Ca khúc đêm đông của nhạc sĩ nào là ai?

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn ca khúc “Đêm Đông”Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sinh ngày 22 tháng 5 năm 1919 tại Thừa Thiên-Huế [1919-2002], là nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng thuộc thế hệ đầu tiên của Tân Nhạc Việt Nam. Ông là tác giả của ca khúc tiền chiến bất hủ “Đêm Đông”.

Năm 9 tuổi, ông học đàn nguyệt và tự học ký xướng âm qua sách của Pháp. Năm 1936, tốt nghiệp Quốc Học Huế, ông viết bài Trên Sông Hương, cũng là một trong những tác phẩm tân nhạc đầu tiên ở Huế.

Năm 1939, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương ra Hà Nội học. Trong đêm giao thừa năm đó, vì không có tiền để về Huế, ông đi lang thang trên những con phố của Hà Nội và sáng tác nhạc phẩm Đêm Đông để đời.

Đêm Đông [Nhạc: Nguyễn Văn Thương, Lời: Kim Minh]

Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời

Cùng mây xám về ngang lưng trời

[Lời 2: Đời như vô tình ta ngao ngán Non nước thê thảm mang cảnh tang Thân lãng du cô liêu chán chường

Về đâu giữa trời đông đêm trường?]

Thời gian như ngừng trong tê tái Cây trút lá cuốn theo chiều may Mưa giăng mắc nhớ nhung, tiêu điều

Sương thướt tha bay ôi đìu hiu

[Lời 2: Sầu lên khơi hồn quê lai láng Ta van gió nhắn mưa ngừng than Cho ta lắng tiếng vang muôn lòng

Rên rỉ qua không gian buồn mong!]

Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng Gió nghiêng chiều say, gió lay ngàn cây Gió nâng thuyền mây, gió reo sầu miên

Gió đau niềm riêng, gió than triền miên

Đêm đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xa Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu đương Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương

Có ai, thấu tình cô lữ đêm đông không nhà

Năm 1942, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương vào làm việc ở Trung Tâm Bưu Điện Sài Gòn và ông viết nhạc phẩm “Bướm Hoa” trong thời gian ông làm việc tại đây.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương được đánh giá là “cây bút nhạc” chắc tay trong nền Âm Nhạc Việt Nam.

Bài Đêm Đông [1940] được ông sáng tác mang đầy xúc cảm thể hiện lòng nhân ái của người nhạc sĩ trước cuộc đời vất vả và bất hạnh, mang lại thành công lớn cho âm nhạc Việt.

Không chỉ vậy, hàng chục nhạc phim, giao hưởng, vũ kịch, càng khẳng định vị trí của ông với những cống hiến quan trọng cho nền âm nhạc nước nhà.

Dưới đây mình có các bài:

– Ðêm Ðông
– Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Thương

Cùng với 4 clips nhạc phẩm bất hủ “Đêm Đông”, 1 clip “Bướm Hoa”, 1 clip “Trên Sông Hương” do các ca sĩ xưa và nay diễn xướng để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn.

Túy Phượng

[Theo Wikipedia]

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.

Ðêm Ðông

[Quỳnh Giao]

Trong mùa Giáng Sinh, có nhiều người lại thấy ngậm ngùi khi nghe nhạc Giáng Sinh.

Không khí Giáng Sinh và âm hưởng của nhạc thường gợi lên niềm hạnh phúc ấm áp của gia đình khi mọi người cùng đoàn tụ để chào mừng một biến cố lớn của nhân loại và chúc tụng nhau những điều tốt đẹp. Chính nét nhạc vui tươi đầm ấm đó lại có thể gây bồi hồi cho những người xa nhà, những kẻ cô đơn, lạnh lẽo đứng bên ngoài mái ấm.

Cảm xúc ấy thực ra lại hiển hiện rõ ràng nhất trong một ca khúc Việt Nam, một bài ca không thuộc về loại nhạc Giáng Sinh. Ðó là Ðêm Ðông.

Tác giả Nguyễn Văn Thương là một trong những nhạc sĩ tiền phong của nền tân nhạc Việt Nam. Ông mất cách nay đúng bốn năm, ở tuổi 83.

Nguyễn Văn Thương được biết đến trước tiên là qua bài Trên Sông Hương.

Ðây là ca khúc đầu tay của ông, viết khi vừa xong trung học, cũng thuộc loại ca khúc tân nhạc đầu tiên của Việt Nam. Ông vốn sinh trưởng tại Huế và ở tuổi thanh niên đã dâng cho đất thần kinh bài hát cải cách đầu tiên. Trên Sông Hương được viết năm 1936, Ðêm Ðông xuất hiện sau đó ba năm, khi tác giả vừa tròn hai mươi. Cả hai bài đều có chung một nét là rất chỉnh, theo đúng khuôn thước cổ điển, cân xứng, gọi là có “carrure”.

Bảy mươi năm về trước, những người lai láng hồn nhạc như Dương Thiệu Tước hay Nguyễn Văn Thương diễn tả cảm hứng của mình ra sao? Ða số đều có học nhạc từ khi còn trẻ, có thể là nhờ truyền thống của gia đình, nhưng đó là học cổ nhạc và sử dụng chữ quốc ngữ với phong cách còn cổ điển. Thế rồi những người có tư tưởng khai phá nhất thì tìm cách học nhạc Tây phương. Ða số là tự học, hãn hữu mới có cơ hội học từ những thầy nhạc người Pháp.

Mà dù tự học hay học thầy, thì khi sáng tác thế hệ nhạc sĩ tiền phong ấy phải kết hợp được hai điều: dùng nhạc pháp và nhạc lý Tây phương – lần đầu tiên được ghi lại trên giấy và truyền bá bằng mắt thay vì truyền khẩu bằng tai bằng miệng của cổ nhạc – có giai điệu diễn tả cảm xúc của lời từ, viết bằng tiếng Việt, bằng chữ “quốc ngữ” khi ấy vẫn còn phôi thai. Nghe nhạc của Tây chưa đủ, dùng nhạc của Tây để nói lên nỗi niềm của ta mà vẫn tự nhiên và gây xúc động mới là điều khó. Thời ấy, các đài phát thanh chưa phổ biến và cái vốn liếng nghe nhạc của người thưởng ngoạn chưa đủ dày.

Hoàn cảnh ấy cần được nhắc lại để thế hệ chúng ta ngày nay cảm thông được với những đắn đo cân nhắc của thời trước. Mấy điều tưởng rằng khai phá của “nhạc trẻ” thời sau – ba chục năm sau – thực ra chưa thể so sánh với những bước đầu tiên của việc sáng tác nhạc cải cách.

Cũng trong tinh thần viết nhạc của thời trước, một ca khúc thường có nhiều đoạn và từng đoạn phải cân xứng với nhau thì mới là chỉnh.

Ðiều ấy cần nói ra vì nhiều người viết nhạc theo cảm hứng và kết thúc bất ngờ, hoặc dài miên man mà quên hẳn giai điệu dàn dựng ban đầu, đoạn nào cũng có thể là điệp khúc. Chúng ta có thể làm thơ tự do, nhưng khi viết thơ luật thì có khuôn phép, từ phá đề đến thừa đề, qua các câu thực và luận rồi mới đến câu kết. Nguyễn Văn Thương xuất hiện với khuôn thước chừng mực đó. Hiển nhiên là dù tự học, ông cũng chịu khó tìm tòi và học đến nơi đến chốn.

Ở tuổi 17, Nguyễn Văn Thương mở đầu bài Trên Sông Hương trên cung Ré thứ, chậm buồn và xa vắng, dài đúng 16 trường canh. Khi trăng lên và khách du trên dòng Hương Giang thấy đắm say trước cảnh vật hữu tình thì nhạc sang chuyển đoạn [modulation], trên cung Ré trưởng, cũng dài 16 trường canh. Ðoạn thứ ba nhịp nhàng trong đúng 16 trường canh để quay về lại chuyển đoạn một để kết thúc. Khi còn là một thanh niên và tự học lấy cách đọc và viết nhạc của Tây phương, Nguyễn Văn Thương đã học được tự nền móng, tự căn bản. Trên Sông Hương vì vậy báo hiệu một nhạc sĩ có tài, một người sẽ trở thành nhạc sư đào tạo ra nhiều thế hệ nhạc sĩ.

Ba năm sau, Ðêm Ðông xuất hiện.

Ðây là một trong những ca khúc đầu tiên mà cũng là ca khúc buồn bã nhất. Mùa Ðông vốn đã lạnh lùng, mà lại về đêm và đêm không nhà nữa! Ông viết với nhịp điều trầm buồn mà sau này chúng ta thường hay hát với điệu tango chậm.

Ca khúc mở đầu từ buổi chiều tà, khi màn đêm buông xuống chầm chậm và trải qua cũng 16 trường canh. Hình ảnh qua lời từ ông viết cùng Kim Minh là cánh chim chiều bay mênh mang trong tiếng chuông cô tịch, sương bay mưa tỏa giăng mắc. Ðoạn hai mở ra tâm cảnh rộng ấy, của người chinh phu, nàng vợ hiền, của thi nhân và người ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng. Tình thì như vậy, cảnh là gió lạnh. Gió nghiêng chiều say, gió lay ngàn cây, gió reo sầu miên, gió đau niềm riêng. Ðoạn hai này dài 30 trường canh và kết thúc với lời giải: đấy là tâm tư của kẻ cô lữ xa nhà, giữa đêm đông lạnh buốt bỗng mơ về gia đình.

Nguyễn Văn Thương viết ca khúc này tại Hà Nội, nhưng ông đang nhớ nhà và thương rộng ra những người cùng cảnh ngộ.

Trong rất nhiều năm, Ðêm Ðông được hát nhiều nhất là ở trong Nam. Ðây là ca khúc của mọi tâm hồn cô đơn nhớ về một mái ấm không còn, hoặc đang ở rất xa. Nó là đốm lửa trong một đêm đen lạnh lùng. Người hát bài này hay nhất, đến nỗi Ðêm Ðông trở thành một dấu ấn của mình chính là Bạch Yến. Mỗi ca sĩ thường có một bài mà nhạc vừa cất lên, người nghe đều nhớ đến mình. Bạch Yến là trường hợp đó với Ðêm Ðông.

Riêng với người viết mục này thì Ðêm Ðông còn là một kỷ niệm đẹp.

Ðây là ca khúc đã đưa thân mẫu mình vào làng tân nhạc.

Năm 1949, khi ca sĩ Ngọc Thanh [hiền thê của nhạc sĩ Ðức Quỳnh, tác giả bài Thoi Tơ] đột nhiên bị ốm, Giám đốc đài phát thanh Pháp-Á là ông Hoàng Cao Tăng phải lật đật tìm người thay. Thời ấy, ca sĩ chưa nhiều nên việc kiếm người quả là khó! Có một nữ biên tập viên kiêm xướng ngôn viên là Nguyễn Thị Ngọc Trâm đang ngồi làm việc tại đó, ông Hoàng bèn hỏi:

“Bà có biết hát không?”

“Chỉ ngân nga bài Ðêm Ðông thôi!”

Thế rồi mời thử giọng và lập tức lên làn sóng điện. Bài Ðêm Ðông bỗng thành “top hit” trên đài phát thanh vì thính giả tán thưởng nhiệt liệt. Ðài Pháp-Á bèn mời người biên tập viên làm ca sĩ thực thụ. Bà lấy biệt hiệu hay nghệ danh là gì bây giờ? Tên hai người con là Minh và Trang được kết hợp làm một. Ca sĩ Minh Trang xuất hiện từ đấy. Cách nay cũng đã hơn nửa thế kỷ.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương thời trẻ.

Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Thương

[Lê Quốc Thanh]

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sinh ngày 22 tháng 5, 1919 tại Thừa Thiên, trong một gia đình yêu nghệ thuật . Từ lúc 9 tuổi ông đã học đàn nguyệt và tự học ký xướng âm qua sách vở . Ông là một nhạc sĩ đa tài , là một trong những nhạc sĩ tân nhạc thuộc thế hệ đầu tiên của Việt Nam.

Hai bản nhạc được nhiều người biết tới nhất là “Đêm Đông ” [viết vào năm 1939], và “Bướm Hoa ” [viết năm 1942 khi làm việc ở nha bưu điện Saigon] . Bản “Đêm Đông ” đã được rất nhiều ca sĩ trình bày nhưng chỉ có nữ ca sĩ Bạch Yến là người đầu tiên chuyển điệu Tango sang Slow Rock vào năm 1958 và làm cho bài hát trở thành bất tử . Ông là người đầu tiên viết nhạc cho múa chuyên nghiệp như thơ múa “Chim Gâu “, kịch múa “Tấm Cám “, “Múa Ô “, “Chàm Rông ” . Ông có viết nhạc phim, viết nhạc hợp xướng . Ông còn được nhiều người biết đến với các bản nhạc soạn phối khí như “Lý Hoài Nam [độc tấu sáo trúc], “Buôn Làng Vào Hội “, “Quê Hương “, “Ngày Hội Non Sông “. Bản “Rhapsodie số 2 ” dành cho đàn Trưng và dàn nhạc giao hưởng [viết đầu thập niên 70] .

Có lẽ khi viết Đêm đông, Nguyễn Văn Thương không ngờ được rằng rồi nó sẽ đi vào lòng biết bao thế hệ suốt mấy mươi năm như thế. Khi ấy ông mới hai mươi tuổi. Một anh chàng sinh viên nghèo xác, đêm ba mươi không có tiền về quê ăn tết, đi lang thang trong cái lạnh Hà Nội, với bộ quần áo tây cũ và đôi giày tây rộng thùng thình. Chàng ta chỉ đủ tiền ăn ổ bánh mì, dạo qua phố Khâm Thiên, phố ả đào nổi tiếng của Hà Nội bấy giờ, mong tìm một chút ấm lòng giữa khu phố dập dìu đó.

Thế nhưng ngay cả khu phố ăn chơi này cũng vắng ngắt, một cô đào nghe tiếng loẹt quệt trên đường [chứ nhạc sĩ lúc ấy làm gì dám bén mảng đến cửa nhà ả đào!] ra đưa mắt nhìn rồi chán nản quay vào, chỉ còn kịp thấy phản chiếu trong gương một cánh tay trần trắng nuỗn xanh xao. Buồn, chán đời và chán bản thân mình, quay về gác trọ và giữa tiếng gió lạnh gào rú bên ngoài, nhạc sĩ ngồi viết. Viết một mạch xong Đêm đông, từ thân phận mình, cảm thân phận người.

Bài hát lặp lại mãi từ đêm đông, điệp lại mãi sự điên cuồng của gió! Tuy nhiên, có một điều rất lạ là người ta đã lãng quên nhân vật ký tên chung trong bản nhạc Đêm đông với Nguyễn Văn Thương trong bản in ở Sài Gòn. Đó là Kim Minh. Kim Minh là một người bạn, người đã chau chuốt lời cho các bản nhạc của Nguyễn Văn Thương. Tuy nhiên, ông này mất sớm. Chính vì vậy người ta cũng thành lạ luôn.

Thêm một điều lạ nữa là người nhạc sĩ thâm niên này lại có thời gian làm bưu điện, sở dây thép bấy giờ. Khi ấy [1938-1939] Pháp muốn mở rộng chính sách mị dân bằng cách tuyển nhiều trí thức Việt Nam vào các ngạch cao cấp. [Chính vì thế Xuân Diệu cũng được đỗ vào ngành Hải quan!]. Nguyễn Văn Thương đỗ đầu toàn Đông Dương, làm Bưu điện trung tâm Sài Gòn 5 năm. Đến bây giờ nhắc lại, ông nói: “Chỉ còn thế hệ trên 80 là biết mình. Vừa rồi có việc “lụy” bưu điện, mình đã phải quát ầm lên vì phải chờ lâu, bắc cái điện thoại mà mãi không xong. Mình bảo cái cô trẻ măng ngồi trực quầy: Này, thế hệ bọn mày không biết tao, chứ tao từng làm giám đốc bưu điện này cách đây 50 năm đấy!” [1]

Ngoài việc viết nhạc, ông còn viết nhiều sách về âm nhạc như “Tuyển Tập Piano ” [trung cấp], “Tuyển Tập 16 Bài Dân Ca, Dân Vũ Việt Nam ” [sọan cho piano] . Ông cũng là người đã đưa hệ trung cấp âm nhạc cổ truyền Việt Nam lên thành hệ đại học ở Việt Nam.

Ngày 5 tháng 12, 2002, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, đã từ trần tại bịnh viện Thống Nhứt, hưởng thọ 84 tuổi. Ông nguyên là giám đốc Đoàn ca múa nhạc Việt Nam, giám đốc Nhạc Viện Hà nội, giáo sư âm nhạc…

oOo

Đêm Đông – Danh ca Bạch Yến:

Đêm Đông – Ca sĩ Lê Dung:

Đêm Đông – Ca sĩ Trần Thái Hòa:

Đêm Đông – Ca sĩ Cẩm Vân:

Bướm Hoa – Ca sĩ Quỳnh Giao:

Trên Sông Hương – Ca sĩ Duy Trác:

Video liên quan

Chủ Đề