Hớt tóc mùa dịch ở đâu

[PLO]- Do tình hình dịch bệnh phức tạp, các tiệm cắt tóc tại TP.HCM phải đóng cửa gần hai tháng nay nên nhiều bà vợ bất đắc dĩ trở thành thợ cắt tóc trong gia đình.

Trong những ngày giãn cách xã hội, mọi người hầu như không ra ngoài nếu không thật sự cần thiết. Các dịch vụ không thiết yếu đều đã đóng cửa, tiệm cắt tóc cũng không ngoại lệ. Phụ nữ tóc càng dài sẽ càng xinh, nhưng đàn ông, đặc biệt là những người thường xuyên đi cắt tóc mỗi tháng một lần thì sẽ không thể nào chịu nổi với mái tóc dài quá tai.

Chính vì không thể đến tiệm cắt tóc để tỉa tót mái tóc của mình cho thật gọn gàng, các quý ông đã đánh liều nhờ vợ mình cắt tóc hộ. Từ đó, các bà vợ đã trở thành thợ cắt tóc "bất đắc dĩ".

Cô Hồng Lẩm [Bình Dương] cho biết, một tháng rưỡi nay vì không có cửa tiệm cắt tóc nào mở nên chú Khánh [chồng cô] không đi cắt tóc được. Vì tóc dài quá rồi nên chú nhờ cô cắt luôn. Cô Lẩm kể thêm: "Đó giờ tôi có cắt tóc cho ai bao giờ đâu, nay chồng tôi tóc tai lổm chổm nên ổng nhờ tôi cắt giùm thì tôi mạnh dạn cắt luôn".


Cô Lẩm cắt tóc cho chồng chỉ bằng một chiếc lược và một tông đơ. Ảnh:
NVCC

Cô Lẩm cho biết dụng cụ cắt tóc chỉ có một chiếc lược và một tông đơ các con đặt hàng trên mạng về. Được biết sau khi được vợ cắt tóc cho thì chú Khánh khá hài lòng, chú nói đùa: "May vẫn có vợ cắt tóc cho, chứ không tóc sẽ dài như con gái sau mùa dịch luôn. Giờ đang giãn cách, mình không ra đường gặp ai cả nên lỡ vợ có cắt xấu xíu cũng không sao, mai mốt hết dịch mình ra tiệm sửa lại mấy hồi".

Còn cô Duyên, đang ở trọ quận 8 [TP.HCM] cũng trổ tài cắt tóc cho chồng trong mùa dịch. Cô nói: "Trước kia chồng tôi cứ tóc dài là sẽ ra tiệm để cắt. Giờ dịch vầy đâu có tiệm cắt tóc nào mở cửa đâu, nên tôi mới bảo chồng là thôi để tôi cắt tóc giùm cho".


Cô Duyên cắt tóc cho chồng bằng kéo ... bấm chỉ có sẵn ở nhà. Ảnh: NVCC

Cô cho biết vì làm nghề may nên sẵn có kéo bấm chỉ, cô dùng nó để cắt tóc cho chú luôn. Khi được hỏi vì sao chú chịu cho cô cắt, chủ cười bảo: "Già rồi, đâu cần xấu đẹp với ai đâu mà sợ, với lại các tiệm đóng cửa hết rồi, không nhờ vợ cắt thì tóc tai dài ngoằn khó chịu lắm".

Ngoài các bà vợ trở thành thợ cắt tóc trong mùa dịch, các bạn nữ cũng có thể trở thành thợ cắt tóc "bất đắc dĩ". Và những vị khách đầu tiên không ai khác chính là anh em trai trong gia đình.

Anh Võ Phan Hải [quận 12, TP.HCM] cho biết, bản thân trước đây rất chú trọng
việc cắt tóc, mỗi tháng anh Hải sẽ đi cắt tóc một lần ở cửa tiệm. "Vì giãn cách nên hơn một tháng nay mình chưa được cắt tóc, thời tiết thì nóng bức mà tóc quá dài rất bất tiện trong sinh hoạt. Chính vì vậy mình đã đánh liều nhờ em gái mình cắt tóc giùm".


Anh Hải được em gái cắt tóc cho mình bằng tông đơ mua trên mạng. Ảnh: NVCC

Bạn Thu Thủy [em gái anh Hải] cho biết: "Trước đây mình không hề biết cắt tóc, vì anh trai nhờ nên mình đã lên mạng đặt mua tông đơ và lên youtube xem cách người ta cắt tóc như thế nào để cắt cho anh trai".

Sau khi được em gái cắt tóc cho, anh Hải chia sẻ bản thân cảm thấy rất thoải mái, cảm giác đầu tóc mình gọn gàng hơn hẳn. "Đây là trải nghiệm khá thú vị trong mùa dịch. Lần đầu tiên mình giao phó đầu tóc mình cho một "thợ cắt tóc" chưa có kinh nghiệm như em gái mình nên trong quá trình cắt rất là hồi hộp.

Cũng may cắt xong thì mình khá hài lòng và cảm thấy rất vui vì không cần ra tiệm mà tóc tai vẫn được cắt gọn gàng. Nhờ người thân cắt tóc tại nhà là một cảm giác rất mới mẻ, vừa giúp tiết kiệm lại vừa an toàn trong mùa dịch" – anh Hải cười.

Còn cha con anh Võ Anh Triết ở quận 3 cũng rất dũng cảm khi giao phó quả đầu cho vợ/mẹ thử tay nghề. Con anh vừa ngồi yên cho mẹ cắt vừa run: "Mẹ, cái kéo mẹ cầm là kéo cắt thịt à nghe, mẹ làm gì rột rột vậy!”, con trai anh Triết nói vui. Còn anh thì bảo: "Ngồi đây nghe tiếng kéo xoẹt xoẹt và tiếng tông đơ rột rột trên đầu, hối hận mà đã muộn!". 


Với cây kéo thường dùng trong nhà bếp, vợ anh Triết đang tỉa tót mái tóc cho con trai. Ảnh: NVCC


Còn đây là thành quả mà anh Triết chắc chắn không hề hối hận tí nào, với tay nghề của vợ. Ảnh: NVCC

Thế nhưng sau khi hoàn thành, hai cha con anh đã có mái tóc không thể ưng bụng hơn. Khoe trên trang facebook cá nhân, bạn bè anh đều công nhận, hết dịch, vợ anh có thể theo nghề hớt tóc được! 

Mùa dịch khó khăn, nhưng trong thời gian giãn cách, đã khiến cho bao gia đình có cơ hội gắn kết tình thân nhiều hơn, chị em cũng có cơ hội nảy nở nhiều tài năng mà ngày thường, chưa bao giờ họ nghĩ họ có thể làm được! 

Chia sẻ xúc động của nhân vật trong bức ảnh tình nguyện viên ôm nhau dưới mưa

[PLO]- Một nhân vật trong bức ảnh các tình nguyện viên đội phun khử khuẩn ôm nhau dưới mưa chia sẻ: “Mưa ào xuống bất ngờ, mọi người lạnh quá nên đan tay ôm chặt nhau cho ấm”.

THẢO PHƯƠNG

[PLO]- Thợ tới nhà khách để cắt tóc, làm đẹp giữa mùa dịch là vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19 do UBND TP.HCM ban hành.

“Dịch COVID-19 ghê thật, không làm ăn gì được. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, tôi phải đóng cửa tiệm hớt tóc. Tuy nhiên, tiền thuê mặt bằng hằng tháng tôi vẫn phải trả đủ” - ông Thành [38 tuổi, ở quận Bình Tân, TP.HCM] chia sẻ.


Nhóm thợ đến nhà khách để cắt tóc dù bị cấm. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tới nhà cắt tóc cho khách để có thu nhập

Ông Thành thổ lộ: “Nhiều khách quen gọi điện thoại nhờ tôi tới tận nhà cắt tóc, thêm tiền xăng xe. Tuy nhiên, tôi đang lưỡng lự, không biết làm vậy có sai quy định không”.

Tương tự, ông Minh [36 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM] cũng phải đóng cửa tiệm cắt tóc theo đúng chỉ đạo của UBND TP.HCM về phòng chống dịch COVID-19.

“Do tiệm khá lớn nên tôi phải thuê ba thợ cắt tóc. Trước đây mỗi ngày tiệm tôi tiếp ít nhất 30 khách cắt tóc, gội đầu nên thu nhập ổn định, tiền thuê mặt bằng trả đầy đủ. Sau khi tiệm đóng cửa, ba thợ cắt tóc mặc dù không còn việc làm nhưng tôi vẫn phải hỗ trợ tiền ăn uống hằng ngày. Tôi đánh tiếng mong chủ nhà bớt chút tiền mặt bằng nhưng chưa thấy động tĩnh gì” - ông Minh chặc lưỡi.

Một số khách quen gọi điện thoại bảo ông Minh cho thợ tới tận nhà cắt tóc. Đánh liều, ông Minh cho thợ đi. “Thật tình tôi không biết làm vậy là đúng hay sai. Cho thợ tới nhà khách cắt tóc nhưng bụng tôi cứ lo lo, sợ chính quyền địa phương biết rồi xử phạt, dù nhân viên của tôi và cả khách luôn tuân thủ 5K” - ông Minh nói.

Cùng hoàn cảnh, bà Mai [40 tuổi, ở quận Tân Bình, TP.HCM] cũng phải đóng cửa tiệm uốn tóc, làm móng cả tuần nay. “Tiền ăn học, tiền quần áo cho cả nhà dựa vào tiệm uốn tóc và làm móng này. Hổm rày đóng cửa nên chi tiêu có phần thiếu hụt. Thông thường tiền thuê nhà phải trả đầu tháng. Hôm nay ngày 3 rồi nhưng chưa đủ tiền nên tôi nói chủ nhà thư thư ít bữa. Tình hình này kéo dài thì căng” - bà Mai lắc đầu.

Vài khách quen gọi điện thoại nói bà Mai tới nhà làm móng tay, móng chân. Ngoài tiền công, khách thêm chút tiền xăng xe. “Tôi dò hỏi người này, người nọ thì được biết tới nhà làm móng cho khách là vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19. Không biết họ nói vậy có đúng không nhưng tôi không dám nhận lời cho yên chuyện đã” - bà Mai nói.

Hành nghề làm móng dạo hơn sáu năm nên bà Châu [42 tuổi, ở huyện Hóc Môn, TP.HCM] có nhiều mối ruột. Do không có tiệm cố định nên bà Châu chẳng mấy lo lắng khi nghe tin UBND TP.HCM buộc đóng cửa tiệm cắt tóc, làm móng.

“Do làm lâu nên tôi nắm rõ chu kỳ đến ngày tới nhà làm móng cho khách. Trong mùa dịch này, tôi nghĩ cơ quan chức năng chỉ cấm những người có tiệm uốn tóc, làm móng. Riêng những người làm móng dạo như tôi chắc không cấm. Vì vậy, tôi vẫn tới nhà làm móng cho khách như trước đây” - bà Châu không giấu giếm.

Sẽ bị phạt!

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết TP.HCM đang thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch COVID-19. TP.HCM quy định khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai người là 2 m.

“Đứng xa 2 m thì không thể cắt tóc hoặc làm móng. Do đó, đến nhà cắt tóc hoặc làm móng cho khách là vi phạm quy định về phòng chống dịch COVID-19” - ông Tâm cho biết thêm.

Theo ông Tâm, TP.HCM cũng yêu cầu tạm dừng hoạt động của các cơ sở làm đẹp [cắt, uốn tóc nam, nữ, làm móng…]. “Do vậy, tới nhà khách để cắt tóc, làm móng đồng nghĩa cơ sở vẫn đang hoạt động. Việc làm này vi phạm quy định” - ông Tâm nói.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho rằng người cắt tóc, làm móng có cơ sở cố định hoặc làm dạo đến nhà khách để cắt tóc, làm móng là sai quy định phòng chống dịch COVID-19 do UBND TP.HCM ban hành.

“Phát hiện điều này, chính quyền địa phương có thể phạt theo Nghị định 117/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế” - bà Mai nói.

Một điều đáng lưu ý, nếu người cắt tóc hoặc làm móng làm lây lan dịch bệnh COVID-19 còn có thể bị xử lý hình sự vì đã cấm mà còn hoạt động lén lút, gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho biết họ rất chia sẻ với người dân về việc phải hy sinh quyền lợi trước mắt là ảnh hưởng đến mưu sinh nhưng rất mong bà con chấp hành nghiêm quy định để cùng chung tay phòng chống dịch.•

 

Phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng

Điểm c khoản 2 Điều 12 Nghị định 117/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có nội dung: Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch. Đây là mức phạt tiền đối với cá nhân, nếu tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt dành cho cá nhân.

TRẦN NGỌC

Video liên quan

Chủ Đề