Cuộc sống phẳng là gì

NGHE PODCAST ĐỌC SÁCH CỦA CHÚNG TÔI TRÊN YOUTUBE TẠI ĐỊA CHỈ: //www.youtube.com/channel/UCFMbEP3aGjeiu-JabPyMwzA

Trái đất hình cầu là một sự thật địa lý. Còn thế giới là phẳng. Một nhận định gây chấn động của Thomas Friedman trong cuốn sách THẾ GIỚI PHẲNG xuất bản năm 2005.

Trước hết, phải nói rằng, quyển sách này dày hơn 800 trang với nhiều nhận định mà một bản tóm tắt rất khó để chứa đựng hết những gì mà tác giả muốn truyền tải đến độc giả. Với sự cố gắng ở mức cao nhất, bản tóm tắt này sẽ gửi những ý chính đến cho quý vị. Tôi đã vượt lên sự trì hoãn vốn khá cao của mình để đọc lại lần thứ 2 làm cơ sở cho bản tóm tắt này, quý vị hãy đọc quyển sách này nếu cảm thấy hứng thú, thấy cần thiết hoặc là có thời gian nhé.

TÓM TẮT THẾ GIỚI PHẲNG Phần 1: QUÁ TRÌNH LÀM PHẲNG THẾ GIỚI DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?

MỘT – khi tôi đang ngủ

Khi tôi đang ngủ – thế giới đã được làm phẳng. 

Thomas Friedman chỉ kể câu chuyện từ khi Columbus chứng minh thế giới hình cầu, nhưng hãy nhìn nhận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất với những phát hiện trái đất không phải là trung tâm của vũ trụ, trái đất quay xung quanh mặt trời của corpernicus, và trái đất không phải là một mặt phẳng mà là gần như là một hình cầu của Galilee. Những minh chứng và nhận định này đã kéo loài người ra khỏi đêm trường trung cổ. Chúng ta đã mông muội với việc con người là trung tâm của vũ trụ và sống trên một mặt phẳng. cuộc CMCN lần thứ 1 đã chứng minh điều ngược lại và hàng nhiều trăm năm sau, chúng ta đang tiến dần đến một cuộc CMCN khác – thứ mà sẽ làm phẳng thế giới

Sau cuộc khủng hoảng tài chính và những tiến bộ vượt bậc về Khoa học – công nghệ thông tin – Internet băng thông rộng, người ta đầu tư hơn về những ngành mang tính công nghệ, và Ấn độ đã trở thành thiên đường outsourcing – thiên đường của dịch vụ thuê ngoài. Với sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ đó, công việc được chia nhỏ, được thực hiện tại khắp mọi nơi trên thế giới và được lắp ráp lại bởi những công nghệ khác nhau. Sự tiến bộ ở một nơi này sẽ ngay lập tức [hoặc trong một khoảng thời gian ngắn] tiếp thu ở một nơi khác, một nơi rất xa khác. Và đó chính là hệ thống thế giới phẳng [một ẩn dụ của tác giả trái với việc trái đất hình cầu được tim ra trước đây]. Hệ thống thế giới phẳng là sản phẩm của sự hội tụ giữa máy tính cá nhân – cáp Quang – phần mềm xử lý công việc cho phép các cá nhân trên khắp thế giới cộng tác trên cùng cơ sở dữ liệu số, bất kể từ đâu với khoảng cách như thế nào. 

Thế giới phẳng làm người ta nhận ra họ hoàn toàn có thể vươn ra toàn cầu với tư cách là một cá nhân. và đặt những câu hỏi kiểu như là: vị trí của tôi trong sự cạnh tranh và cơ hội toàn cầu hiện nay là gì, và chính tôi phải công tác với những người khác trên thị trường toàn cầu như thế nào.

Cần phải hiểu rằng: thay đổi là lẽ tự nhiên, thay đổi không phải là mới, thay đổi là điều cần thiết. Công việc được chuyển đến nơi có hiệu quả cao nhất. Công việc đơn giản chuyển đi để ncó những cơ hội mới làm những công việc tinh xảo hơn.

Thế giới phẳng không chỉ ở trong lĩnh vực kinh tế, cách người ta làm việc, cách người ta sản xuất, cách họ cung cấp dịch vụ. Thế giới còn được làm phẳng ở nhiều lĩnh vực: điển hình là báo chí [khi nhà báo nào cũng có thể có một trang báo độc lập trên internet – cho tất cả mọi người có thể truy cập] và tất cả những điều này, tất cả những phát hiện về thế giới đang được làm phẳng này xảy ra quanh ta – khi ta không để ý – khi ta đang ngủ.

Trong chương này, Friedman nêu những ví dụ mà ông nhận ra thế giới đang được làm phẳng: Nhân viên kế toán ở Mỹ đã không còn làm tờ khai thuế, năm 2003 mới chỉ có 25.000 tờ khai nhưng năm 2005, có tới 400.000 tờ khai thuế [của Mỹ] được làm ở Ấn Độ thông qua những phần mềm bảo mật.

Một thành phố ở vùng duyên hải TQ là nơi sản xuất hầu hết gọng kính cận cho thế giới và gần đó là những thành phố chuyên sản xuất đầu lọc thuốc lá, hoặc màn hình máy tính Dell

Khái niệm khoảng cách không còn ý nghĩa, thế giới sẽ trở nên siêu nhỏ theo cách nhìn của Friedman.

Chúng ta thấy rằng Trung Quốc, Ấn độ – hai quốc gia đông dân nhất thế giới đang tận dụng tốt quá trình làm phẳng thế giới này đề làm lợi cho mình: lợi dụng lao động giá rẻ để gia tăng việc làm, thu hút đầu tư rồi sau đó sẽ trở nên phát triển hơn nữa quay lại đối đầu với Mỹ [và chúng ta đã nhìn thấy sự thật này hiển hiện chỉ sau khoảng 15 năm cuốn sách ra đời với chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.

Hai – Mười nhân tố làm phẳng thế giới

Friedman cho rằng có đến mười nhân tố làm phẳng thế giới . Nhưng thật ra chỉ có ba nhân tố ông phân tích đầu tiên mới thực sự là các nhân tố cơ bản, các nhân tố khác chỉ là những tác nhân nối tiếp tiến trình làm phẳng thế giới đã được khởi động bởi ba nhân tố đầu tiên . 

Nhân tố thứ nhất mà ông gọi là:  Kỷ nguyên sáng tạo mới: khi các bức tường sụp đổ và phần mềm window lên ngôi. Có thể nói bức tường mà Friedman nói đến ở đây chính là bức tường Berlin năm 1989 và ông muốn nói đến sự sụp đổ của liên bang Xô Viết kéo theo việc giảm ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội đến nhiều quốc gia khác, thúc dẩy phát triển kinh tế tư nhân [một điều mà bị cấm ở hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa]. Sự sụp đổ này – cùng với sự phát triển toàn cầu của phần mềm window cũng vào những năm 1980s. 

Chúng ta hãy làm rõ: Năm 1977 với sự thành công của Apple II và Steve Job – chiến máy tính cá nhân gia đình đầu tiên, sau đó là máy tính cá nhân của IBM được đưa ra thị trường năm 1981 và phiên bản đầu tiên của hệ điều hành window xuất hiện năm 1985. điều này đã tạo một sự bùng nổ về sáng tạo cá nhân: tất cả những cá nhân đều có thể tạo ra những nội dung số và chia sẻ dễ dàng, cùng với sự ra đời của internet băng thông rộng, càng nhiều máy tính kết nối với hệ thống này và chia sẻ những nội dung được tạo ra khắp thế giới.

Nhân tố thứ hai dẫn đến sự làm phẳng thế giới được Friedman gọi là “kỷ nguyên kết nối mới: khi mạng xuất hiện và Netscape bán cổ phiếu lần đầu cho công chúng“ xuất hiện với sự phổ cập rộng rãi không kém của mạng toàn cầu [world wide web ] và sự ra đời vĩ đại của Internet và Công ty Netscape khiến internet ngày càng trở nên sống động và tương tác với các trình duyệt, và cũng ngăn chặn sự độc quyền của Microsoft đối với internet. Nhờ Netscape, cho dù là máy tính gia đình, Macintosh của apple hay bất cứ hệ điều hành nào cũng đều có thể kết nối. Mọi người ở bất cứ ngõ ngách nào trên toàn thế giới , trên nguyên tắc đều có thể truy cập vào mạng một cách dễ dàng . Điều đó đã đặt nền móng cho một sự cộng tác toàn cầu của các cá nhân trên các lãnh vực công nghệ, thương mại, cung cấp dịch vụ, trao đổi và tiếp cận thông tin , hợp tác sản xuất , kinh doanh với một phí tổn ngày càng thấp .

Nhân tố thứ ba là sự ra đời và ứng dụng rộng rãi của phần mềm xử lý công việc. Friedman cho rằng đây thực sự là một cuộc cách mạng . Ông nói “ Cuộc cách mạng này cho phép nhiều người hơn từ nhiều nơi hơn tham gia vào thiết kế, trưng bày, quản lý và tiếp cận dữ liệu kinh doanh mà trước đây chỉ có thể xử lý thủ công. Nhờ đó, công việc bắt đầu lưu thông dễ dàng trong các công ty và giữa các công ty với nhau, giữa các lục địa với nhau ở mức độ chưa từng thấy. Tôi xin kể một hiểu biết vừa chợt thoáng qua trong đầu mình ngay lúc này và có liên quan đến ứng dụng xử lý công việc, liệu các bạn có biết rằng nhiều người Việt Nam tham gia vào gia công các chuyển động trong nền công nghiệp làm phim hoạt hình của thế giới và chúng ta – những người VN đã góp phần làm nên những bộ phim rất được biết đến của Disney? Chúng ta đã tham gia vào quá trình số hoá tất cả mọi thứ. Hãy nghĩ về điều này, giống như đặt câu hỏi rằng Trung Quốc họ đã nghĩ gì khi là công xưởng của thế giới? họ đã nghĩ gì và dự tính gì khi bán sức lao động giá rẻ và nhiều chính sách ưu đãi để 

Ba nhân tố cơ bản này đã làm nảy sinh thêm các tác nhân làm phẳng khác mà Friedman gọi là các hình thức cộng tác mới đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu , mọi người ở mọi quốc gia đều đang tham gia vào sự cộng tác đó một cách tích cực tuy ở các cấp độ khác nhau . Đó là các hoạt động tãi lên mạng [ uploading ], , thuê làm bên ngoài [ outsourcing ] , chuyển sản xuất ra nước ngoài [ offshoring ], chuỗi cung ứng [ supply-chaining ], thuê bên ngoài làm [ insourcing ] và cung cấp thông tin [ in-forming ] . Những hoạt động này đang góp phần làm phẳng thế giới một cách liên tục và đều đặn.

BA – Ba sự hội tụ

Ba sự hội tụ này của Friedman để tạo nên thế giới phẳng đó là:

  • Sự hội tụ của 10 nhân tố làm phẳng nêu trên 
  • Sự hội tụ của công nghệ nhánh, quy trình và thói quen kinh doanh được hình thành để tạo nên một sự đột phá về năng suất
  • Sự hội tụ thứ ba chính là bộ phận nhân lực mới tham gia vào thị trường từ các quốc gia như Trung Quốc, Ấn độ 

BỐN – Sự sắp xếp vĩ đại 

Sự sắp xếp vĩ đại ở đây chính là sự sắp xếp của lịch sử, là điều tất yếu của chủ nghĩa tư bản [điều này cũng được Marx nêu trong tuyên ngôn cộng sản 1848: đó chính là dòng chảy tư bản và công nghệ là dòng chảy mà không một sức mạnh nào ngăn cản được. và nó ảnh hưởng lên rất nhiều thứ, những cộng đồng, những công ty, những mạng lưới đang trỗi dậy, – các chính phủ, các quốc gia dân tộc truyền thống và những doanh nghiệp cũ sẽ cùng cộng tác với những mạng lưới và những cộng đồng mới trỗi dậy này. Khi còn ở mô hình truyền thống, chúng ta hiểu các mối quan hệ trong tổ chức giản đơn theo chiều dọc, rất dễ nhìn ra ai đang ở trên đinh. Còn khi ở các mạng lưới mới trỗi dậy, thế giới dần phẳng và mối quan hệ trở thành cộng tác giữa cá nhân với cá nhân theo chiều ngang và rất khó để nhìn nhận ai đang trên đỉnh, ai đang bóc lột ai?  và thực sự, quá trình làm phẳng này tác động lên tất cả và không thể trốn tránh. Chí là chúng ta có nhận ra và đối mặt với sự thay đổi cốt lõi đó như thế nào

Đối với nhiều người, thế giới có thể phẳng hoặc không, nhưng những người có tầm nhìn sẽ biết cách lợi dụng sự phân tích này của Friedman để tận dụng và phát triển nguồn lực của chính mình, cuả doanh nghiệp mình và của đất nước mình: ta là ai? Ta đang ở đâu trong chuỗi giá trị này? và ta có thể được lợi gì từ quá trình làm phẳng của thế giới?

TÓM TẮT THẾ GIỚI PHẲNG: Phần hai, tác giả phân tích Mỹ và thế giới phẳng

trong đó nêu ra nhiều quan điểm của ông về kinh tế, chính trị – những thiếu hụt về nhận thức của người dân Mỹ và cả các nhà chính sách trong cuộc làm phẳng thế giới này. Và ông nhấn mạnh: nước Mỹ cần chuẩn bị nhiều đặc biệt là về nhân lực, về con người.

TÓM TẮT THẾ GIỚI PHẲNG Phần ba, các nước đang phát triển và thế giới phẳng. Phần này, Friedman đã nêu những quốc gia đang phát triển – như Việt Nam cần làm gì?

  • thứ nhất, đó là tự suy ngẫm một cách thẳng thắn, nhìn nhận chính xác mình đang ở đâu trong mối tương quan với các nước khác và đang ở đâu trong mối quan hệ với 10 nhân tố làm phẳng
  • Thứ hai, đó là đổi mới trên quy mô lớn tập trung vào ba nhân tố: cơ sở hạ tầng để kết nối nhiều người với nền tảng thế giới phẳng: từ băng thông internet đến điện thoại di động giá rẻ , sân bay và đường sá hiện đại; giáo dục tiên tiến; và quản trị tốt, từ chính thách tài chính đến hệ thống pháp luật để quản lý hữu hiệu con người trong thế giới phẳng
  • Thứ ba, một điều mà Friedman gọi là đổi mới theo chiều sâu bao gồm không chỉ dừng ở mở cửa, thu hút thương mại và đầu tư nước ngoài và đổi mới chính sách kinh tế vĩ mô từ trên xuống dưới mà còn là tạo điều kiện thuận lợi để mỗi người dân có thể. tiếp cận được những công cụ để sáng tạo và cộng tác ở mức độ cao nhất. Điều đó không chỉ là đảm bảo về mặt đủ việc làm, mà còn. phải giúp tăng năng suất để thoát nghèo đói, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Người dân nghèo làm thế nào để thoát nghèo? đó là khi chính phủ tạo một môi trường hạ tầng cơ sở pháp lý và vật chất thuận lợi để công nhân lành nghề và các nhà tư bản khởi nghiệp kinh doanh, huy động vốn và buộc họ phải cạnh tranh để phát triển. Ông trích dẫn báo cáo của IFC [ Công Ty Tài Chánh Quốc tế thuộc Ngân hàng Thế Giới ] so sánh cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp giữa các nước : “ Mất 2 ngày để mở 1 công ty ở Australia, 203 ngày ở Haiti và 215 ngày ở Cộng hoà Dân chủ Congo. Không mất tiền để mở 1 công ty mới ở Đan mạch, nhưng ở Campuchia phải mất số tiền bằng 5 lần thu nhập bình quân đầu người và ở Sierra Leone là hơn 13 lần. Hồng Kông, Singapore và Thái Lan và hơn 30 nền kinh tế khác không đòi hỏi công ty mới phải có vốn ban đầu. Ngược lại, luật pháp ở Syria yêu cầu vốn tương đương 56 lần thu nhập bình quân đầu người… “
  • Thứ tư, tiếp nhận văn hoá: làm cho nền văn hoá của quốc gia, và của mỗi cá nhân có một độ mở để tiếp nhận nhất định, nhưng vẫn giữ và kết hợp với bản sắc truyền thống của quốc gia. Ấn độ, Nhật bản, Trung quốc là những quốc gia sẵn sàng tiếp thu những tinh hoa văn hoá và loại bỏ những điều không phù hợp. Ngược lại, sự phản kháng của thế giới Hồi giáo đối với tiếp nhận văn hoá là một điều thường được nhắc đến. 
  • Và thứ năm là thứ mà Friedman gọi là “Những điều vô hình”, ông nói rằng đó là những điều khó mà giải thích được khi ông không biết vì sao Cairo từ 1974 đến 2004, 30 năm trôi qua nhưng vẫn 3 toà nhà ấy là 3 toà nhà cao nhất – đường chân trời của Cairo không hề thay đổi trong khi, chỉ từ 1998 đến 2004, thành phố Đại Liên của Trung quốc đã đổi thay hoàn toàn khác, có quá nhiều toà nhà mới được xây dựng đến mức không còn nhận ra thành phố này chỉ sau có 06 năm. Đó chỉ là ví dụ cho sự thay đổi mà Friedman nói rằng những lý do đó là vô hình: có thể là phẩm chất xã hội: khả năng và sự sẵn sàng của xã hội trong phối hợp và hi sinh tất cả vì mục tiêu là lợi ích kinh tế và vai trò của những nhà lãnh đạo có đủ tầm nhìn để nhận ra và làm những việc cần làm và điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố : yếu tố lịch sử, văn hoá và thời cơ.

TÓM TẮT THẾ GIỚI PHẲNG – Phần bốn: các công ty và thế giới phẳng: ở phần này Friedman nêu ra các quy tắc và chiến lược của các công ty để đối mặt với thế giới phẳng:

  • quy tắc 1: khi cảm thấy chịu áp lực phải thay đổi từ thế giới phẳng, hãy tự trau dồi kỹ năng chứ đừng cản trở
  • Quy tắc 2: cách để các công ty nhỏ có thể thịnh vượng trong thế giới phẳng chính là học cách làm chuyện lớn. Và bí quyết của người tí hon làm chuyện lớn đó là nhanh chóng chiếm lĩnh lợi thế của các công cụ mới để hợp tác và vươn xa hơn, nhanh hơn, rộng hơn và sâu hơn
  • Quy tắc 3: Các công ty lớn có thể thịnh vượng trong thế giới phẳng bằng cách học làm những việc cực nhỏ cho khách hàng làm những việc cực lớn. Đó là nền tảng của việc tự định hướng. Khách hàng [trong môi trường internet] có những trải nghiệm, đánh giá và biết được mình cần gì và việc các công ty lớn cần làm đó là đáp ứng tốt những nhu cầu nhỏ này. 
  • Quy tắc 4 là về sự cộng tác. Thế giới phẳng với những tiến bộ về công nghệ sẽ phức tạp đến mức nhiều công việc không thể thực hiện riêng lẻ với một chuyên môn nhất định mà sẽ là sự cộng tác trong công ty và giữa các công ty với nhau với những chuyên môn khác nhau.
  • Quy tắc 5 là thường xuyên nghiên cứu lại mô hình, cách tổ chức bộ máy và cấu trúc cốt lõi của doanh nghiệp. Điều này Friedman gọi là chụp X Quang cho doanh nghiệp. Từ đó xác định những điểm quan trọng – hiểu bản thân doanh nghiệp để khai thác được hết khả năng nội tại của mình nhằm phục vụ tốt nhất cho khách hàng và có những nước đi đúng đắn
  • Quy tắc 6 đó là – outsourcing và offshoring [thuê làm ngoài là gia công ở quốc gia khác] phải được hiểu là cách để tiến lên chứ không phải là cách để cắt giảm lao động hay cắt giảm chi phí: đây là cách tận dụng các nguồn lưcj, giao đúng người – đúng việc. Giao việc cho những người làm tốt nó để những người khác có cơ hội làm những việc tốt hơn, để công ty trở nên mạnh hơn, nhanh hơn, thực hiện những bước nhảy vọt trong khoảng thời gian ngắn hơn và đảm bảo sự thành công lớn hơn
  • Quy tắc 7: nghĩ về những người được thuê outsourcing để làm những công việc đơn giản [vD như nhập liệu hay khai và nộp những tờ khai thuế. Họ không chỉ là những người thực dụng mà họ cũng là người có lý tưởng. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhập liệu đang góp phần tạo công ăn việc làm và số hoá các dữ liệu từ bản cứng cho một sự phát triển chung. 

TÓM TẮT THẾ GIỚI PHẲNG: Phần 5: Địa chính trị và thế giới phẳng

Đây là một phần rất thú vị, rất liên quan đến Việt Nam. Lưu ý rằng vị trí địa chính trị của Việt Nam rất chiến lược và nhiều phân tích của Friedman trong quyển sách này có lẽ đã được nghiền ngẫm bởi nhiều chính trị gia, chuyên gia, nhà phân tích trên thế giới. Thế giới sẽ không thể hoàn toàn phẳng, cả về nghĩa đen hay nghĩa bóng nhưng quá trình làm phẳng thế giới đang diễn ra, và diễn ra rất nhanh ngay cả khi chúng ta đang ngủ là điều có thật. Có rất nhiều người ốm yếu, nghèo đói, không được học hành tử tế; những người không có đủ kỹ năng, công cụ để tham gia vào quá trình làm phẳng của thế giới. Họ sống ở những vùng rất gần bên cạnh thế giới phẳng – chính vì thế, thế giới không hoàn toàn phẳng. Và tham gia vào việc “chống phẳng” thế giới có một nhóm người nữa – nhóm mà Friedman gọi là quá bực tức: những người chống lại sự du nhập về văn hoá, cộng đồng hồi giáo cực đoan, thậm chí, cộng đồng này có thể lợi dụng tất cả những lợi thế của việc làm phẳng thế giới về sự phát triển công nghệ để chống lại chính sự làm phẳng này, bằng cách tạo ra chiến tranh, chặt đứt các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời còn thêm cả vấn đề về năng lượng, các quốc gia đang đi tìm kiếm những nguồn năng lượng mới, đặc biệt là quốc gia sản xuất như Trung Quốc. thế giới cần một chiến lược về năng lượng mới.

Thế giới của Friedman phẳng nhờ những tiến bộ công nghệ , đặc biệt là công nghệ thông tin và , một mặt nào đó , về sự phân công lao động rộng rãi xuyên quốc gia đang xảy ra trên toàn cầu . Điều kiện của nó là sự tự do chuyển giao , tiếp thu và ứng dụng công nghệ mới cũng như sự công bằng cần thiết trong phân công lao động toàn cầu . Tuy nhiên, đây không phải là những điều kiện dễ dàng có được trong một thế giới không phẳng về các giá trị triết học, đạo đức , văn hoá và thẩm mỹ , về lợi ích của quốc gia và của các nhóm quyền lợi siêu quốc gia và trên hết về cách nhìn của mỗi chúng ta về chính thế giới mà chúng ta đang sống. Điều hiển nhiên là mỗi người chỉ thấy thế giới theo cách nhìn của riêng mình .Thế giới chỉ là một sự trình hiện chủ quan dưới mắt của một chủ thể , nó không có tính khách quan, vì cả chủ thể và thế giới đều không có tự tính. Thế giới dưới mắt của Friedman là phẳng, nhưng dưới mắt của nhiều người khác, thế giới là không phẳng, tuy rằng những người này cũng tiếp cận được tất cả những công cụ mới, những công nghệ mới đang làm phẳng thế giới như Friedman đã nêu . Với Osama Bin Laden và những học trò cuồng tín của ông ta, ông ta sẽ luôn phủ định và không bao giờ muốn thế giới phẳng, khi các nền kinh tế giao lưu và phụ thuộc vào nhau

TÓM TẮT THẾ GIỚI PHẲNG: Phần cuối cùng của cuốn sách: Trí tưởng tượng,

Friedman trích dẫn câu nói của Anh -xtanh: Trí tưởng tượng quan trọng hơn tri thức. Đã đến lúc cần phải ngẫm nghĩ về tầm quan trọng của trí tưởng tượng đối với quá trình làm phẳng của thế giới. Làm thế nào để tăng cường trí tưởng tượng, làm thế nào để tác động vào trí tưởng tượng: để những người trẻ có lý tưởng hay thậm chí là gieo một ý tưởng tốt vào đầu của những kẻ cực đoan.

Mặc dù tóm tắt này đã rất dài nhưng vẫn chưa hẳn là đầy đủ. Tuy vậy, Tôi muốn nói thêm một số cảm nhận về cuốn sách này. Ra đời từ năm 2005 và quyển sách tập trung đề cập vào những khái niệm phát triển và thay đổi rất nhanh như công nghệ thông tin, mạng internet hay những vấn đề di cư sản xuất vốn thay đổi nhanh chóng như chính Friedman từng nhắc đến vào khoảng năm 2012 – thế giới bây giờ chuyển thành thế giới nhanh. Và ông cũng viết tiếp 1 quyển sách khác: Nóng – phẳng – Chật để nêu củng cố những quan điểm của mình. Nói vậy để thấy rằng, những khái niệm trong cuốn sách có thể đã lỗi thời, một số nhận định của Friedman trong quyển sách này cũng vậy nhưng nó vẫn cung cấp một cái nhìn hay là một số suy ngẫm cho chính các cá nhân về việc trả lời cho câu hỏi: Tôi là ai? Tôi ở đâu trong chuỗi cung ứng dịch vụ hay sản xuất? Tôi có thể làm gì để thích ứng trong môi trường này? và Tôi phải tác động như thế nào đến những người tôi yêu mến để họ hiểu họ cần phải làm gì? Con tôi cần trang bị những điều gì để đối mặt và vươn lên trong quá trình làm phẳng của thế giới?

Video liên quan

Chủ Đề