Các nhân định về bài Hồn Trương Ba da hàng thịt

Bàn luận về nhà văn Lưu Quang Vũ và tác phẩm: Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Lưu Quang Vũ (1948 - 1988), quê gốc ở Đà Nẵng, sinh ở Phú Thọ, xuất thân trong một gia đình trí thức. Cha là nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Trước khi đến với thể loại kịch, Lưu Quang Vũ từng làm thơ, sáng tác truyện ngắn, vẽ tranh...

I. TÁC GIẢ
1. Tiểu sửLưu Quang Vũ (1948 - 1988), quê gốc ở Đà Nẵng, sinh ở Phú Thọ, xuất thân trong một gia đình trí thức. Cha là nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Trước khi đến với thể loại kịch, Lưu Quang Vũ từng làm thơ, sáng tác truyện ngắn, vẽ tranh...

Từ năm 1978 đến 1988, ông là biên tập viên tạp chí sân khấu, đến những năm 80 của thế kỉ XX, ông đã đem đến cho người xem những vở kịch gây chấn động dư luận.

 Ông được xem như một nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật hiện đại. 

2. Văn nghiệp


- Thơ: Hương cây (1968, in chung trong tập Hương cây - Bếp lửa), Mây trắng của đời tôi (1989), Bầy ong trong đêm sâu (1994).
- Kịch: Mãi mãi tuổi 17, Lời nói dối cuối cùng, Nàng Xi-ta, Chết cho điều chưa có, Nếu anh không đốt lửa, Lời thề thứ 9, Khoảnh khắc vô tận, Tôi và chúng ta... Hồn Trương Ba, da hàng thịt được tác giả viết năm 1981 đến năm 1984 thì được ra mắt công chúng.- Ngoài ra ông còn viết một số truyện ngắn và tập tiểu luận. Năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. 

3. Phong cách

Kịch, truyện ngắn, thơ của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực và nhân văn cũng như in đậm dấu ấn của từng giai đoạn trong cuộc sống của ông. Ông là tác giả của gần 50 vở kịch. Các vở kịch thể hiện tính triết lí sâu sắc về cuộc đời, phản ánh được những vấn đề sâu sắc và bức thiết của thời đại. Thơ Lưu Quang Vũ không bay bổng, tài hoa nhưng giàu cảm xúc với nhiều trăn trở, khát khao. 

II. TÁC PHẨM: Hồn Trương Ba, da hàng thịt

1. Về đặc trưng thể loạiVăn bản thuộc thể loại kịch, một trong những đặc trưng của thể loại này là phản ánh cuộc sống bằng việc khám phá, phát hiện những mâu thuẫn, những xung đột trong đời sống thực tại rồi diễn đạt bằng hành động và ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật. 

2. Những giá trị nội dung, nghệ thuật

Trong thể xác thô phàm của anh hàng thịt, Trương Ba dần dần đổi tính: uống rượu nhiều, ham bán thịt, không còn mặn mà với trò chơi thanh cao, trí tuệ nữa. Nhiều phiền toái, rắc rối khiến Trương Ba đau khổ, và Trương Ba càng khổ sở hơn nữa khi ông ý thức về những điều đó mà không thể giải quyết được. 

Ông càng cố gắng bao nhiêu thì kết quả dường như càng tai hại bấy nhiêu. Nghịch cảnh đó càng được đẩy đến cao trào qua các lớp đối thoại giữa hồn Trương Ba với xác anh hàng thịt, với người thân, với Đế Thích.

  •  Câu ghép
  •  Tìm hiểu chung về văn bản thuyết minh

a. Màn đối thoại giữa Trương Ba với xác hàng thịtLinh hồn nhân hậu, bản tính ngay thẳng của Trương Ba trước kia dần dần bị nhiễm độc bởi cái tầm thưòng của xác thịt anh đồ tể. Ý thức được điều đó, linh hồn Trương Ba đau khổ và tìm cách chống lại bằng cách muốn tách khỏi xác anh đồ tể. Xác đồ tể biết được điều đó, biết những cố gắng của Trương Ba là không thể thực hiện được và dồn Trương Ba vào thế đuối lí. Hơn nữa, xác đồ tể còn ve vãn Trương Ba thoả hiệp với lí lẽ là cả hai đã hoà vào một rồi, không thể nào khác được. Trương Ba nổi giận, mắng mỏ, khinh bỉ dụng ý của xác hàng thịt nhưng cuối cùng cũng đành ngậm ngùi trở lại xác anh hàng thịt trong tuyệt vọng. Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt là một ẩn dụ về cuộc đấu tranh giữa tâm hồn và thể xác trong một con người. Thể xác của con người có tiếng nói riêng của nó, đó là tiếng nói của bản năng và nó có những tác động ghê gớm vào linh hồn. Linh hồn phải luôn luôn đấu tranh để vượt lên những đòi hỏi không chính đáng của thể xác. Trương Ba được trả lại cuộc sống nhưng là một cuộc sống đáng hổ thẹn bởi nó đã bị dung tục, tầm thường. Lớp kịch còn có ý nghĩa cảnh báo sâu xa là khi con người sống trong môi trường dung tục ắt sẽ bị cái dung tục chi phối. Làm thế nào để bảo vệ, hoàn thiện nhân cách là một vấn đề lớn đưa ra trong lớp kịch này. 

b. Màn đối thoại giữa Trương Ba với người thân

Sống nương nhờ xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba dần dần biến đổi, Trương Ba của hiện tại không còn là Trương Ba của ngày trước nữa. Điều đó đã đưa đến những bất ổn giữa ông và những người thân trong gia đình. Ngay người vợ cũng muốn bỏ đi để ông thảnh thơi với cô hàng thịt, đứa cháu nội thì không nhận ông nữa, thậm chí nó xua đuổi vì không chấp nhận ở ông tồn tại cái ác của gã đồ tể. Cả người con dâu, người vốn rất yêu quý ông trước đây cũng cảm thấy bố chồng ngày một khác đi và cũng không thể nào làm điều gì giúp ông được. Trương Ba thấu hiểu được tất cả những ý nghĩ, biểu hiện của người thân, ông xót xa, tình huống bi kịch đẩy ông vào màn độc thoại quyết liệt. Và cuối cùng ông nhận ra không thể khuất phục trước xác nữa. Ông đi đến quyết định không cần cái đời sống do xác hàng thịt mang lại nữa, ông thắp hương gọi Đế Thích xuống bàn chuyện này. 

c. Màn đối thoại giữa Trương Ba với Đế Thích

Đối thoại với Đế Thích, Trương Ba thể hiện thái độ kiên quyết chối từ, ông không chấp nhận cảnh sống như hiện tại nữa. Lúc đầu Đế Thích ngạc nhiên nhưng khi hiểu ra thì khuyên Trương Ba chấp nhận vì thế giới không toàn vẹn, nhưng Trương Ba không chấp nhận lí lẽ đó. Trương Ba thẳng thắn chỉ ra sai lầm của Đế Thích. Đế Thích định tiếp tục sửa sai của mình và Tây Vương Mẫu bằng một giải pháp khác còn tệ hại hơn là cho hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị, nhưng Trương Ba vẫn cương quyết phản đối, không chấp nhận cuộc sống giả tạo. Trương Ba kêu gọi Đế Thích hãy sửa sai bằng việc làm đúng, đó là trả lại hồn cho cu Tị. Đế Thích cuối cùng cũng đã thuận theo đề nghị của Trương Ba. 

Qua màn đối thoại, có thể thấy tác giả gửi gắm nhiều thông điệp vừa trực tiếp vừa gián tiếp. Sai lầm của Đế Thích là quan niệm sự sống còn khá đơn giản: sống với hàm nghĩa là không chết, vì thế ông mới tiếp tục sai lầm lần thứ hai là muốn cho hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị. Trương Ba thì lại khác, ông cho rằng để có được một cuộc sống có ý nghĩa thì không thể nương nhờ hồn của mình vào xác người khác. Ông nói: “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Sau cùng, ông đã xin cho cu Tị được sống lại, còn mình thì xin được chết. Màn đối thoại đã nhấn mạnh vẻ đẹp của con người lao động trong cuộc đấu tranh chống lại sự dung tục, giả tạo để bảo vệ quyền được sống toàn vẹn, hợp với lẽ tự nhiên cùng sự hoàn thiện nhân cách.

 

d. Màn kết


Trương Ba trả lại xác cho anh hàng thịt và chấp nhận cái chết. Dẫu Trương Ba chết nhưng hồn ông vẫn còn đó, Trương Ba vẫn hiển hiện trong lòng những người thân yêu của mình. Ông đã hoá thân vào những tồn tại thân thuộc trong cuộc sống của mỗi một con người như màu xanh của cây, bậc thềm của ngôi nhà, ánh lửa ấm áp hay hiện diện ngay ở cơi trầu của người vợ thân yêu. Trương Ba đã trở thành bất tử. Đó là sự bất tử hoá linh hồn trong sự sống của con người. Đó cũng là sự bất tử của những giá trị nhân văn cao cả. 

Có một câu nói của Thiền sư Thích Nhất Hạnh như sau: “Hạnh phúc là được làm chính mình. Bạn không cần phải được thừa nhận bởi người khác. Chỉ cần chính bạn thừa nhận mình là được rồi”. Quả thật là như thế. Một cuộc sống trọn vẹn khi và chỉ khi tâm hồn và thể xác ta hòa hợp một cách trọn vẹn, tâm thanh tịnh, thể xác giữ gìn những giá trị thanh cao nhất, tránh xa những cạm bẫy, phàm tục thông thường. Khi đó, ta sẽ cảm nhận được giá trị sống trọn vẹn, sống với cách của chính mình, không vướng bận điều gì cả. Điều đó, ta dễ dàng thấy được qua tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ, một nhà thơ, nhà soạn kịch đa tài, một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường những năm tám mươi của thế kỉ XX.

Các nhân định về bài Hồn Trương Ba da hàng thịt

Nói về tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt, đây là một trong những vở kịch đặc sắc nhất của Lưu Quang Vũ, đã công diễn nhiều lần trên sân khấu trong và ngoài nước. Truyện kể về một Trương Ba có tài đánh cờ nhưng lại bị Nam Tào bắt chết nhầm. Vì thương cho cuộc đời và tài năng của Trương Ba, tiên cờ Đế Thích đã cho ông sống lại trong thân xác của anh hàng thịt mới mất. Trú ngụ một linh hồn thanh cao, trong sạch, nhẹ nhàng, từ tốn của mình trong thân xác to bè, thô kệch, đối lập hoàn toàn với mình trước kia; điều đó đã gây nên muôn vàn câu chuyện. Từ một người thanh tao, nhã nhặn lại trở nên vụng về, bất cẩn, thô lỗ và phũ phàng. Từ một người sống có ý nghĩa lại bị khước từ quyền sống và đang tồn tại, bị người thân xa lánh và từ chối. Từ đó đã đẩy ông đi vào bước đường giải thoát cho chính mình, chọn lấy cái kết khác để bảo toàn một tâm hồn lương thiện, không vẩn đục.

Một người sống như thế nào là có ý nghĩa? Sống nhờ như Trương Ba thì có gọi là đang sống, hay đó chỉ là đang tồn tại một cách tạm bợ? Sống là được làm những điều mình muốn, sống một cách đúng đắn không đi ngược với bản chất và quy luật, đạo đức xã hội. Nhưng từ một người làm vườn chăm chỉ, một người hết lòng yêu thương vợ con, quan tâm đến hàng xóm láng giềng, nay lại trở nên đầy phũ phàng. Khi chăm sóc cây cối lại vô tình mà làm chết cái chồi non mới mọc, cái nhánh cây, chồi non ấy thì một con người như Trương Ba lại có thể tự tay hủy hoại ư? Một người thương vợ như thế, nay sống trong cái thân xác của hàng thịt, bị vợ của anh ta bắt về nhà, ngủ cùng lại nảy sinh những hành động vượt ngoài kiểm soát của tâm hồn. Sự tồn tại dường như đang ngày một trở nên sai lầm, ngày một nhiều việc xảy ra trái với tính cách của một người như Trương Ba.

Sống là phải hòa nhập, chí ít vẫn còn có gia đình để trở về. Gia đình là điều tối thiểu phải có của mỗi chúng ta, gia đình sẽ là nơi che chở những bão táp ngoài kia.Ấy thế mà cả vợ, con, cháu của mình cũng từ chối, lần lượt rời bỏ ông. Thử hỏi có nỗi đau nào đau hơn thế không? “Ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa”. “Đi biệt…Để ông được thảnh thơi…với cô vợ người hàng thịt…còn hơn là thế này…” “Tôi không phải cháu ông! Ông nội đời nào thô lỗ phũ phàng như vậy! Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!” Ngay cả một người dâu hiếu thảo ngày nào cũng tỏ ra buồn bã và không chấp nhận con người hiện tại, một tâm hồn của ông đang tồn tại trong thân xác này. “Con cảm thấy, đau đớn thấy… mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cung không nhận ra thầy nữa…”

Vậy thì ông còn sống để làm gì? Sống tạm bợ mà ngay cả khi ông mất đi có khi còn hạnh phúc hơn thế này. “Có lẽ ngày u chôn xác thầy xuống đất, tưởng chừng thầy chết hẳn, u cũng không khổ bằng bây giờ”. “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm được đủ mọi cách để lấn át ta…” Ông đã chọn kết cục khác cho tâm hồn của mình. Trương Ba vẫn mãi là một Trương Ba thanh cao, lương thiện sống mãi trong lòng vợ con, người thân khi ông không còn ở đây, trong cái thể xác này nữa. Làm gì có việc ông được sống trọn vẹn, bắt đầu lại từ con số không như ngày xưa trong cái thể xác không có một chút hòa hợp với tâm hồn của ông đây? “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi trọn vẹn… Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!”

Đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt đã gửi đến một thông điệp hoàn toàn mới mẻ về cuộc đời và sự sống. Sống chứ không phải tồn tại đơn thuần, được sống làm người quý giá thật, nhưng được sống là mình, sống trọn vẹn đã quý mà sống hoàn hảo, được quyền theo đuổi những gì mình yêu thích lại càng đáng quý hơn thế nữa. Con người phải biết phấn đấu, phải sống hết mình, đừng sống bám và tạm bợ vào người khác. Thì dù sau này mất đi, ta cũng được là chính mình, được mọi người trân trọng, sống trọn vẹn cả nhân cách và thể xác. Nhờ vào tài xây dựng cốt truyện mới mẻ, hợp lý Lưu Quang Vũ đã mang đến một tác phẩm đầy giá trị nhân văn và nhận định đúng đắn về cách sống.

Viết bởi Thể Hồng