Mang thai hộ cho người nước ngoài

Ulhasnagar, Ấn Độ, là nơi mọi thứ đều có thể tạo ra, từ quần jean giá rẻ nhái của Mỹ, đến những đứa trẻ được sinh ra từ nhiều phụ nữ không biết chữ và làm nghề mang thai hộ.
Sau khi chồng qua đời trong tai nạn đường sắt, Sonali phải gồng mình trả tiền vay mua nhà. Cô từng sinh con cho một cặp vợ chồng Israel vào tháng 12/2012 và nhận 2,5 lakh [3.700 USD]. Vì gia đình cần trả nợ, cô tiếp tục đẻ thuê lần 2. Sonali còn tuyển thêm các bà mẹ mang thai hộ và hiến trứng cho Padma, người họ hàng nhận cô làm việc năm 2009. Từ 2010 - 2014, Padma đã tuyển 25 bà mẹ mang thai hộ và nhiều người hiến trứng. Trong số đó, có Sonali, đã hiến 3 hoặc 4 lần.

Ngành công nghiệp xuyên quốc gia

Bác sĩ sản Nayna Patel ở thành phố Annad cung cấp dịch vụ đẻ thuê cho các cặp đôi Ấn Độ năm 2004. Sau giao dịch với một đôi Hàn Quốc, Patel trở thành người tiên phong trong hoạt động đẻ thuê xuyên quốc gia ở Ấn Độ. Tháng 10/2015, phòng khám của Patel thông báo đứa trẻ thứ 1.001 đã chào đời từ phương pháp này. Tại phòng khám, Patel cấy phôi của khách nước ngoài cho người mang thai hộ. Nếu khách hàng không có trứng, người mang thai sẽ mang luôn phôi thai được thụ tinh từ trứng hiến tặng. Họ thường đến từ Australia hay châu Âu, nơi đẻ thuê thương mại là bất hợp pháp hoặc có chi phí đắt đỏ. Tại Mỹ, đẻ thuê thương mại được công nhận hợp pháp và có chi phí 75.000 - 120.000 USD, gấp 3-4 lần so với ở Ấn Độ.

Nhiều phụ nữ Ấn Độ chấp nhận mang thai hộ vì gia đình khó khăn. Ảnh: Guardian

Trong chương trình Oprah Winfrey Show năm 2007, phóng viên Lisa Ling từng theo chân cặp vợ chồng người Mỹ Jennifer và Kendall West đến phòng khám của Patel. Patel đưa ra mức giá 12.000 USD, trong đó 5.000 USD dành cho người mang thai hộ. Theo Guardian, đây được coi là một thoả thuận đôi bên cùng có lợi, khi hai số phận được cho là sẽ thay đổi tốt đẹp hơn. "Chúng tôi có thể trao cho nhau một cuộc sống mà một trong hai bên không thể tự có được. Tôi thấy không có gì sai trái", Jennifer West nói. Trong 10 năm, đẻ thuê xuyên quốc gia trở thành hoạt động phát triển mạnh ở Ấn Độ. Dù được coi là hợp pháp năm 2002, nỗ lực thông qua luật đẻ thuê toàn diện vẫn dở dang trong nhiều năm. Năm 2015, Ấn Độ bắt đầu cấm mang thai hộ cho người nước ngoài vì cho rằng đẻ thuê thương mại hoá có thể khiến phụ nữ nghèo bị bóc lột. Chính phủ yêu cầu bác sĩ sản không chấp nhận người nước ngoài cần tìm nơi mang thai hộ và từ chối visa. Nhiều phụ nữ làm công việc này vì khó khăn và thường là bên yếu thế trong giao dịch. Thay vì có kết nối nào đó, mối quan hệ của bố mẹ nước ngoài và người mang thai không gì khác ngoài khách hàng và người làm thuê. "Một đánh giá chung rất đau lòng khi nói đến Ấn Độ đó là vì nghèo đói, phụ nữ sẵn sàng hy sinh và cho thuê dạ con của chính mình", luật sư Jayshree Wad nói. Nhiều ý kiến cho rằng lệnh cấm khó bảo vệ phụ nữ nghèo Ấn Độ hay chấm dứt hoàn toàn. Khi cấm ở Nepal, thị trường đẻ thuê có thể chuyển hướng sang châu Phi và hoạt động ngầm. Nhìn hình ảnh phụ nữ xếp hàng để kiểm tra y tế, nhà bình luận Judith Warner của New York Times mô tả ngành công nghiệp đẻ thuê như một cơn ác mộng. Trong "nhà mang thai hộ" được mô tả như "nhà máy trẻ em", phụ nữ chia nhau các căn phòng nhỏ, bị giám sát và phải sống xa gia đình suốt thời gian mang thai.

Những nỗi buồn

"Ở một đầu thế giới, có một phụ nữ khao khát sinh con nhưng đành bất lực. Còn ở một đầu khác, có một phụ nữ mong mỏi giúp gia đình thoát nghèo. Nếu hai người họ muốn giúp nhau, tại sao không thể cho phép điều đó", Patel từng viết. Doron Mamet là một trong nhiều người làm công việc như Patel. Dù Mamet hay khách hàng không nói về số tiền chính xác mà bà mẹ mang thai hộ được nhận, thông tin trên website ghi rõ: "Phương pháp này cho phép họ đảm bảo tương lai cho gia đình và những đứa trẻ". Năm 2011, mức giá trung bình cho phụ nữ mang thai hộ tại phòng khám ở Mumbai là 2 lakh. Nếu đẻ mổ, họ được nhận thêm 50.000 rupee [750 USD]. Đẻ mổ và sinh đôi, họ được trả thêm 75.000 rupee [1.100 USD]. 3.000 và 10.000 rupee [45 và 150 USD] là số tiền khấu trừ nếu họ ở viện một tháng và sinh non.

Một người phụ nữ cầm trên tay ảnh của hai đứa trẻ sinh đôi mà cô từng mang thai hộ cho một cặp vợ chồng nước ngoài ở bệnh viện Hiranandani, Mumbai. Ảnh: Chiara Goia

Kalpita mang thai hộ 2 lần, một lần sinh đôi. Cô khoe tấm ảnh chụp cùng hai người đàn ông ngoại quốc vào năm 2009 và nói khách hàng giới thiệu là anh em. Với Kalpita, số tiền 2,75 lakh [4.100 USD] không xứng đáng cho một công việc nguy hiểm tính mạng khi sinh hai đứa trẻ. Gấp đôi tiền sẽ công bằng hơn, nhưng người sắp xếp giao dịch không đồng ý. Ngoài bất đồng ngôn ngữ, khách hàng không để lại số điện thoại, cũng không hỏi xem chuyện gì đã xảy ra hay cô nhận được bao nhiêu tiền. Họ thường ít khi liên lạc với người mang thai hộ và chỉ đến Ấn Độ hai lần, khi giao tinh trùng hay tạo phôi thai và khi nhận con. Cuộc gặp mặt diễn ra một hoặc hai lần, trong bệnh viện hay lãnh sự quán, cùng với phiên dịch. Bác sĩ Sukhpreet Patel ở Mumbai cho biết không ít phụ nữ quay lại để mang thai hộ lần hai. Đây là điều rất nguy hiểm và cho thấy mang thai hộ đã không thể thay đổi cuộc đời họ. Phụ nữ nhiều lần mang thai có nguy cơ tăng hiếu áp, thiếu máu và sinh non, trong khi sinh mổ cũng là một rủi ro lớn so với sinh thường. Sau khi sinh, đa phần người mẹ và trẻ sơ sinh được đưa đến phòng riêng biệt. Không phải máu mủ, nhưng nhiều bà mẹ cảm thấy tổn thương vì sự chia cắt. Nghiên cứu còn chỉ ra rằng khi không được cảm ơn, họ thường có xu hướng đau buồn. Sonali gặp khách hàng trước khi sinh 8 ngày và một lần nữa tại toà để ký giấy tờ. Đó cũng là lần cuối cùng cô gặp đứa trẻ do mình sinh ra, nhưng có đôi mắt xanh và mũi giống cha mẹ ruột. Dù chuẩn bị tâm lý sẵn sàng giao con, điều gì đó đã thôi thúc Sonali muốn giữ lại.

Khách hàng cảm ơn người mẹ hờ bằng 7.000 rupee [105 USD]. Họ vô cùng hạnh phúc. Còn đối với Sonali, "dù họ là ai đi chăng nữa, ít nhất tôi cũng đã giúp được ai đó".

Ở chỗ em thuê trọ đã xuất hiện dịch vụ môi giới mang thai hộ các cặp vợ chồng người nước ngoài hiếm muộn hoặc không muốn tự sinh con. Vì có ký kết hợp đồng chặt chẽ về quyền và nghĩa vụ hai bên, số tiền được trả tương đối lớn, thậm chí được đi nước ngoài nên đã có hàng chục chị em công nhân chưa có gia đình chấp nhận thực hiện.

Em tìm hiểu thì được biết pháp luật Việt Nam cho phép mang thai hộ với điều kiện không được lấy tiền. Nhưng nếu họ tổ chức thực hiện dịch vụ này ở nước ngoài thì có vi phạm hay không?

Trả lời  

Đúng là pháp luật hiện nay cho phép mang thai hộ với những điều kiện như được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản; Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý; Người được nhờ mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; nếu đã có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý…

Tuy nhiên, pháp luật chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. 

Khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”.

Ngược lại, pháp luật cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại. 

Theo khoản 23 của Điều này, “mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác”.

Nếu vi phạm điều cấm nêu trên của pháp luật hôn nhân và gia đình, theo Điều 100 của Luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, các bên trong quan hệ mang thai hộ có thể “bị xử lý theo trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự”.

Về mặt dân sự, mặc dù hai bên thỏa thuận, nhưng do vi phạm điều cấm của pháp luật nên giao dịch này vô hiệu. Bởi vì, Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng”.

Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

Để ngăn chặn việc tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, Điều 187 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:

“1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a] Đối với 02 người trở lên;

b] Phạm tội 02 lần trở lên;

c] Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;

d] Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Đây là một điều luật mới nhằm đấu tranh, ngăn ngừa các hành vi lợi dụng quy định của Luật hôn nhân và gia đình cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nhưng thực hiện vì mục đích thương mại để trục lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

Hùng Phi

Admin PBGDPL

Video liên quan

Chủ Đề