Môn giáo dục the chất có đặc điểm như thế nào

Giáo viên GDTC đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới

17 Tháng Bảy 2020 [GMT+7] 5386 Lượt xem
Danh mục: Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030

Chương trình giáo dục phổ thông [GDPT] mới sẽ chính thức được triển khai trên cả nước đối với học sinh lớp 1 từ năm học 2020-2021. Vì vậy, ngành giáo dục đã, đang nỗ lực xây dựng đội ngũ giáo viên không chỉ đạt chuẩn về trình độ đào tạo mà còn có tư duy đổi mới, sáng tạo trong phương pháp dạy học, đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT mới theo hướng phát triển năng lực.

Đổi mới phương pháp giáo dục nhằm kích thích học sinh tập luyện TDTT nội và ngoại khóa
[Ảnh minh họa: TA]

Chương trình GDPT mới được xây dựng tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Giáo viên cần nắm rõ những điểm khác biệt của chương trình mới với chương trình hiện hành để triển khai hiệu quả. Trong đó, giáo dục thể chất là môn học bắt buộc, đã có sách giáo khoa riêng, đảm nhiệm 1 trong 4 mặt giáo dục quan trọng là Đức, Trí, Thể, Mỹ.
Mục tiêu chung của chương trình giáo dục thể chất là tập trung phát triển các năng lực chăm sóc sức khỏe, vận động cơ bản và thể dục thể thao, nhằm phát triển các tố chất thể lực của học sinh; giúp học sinh phát triển hài hào về thể chất và tinh thần; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có sức khỏe, có văn hóa, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.

Thông qua môn học này, học sinh hình thành, phát triển được các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Đặc biệt, học sinh cần đạt được các yêu cầu sau về năng lực thể chất:

Năng lực thành tốt năng lực: chăm sóc và phát triển sức khỏe; có kiến thức và ý thức vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong tập luyện TDTT để bảo vệ sức khỏe; thực hiện vệ sinh cá nhân và vệ sinh trong tập luyện TDTT một cách khoa học.
Có kiến thức cơ bản về thực hiện chế độ dinh dưỡng trong tập luyện và sinh hoạt; biết được tác dụng cơ bản của chế độ dinh dưỡng với sức khỏe; có kiến thức cơ bản và ý thức thực hiện chế độ dinh dưỡng trong tập luyện TDTT nâng cao sức khỏe; lựa chọn chế độ dinh dưỡng cơ bản phù hợp với bản thân trong quá trình tập luyện để phát triển sức khỏe.

Thực hiện các kỹ năng vận động cơ bản một cách tự tin, dũng cảm trong hoạt động. Thực hiện đúng các kỹ năng vận động; lựa chọn tham gia các hoạt động thể chất phù hợp với bản thân và cộng đồng nhằm nâng cao các kỹ năng vận động; có thói quen và biết lựa chọn các hình thức tập luyện TDTT phù hợp để phát triển thể chất, củng cố tăng cường sức khỏe.

Thành tố năng lực là các yêu cầu cơ bản: Phát triển các tố chất thể lực TDTT và trong cuộc sống; hình thành thói quen tập luyện, nâng cao các kỹ năng vận động, hoàn thiện nâng cao kỹ năng vận động, đáp ứng yêu cầu cuộc sống hiện đại; Phát triển duy trì các tố chất thể lực để tham gia thường xuyên các hoạt động thể thao và các hoạt động khác trong cuộc sống; Hình thành thói quen tập luyện thường xuyên để phát triển thể lực; Lựa chọn tham gia các hoạt động thể chất phù hợp nhằm nâng cao các tố chất thể lực; Đọc hiểu các chỉ số cơ bản về thể lực; có thói quen tập luyện TDTT để phát triển các tố chất thể lực.

Thể hiện khả năng vận dụng các kỹ năng vận động trong các hoạt động TDTT; Thực hiện được kỹ thuật cơ bản của một số nội dung thể thao phù hợp với bản thân; Lựa chọn và thường xuyên tập luyện nội dung thể thao phù hợp để năng cao sức khỏe, phát triển thể lực.

Yêu cầu cơ bản của phương pháp giáo dục là phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động sáng tạo của học sinh, rèn luyện năng lực tự học, tự tập luyện cho học sinh, giúp các em có cơ hội phát triển năng lực thể chất. Giáo viên đóng vai trò thiết kế, tổ chức, cố vấn, trọng tài, hướng dẫn hoạt động tập luyện cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động, tự mình trải nghiệm, tự phát triển bản thân.

Giáo viên sử dụng đa dạng các phương pháp nhằm tích cực hóa các hoạt động của học sinh một cách hợp lý, kết hợp các loại dụng cụ, trang thiết bị phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, chú trọng sử dụng hiệu quả các thành tựu của công nghệ thông tin, phương tiện nghe nhìn thông qua các tranh ảnh kỹ thuật, video clip để tạo nên giờ học sinh động và hiệu quả.

Giáo viên cần tích hợp, sử dụng kiến thức một số môn học khác để nội dung tập luyện không bị đơn điệu. Ví dụ, trong quá trình tổ chức tổ chức luyện tập, giáo viên nên sử dụng một số bài hát đồng dao khi tổ chức trò chơi, tạo không khí vui tươi, hưng phấn cho thời gian luyện tập nhất định trong tuần. Giáo viên cần sáng tạo và linh hoạt khi xây dựng kế hoạch dạy môn giáo dục thể chất để đảm bảo tính thực tiễn, phù hợp với đặc điểm và điều kiện vùng miền.

Công tác tổ chức dạy học cần đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học trong và ngoài lớp học, trong và ngoài nhà trường; cân đối giữa dạy học và hoạt động giáo dục, giữa hoạt động tập thể, hoạt động nhóm nhỏ và cá nhân, giữa dạy học bắt buộc và dạy học tự chọn, để đảm bảo vừa phát triển các năng lực chung cốt lõi và năng lực chuyên biệt của giáo viên thể chất, nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh.

Giáo dục thể chất là một loại hình giáo dục mà nội dung chuyên biệt là dạy học vận động và sự phát triển có chủ định các tố chất vận động của con người. Các giai đoạn dạy học động tác nhằm hình thành ở người học kỹ năng vận động, khả năng vận dụng vào thực tế. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động, trang bị kiến thức và hình thành kỹ năng vận động [kỹ năng thực hiện bài tập, động tác và trò chơi vận động..] thông qua dạy học động tác và tổ chức các hoạt động, giúp cho học sinh hình thành và phát triển được các tố chất thể lực cơ bản như: nhanh, mạnh, bền, khéo léo, mềm dẻo; khả năng thích ứng của cơ thể, trí nhớ vận động, giúp cho học sinh hình thành và phát triển các tố chất thể lực.

Tuy nhiên, theo Bộ GD và ĐT, hiện nay chất lượng đội ngũ giáo viên không đồng đều, nhất là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ của các địa phương chưa kịp thời hoặc chưa hiệu quả dẫn đến bị động trong bố trí số lượng giáo viên. Đáng chú ý, một số nơi thiếu trầm trọng giáo viên các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2020, toàn ngành sẽ bồi dưỡng, tập huấn cho gần 107 nghìn cán bộ, giáo viên, trong đó, bồi dưỡng 47 nghìn giáo viên cốt cán, tổ trưởng chuyên môn và cán bộ cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Các địa phương cũng cần phối hợp các cơ sở đào tạo giáo viên để cung cấp nhu cầu sử dụng, đáp ứng kịp thời nguồn tuyển dụng theo lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Vân Thùy

Print
5386 Đánh giá bài viết này:
3.4

Video liên quan

Chủ Đề