Bài văn cảm động về chiến tranh việt nam năm 2024

Tham luận của nhà văn Nguyễn Mộng Giác tại Hội luận Bể Dâu, San Francisco State University ngày 13.10.1995.

Chủ đề của cuộc hội luận này, như tờ chương trình do Ban Tổ chức công bố, là những vấn đề về cộng đồng người Việt tại Mỹ, vấn đề các cựu chiến binh, những suy nghĩ của giới nghiên cứu về cuộc chiến tranh Việt Mỹ, phản ảnh và hậu quả của cuộc chiến tranh ấy qua văn chương nghệ thuật.

Mục đích của cuộc hội luận này là tìm cách hàn gắn những vết thương cũ, tiến tới sự thông cảm để tăng cường các giao lưu về giáo dục và văn hóa giữa Mỹ và Việt Nam. (The conference is about the Vietnamese community in America, veterans issues today, academic reflections on the Vietnam/American War, and artistic expressions of the conflict and its legacies…It is an attempt to move toward healing, convergence, and increased educational and cultural exchanges). Những dòng chữ trên đây, tới mắt cộng đồng người Việt hải ngoại, lập tức tạo ra những vang vọng khác, đầy ngờ vực và e dè. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Có phải họ vận động hòa hợp hòa giải với cộng sản Việt Nam không? Những thế lực nào đứng đằng sau tổ chức này? Và một giải pháp tức thời, tiện lợi đến ngay trong óc nhiều người: Phải tẩy chay, bất hợp tác!

Khi nhận lời mời của Đại học San Francisco đến tham dự cuộc hội luận này, tôi biết rõ những gì bạn bè của tôi trong cộng đồng đang nghĩ và sẽ làm. Cái chỗ tôi đang ngồi, những điều tôi sắp nói, nhiều nhà văn có uy tín xứng đáng hơn tôi để ngồi ở đây. Nhưng không ai muốn tự đưa mình vào những tình thế khó khăn, không ai muốn bận tâm về những chuyện tranh luận thị phi, nên cuối cùng tôi trở thành một người hết sức bất thường: không ai ủy nhiệm, cũng không đại diện cho ai cả, tôi lấy tư cách cá nhân một người cầm bút trình bày một đôi điều về sinh hoạt văn chương của người Việt hải ngoại. Đúng hay sai, cá nhân tôi chịu trách nhiệm. Cũng như chính tôi chịu trách nhiệm cho quan niệm này: Thay vì tẩy chay, vắng mặt trong các cuộc hội thảo về các vấn đề liên quan đến Mỹ và Việt Nam, người Việt hải ngoại cần có mặt để trình bày quan điểm của mình.

Tôi cho rằng sự có mặt của người Việt hải ngoại trong những cơ hội như cơ hội này là cần thiết, từ kinh nghiệm thực hiện tuyển tập truyện ngắn The Other Side of Heaven. Như lời ông Wayne Karlin viết trong phần mở đầu của tuyển tập, ý định thực hiện tuyển tập này nảy ra từ khi ông gặp nhà văn Lê Minh Khuê ở Boston. Hai kẻ thù cũ trong cuộc chiến tranh hai mươi năm trước nay gặp nhau trong tư cách hai nhà văn, hai con người bình thường với tất cả những vui buồn của đời sống bình thường. Cuộc chiến tranh và những hậu quả của nó bây giờ được nhìn lại bằng cái nhìn trung thực của văn chương, ý tưởng đó thật hấp dẫn, và Wayne Karlin bắt đầu liên lạc với Lê Minh Khuê để thực hiện tuyển tập. Nhưng khi bắt tay vào việc, ông mới thấy viết về chiến tranh Việt Nam mà không quan tâm đến tiếng nói, đến tâm tình, đến những vinh nhục của những người lính Việt Nam Cộng hoà thì thật là thiếu sót lớn lao. Chẳng những thiếu sót, đó còn là sự bất công. Ông gặp anh Trương Vũ, và biết thêm rằng ngoài một số ít những bài báo, những quyển sách do những người Việt trẻ tuổi viết thẳng bằng Anh ngữ, còn có một dòng văn chương hải ngoại đa dạng viết bằng tiếng Việt. Nhờ thế mà trong The Other Side of Heaven, chiến tranh Việt Nam được nhìn từ ba phía: những cựu chiến binh Mỹ, những người miền Bắc và những người miền Nam. Tám truyện ngắn của những nhà văn gốc miền Nam gồm truyện của Võ Phiến, Nguyễn Xuân Hoàng, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Mộng Giác, Trần Vũ, Phan Huy Đường, Lai Thanh Hà và Andrew Lâm. Sự hiện diện của tám nhà văn gốc Miền Nam trong tuyển tập là một tiền lệ tốt, cải chính một thiên kiến vốn đã có từ lâu, thiên kiến cho rằng cuộc chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến giữa hai phía: phía Mỹ và phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nó nhắc nhở cho mọi người thấy rằng ngoài những người mẹ Mỹ khóc con tử trận ở một chiến trường heo hút bên kia Thái Bình dương, những người mẹ miền Bắc héo hắt chờ tin những người con “sinh Bắc tử Nam”, còn có những người mẹ miền Nam tảo tần nuôi đàn cháu mồ côi cha. Tiếng khóc, nỗi đau vốn không có biên giới. Hạt nước mắt nào cũng giống nhau, đã nhớ đến hai giọt nước mắt sao lại quên một giọt thứ ba!

Nghĩ cho cùng, thiên kiến ấy do những động cơ tâm lý và chính trị sâu xa. Về phía người Mỹ, những người miền Nam là những kẻ thua trận. Chúng tôi đã nhận tất cả những tủi nhục thua thiệt của kẻ thua trận, kể cả sự rẻ rúng xem thường của những người từng là đồng minh của chúng tôi. Lịch sử thường do những kẻ thắng viết. Đó là một sự thực lịch sử. Dù khó nuốt, chúng tôi cũng phải nuốt chén thuốc đắng đó. Sự thiên kiến còn do bản chất của ngành truyền thông. Cái gì tốt đẹp, cái gì bình thường không phải là tin tức. Nữ công tố viên Marcia Clark ôm hôn O.J. Simpson, đó là tin. Bà ôm hôn con sau một ngày nhọc nhằn ở tòa, không ai loan tin đó. Một nhà văn từ Việt Nam qua Mỹ tham gia hội luận như anh Hồ Anh Thái và chị Lê Minh Khuê hôm nay, đó là tin. Một nhà thơ Mỹ-gốc-Việt đến đọc thơ tại một trường đại học, tin đó chỉ có trong bản phúc trình sinh hoạt thường niên của nhà trường. Chính vì sự tò mò về kẻ thù cũ mà giới truyền thông và nghiên cứu Mỹ quan tâm đến những người cộng sản Việt Nam, và thờ ơ với cộng đồng người Việt hải ngoại. Tiếng nói của chúng tôi chỉ là tiếng nói của một cộng đồng thiểu số trong vô số những cộng đồng thiểu số trên đất Mỹ. Đó cũng là một sự thực khác chúng tôi phải chấp nhận. Về phía chính quyền cộng sản Việt Nam trong nước, thiên kiến ấy nằm trong một chính sách chung, phủ nhận toàn bộ sự hiện diện của chính thể Việt Nam Cộng hòa và dòng văn học dưới chế độ ấy.

Sau 1975, chính sách đàn áp truy quét toàn bộ nền văn hóa Miền Nam càng ráo riết hơn, gói trọn tất cả sách vở báo chí miền Nam trong những cụm từ “phản động, đồi trụy, nọc độc của âm mưu văn hóa Mỹ Ngụy”. Chính sách đó vẫn còn được áp dụng cho đến ngày nay, hai mươi năm sau khi chiến tranh chấm dứt.

Trong chiến tranh, biến kẻ thù thành những quái thai là thủ thuật tuyên truyền thông thường trên thế giới. Nhưng trong thời bình, những kẻ thù cũ, nhất là những kẻ thù chiến bại, phải được quyền trở lại làm người. Cho đến nay, trên văn chương quốc nội, người miền Nam vẫn chưa được cái quyền đó. Nhà văn Lê Minh Khuê mới cho một nữ nhân vật là thanh niên xung phong miền Bắc ngẩn ngơ vì nụ cười của một tù binh sĩ quan miền Nam, đã bị công kích là chao đảo lập trường. Chẳng lẽ những sĩ quan quân đội miền Nam không có ai đủ đẹp trai để làm mềm lòng một cô chiến sĩ miền Bắc hay sao! Do chính sách khắc nghiệt ấy mà những biến cố lớn trong đời sống gần ba mươi triệu người miền Nam hoàn toàn bị bỏ qua, bỏ quên. Những năm dài mòn mỏi trong trại cải tạo. Đời sống khổ nhục của công dân hạng hai trong chế độ mới. Những cuộc vượt biên bi thảm chưa từng có trong lịch sử, sau đó là từng đợt di dân rải người Việt khắp thế giới mà ảnh hưởng sau này chắc chắn sẽ vô cùng lớn lao. Những biến cố ấy vắng bóng trong văn chương quốc nội. Từ sự bất công ấy mà phát sinh ra dòng văn chương hải ngoại trong hai mươi năm qua. Nếu lịch sử do kẻ thắng viết, thì Đấng Toàn Năng thường dành văn chương cho những kẻ bại như một món quà bù trừ những thua thiệt. Những gì các nhà văn nhà thơ miền Nam không viết được in được dưới chế độ đương thời, họ đã viết và in ở hải ngoại. Cho nên nhìn một cách tổng quát, thì văn chương hải ngoại là phần bổ sung cần thiết cho một nền văn chương Việt Nam bị què quặt vì thiên kiến chính trị. Nó đóng vai trò giống y vai trò văn chương truyền khẩu hoặc văn chương lưu hành bí mật dưới một chế độ độc tài. Nó là “mặt sau của Thiên đường”, là “The Other Side of Heaven” tên của tuyển tập truyện ngắn vừa chào đời. Những đau khổ do chiến tranh gây ra cho người Miền Nam không khác gì những đau khổ mà người miền Bắc và người Mỹ đã gánh chịu. Chẳng những thế, người miền Nam còn gánh chịu thêm những tủi nhục dành cho người bại trận. Một người lính miền Bắc hay một cựu chiến binh Mỹ trải qua những kinh nghiệm đau đớn của người lính thời bình. Nhưng người lính miền Nam còn phải đối phó với nhiều thử thách khác: cuộc đời tù tội, cảnh gia đình phân ly tan nát, những bi thảm của cuộc vượt biển tìm đường sống, cố gắng làm lại cuộc đời trong một môi trường hoàn toàn khác biệt. Những đớn đau ấy thể hiện trọn vẹn trong văn chương hải ngoại.

Từ máu lệ của đời sống trở thành chữ nghĩa văn chương, đối với người viết ở hải ngoại, cũng không dễ dàng. Những tạp chí văn chương như Đất Mới, Việt Chiến, Quế Mẹ, Nhân Chứng, Văn Học Nghệ Thuật, Nhân Văn, Tin Văn, Văn, Văn Học, Làng Văn, Văn Uyển, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21… chẳng những không nuôi nổi người chủ trương mà còn là một gánh nặng về tài chánh, cả người làm báo lẫn người viết đều làm không công. Không hề có tác quyền, tiền nhuận bút. Các tác giả ở hải ngoại thường phải tự bỏ tiền ra in sách, sách in xong tự lo lấy việc phát hành. Số độc giả lại hạn chế. Thế mà các tạp chí văn chương vẫn sống được cho tới ngày nay, tờ Văn của nhà văn Mai Thảo ra được 14 năm, Làng Văn 12 năm, Văn Học 10 năm. Số sách phát hành hàng tháng rất cao, và sau hai mươi năm đã có nhiều tác giả và tác phẩm uy tín nếu đánh giá về tư tưởng cũng như nghệ thuật sáng tác.

Thử đưa ra một vài con số: Những năm phát triển cao của văn chương hải ngoại từ 1985-1990, số lượng in của tiểu thuyết, truyện ngắn trung bình từ 1500 đến 2000 bản. Hiện nay, con số ấy có hạ xuống, từ 1000 đến 1500. Số lượng bản in ấy tương đương với số lượng trong nước hiện nay. Xin lưu ý số độc giả đọc được tiếng Việt ở hải ngoại không hơn nửa triệu, trong khi dân số Việt Nam hiện nay là 72 triệu. Những người cầm bút ở hải ngoại, bằng chính sự cố gắng đơn độc của mình, đã tạo được một dòng văn chương đa dạng và phong phú, trong tất cả mọi thể loại, với nhiều khuynh hướng khác nhau. (xin xem thêm hai tài liệu viết về thành quả của thi ca và văn xuôi hải ngoại trong hai mươi năm qua đính kèm).

Tuy nhiên, cũng giống như nền văn học miền Nam 1954-1975 bị phủ nhận ở quê nhà, văn chương hải ngoại hiện nay cũng là hàng quốc cấm. Sách báo hải ngoại không được đem về trong nước, những người có thân nhân bạn đem về được thì đọc trong lén lút, sợ hãi, không dám phổ biến rộng rãi. Các cơ quan kiểm soát văn hóa theo dõi tường tận sinh hoạt văn chương hải ngoại, nhưng những người cầm bút trong nước biết rất ít về sách báo ngoài này. Chính sách ấy là trở ngại lớn cho mục tiêu “hàn gắn những vết thương chiến tranh và tạo niềm cảm thông” như đã nêu ra trong chương trình cuộc hội luận này.

Trước hết là trở ngại cho mối cảm thông giữa những người cầm bút trong và ngoài nước. Không đọc tác phẩm của nhau, chúng ta chỉ thấy cái nhãn xã hội mà mỗi người cầm bút mang trên người, không thấy con người. Nếu không đọc Lê Minh Khuê, có lẽ anh Nguyễn Quí Đức vẫn cứ xem chị như một thành phần trong cái guồng máy đã giam cầm thân phụ anh trong 12 năm. Nếu không đọc những truyện ngắn lấy hứng từ văn hoá phong tục Ấn độ, tôi chỉ biết Hồ Anh Thái là một cán bộ ngành ngoại giao mà thôi. Chính nhờ theo dõi được khá đầy đủ và cập nhật tình hình xuất bản trong nước mà giới cầm bút hải ngoại nhận diện được nhân cách và tài năng của nhiều cây bút trong nước, tránh được những qui kết hàm hồ.

Ngược lại, do không được đọc những tác phẩm văn chương ghi lại những đớn đau thăng trầm của người miền Nam trong văn chương hải ngoại, các nhà văn trong nước chưa có thay đổi lớn trong cách chọn đề tài, và trong cách mô tả con người. Đề tài văn chương, đến nay, sau hai mươi năm chiến tranh chấm dứt, vẫn lấy từ cuộc sống của một phía, chỉ khác là từ những tác phẩm mang dáng dấp anh hùng ca của thời chiến sang những bận tâm của đời thường thời bình.

Người miền Nam, một bộ phận quan trọng của dân tộc, vẫn vắng mặt. Họ vẫn bị liệt vào đám đông nhếch nhác của những nhân vật phản diện. Họ không được quyền “đẹp trai” , càng không được quyền làm mềm lòng một cô bộ đội miền Bắc! Cho nên theo tôi, vấn đề chính là những người có trách nhiệm về chính sách văn hóa Việt Nam có thực sự muốn hàn gắn những vết thương cũ và hòa giải dân tộc hay không?

Nếu còn cấm đoán không cho sách báo hải ngoại phổ biến trong nước, hay ít nhất không tạo điều kiện cho những người cầm bút trong nước tiếp cận với văn học hải ngoại, thì những lời tuyên bố như trên chỉ là những lời tuyên truyền chính trị.