng trong bảo quản, chế biến thực phẩm, y tế…. Đồng thời, thúc đẩy chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, tạo cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp chế biến trong nước ứng dụng các CNSH mới trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh hoặc tạo ra sản phẩm mới. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải…

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Thủy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Mặc dù đạt nhiều kết quả trong việc triển khai ứng dụng CNSH trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNSH vẫn còn một số hạn chế như: Số đề tài ứng dụng công nghệ gen còn ít và hiệu quả chưa cao; lĩnh vực mà các đề tài, dự án triển khai còn dàn trải trên nhiều đối tượng, chưa tập trung nguồn lực vào giải quyết một số vấn đề cấp bách cần có công nghệ cao, CNSH. Trong đó, các cây trồng quan trọng như ngô, đậu tương, lĩnh vực chăn nuôi thú y, lâm nghiệp, thức ăn, phòng trị bệnh, quản lý, xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, công nghệ sau thu hoạch, chế biến và an toàn thực phẩm còn ít đề tài, dự án...

Bởi vậy, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 50 của Ban Bí thư, giai đoạn 2015-2020 cần gắn kết nhu cầu của thực tế sản xuất với hoạt động nghiên cứu, triển khai thông qua việc đặt hàng nghiên cứu của các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành thuộc bộ, các sở NN&PTNT và các doanh nghiệp.

Đồng thời cần lựa chọn các nhiệm vụ có kế thừa các sản phẩm nghiên cứu trước để hoàn thiện quy trình, xây dựng mô hình ứng dụng phục vụ mở rộng quy mô áp dụng sản phẩm vào thực tiễn sản xuất [yêu cầu về sản phẩm đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, quy trình công nghệ phải được đăng ký công nhận tiến bộ kỹ thuật].

Bích Liên

Video liên quan

Chủ Đề