Châu á thái bình dương bao gồm những nước nào năm 2024

TCCS - Trật tự thế giới hiện nay tiếp tục chuyển động phức tạp, đang dần định hình sang trật tự “đa cực, đa trung tâm” với sự tham gia sâu rộng của các chủ thể khác nhau, trong đó, vai trò trung tâm của châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á/ASEAN ngày càng được khẳng định. Xu hướng định hình trật tự thế giới mới được dự báo có tác động sâu sắc đến tình hình thế giới, khu vực và hệ thống quốc tế.

Một số vấn đề nổi bật của trật tự thế giới hiện nay và các yếu tố định hình trật tự thế giới đến năm 2030

Cạnh tranh chiến lược nước lớn và tương quan so sánh lực lượng của các chủ thể chính có vai trò quyết định đến tương lai trật tự thế giới đến năm 2030. Cạnh tranh nước lớn gay gắt, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, với xu hướng đối đầu là không thay đổi trong bối cảnh vị thế quốc tế của Mỹ đang có chiều hướng suy giảm. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là nguyện vọng, mục tiêu, xu hướng và động lực phấn đấu lâu dài, xuyên suốt của đa số các nước và cộng đồng quốc tế. Cùng với đó cạnh tranh chiến lược nước lớn xoay quanh trục Mỹ - Trung Quốc đang nổi lên, được cả Mỹ và Trung Quốc đều nhìn nhận khách quan và nhận định rằng, quan hệ Mỹ - Trung Quốc là đối đầu dài hạn. Đây là một trong những vấn đề hiếm hoi đạt được sự đồng thuận của lưỡng đảng. Cụ thể là, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Cạnh tranh chiến lược năm 2021 và Lưỡng hội Trung Quốc xác định cạnh tranh chiến lược với Mỹ sẽ là định hướng lâu dài trên con đường Trung Quốc tiến tới vị trí trung tâm vũ đài quốc tế vào giữa thế kỷ XXI. Trung Quốc chủ động gia tăng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, khai thác tối đa thực lực kinh tế để mở rộng không gian chiến lược, tìm mọi cách để xác lập vị thế, nâng cao địa vị quốc tế. Trong khi đó, chính sách cạnh tranh nước lớn của Mỹ với các đối thủ chiến lược bước đầu đã lôi kéo được một số nước đồng minh châu Âu tham gia thông qua hoạch định chiến lược quốc gia và tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với các sáng kiến do Mỹ đề xuất và dẫn dắt, như thành lập Liên minh quân sự ba nước Mỹ, Anh và Ô-xtrây-li-a (AUKUS), Nhóm “Bộ Tứ” lần đầu ra tuyên bố chung, các Tuyên bố chung của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7) lần đầu tiên chia sẻ lập trường về các thách thức đến từ Trung Quốc, Nga...

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, vị thế của Mỹ trên trường quốc tế có phần suy giảm tương đối. Mỹ có khả năng bị soán ngôi nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030(1). Về tổng thể, Mỹ vẫn giữ ưu thế lớn hơn so với Trung Quốc và các đối thủ chiến lược do nắm quyền chi phối lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, các thiết chế tài chính đa phương, khả năng chi phối nền kinh tế - tài chính toàn cầu, dẫn dắt nhiều liên minh, liên kết nhất trên thế giới với mạng lưới đồng minh, đối tác dày đặc, cùng với đó là ưu thế vượt trội về nền tảng và sức sáng tạo của khoa học - công nghệ, mô hình quản trị quốc gia và “sức mạnh mềm” tiếp tục có ảnh hưởng mạnh mẽ... Chính quyền của Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn xác định ưu tiên hàng đầu của Mỹ là củng cố vị trí siêu cường số 1 thế giới, coi trọng cách tiếp cận đa phương và khai thác “sức mạnh thông minh” để tập hợp lực lượng. Trung Quốc là cường quốc có tiềm năng, thực lực mạnh nhất để cạnh tranh với Mỹ, trở thành “một cực” quan trọng nhất trong thập niên tới, nhờ sức mạnh tổng hợp quốc gia ngày càng gia tăng và ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong nhiều vấn đề quốc tế điển hình. Thế nhưng, Trung Quốc chưa thể sánh ngang với Mỹ về chất lượng khoa học - công nghệ, nhất là việc tạo lập được ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng quốc tế. Nga tiếp tục có những bước chuyển quan trọng, từng bước khẳng định vai trò nước lớn trong các vấn đề quốc tế và định hình trật tự thế giới. Trước khi cuộc xung đột Nga - U-crai-na xảy ra, Nga đã triển khai thành công, có hiệu quả nhiều chính sách cả về đối nội và đối ngoại, qua đó ổn định được tình hình chính trị nội bộ, gia tăng tổng thể sức mạnh tổng hợp quốc gia. Tuy nhiên, kể từ khi Nga thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở U-crai-na, cùng với việc kinh tế và quan hệ đối ngoại gặp nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, buộc phải tìm phương cách mới để tập hợp lực lượng và giảm thiểu khó khăn, thách thức. Mặc dù vậy, với vị thế cường quốc quân sự hàng đầu thế giới do thừa hưởng những giá trị Liên Xô (trước đây) để lại, cùng với Mỹ và Trung Quốc, Nga vẫn là một trong ba cường quốc có sức chi phối, ảnh hưởng lớn nhất đến quan hệ quốc tế, đặc biệt là trở thành “yếu tố cân bằng chiến lược” trong cạnh tranh chiến lược nước lớn. Trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc và Nga có xu hướng ngày càng liên kết chặt chẽ, thách thức vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm trực tiếp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 22 tại Uzbekistan, ngày 15-9-2022_Ảnh: THX/TTXVN

Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là địa bàn cọ xát chiến lược gay gắt nhất với tâm điểm là khu vực Đông Nam Á, trong đó Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là mục tiêu tranh thủ, lôi kéo trọng điểm của các nước lớn. Cạnh tranh nước lớn gay gắt, sự đối đầu toàn diện Mỹ - Trung Quốc dẫn đến những sự thay đổi to lớn trong cục diện quan hệ quốc tế, nhất là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khu vực này tiếp tục là trung tâm phát triển và thịnh vượng toàn cầu, đồng thời cũng là khu vực tiềm ẩn nhiều “điểm nóng” có khả năng bùng phát xung đột vũ trang(2). Đây là khu vực mà các nước lớn triển khai chiến lược tập trung nhất, điển hình là Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Mỹ, chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, chính sách “Kết nối Đông - Tây” của Nhật Bản, chính sách “hướng Nam” của Hàn Quốc, chiến lược “Đại Á - Âu” của Nga và chiến lược “Kết nối Á - Âu” của Liên minh châu Âu (EU). Điểm chung của các chiến lược nước lớn là đều lấy Đông Nam Á làm trọng điểm triển khai, vì thế ASEAN, với tư cách Cộng đồng và từng nước thành viên, trở thành tâm điểm cọ xát chiến lược của các nước lớn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch COVID-19, với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam với tất cả trách nhiệm đã cùng ASEAN chủ động thích ứng linh hoạt với biến động tình hình, phát huy vai trò “trung tâm” tại khu vực, góp phần đưa Hiệp hội trở thành một trong những tổ chức khu vực thành công nhất trên thế giới. Điều này đem lại cho ASEAN vị thế mới trong quan hệ quốc tế thời gian tới.

Thách thức và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động đến cạnh tranh quốc tế, làm thay đổi “luật chơi”, địa vị và vị thế của các quốc gia. Những đột phá về khoa học - công nghệ, như chế tạo thành công vắc-xin phòng, ngừa dịch bệnh COVID-19(3), vũ khí thế hệ mới, các lực lượng chiến lược(4)... đã giúp Trung Quốc và Nga có tiềm lực mạnh mẽ để tạo ra sự bứt phá phát triển nội lực về mọi mặt, dần thu hẹp khoảng cách với Mỹ, gia tăng ảnh hưởng tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Định hướng phát triển thành một “siêu cường chế xuất và công nghệ”, thúc đẩy “đổi mới đặc sắc Trung Quốc” đặt ra thách thức đối với an ninh quốc gia của Mỹ cũng như các đồng minh, đối tác có chung đường hướng phát triển của Mỹ. Thực tế này dẫn tới tình trạng cạnh tranh nước lớn trên lĩnh vực công nghệ, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc. Có thể kể đến như, cuộc chạy đua phát triển công nghệ mới nhằm duy trì ưu thế trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, đặt ra các tiêu chuẩn mới về công nghệ nhằm ngăn chặn đối thủ thâm nhập thị trường, làm chủ các công nghệ mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư... Tác động “kép” từ cuộc cách mạng công nghệ khiến cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn trong lĩnh vực này trở thành xu hướng chủ đạo và sự “phân tách” công nghệ sẽ từng bước được thúc đẩy, nhất là trên những lĩnh vực công nghệ mũi nhọn. Điều này được cho là sẽ phần nào chi phối việc hoạch định và triển khai chiến lược đối ngoại của các nước lớn cũng như sự khẳng định vị thế, tương quan lực lượng của các cường quốc có ưu thế nổi trội trên lĩnh vực này.

Các thể chế đa phương, trật tự thế giới dựa trên luật lệ đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức cải tổ. Các thể chế và trật tự thế giới vừa là sự phản ánh tương quan lực lượng quốc tế, vừa là khuôn khổ, “luật chơi” để duy trì trật tự đó. Tuy nhiên, các thể chế đa phương hiện nay vốn được thiết lập từ những năm 1945 và phản ánh sự phân bổ quyền lực sau Chiến tranh thế giới thứ hai chưa được tái cấu trúc để phản ánh thực trạng chuyển dịch quyền lực toàn cầu hiện nay(5) với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ và các nước đang phát triển, dẫn đến sự mất cân bằng trong các thể chế đa phương toàn cầu. Các thể chế đa phương được cho rằng chưa phản ánh được tương quan lực lượng mới, thiếu công bằng và không hài hòa được lợi ích chung và lợi ích riêng(6). Nước Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm đã rút khỏi một số thể chế đa phương và yêu cầu cần có sự cải tổ để phù hợp với lợi ích của Mỹ; hay việc Trung Quốc đang nỗ lực thiết lập các thể chế, “luật chơi” mới ở cấp độ khu vực, đồng thời thể hiện mong muốn vươn ra toàn cầu hướng đến vị trí trung tâm thế giới. Bên cạnh đó, những nỗ lực giải quyết xung đột và kiến tạo hòa bình của Liên hợp quốc vẫn gặp những trở ngại về chủ quyền quốc gia do các nước chưa thực sự quan tâm đến chủ quyền, quyền lợi đa phương. Trong các cuộc xung đột ở một số khu vực hiện nay có thể thấy, nếu các nước lớn không quan tâm đến một cuộc xung đột hay một vấn đề cụ thể, sẽ không có cơ hội để các thể chế đa phương phát huy vai trò trong giải quyết hiệu quả các cuộc xung đột đó. Để vượt qua được những thách thức trên, các thể chế đa phương, nhất là Liên hợp quốc, cần thích ứng hơn nữa với sự thay đổi này và tái cấu trúc theo bối cảnh tình hình, trật tự thế giới mới.

Các “điểm nóng” và các thách thức an ninh phi truyền thống tiếp tục diễn biến phức tạp. Tiêu biểu là các “điểm nóng” ở khu vực Trung Đông, Trung Á, bán đảo Triều Tiên, Đài Loan (Trung Quốc), Biển Đông..., luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột. Những vấn đề an ninh phi truyền thống, như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh mạng..., tiếp tục tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội và quan hệ quốc tế. Bất đồng giữa phương Tây với Trung Quốc về nguồn gốc của dịch bệnh COVID-19 và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, dân túy, chủ nghĩa bảo hộ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã khiến thế giới thiếu vắng sự lãnh đạo và nguồn lực cần có nhằm đối phó hiệu quả với đại dịch này. Tuy nhiên, các cơ chế quản trị toàn cầu hiện nay hoặc là chưa có, hoặc là chưa thực sự hiệu quả để giải quyết những thách thức trên, trong khi các nước lớn lại có sự gia tăng cạnh tranh hơn là nỗ lực hợp tác để xử lý những vấn đề chung. Điều này góp phần làm thay đổi tính chất các liên minh, liên kết sẵn có và hình thành nên các đặc điểm mới của trật tự thế giới đang định hình.

Xu hướng trật tự thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Về trật tự thế giới đến năm 2030

Xét tổng thể, các chủ thể có khả năng trở thành các “cực”, các trung tâm quyền lực chi phối, định hình trật tự thế giới mới sẽ không ngừng vận động, cạnh tranh gay gắt, nhất là giữa các “cực” đối trọng nhằm khẳng định vị thế, vai trò trong hệ thống quốc tế. Các nước lớn có xu hướng quy tụ các nước nhỏ hơn thông qua việc dùng ưu thế, sức ảnh hưởng của mình trên các lĩnh vực kinh tế, quân sự, công nghệ... để tập hợp lực lượng, đồng thời tạo thế đối trọng cần thiết với các “cực” khác. Cùng với đó, các “cực” có điểm đồng lợi ích tiếp tục liên minh, liên kết với nhau để gia tăng sức mạnh, đối trọng với các “cực” đối kháng lợi ích chiến lược. Tiến trình này diễn ra một cách phức tạp, gay gắt, không nhượng bộ, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, sẽ có sự thỏa hiệp nhất định trên các lĩnh vực, vấn đề song trùng lợi ích. Trên cơ sở đó, trật tự thế giới “đa cực, đa trung tâm” đang định hình sẽ tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó đoán định hơn do sự tính toán chiến lược nước lớn luôn xoay chuyển theo cục diện, bối cảnh chuyển động không ngừng.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp nhau bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngày 23-9-2022_Nguồn: AFP

Tương quan lực lượng Mỹ - Nga - Trung Quốc là yếu tố tác động toàn diện, sâu sắc nhất đến việc định hình, nhận diện trật tự thế giới trong 10 năm tới. Với trật tự thế giới “đa cực, đa trung tâm” tiếp tục định hình rõ nét hơn đến năm 2030, trong đó Mỹ, Nga, Trung Quốc được đánh giá là ba “cực” chính, quan trọng nhất. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định rằng, Mỹ và Trung Quốc ở hai “cực” đối đầu, đóng vai trò chi phối, tạo dựng bức tranh toàn cảnh thế giới. Nga có vai trò “cân bằng chiến lược”, quyết định kết quả trong cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc. Các nước còn lại đóng vai trò như các “cực” vừa và nhỏ, do thực lực và vị thế quốc tế chưa thể sánh ngang với các “cực” chính nên các “cực” này, một mặt, vẫn liên kết với “cực” đứng đầu là Mỹ, Trung Quốc (xu hướng theo sự gắn kết lợi ích, hệ giá trị và quan hệ truyền thống) để tạo thế đứng trong quan hệ quốc tế; mặt khác, liên kết với nhau để tạo sự tự chủ chiến lược, từng bước thiết lập quyền lực nhất định trong trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Đại diện cho những “cực” này có thể kể đến, như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Ô-xtrây-li-a, EU... Trong tầm nhìn 10 năm tới, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, EU nhiều khả năng vẫn liên kết chặt chẽ với Mỹ; các nền kinh tế mới nổi sẽ có xu hướng ngả theo “cực” Trung Quốc. Nhiều phân tích chính trị quốc tế cho rằng, Mỹ sẽ tìm cách xoa dịu, cải thiện quan hệ với Nga để tạo sự ổn định chiến lược, tranh thủ khai thác mâu thuẫn trong quan hệ Nga - Trung Quốc nhằm giảm áp lực đối trọng với hai “cực” mạnh nhất. Trong khi đó, Trung Quốc tích cực duy trì quan hệ ổn định với Nga để dồn lực đối phó Mỹ.

Đáng chú ý, vai trò của các nền kinh tế mới nổi sẽ ngày càng được gia tăng với sức mạnh tổng hợp quốc gia từng bước được củng cố, cải thiện, đòi hỏi tái cấu trúc thể chế toàn cầu theo hướng thừa nhận vai trò lớn hơn của các quốc gia này, như Ấn Độ, Bra-xin, Mê-hi-cô, In-đô-nê-xi-a... Các định chế cũ do phương Tây thiết lập và chi phối sẽ dần được cải tổ để chia sẻ quyền lực, “luật chơi”, quyền quyết định đối với các nền kinh tế quan trọng khác của thế giới. Sự trỗi dậy của các nền kinh tế này khiến cán cân so sánh lực lượng toàn cầu có xu hướng chuyển dịch về phương Đông, dần thu hẹp quyền lực, sự chi phối của phương Tây. Do đó, trật tự thế giới đến năm 2030 được dự báo về cơ bản là Mỹ và phương Tây giảm tính áp đặt, “luật chơi” quốc tế bình đẳng hơn với sự tham gia xây dựng “luật chơi” của cả Trung Quốc, Nga và những nền kinh tế mới nổi.

Cạnh tranh chiến lược, đối đầu Mỹ - Trung Quốc, quan hệ tam giác Mỹ - Nga - Trung Quốc tiếp tục là yếu tố quan trọng hàng đầu định hình trật tự thế giới và khu vực đến năm 2030. Mối quan hệ trong tam giác chiến lược Mỹ - Nga - Trung Quốc không chỉ phản ánh bản chất, mâu thuẫn cơ bản, đồng thuận... trong việc xây dựng trật tự thế giới, mà còn thể hiện các quan điểm, chủ trương khác nhau về định hướng xây dựng trật tự thế giới trong tương lai. Trung Quốc và Nga ủng hộ chủ nghĩa đa cực và đa phương, phản đối trật tự thế giới do Mỹ và phương Tây dẫn dắt. Trong khi đó, xu thế cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc được dự báo là không thay đổi, có xu hướng đối đầu ngày càng phức tạp, quyết liệt, dẫn đến các hình thái, đặc điểm tập hợp lực lượng, hình thành các liên minh, liên kết mới cũng đa dạng, phức tạp hơn theo hệ giá trị và tư duy chiến lược của hai “cực” dẫn dắt. Bên cạnh những địa bàn cạnh tranh truyền thống, như không gian địa - vật lý chủ quyền quốc gia, vùng đệm, “sân sau”, các khu vực địa - chiến lược..., thì không gian vũ trụ, không gian mạng, hai cực của Trái đất, đáy biển, lòng đại dương... sẽ trở thành những trận địa mới trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Trong trật tự thế giới hai cực, hai cường quốc ở hai cực đồng đẳng có xu hướng đối đầu nhau để giành quyền lãnh đạo thế giới và chỉ tập trung ở hai cực này. Các trung tâm còn lại chưa đủ tiềm lực, tiếng nói chưa đủ mạnh trong bảo vệ quyền lợi của mình và phụ thuộc lớn vào hai “cực” chính là Mỹ và Trung Quốc. Trong cấu trúc một cực, cạnh tranh cường quốc giảm mạnh do lực của siêu cường chi phối áp đảo. Tuy nhiên, trong cấu trúc đa cực, cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc tăng lên do tương quan so sánh thế và lực không có cực nào áp đảo. Do đó, hình thái trật tự thế giới đến năm 2030 được cho là “đa cực, đa trung tâm” ngày càng rõ nét hơn, xu hướng cạnh tranh chiến lược nước lớn Mỹ - Nga - Trung Quốc và các “cực” còn lại để giành ưu thế, khẳng định vai trò trong hệ thống quốc tế sẽ ngày càng gia tăng với các đặc điểm mới, phức tạp và khó dự đoán.

Về trật tự khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2030

Châu Á - Thái Bình Dương ngày càng nổi lên là khu vực trung tâm của cục diện mới, trật tự thế giới mới đang định hình; là địa bàn ưu tiên hàng đầu của các “cực” chính, gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Hàn Quốc và ASEAN. Trong đó, Mỹ và Trung Quốc là hai cực chi phối chủ đạo trật tự khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các chủ thể còn lại có tác động ở mức độ thấp hơn. Đến năm 2030, trật tự khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo nhiều khả năng có xu hướng định hình theo mô hình “lưỡng siêu, đa cường” với những đặc điểm riêng. Tương quan lực lượng giữa các chủ thể chính tiếp tục thay đổi. Sức mạnh tổng hợp quốc gia của Trung Quốc ngày càng gia tăng, rút ngắn tương đối khoảng cách với Mỹ và các đồng minh tại khu vực, giúp Trung Quốc gia tăng lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa thể chi phối các vấn đề khu vực do sự đối trọng của “cực” Mỹ và đồng minh, cũng như thiếu vắng sự ủng hộ của nhiều quốc gia trong khu vực đối với trật tự do Trung Quốc dẫn dắt. Vì vậy, trật tự khu vực vẫn tồn tại hai cực chủ đạo là Mỹ và Trung Quốc, với hai tập hợp lực lượng sức mạnh không có cực dẫn dắt nào áp đảo, dẫn đến thực trạng cạnh tranh chiến lược giữa các trung tâm quyền lực ngày càng gia tăng. Đáng chú ý, khu vực Đông Nam Á là địa bàn tranh giành quyền lực quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Nổi bật là triển vọng tương quan sức mạnh quân sự ở khu vực Đông Nam Á do Mỹ dẫn dắt có xu hướng giành nhiều ưu thế vượt trội khi đẩy mạnh triển khai các hoạt động của AUKUS, Nhóm “Bộ Tứ” mở rộng..., khiến việc triển khai các chiến lược của Trung Quốc tại khu vực vốn đang gặp nhiều trở ngại càng thêm khó khăn trong thời gian tới.

Các nhà lãnh đạo của các thành viên nhóm "Bộ tứ" (Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ) tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 24-5-2022_Nguồn: japanupclose.web-japan.org

ASEAN tiếp tục giữ vai trò là chủ thể quan trọng trong kiến tạo cấu trúc an ninh và định hình trật tự khu vực, giữ vai trò trung gian hòa giải trong các vấn đề khu vực và buộc các trung tâm quyền lực phải tính đến vai trò trung tâm của ASEAN cũng như điều chỉnh chính sách đối với ASEAN. Đồng thời, ASEAN cũng là đối tượng trung tâm để các tập hợp lực lượng tranh thủ và tác động trong quá trình xác lập, củng cố vị trí, vai trò của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Một số nhận xét, đánh giá và dự báo tác động

Trật tự thế giới hiện nay về cơ bản có thể được gọi là “nhất siêu, đa cường”, trong đó Mỹ là siêu cường với sức mạnh tổng hợp, ưu thế toàn diện nổi trội hơn so với các đối thủ chiến lược còn lại, giữ vai trò chi phối môi trường quan hệ quốc tế. Các nước lớn khác trỗi dậy, mở rộng phạm vi ra toàn cầu, nhưng thực lực chưa thực sự đủ mạnh để có thể thay thế Mỹ. So với trật tự thế giới hai cực trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, trật tự thế giới hiện nay có độ mở cao với số lượng thành viên và các bên có lợi ích liên quan ngày càng được mở rộng, trong đó nổi bật là vai trò của các liên minh, liên kết liên tục được tăng cường, không bị chi phối hoặc áp đặt bởi một/hai quốc gia mạnh nhất. Trung Quốc là quốc gia thu được lợi ích kinh tế to lớn nhất khi tham gia hệ thống thị trường mở trong trật tự thế giới hiện hành. Tuy nhiên, trật tự thế giới với vai trò trung tâm của Mỹ cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định trong quan hệ quốc tế. Mỹ luôn tìm cách lấn át, kiểm soát, chi phối mọi sự vận động trong chính trị quốc tế để củng cố và duy trì địa vị thống trị của mình; tranh thủ ưu thế toàn diện để xuất khẩu các “giá trị Mỹ” ra khắp thế giới nhằm đưa mô hình quản trị Mỹ trở thành kiểu mẫu. Điều này kéo theo một loạt hệ lụy khác, như gia tăng cạnh tranh chiến lược, bộc lộ sự yếu kém của các thể chế đa phương hiện hành với vai trò trung tâm của Mỹ trước tác động của dịch bệnh COVID-19, các nước khác (nhất là nước nhỏ) ít có tiếng nói trong các vấn đề quốc tế và bị hạn chế trong việc tự chủ chiến lược...

Với xu hướng trật tự thế giới đến năm 2030 như trên, theo giới chuyên gia, môi trường và đời sống chính trị quốc tế sẽ đứng trước cả cơ hội và thách thức, bổ sung một số điểm so với trật tự thế giới hiện nay. Trật tự thế giới phát triển theo xu hướng “đa cực, đa trung tâm” sẽ tạo cơ sở nâng cao vai trò, sự tham gia, đóng góp sâu rộng hơn của các nước vừa và nhỏ, các trung tâm kinh tế mới nổi vào đời sống chính trị - kinh tế thế giới; môi trường quốc tế bình đẳng hơn và tình trạng áp đặt sẽ suy giảm tương đối, khiến các cực lớn phải có những hành xử trách nhiệm hơn. Trong trật tự đó, vai trò của Đông Nam Á/ASEAN ngày càng được nâng cao. Các nước trong khu vực có nhiều điều kiện hơn để thúc đẩy quan hệ với các nước lớn và những nước khác. Trật tự “đa cực, đa trung tâm” thúc đẩy chủ nghĩa đa phương phát triển, giúp các nước vừa và nhỏ hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế trong hệ thống chính trị quốc tế. Tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng, thúc đẩy lôi kéo tập hợp lực lượng sẽ phá vỡ sự ổn định chiến lược toàn cầu, đặt các nước nhỏ trong tình trạng thường xuyên phải điều chỉnh chính sách và áp lực “chọn bên” ngày càng lớn. Sự gia tăng cạnh tranh về khoa học - công nghệ để xác lập địa vị trong trật tự quốc tế khiến các nước nhỏ, tiềm lực yếu dễ bị tụt hậu nếu không theo kịp hoặc không tranh thủ, tận dụng được cơ hội dẫn đến bị lệ thuộc, mất chủ quyền trên không gian mạng... Bên cạnh đó, vai trò của các tổ chức quốc tế, đa phương gặp thách thức do phân cực, chia rẽ nội bộ, các nước thành viên bị lôi kéo tham gia các cơ chế hợp tác và tập hợp lực lượng khác nhau./.

--

(1) Tính theo sức mua tương đương (PPP), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) dự báo đến năm 2030, GDP của Mỹ là 31 nghìn tỷ USD, xếp thứ ba thế giới sau Trung Quốc (64,2 nghìn tỷ USD) và Ấn Độ (46,3 nghìn tỷ USD). (2) Châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực phát triển năng động nhất thế giới, đóng vai trò “đầu tàu” trong liên kết kinh tế thế giới và cũng là nơi quy tụ các nền kinh tế lớn nhất thế giới, đóng góp lớn nhất vào GDP toàn cầu, chiếm 34,9% vào năm 2019; tuy nhiên, cũng là khu vực tồn tại nhiều “điểm nóng” tiềm tàng, như vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, Đài Loan (Trung Quốc)... (3) Ngày 7-5-2021, Sinopharm của Trung Quốc trở thành vắc-xin đầu tiên không phải của một hãng dược phương Tây được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê chuẩn. Ngày 1-6-2021, WHO đã phê chuẩn vắc-xin của hãng Sinovac Biotech, mở đường cho loại vắc-xin thứ hai của Trung Quốc có thể được sử dụng ở các nước đang phát triển. Tháng 11-2021, Trung Quốc đã ra mắt loại vắc-xin thứ ba mang tên “Cansino Biologics” dạng hít (có ưu điểm thay thế dạng tiêm đối với những người mắc chứng sợ kim tiêm) hiện đang được đưa vào sử dụng rộng rãi và được cho rằng có hiệu quả tốt như mũi tiêm tăng cường. Tháng 8-2020, việc vắc-xin Sputnik V đã được Bộ Y tế Nga cấp phép sử dụng, đưa Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công vắc-xin phòng, ngừa dịch bệnh COVID-19 và cấp phép sử dụng, đưa vào tiêm chủng trên diện rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới... (4) Trung Quốc đầu tư hàng tỷ USD cho lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu và phát triển, thành lập các trung tâm nghiên cứu khoa học tổng hợp và các trường đại học khoa học. (5) Thứ nhất, chuyển dịch từ “Tây sang Đông” mang ý nghĩa địa lý, theo đó trọng tâm của kinh tế - chính trị thế giới chuyển từ khu vực Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Thứ hai, chuyển dịch từ “Bắc xuống Nam” với hàm ý về khoảng cách giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển ngày càng có xu hướng thu hẹp lại (6) Mỹ và một số thành viên chỉ trích các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là “thiếu công bằng”, không hài hòa được lợi ích chung và lợi ích riêng. Tại Diễn đàn Đa-vốt được tổ chức vào tháng 1-2017, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ. EU gặp thách thức với vấn đề Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) và những bất đồng với Mỹ trong những vấn đề đa phương, như chia sẻ trách nhiệm trong NATO hay vấn đề hạt nhân I-ran. Việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ lên tiếng chỉ trích WTO (vấn đề thương mại), WHO (vấn đề ứng phó với dịch bệnh COVID-19) liên quan đến Trung Quốc đang gây sức ép lớn đến hệ thống đa phương