Hiến pháp 2013 quy định khoa học công nghệ là:

Khoa học và công nghệ là lĩnh vực luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng. Vai trò khoa học và công nghệ đã được thể hiện rõ trong Hiến pháp năm 1992. Nội dung có liên quan về khoa học và công nghệ trong Hiến pháp năm 1992 được quy định tại Điều 37, Điều 38 [Chương III]. Các nội dung liên quan đến khoa học và công nghệ đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng hoàn thiện và nâng cao vị thế, vai trò, mục tiêu phát triển cũng như các chế định về chính sách khoa học và công nghệ, trách nhiệm của nhà nước trong phát triển khoa học và công nghệ; Quyền con người trong nghiên cứu khoa học, công nghệ; chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; Vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, MTTQ Việt Nam.

Cùng với xác định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài [Điều 61], tại Điều 62, Chương III, Hiến pháp 2013 khẳng định: Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ; bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động khoa học và công nghệ.

Hiến pháp 2013 đã đưa vai trò của khoa học và công nghệ từ vị thế giữ vai trò then chốt, là động lực thúc đẩy phát triển đất nước [Hiến pháp 1992] lên vị trí Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vai trò “quốc sách hàng đầu” về phát triển khoa học và công nghệ được nâng lên đặt ngang tầm với giáo dục và đào tạo, phù hợp với định hướng cơ bản và những giải pháp chủ yếu nêu trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng: “ Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển”.

Cuộc cách mạng khoa học-công nghệ đã và đang phát triển với những bước tiến nhảy vọt trong thế kỷ 21 đã đưa thế giới từ kỷ nguyên công nghiệp sang kỷ nguyên thông tin, phát triển kinh tế tri thức, tác động tới tất cả các lĩnh vực, làm biến đổi nhanh chóng và sâu sắc đời sống vật chất và tinh thần của xã hội. Xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, sự phát triển năng động của các nền kinh tế đang làm cho việc rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các nước trở nên hiện thực và nhanh hơn. Khoa học và công nghệ trở thành động lực cơ bản của sự phát triển kinh tế-xã hội.

Kiên định học thuyết Mác-Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH, Đảng ta đã đề ra đường lối công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Phát huy mọi lợi thế, tận dụng mọi khả năng để đạt trình độ công nghệ tiên tiến, tranh thủ ứng dụng ngày càng nhiều hơn, ở mức cao hơn và phổ biến hơn những thành tựu về khoa học và công nghệ. Trên cơ sở đó, vai trò quốc sách hàng đầu, quan điểm về khuyến khích nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ đối với đội ngũ cán bộ KHKT, các tổ chức, cá nhân; chính sách khoa học và công nghệ, quyền nghiên cứu, quyền sở hữu trí tuệ, quyền được đảm bảo, được thụ hưởng từ các hoạt động khoa học và công nghệ… được phát triển phù hợp với Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH [bổ sung, phát triển năm 2011]. Vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong ưu tiên đầu tư, khuyến khích, tạo điều kiện cho phát triển khoa học và công nghệ, định hướng thể chế hóa thông qua các cơ chế chính sách, pháp luật đảm bảo phát triển khoa học và công nghệ là “quốc sách hàng đầu” và giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là những chế định góp phần đảm bảo cho quá trình thực thi chính sách phát triển khoa học và công nghệ thời kỳ CNH-HĐH đất nước hiện nay, đồng thời, góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua.

Với vai trò, vị thế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định tại Điều 9 Hiến Pháp 2013: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài”, góp phần phát triển khoa học và công nghệ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thể phát triển các tổ chức thành viên, trong đó có các tổ chức chính trị - xã hội, bao gồm Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã khẳng định “Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tổ chức chính trị - xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có chức năng tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam trong và ngoài nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội thành viên và hội viên của các hội thành viên…

Bên cạnh đó, những giải pháp về nâng cao nhận thức, quan tâm đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ; xây dựng và phát triển đội ngũ những nhà khoa học, những chuyên gia đầu ngành, thực hiện dân chủ, tăng cường hợp tác quốc tế, sự lãnh đạo của Đảng đối với khoa học và công nghệ góp phần nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước, thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2010-2020 và những năm tiếp theo.

Đặng Quang Giới

Chính sách khoa học và công nghệ trong Hiến pháp 2013

Tác giả: Thái Vĩnh Thắng, Lưu Trung Thành

1. Vai trò của khoa học và công nghệ trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước

Khoa học được hiểu là hệ thống tri thức tích lũy trong quá trình lịch sử và được thực tiễn chứng minh, phản ánh những quy luật khách quan của thế giới bên ngoài cũng như của hoạt động tinh thần của con người, giúp con người có khả năng cải tạo thế giới hiện thực.

Gắn liền với khoa học là công nghệ, tổng thể nói chung các phương pháp gia công, chế tạo làm thay đổi trạng thái, tính chất, hình dáng nguyên vật liệu hay bán thành phẩm sử dụng trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.

Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước [khoản 1 Điều 62 Hiến pháp năm 2013].

Khoa học và công nghệ luôn luôn có vai trò thúc đẩy phát triển sản xuất, vai trò ấy tăng dần cùng với quá trình phát triển của xã hội. Trong nền kinh tế nông nghiệp vốn tri thức con người còn rất ít, công nghệ hầu như không đổi mới, tác động của khoa học, công nghệ chưa rõ rệt. Những thành tựu khoa học thế kỉ XVII dẫn tới cuộc cách mạng kĩ thuật lần thứ nhất vào cuối thế kỉ XVIII thúc đẩy sự chuyển biến từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp. Kinh tế công nghiệp đã phát triển nhanh trong hơn hai trăm năm qua, của cải của loài người đã tăng lên hàng trăm lần. Khoa học và công nghệ ngày càng đóng góp vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội.

Những thành tựu nổi bật của khoa học đầu thế kỉ XX như thuyết tương đối, thuyết lượng tử đã làm tiền đề cho cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại giữa thế kỉ XX. Trong khoảng hai mươi năm cuối của thế kỉ XX đã diễn ra giai đoạn mới của cách mạng khoa học và công nghệ – giai đoạn bùng nổ của thông tin, công nghệ và tri thức, đặc biệt là sự xuất hiện các công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng nhanh, khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

Xem thêm bài viết về “Chính sách khoa học công nghệ”

2. Nội dung cơ bản của chính sách khoa học và công nghệ theo Hiến pháp năm 2013

Từ những năm 80 của thế kỉ XX đến nay, do tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ năng lượng nên nền kinh tế thế giới đang biến đổi sâu sắc, mạnh mẽ về cơ cấu, chức năng và phương thức hoạt động. Đây không phải là su biến đổi bình thường mà là bước ngoặt lịch sử có ý nghĩa trọng đại, nền kinh tế công nghiệp chuyển sang nền kinh tế tri thức, nền văn minh loài người chuyển từ văn minh công nghiệp sang văn minh trí tuệ. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011 đã khẳng định phát triển mạnh khoa học, công nghệ làm động lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức; góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước; nâng tỉ lệ đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng. Thực hiện đồng bộ ba nhiệm vụ chủ yếu: nâng cao năng lực khoa học, công nghệ; đổi mới cơ chế quản lí; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng.” Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI cũng đã chỉ ra định hướng phát triển khoa học, công nghệ của nước ta trong giai đoạn hiện nay là phát triển năng lực khoa học, công nghệ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho những ngành, lĩnh vực then chốt, mũi nhọn, đảm bảo đồng bộ về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Nhà nước tăng mức đầu tư và ưu tiên đầu tư cho các nhiệm vụ, các sản phẩm khoa học, công nghệ trọng điểm quốc gia, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là của các doanh nghiệp cho đầu tư phát triển khoa học, công nghệ. Cùng với việc đầu tư có trọng tâm trọng điểm, phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lí, tổ chức, hoạt động khoa học, công nghệ, xem đó là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả của khoa học và công nghệ. Chuyển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thị trường khoa học, công nghệ. Đổi mới căn bản cơ chế sử dụng kinh phí nhà nước, xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá kết quả các chương trình, đề tài khoa học và công nghệ theo hướng phục vụ thiết thực mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, lấy hiệu quả ứng dụng làm thước đo chủ yếu đánh giá chất lượng công trình. Thực hiện đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng nhân tài khoa học, công nghệ.

Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI năm 2011 cũng đã chỉ ra phương hướng nghiên cứu là phải đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng; phát triển đồng bộ khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học kĩ thuật và công nghệ. Khoa học xã hội làm tốt nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lí luận, dự báo xu hướng phát triển, cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Hướng mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là trong những ngành, những lĩnh vực then chốt, mũi nhọn. Ưu tiên phát triển công nghệ cao, đồng thời sử dụng hợp lí công nghệ sử dụng nhiều lao động. Nhanh chóng hình thành một số cơ sở nghiên cứu – ứng dụng mạnh, gắn với các doanh nghiệp chủ lực, đủ sức tiếp thu, cải tiến và sáng tạo công nghệ mới. Xây dựng và thực hiện chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; có chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đổi mới công nghệ. Kết hợp chặt chẽ nghiên cứu và phát triển trong nước với tiếp nhận công nghệ nước ngoài.

Nhận thức rõ vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, trong Hiến pháp năm 2013 Nhà nước ta đã xác định các nguyên tắc và nội dung cơ bản trong chính sách về khoa học và công nghệ của Việt Nam trong thời kì đổi mới và hội nhập quốc tế:

– Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu [khoản 1 Điều 62];

– Khoa học và công nghệ quốc gia giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước [khoản 1 Điều 62];

– Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ; bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ [khoản 2 Điều 62];

– Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động khoa học và công nghệ [khoản 3 Điều 62]./.

Xem thêm bài viết về “Hiến pháp 2013”

Nguồn: Fanpage Luật sư Online

Video liên quan

Chủ Đề