Chính quyền cách mạng đã thực hiện các biện pháp kịp thời nào để giải quyết nạn đói

Phóng to
Lễ phát động Ngày cứu đói tại Nhà hát lớn Hà Nội

Trong sáu vấn đề đó, vấn đề số 1 là cứu đói: “Nhân dân ta đang đói... Những người thoát chết đói, nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống” [Hồ Chí Minh toàn tập].

Có hai giải pháp chống giặc đói.

Giải pháp cấp cứu: nhường cơm sẻ áo

Trong thư gửi đồng bào cả nước đăng trên Báo Cứu Quốc ngày 28-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hiện trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó [mỗi bữa một bơ] để cứu dân nghèo”.

Ngay từ giữa tháng chín, Chính phủ đã tổ chức một lễ phát động phong trào cứu đói. Buổi lễ này được tổ chức long trọng tại Nhà hát lớn. Cụ Ngô Tử Hạ, người cao tuổi nhất trong Quốc hội, là chủ tịch buổi lễ, đã long trọng đọc lời kêu gọi toàn dân hãy nhường cơm sẻ áo, mỗi nhà bớt một chút gạo để cứu giúp những người đang đói. Chính cụ cầm càng một chiếc xe bò tượng trưng để đi các phố phường, nhân dân ai có chút gạo chút ngô đều mang ra đóng góp vào phong trào cứu đói.

Chính phủ còn phái một ủy ban vào Nam bộ điều tra và cấp tốc tổ chức việc vận chuyển gạo ra Bắc. Chính phủ cũng hô hào các hội buôn và tư nhân tham gia công việc vận chuyển này. Việc vận chuyển gạo từ Nam ra Bắc chỉ thực hiện được trong tháng 9-1945, với tổng số không quá 30.000 tấn. Từ sau khi Pháp gây chiến ở Nam bộ, con đường vận chuyển bằng đường sắt bị khó khăn và không bao lâu sau thì tắc nghẽn.

Giải quyết vấn đề từ gốc: tăng gia sản xuất

Tăng gia sản xuất không chỉ là cơ sở để giải quyết triệt để nạn đói, mà còn là cơ sở cho toàn bộ chính sách kinh tế của Chính phủ Cách mạng VN. “Thực túc thì binh cường. Cấy nhiều thì khỏi đói. Chúng ta thực hiện tấc đất tấc vàng thì chúng ta quyết thắng lợi trong hai việc đó. Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do độc lập” [Hồ Chí Minh toàn tập].

Để phục vụ tăng gia sản xuất, điều cấp bách trước mắt là phải hàn khẩu xong các quãng đê bị vỡ, củng cố hệ thống đê điều, đắp thêm một số đê mới. Việc này không thể chỉ dùng nhân lực mà còn cần có những chuyên gia. Nhà nước quyết định cho đấu thầu việc đắp đê. Chủ thầu phải là những chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Cụ Nguyễn Xiển, lúc đó là chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc bộ, là người trực tiếp điều hành việc đắp đê, kể lại trong bài hồi ký về sự nghiệp đắp đê sau cách mạng: “Cách làm đó lại gặp những mắc mớ về quan điểm. Có người nói: “Làm cách mạng mà còn dùng thầu khoán? Thầu khoán là bóc lột nhân công”. Chính Bác Hồ, trong một chuyến đi thị sát đắp đê, đã giải đáp vấn đề này: “Thầu khoán đắp đê lúc này là yêu nước”. Câu trả lời trên đã giải tỏa được những vướng mắc”.

Cho đến đầu năm 1946, tức là chỉ bốn tháng sau cách mạng, công tác đê điều đã hoàn thành. Đó là một bằng chứng về trách nhiệm, năng lực và sức sống của chính quyền mới.

Phóng to
Cụ Ngô Tử Hạ, đại biểu Quốc hội [khóa I] cao tuổi nhất, đang kéo chiếc xe quyên góp và phân phối gạo trong Ngày cứu đói

Bà Ngô Thị Hoàn, nguyên trưởng phòng tổ chức Viện Kinh tế học, kể lại : “Lúc đó tôi mới 10 tuổi, trong đội nhi đồng, được đi theo chiếc xe của cụ Ngô Tử Hạ, đánh trống, phất cờ, hô khẩu hiệu để vận động đồng bào cứu đói.

Cụ Ngô Tử Hạ kéo chiếc xe qua phố Tràng Tiền. Nhà nào cũng có người chờ sẵn bên hè phố, người thì bơ gạo, người thì đấu ngô, người thì góp tiền.

Đi chưa hết một vòng bờ hồ thì xe gạo đã đầy.

Về đến Nhà hát lớn gặp Bác Hồ, cụ Ngô Tử Hạ chỉ cho Bác Hồ xem chiếc xe chở gạo lẫn lộn đủ các thứ: gạo đỏ, gạo trắng, gạo nếp, ngô, lại có nhà thêm mấy ống đỗ.

Bác Hồ nói: “Đấy mới là gạo đại đoàn kết. Nước ta có nhiều thứ gạo ngon, nhưng bây giờ thì đây là thứ gạo ngon nhất...”.

Đồng thời với việc đắp đê, phải gấp rút tiến hành trồng trọt, thực hiện khẩu hiệu “tấc đất tấc vàng”. Chính quyền tất cả các địa phương quyết định cho phép sử dụng những đất công cộng còn trống như sân bãi, vỉa hè, bờ đê để trồng trọt.

Chính quyền còn vận động cả tư nhân cho sử dụng tạm các vườn trống quanh nhà để tăng gia sản xuất. Mỗi địa phương lập ra một tiểu ban để huy động nhân lực và tổ chức sản xuất. Lương thực làm ra được dùng để cứu tế...

Ở Hà Nội, học sinh đã cuốc xới cả sân trường, vỉa hè, bất cứ nơi nào đất trống. Viên chức cuốc vườn trong công sở để trồng ngô, khoai... Thanh niên thủ đô chia thành những đội tăng gia đi trồng sắn ở bờ đê, bãi sông, lề đường.

Bộ trưởng Bộ Lao động lúc đó là Lê Văn Hiến kể lại: “Vào khoảng tháng 11-1945, tôi được Bác gọi sang giao nhiệm vụ mới là thay mặt Bác đi kinh lý các tỉnh phía Nam. Tôi đã báo cáo với Bác tình hình bộ trước khi đi. Bác nghe xong hỏi luôn: “Chú còn quên không báo cáo một chuyện nữa”.

Tôi ngớ người, vì trước khi gặp Bác tôi đã chuẩn bị rất đầy đủ những tài liệu về công việc của Bộ Lao động trong hai tháng qua. Chẳng lẽ mình còn thiếu sót gì?

Tôi nói: “Thưa Chủ tịch, còn chuyện gì nữa?”. Bác bảo: “Chú quên không nói về tình hình tăng gia sản xuất. Ở trước cửa bộ chú có một vườn rất rộng để không, dân thì đói, tại sao không cuốc lên trồng khoai trồng sắn để cứu đói. Trước khi đi công tác chú phải nhắc nhân viên làm việc đó”.

Trên đường trở về bộ, tôi thầm nghĩ: Bác quả là người thấu đáo, không quên một việc gì. Một việc nhỏ như thế, mình là bộ trưởng cũng không để ý tới, Bác ở tận xa mà Bác còn biết. Tôi liền triệu tập anh em trong bộ, nói ý kiến của Bác. Hôm sau mọi người đến sớm, người thì dao, người thì cuốc, thuổng, ào ào xới đất lên để trồng khoai...”.

Mặt trận quyết định nhất của tăng gia sản xuất cuối năm 1945 đầu 1946 là trồng màu. Lúa không còn kịp thời vụ nữa, phải dành phần lớn đất đai để tranh thủ trồng liên tiếp hai vụ màu bù cho phần thiếu hụt về lúa. Đây là giải pháp sáng suốt. Phải trồng màu ngay từ tháng 11-1945 để tháng giêng đã có thu hoạch khoai lang. Tháng hai đã có thu hoạch ngô, đậu.

Ngay sau đó, trồng tiếp một vụ nữa có thể cho thu hoạch bổ sung vào tháng ba và tháng tư để chịu đựng được suốt thời kỳ giáp hạt cho đến vụ thu hoạch lúa chiêm vào tháng năm.

Kết quả sản lượng màu đã tăng gấp bốn lần so với thời kỳ Pháp thuộc. Chỉ trong năm tháng từ tháng 11-1945 đến tháng 5-1946 đã đạt 614.000 tấn, qui ra thóc là 506.000 tấn, hoàn toàn có thể bù đắp được số thiếu hụt của vụ mùa năm 1945. Bằng chứng rõ nhất là dân không đói, giá thóc gạo không tăng mà lại giảm. Giặc đói đã bị đánh lui.

* * *

Trong lễ kỷ niệm một năm độc lập, Quốc khánh 2-9-1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp tuyên bố: “Cuộc cách mạng đã chiến thắng được nạn đói, thật là một kỳ công của chế độ dân chủ”.

Trong hoàn cảnh nghiệt ngã lúc đó, lụt và hạn hoành hành, giặc ngoại xâm hoành hành, tiền và phương tiện gần như không có gì, giống má cạn kiệt, trâu bò chết gần hết…, mà đánh thắng được giặc đói, thắng một cách oanh liệt thì quả là một kỳ công. Kỳ công đó không thuộc riêng ai. Đó là sự nỗ lực của toàn dân. Nhưng không chỉ đơn giản là như vậy.

Cũng là toàn dân Việt Nam đấy mà năm trước đó thôi tại sao hàng triệu người vẫn chết đói? Còn phải kể đến một nhân tố vô cùng quan trọng nữa: nhờ có chính quyền cách mạng, nhờ tài tổ chức của chính quyền đó.

Đó là sự thật. Đó cũng là lý do giải thích tại sao tuyệt đại đa số dân chúng đã tin và đã theo Việt Minh.

GS ĐẶNG PHONG

Lực lượng Việt Minh hỗ trợ dân phá kho thóc của Nhật để cứu đói. [Ảnh tư liệu]

[Stxdd.thanhuytphcm.vn] - Nạn đói năm Ất Dậu thực chất bắt đầu từ năm Giáp Thân [1944], khi nhiều nguyên nhân đồng thời xảy đến: phát xít Nhật tăng cường chở gạo về nước trong khi thực dân Pháp đẩy mạnh tích trữ lúa gạo; việc giao thương giữa các miền bị cấm đoán, giao thông bị ảnh hưởng do đường sá bị hư hỏng và bị lực lượng Đồng Minh phong tỏa; sự đầu cơ, tích trữ lúa gạo của các nhà tư bản, thương nhân người Việt, người Hoa, người Pháp…; nông dân bị buộc trồng đay lấy sợi thay vì trồng lúa; thiên tai xảy ra liên tiếp; sự tích tụ ruộng đất vào tay địa chủ khiến đất sản xuất của nông dân ngày càng giảm và năng suất ngày càng thấp…

Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, Người đã nêu 2 nguyên nhân nữa trong âm mưu cố tình tạo ra nạn đói của thực dân Pháp và phát xít Nhật, đó là để ngăn trở phong trào yêu nước và bắt buộc đồng bào ta phải làm việc như nô lệ. Hậu quả là đến giữa năm 1945, có đến 20 tỉnh thành phía Bắc báo cáo có người chết đói và số người chết lên đến khoảng 2 triệu, bao gồm cả người chết vì dịch bệnh liên quan đến tình trạng đói kém. Bấy giờ, cả nước có khoảng 23 triệu người và ở các tỉnh xảy ra nạn đói chỉ có 8 triệu dân!

Một trong những văn kiện Đảng nhắc đến nạn đói là Chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, ngày 12/3/1945. Trong Chỉ thị này, Đảng ta nhận định có “3 cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi”, trong đó cơ hội thứ hai là “nạn đói ghê gớm [quần chúng oán ghét quân cướp nước]”. Từ đó, Đảng xác định, “khẩu hiệu chính thay đổi và toàn bộ chiến thuật thay đổi”, đó là “đem khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật!” thay cho khẩu hiệu “Đánh đuổi Nhật, Pháp!”... chống lại chính quyền Nhật và chính phủ bù nhìn của bọn Việt gian thân Nhật”, đồng thời “phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa”. Từ đó, Đảng đề ra chủ trương “đánh Nhật trước đã!”.

Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắp nơi trong cả nước, nhân dân tích cực góp gạo chống giặc đói. [Ảnh tư liệu]

Đảng đã đề ra một số “công việc cần kíp”. Về tuyên truyền, “khẩu hiệu: Chống chính quyền của Nhật và của bọn Việt gian thân Nhật. Nêu khẩu hiệu ‘Chính quyền cách mạng của nhân dân’”. Về đấu tranh, “a- Khẩu hiệu tranh đấu: gắn khẩu hiệu đòi cơm áo, chống thu thóc, thu thuế với khẩu hiệu “Chính quyền cách mạng của nhân dân”; b- Thuật vận động tranh đấu: bám lấy nạn đói mà cổ động quần chúng lên đường tranh đấu [tổ chức những cuộc biểu tình đòi gạo, đòi ăn hay phá những kho gạo thóc của đế quốc]; c- Hình thức tranh đấu: chuyển qua những hình thức tranh đấu cao hơn như tổng biểu tình tuần hành, bãi công chính trị; mít tinh công khai, bãi khóa; bãi thị; bất hợp tác với Nhật về mọi phương diện; chống thu thóc không nộp thuế”.

Ngày 15/4/1945, Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ đã ra lời hiệu triệu, trong đó có một số nội dung liên quan đến việc cứu đói: “Cấp tốc chẩn bần cho dân có cơm ăn áo mặc, thuốc uống, lập kho thóc khắp các nơi để ngừa thiên tai thủy biến”, “Cải thiện việc phân phát hàng hóa; so giá nông sản [lúa bắp] với hóa vật [vải sắt] cho nhà nông dễ sống”, “Canh tân nông nghiệp, bày nhiều lối trồng tỉa mới, mở rộng sự chăn nuôi cho dân sự đủ ăn, mặc ấm”…

Tiếp đó, Hội nghị toàn quốc của Đảng diễn ra ngày 14 và 15/8/1945 đã ban hành nghị quyết định hướng quan trọng cho hoạt động tổng khởi nghĩa, trong đó có những nội dung liên quan đến hoạt động cứu đói: “Chia lại ruộng công, làm cho dân nghèo có ruộng cày cấy; giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ”; “Thi hành luật ngày làm tám giờ; đặt luật xã hội bảo hiểm; cứu tế nạn dân”.

Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là cứu đói. Người nói: “Tôi đề nghị với Chính phủ là phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất. Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu đói đã vận động tổ chức lạc quyên, tổ chức “ngày đồng tâm” nhịn ăn lập “hũ gạo cứu đói”… trở thành một phong trào quần chúng rộng lớn. Ở nhiều nơi, phong trào cứu đói diễn ra rất sôi nổi, lôi kéo đông đảo giáo viên Hội Truyền bá quốc ngữ, Thanh niên Cứu quốc, công chức, tiểu thương... tham gia. Chính phủ cũng ban hành các chính sách, biện pháp như cấm dùng gạo nấu rượu, xóa bỏ mọi hạn chế trong việc lưu thông gạo giữa các vùng miền, cấm dân tích trữ gạo, thành lập tổ chức “ủy ban tối cao tiếp tế và cứu tế” của chính phủ... Nhờ vậy, việc chuyên chở gạo từ các tỉnh ở Nam bộ và Trung bộ ra Bắc bộ được tiến hành nhanh chóng để kịp đưa gạo đến các địa phương cứu đói.

Báo Cứu quốc, cơ quan tuyên truyền, tranh đấu của Việt Minh, số ngày 17/9/1945 đưa tin đậm về "Tuần lễ vàng", hoạt động do Chính phủ phát động nhằm tháo gỡ sự khó khăn về mặt tài chính của đất nước và giúp đỡ đồng bào vượt qua nạn đói

Trước đó, khi Chính phủ chưa ra đời, lực lượng Việt Minh đã tổ chức và cử người trực tiếp cùng đồng bào đi phá kho lương thực Nhật. Khẩu hiệu “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói” của Việt Minh được thực hiện ở khắp tỉnh thành. Tại Ninh Bình, hai huyện Nho Quan, Gia Viễn đã phá thành công 12 kho thóc. Tại Hải Dương, nhân dân giành lại được 39 kho thóc và 43 thuyền gạo. Tại Thái Bình, hơn 1.000 tấn thóc trong các kho của Nhật được phá cửa, chia cho dân. Các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hải Phòng, ngoại thành Hà Nội... cũng diễn ra tương tự. Miền Nam cũng đã nổ ra phong trào phá kho lúa, để chia cho dân nghèo và cứu tế miền Bắc.

Từ hoạt động cứu đói năm 1945, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học quý về công tác tuyên truyền, vận động. Đó là phải đề ra mục tiêu tuyên truyền thật sự phù hợp với hoàn cảnh cụ thể và nguyện vọng của nhân dân, có chú trọng đến điều kiện riêng của từng địa phương, từng đối tượng… Việt Minh kêu gọi người dân tham gia các đoàn thể để chuẩn bị khởi nghĩa nhưng việc cần hơn là phải giải quyết được cái ăn cho dân, nếu không sẽ không thể thuyết phục nhân dân được. Trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiện nay, nhiệm vụ rất quan trọng là phòng chống dịch Covid-19 nhưng người dân ở từng nơi lại có nhu cầu và nguyện vọng khác nhau. Nhìn chung, công tác tuyên truyền phải tác động hoặc có liên quan đến lợi ích thiết thân của người dân. Chẳng hạn, các cơ quan chức năng tuyên truyền thành phố bảo đảm lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm của người dân trong điều kiện phải thực hiện giãn cách toàn thành phố, nhưng nếu tại địa phương nào đó không đáp ứng được nhu cầu này thì công tác tuyên truyền chẳng những không “thấm” đến dân mà còn có thể gây phản ứng ngược.

Ngoài công tác tuyên truyền, sự chủ động tham gia trực tiếp của cán bộ, đảng viên là rất quan trọng, trong nhiều trường hợp phải đồng hành, chia sẻ và chan hòa với nhân dân. Việt Minh không thể chỉ đưa khẩu hiệu, vận động suông mà phải trực tiếp tổ chức, đi đầu và tham gia phá kho thóc với người dân, không chỉ giúp hoạt động đó đạt kết quả cao nhất mà còn tạo ra hình ảnh gắn bó, gần gũi của cán bộ với nhân dân. Điều rất mừng là hiện nay, cán bộ, đảng viên [đặc biệt là ở cơ sở] gần như đang lăn xả với nhân dân trong công tác phòng, chống dịch, kể cả tham gia vào những việc mang tính phục vụ cụ thể, như tiếp nhận, phân loại, phân phối, trực tiếp mang đến cho người dân ở các khu cách ly, khu phong tỏa các loại nhu yếu phẩm được hỗ trợ; hoặc trực tiếp xử lý việc cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân…

Bên cạnh đó, yếu tố định hướng, khơi gợi trong công tác tuyên truyền để người dân đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ, động viên nhau thực hiện các chủ trương, chính sách là rất cần thiết. Quan điểm của Đảng ta thể hiện rất rõ: nhân dân là mục tiêu là động lực của cách mạng. Cán bộ Việt Minh có thể dẫn dắt người dân trực tiếp phá kho thóc nhưng không thể tham gia tất cả các hoạt động cứu đói cụ thể mà chính sự hỗ trợ, san sẻ lẫn nhau của người dân ở từng khu vực là hết sức quan trọng. Hiện nay, người dân đã cùng với hệ thống chính trị thực hiện rất tốt việc giúp đỡ những người bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trách nhiệm của chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên là kịp thời tạo điều kiện, biểu dương, làm lan tỏa tinh thần đó, việc làm đó để việc hỗ trợ đạt nhiều kết quả hơn nữa, không chỉ có ý nghĩa góp phần vượt qua dịch bệnh mà còn tạo sự đoàn kết, gắn bó ngày càng tích cực hơn trong cộng đồng dân cư.

Việc cứu đói năm 1945 là một trong những hoạt động có ý nghĩa sâu sắc trong việc vực dậy một dân tộc bị ảnh hưởng nặng nề từ các chính sách thâm độc của bọn thực dân, phát xít; đồng thời khơi gợi, cố kết toàn dân tộc để thành một khối thống nhất giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng tháng Tám. Những bài học trong công tác tuyên truyền cho hoạt động này đến giờ vẫn còn nguyên ý nghĩa và có thể vận dụng một cách đắc lực trong công tác phòng chống dịch Covid-19 hiện nay.

Nguyễn Minh Hải

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề