Các giá trị cốt lõi và cách thức phát triển văn hóa nhà trường trong các cơ sở giáo dục phổ thông

Tuy nhiên, giáo dục giá trị văn hóa là gì, gồm những yếu tố nào, cách thức triển khai ra sao... là những vấn đề được các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục thảo luận sôi nổi tại Hội thảo Giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh phổ thông Việt Nam-Bản sắc và hội nhập, do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức.

Làm sáng tỏ giá trị văn hóa trong giáo dục

Trong bối cảnh hiện nay, các giá trị văn hóa góp phần tạo ra đặc trưng, diện mạo của một quốc gia. Để tăng sức ảnh hưởng và khẳng định vị thế của mình, các quốc gia trên thế giới thường chú trọng xây dựng giá trị văn hóa cho con người. Và để có những con người mang giá trị văn hóa thì giáo dục trong nhà trường phổ thông mang tầm quan trọng đặc biệt.

Thầy trò Trường THPT Đinh Tiên Hoàng [Hà Nội] thực hiện nghi lễ dâng hương và lời thề khuyến học

[ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19]. Ảnh: QUỲNH ANH

Ở Việt Nam, dù đã nhận thức rõ tầm quan trọng đó nhưng làm thế nào để giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh phổ thông hiệu quả lại không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, ngay các khái niệm và nội hàm của giá trị văn hóa để giáo dục trong trường phổ thông vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất. PGS, TS Trần Huy Hoàng, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng: Thực tế Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 chỉ mới triển khai một phần nhỏ giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh. Để học sinh phát triển toàn diện, nên chăng, chúng ta cần hình thành giá trị cốt lõi để các em thấy được giá trị đặc trưng cho con người, công dân Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Tiến sĩ khoa học [TSKH] Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu luận điểm: Giáo dục giá trị văn hóa trong trường phổ thông là một khái niệm mới, chưa được đặt ra một cách chính thức trong các văn bản của ngành giáo dục Việt Nam. Trong khi đó, theo PGS, TS Vũ Thị Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên [Bộ Giáo dục và Đào tạo], tuy không đề cập đến khái niệm giá trị hay giá trị văn hóa nhưng trong Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, chúng ta đã xác định 5 phẩm chất. Đó là những giá trị văn hóa cốt lõi nhất mà ta cần trang bị cho học sinh.

Giá trị văn hóa được các nhà khoa học, giáo dục trên thế giới gọi chung là giá trị. Nhiều nước đã phải nhận thức lại tầm quan trọng của giáo dục giá trị sau khi nhận ra rằng, những khiếm khuyết cơ bản gây ra khủng hoảng giáo dục toàn cầu chính là không đem lại cho con người những kỹ năng đương đầu với thách thức. TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng: Để có những con người phát triển toàn diện, Việt Nam phải đặt giáo dục giá trị ngang hàng với giáo dục năng lực và được dạy xuyên suốt chương trình chứ không chỉ trong một vài môn học như hiện nay. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng [Hà Nội] cho rằng: Nói đến văn hóa phải nói đến giá trị. Khi nói đến phẩm chất, năng lực là chúng ta còn sử dụng quan niệm cũ. Sử dụng giá trị hay giá trị văn hóa là cách để chúng ta dần hội nhập với thế giới. Phẩm chất chỉ là khẩu hiệu chung, nhưng để biến thành hiện thực thì cần sử dụng giá trị văn hóa.

Xây dựng giá trị văn hóa trong trường học

Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau nhất chính là lựa chọn các giá trị văn hóa. TS Vương Phương Hạnh, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đề xuất các giá trị văn hóa cần hình thành cho học sinh, gồm: Yêu nước, khoan dung, hòa bình, hợp tác, trách nhiệm, trung thực, kỷ luật, tự trọng, tự tin và sáng tạo. Mỗi giá trị đều có sự liên kết đối với các giá trị còn lại. GS, TSKH Trần Ngọc Thêm, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong những giá trị này có sự chồng chéo như tự trọng và tự tin, khoan dung và hòa bình. Ngoài ra, ông đề xuất thêm một số giá trị khác như tính khoa học, thay bản lĩnh bằng tự trọng và tự tin, thay nhân ái bằng hòa bình... PGS, TS Vũ Trọng Rỹ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nêu quan điểm: "Giá trị hòa bình là giá trị phổ quát của nhân loại. Với học sinh phổ thông, chọn giá trị nhân ái sát thực và cụ thể hơn là chọn giá trị hòa bình".

Việc thống nhất các giá trị văn hóa đã khó, việc đưa vào trong chương trình cho học sinh cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Cho rằng cần thiết phải đặt mục tiêu cho giáo dục, nhưng theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến: "Những mục tiêu hiện nay chúng ta đặt ra xa vời, khó đạt được. Vì thế, chúng ta cần đặt lại những mục tiêu khả thi và phù hợp hơn. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, mỗi quốc gia phải đặt ra những giá trị riêng. Các giá trị này được lựa chọn trên cơ sở phối hợp đa chiều: Chiều từ trên xuống [dựa trên các giá trị quy định trong Hiến pháp, quy định của Đảng, Nhà nước] và chiều từ dưới lên [qua khảo sát thực tế, đóng góp của các chuyên gia]". PGS, TS Vũ Trọng Rỹ đề xuất, mỗi nhà trường, mỗi địa phương không nên cứng nhắc mà cần linh hoạt thực hiện giá trị và những khái niệm đưa ra cũng phải dễ hiểu cho học sinh.

Trong khi đó, vừa là người nghiên cứu lý thuyết, vừa triển khai trong thực tế các giá trị văn hóa tại trường mình, TS Nguyễn Tùng Lâm khẳng định: Chất văn hóa đã tôn giá trị của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Nhà trường từ lâu đã thực hiện duy trì những giá trị văn hóa truyền thống, giá trị tốt đẹp bằng những thứ riêng có của mình như qua khẩu hiệu, lễ dâng hương, bản trường ca và lời thề khuyến học ngày khai giảng, xây dựng nhân cách học sinh hài hòa qua tự học, tự rèn.... Từ kinh nghiệm thực tế đó, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, xây dựng giá trị văn hóa trong trường học là việc khó nhưng cần thiết. Muốn xây dựng giá trị văn hóa trong các trường học cần có văn bản hướng dẫn về văn hóa học đường, trao quyền tự chủ cho các nhà trường, chỉ đạo tạo điều kiện để mô hình trường học năng động, sáng tạo thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục cho từng vùng, miền và từng loại đối tượng học sinh....

TOÀN LINH

Video liên quan

Chủ Đề