Nhà nước hợp hiến, hợp pháp của việt nam ra đời gắn liền với sự kiện nào?

[TCTG]- Hiến pháp 1946 ra đời trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, phức tạp, quan hệ đến sự mất còn của chính quyền cách mạng non trẻ Việt Nam. Với những chế định cụ thể, Hiến pháp 1946 đã tạo cơ sở pháp lý để nhân dân thực hiện quyền lực của mình. Tinh thần dân chủ của Hiến pháp góp phần tập hợp mọi lực lượng yêu nước, dân chủ trong cả nước, tạo chỗ dựa về chính trị và pháp lý cho Nhà nước dân chủ nhân dân trong công cuộc vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Hiến pháp 1946 là một vết tích lịch sử - Hiến pháp đầu tiên "trong cõi Á Đông".

Trong hơn 65 năm xây dựng và phát triển, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà nay là nhà nước CHXHCN Việt Nam đã xây dựng và ban hành 4 bản Hiến pháp [1946, 1959, 1980, 1992]. Ra đời vào những thời điểm lịch sử khác nhau, phản ánh những đặc trưng của thế và lực trong mỗi giai đoạn khác nhau của cách mạng Việt Nam, song tựu chung lại, 4 bản Hiến pháp là đạo luật cơ bản có hiệu lực cao nhất, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, cho việc tổ chức và giành thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng một nước Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thực hiện khát vọng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, khi sáng lập và trở thành người đứng đầu nhà nước kiểu mới của dân, do dân, vì dân, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc phải xây dựng một Hiến pháp dân chủ của nước Việt Nam độc lập. Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên nhiệm vụ phải tổ chức cuộc Tổng tuyển cử, “đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức”[1] như sau: “Trước chúng ta bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu.”[2]. Và không chỉ xúc tiến chuẩn bị Tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp chỉ đạo quá trình soạn thảo Hiến pháp 1946 - Hiến pháp mang đậm dấu ấn tư tưởng của Người về quyền lực của nhân dân.

1. Giữa bộn bề công việc của những ngày đầu cách mạng mới thành công, để đi tới xúc tiến tổng tuyển cử và xây dựng Hiến pháp, ngày 20/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Người ký sắc lệnh số 34/SL quyết định thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp của Chính phủ gồm 7 người [Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tổng bí thư Đảng, đồng chí Bí thư tổng bộ Việt Minh, cố vấn Vĩnh Thuỵ, 2 đảng viên cộng sản và Bộ truởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch]. Với mong muốn: Bản Hiến pháp của nền dân chủ cộng hoà đầu tiên ở Việt Nam phải thể hiện rõ tư tưởng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, trên tinh thần đó, dưới sự chỉ đạo của Người, Ban Dự thảo Hiến pháp đã khẩn trương nghiên cứu soạn thảo Hiến pháp. Dự án Hiến pháp sau một thời gian chuẩn bị đã được Hội đồng Chính phủ thảo luận và bổ sung.

Tháng 11/1945, khi soạn xong Hiến pháp của nước Việt Nam DCCH, Ban dự thảo đã cho công bố trên báo Cứu quốc để toàn dân tham gia góp ý kiến. Uỷ ban kiến thiết quốc gia [gọi tắt là Uỷ ban kiến quốc] được thành lập tháng 10/1945 gồm những nhân sĩ trí thức danh tiếng trong toàn quốc: Phan Anh, Trần Văn Chương, Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Xiển, Đặng Thai Mai, Nguỵ Như Kon Tum..., cũng soạn thảo một bản Dự thảo Hiến pháp đệ trình Chính phủ.

Tiểu ban Hiến pháp của Quốc hội được cử ra ở kỳ họp thứ nhất đã nghiên cứu và đưa ra một bản Dự thảo Hiến pháp. “Căn cứ vào bản dự án của Chính phủ đã đưa ra, đối chiếu với bản dự thảo của Uỷ ban kiến quốc, tập hợp những kiến nghị phong phú của toàn dân và tham khảo kinh nghiệm về Hiến pháp của các nước Âu- Á”[3] . Tiểu ban Hiến pháp của Quốc hội đã soạn thảo một dự án Hiến pháp để trình Quốc hội.

Trong phiên họp ngày 29/10/1946, Tiểu ban Hiến pháp của Quốc hội “được mở rộng thêm 10 vị đại biểu cho các nhóm, đại biểu trung lập, đại biểu Nam bộ, đại biểu đồng bào dân tộc thiểu số để tham gia tu bổ thêm bản dự án và Quốc hội bắt đầu thảo luận từ ngày 2/11/1946”[4] . Sau nhiều buổi thảo luận, tranh luận và bổ sung, sửa đổi từng điều cụ thể, và “đã giành đến 2/3 thời gian [9 trong số 13 ngày] của chương trình nghị sự để thảo luận từng điều”[5] , ngày 9/11/1946, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá I đã thông qua toàn văn bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam DCCH - Hiến pháp dân tộc, dân chủ và công bằng của các giai cấp, mang đậm dấu ấn tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lực của nhân dân.

Việc thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam DCCH tháng 11/1946, khi mà thời điểm bùng nổ cuộc chiến tranh Pháp - Việt đang tới gần và nhân dân ta đang thực hiện những công việc khẩn cấp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra, đã cho thấy tính cấp thiết và tầm quan trọng của bản Hiến pháp. Hiến pháp 1946 đã củng cố cơ sở pháp lý, tính hợp hiến và hợp pháp của nhà nước Việt Nam DCCH, tạo thế cho chính quyền đó trở thành vũ khí cần thiết nhất của Đảng và nhân dân trong việc “bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”[6] . Đồng thời, đạo luật cơ bản đó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân ta xây dựng một nhà nước độc lập và trở thành người chủ thực sự của nhà nước đó, vững vàng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

2. Hiến pháp 1946 - đạo luật cơ bản của nước Việt Nam DCCH gồm: Lời nói đầu, 7 chương và 70 điều, đã quy định rõ về Chính thể [Chương I], Quyền lợi và Nghĩa vụ công dân [Chương II], Nghị viện nhân dân [Chương III], Chính phủ [Chương IV], Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính [Chương V], Cơ quan tư pháp [Chương VI], Sửa đổi Hiến pháp [Chương VII].

Hiến pháp 1946 đã phản ánh thành quả của cách mạng Tháng Tám, khẳng định quyền độc lập dân tộc và nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Khi “bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn” và “đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo các quyền tự do dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”[7] trở thành nguyên tắc hiến định, thì việc Hồ Chí Minh và các nhà lập pháp khẳng định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân” [Điều 1], và sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả công dân Việt Nam được Hiến pháp thừa nhận, đã thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về việc xây dựng nhà nước của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Với Hồ Chí Minh đại đoàn kết không dừng lại ở nguyên tắc chính trị, mà trở thành một nguyên tắc hiến định. Nguyên tắc đó, tạo điều kiện cho việc huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.

Trong Hiến pháp 1946, sự kết hợp tài tình giữa các giá trị phổ biến của chế độ cộng hoà dân chủ đã từng tồn tại trong lịch sử với những đặc điểm cụ thể của Việt Nam trong điều kiện nhân dân lao động [không phân biệt nam nữ, giàu nghèo và thành phần dân tộc], trở thành chủ nhân của quyền lực nhà nước, là một sự lựa chọn tất yếu khách quan của thời cuộc, phù hợp với điều kiện lịch sử Việt Nam trong giai đoạn đó, đồng thời cũng phù hợp với trào lưu của thế giới đương đại. Từ lựa chọn này, các thiết chế quyền lực của Nhà nước Việt Nam DCCH trong Hiến pháp 1946 được xác định rất đặc thù. Mặc dù, các thiết chế quyền lực dân chủ phổ biến trong chính thể DCCH như: Chính phủ, Nghị viện nhân dân, Toà án được tổ chức và hoạt động trên cơ sở cơ cấu của các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, song về bản chất không theo thuyết tam quyền phân lập, phân chia và kiềm chế quyền lực, mà là các thiết chế quyền lực phối hợp, cùng nhau hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản nhằm bảo vệ thành quả của cách mạng Tháng Tám, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ mới.

Hiến pháp 1946 được viết ngắn gọn, rõ ràng, dứt khoát, đồng thời khẳng định được những nguyên tắc cơ bản của lập pháp. Đây là một bản Hiến pháp tiến bộ, vì lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, những nét đặc trưng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, tự do và dân chủ đã được khẳng định.

Hiến pháp thể hiện cụ thể về mặt pháp lý tư tưởng độc lập tự do, quan điểm lấy dân làm gốc, quan điểm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực sự “là sản phẩm của một không khí cách mạng và những khát vọng đổi đời của toàn xã hội lúc đó” [8].

Với Hiến pháp 1946, lần đầu tiên trong lịch sử, về phương diện pháp lý, người dân Việt Nam từ thân phận thần dân trong chế độ phong kiến, từ thân phận người nô lệ trong chế độ thực dân, trở thành chủ thể của quyền lực nhà nước và nhà nước đó đã xác định rõ: “Nước Việt Nam là một nước DCCH, tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” [Điều 1], “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá” [Điều 6], “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh” [ Điều 7]... Các chế định này thực sự là bước ngoặt lớn trong sự phát triển của tư tưởng dân chủ, đồng thời đề cao tính dân tộc của nhà nước, bởi trong thực tế, sứ mệnh lịch sử của nhà nước này gắn liền với các nhiệm vụ của một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Tư tưởng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân của Hồ Chí Minh được thể hiện trong Hiến pháp, không chỉ được quy định rõ ở việc nhân dân là người trực tiếp bầu ra những đại biểu thay mặt mình gánh vác công việc nước nhà [Nghị viện nhân dân- chương III, Hội đồng nhân dân các cấp - chương V,...] và các đại biểu đó phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, mà nhân dân còn thực hiện quyền lực của mình thông qua các hoạt động của những tổ chức chính trị - xã hội, qua các yêu cầu khiếu nại...

Cũng trong Hiến pháp 1946, Nghị viện nhân dân Việt Nam - cơ quan quyền lực cao nhất [theo Điều 22, 23] có quyền hạn “giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc”. Nghị viện có quyền lập hiến và lập pháp nhưng về hành pháp chỉ quyết định những vấn đề đặc biệt như: biểu quyết ngân sách, chuẩn y hiệp ước. Còn lại thì giao cho cơ quan hành pháp là Chính phủ hành động và thực hiện chức năng kiểm soát thường xuyên của mình. Hiến pháp 1946 cũng quy định rõ: “Cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc là Chính phủ Việt Nam DCCH” [Điều 43]. Chủ tịch nước Việt Nam DCCH “chọn trong nghị viên nhân dân và phải được hai phần ba số nghị viên bỏ phiếu thuận” [Điều 45], vừa là người đứng đầu Chính phủ [bao gồm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước và nội các có Thủ tướng, các Bộ trưởng và Thứ trưởng], vừa là Chủ tịch nước. Quyền hạn của Chủ tịch được ghi trong [Điều 49] của Hiến pháp. Chủ tịch nước không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc [Điều 50]. Chủ tịch nước trong chính thể cộng hoà dân chủ nhân dân theo Hồ Chí Minh, sẽ không được thiết lập bằng con đường truyền ngôi, hay sự suy tôn đương nhiên, mà phải được lựa chọn trong cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đó là Quốc hội [chọn trong nghị viên nhân dân và phải được hai phần ba tổng số nghị viên bỏ phiếu thuận- Điều 45]. Và như vậy, với những chế định đặc thù này, Hồ Chí Minh vừa là người đứng đầu Nhà nước, vừa là lãnh tụ của Đảng, đồng thời lại là người đứng đầu Chính phủ, sẽ đảm bảo duy trì được sự lãnh đạo của Đảng với Quốc hội thông qua vị lãnh tụ có uy tín và đầy kinh nghiệm.

Với nhiệm vụ trọng tâm của cách mạng khi đó là kháng chiến, giành độc lập dân tộc và kiến quốc trong bối cảnh chính quyền cách mạng còn non trẻ, khi các thế lực thù địch đang điên cuồng chống phá cách mạng, đặc biệt khi Đảng Cộng sản - bộ chỉ huy lãnh đạo tối cao vì tình thế, vì lợi ích của quốc gia dân tộc buộc phải tuyên bố tự giải tán [thực chất là rút vào hoạt động bí mật], thì việc thực hiện chính quyền sáng suốt, mạnh mẽ của nhân dân [được ghi rõ trong Lời nói đầu của Hiến pháp] là một tất yếu lịch sử, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Mặc dù trọng trách lớn được giao cho Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, nhưng với đặc thù của tình hình, ngay tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội [2/3/1946], Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Quyền định đoạt phải giao cho Chính phủ, nếu không thì không bao giờ giải quyết được. Có nhiều trường hợp kín quốc dân không hiểu biết được. Muốn làm được việc thì người mà mình đã tin, phải cho người ta được quyền hành; có nhiệm vụ phải có quyền mới được”[9].

Chính việc thông qua những chế định về Nghị viện, Chính phủ và Chủ tịch nước trong Hiến pháp 1946, đã tạo ra một thiết chế Chủ tịch nước đặc thù. “Đây là một sự sáng tạo độc đáo của Hồ Chí Minh xuất phát từ chính thực tiễn hoạt động cách mạng của Người và nguyện vọng của toàn dân”[10]. Quy định của Hiến pháp đã tạo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh có quyền lực tối cao, có vị thế đặc biệt [Điều 31, Điều 50, 54], và “không bị hạn chế bởi những quy tắc pháp lý thông thường”[11], để cùng với Ban Thường trực Quốc hội quyết định, điều hành đất nước trong điều kiện chiến tranh lan rộng, thực hiện những nhiệm vụ trọng yếu của quốc gia trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp .

3. Hiến pháp 1946 ra đời trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, phức tạp, quan hệ đến sự mất còn của chính quyền cách mạng non trẻ Việt Nam. Với những chế định cụ thể, Hiến pháp 1946 đã tạo cơ sở pháp lý để nhân dân thực hiện quyền lực của mình. Tinh thần dân chủ của Hiến pháp góp phần tập hợp mọi lực lượng yêu nước, dân chủ trong cả nước, tạo chỗ dựa về chính trị và pháp lý cho Nhà nước dân chủ nhân dân trong công cuộc vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Hiến pháp 1946 là một vết tích lịch sử - Hiến pháp đầu tiên "trong cõi Á Đông". Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì: “Bản Hiến pháp đó chưa hoàn toàn nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp"[12] .

Hiến pháp 1946, Hiến pháp mang đậm dấu ấn của tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lực của nhân dân, là một thắng lợi to lớn của những người cộng sản và những chuyên gia lập pháp Việt Nam do Hồ Chí Minh chỉ đạo.Trong lĩnh vực lập pháp, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất to lớn. Để có một bản Hiến pháp thể hiện rõ tư tưởng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, Hồ Chí Minh đã không chỉ dựa vào các chuyên gia mà Người rất trọng dụng, mà bản thân Người còn trực tiếp nghiên cứu và tham khảo những văn bản tiêu biểu của nền lập pháp quốc tế. Từ những tri thức đã tích luỹ được trong những năm bôn ba hải ngoại, trong những năm lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chuẩn bị rất kỹ cho ngày lập quốc với bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử và sau đó là Hiến pháp 1946. Đó thực sự là “một bản Hiến pháp cô đúc, khúc chiết, mạch lạc và dễ hiểu với tất cả mọi người. Đó là một bản Hiến pháp mẫu mực trên nhiều phương diện”[13]. Ra đời trong điều kiện đất nước gặp nhiều khó khăn, nhưng chỉ với “10 tháng 3 ngày sau Tổng tuyển cử bầu Quốc hội [6/1] và 8 tháng 7 ngày sau khi Quốc hội bầu ra Ban Dự thảo Hiến pháp [ngày 2 tháng 3], chế độ dân chủ cộng hoà đã có bản Hiến pháp mới mà tính chất nhân dân, thực sự dân chủ, tiến bộ của nó được thể hiện sâu sắc trong từng điều văn của Hiến pháp”[14]. .

Hiến pháp 1946 - luật cơ bản của nhà nước trong điều kiện đặc thù của cách mạng Việt Nam đã thể chế hoá, hợp pháp hoá đường lối chiến lược, sách lược của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời đã quy định cho Quốc hội – cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam DCCH những quyền hạn và nhiệm vụ rộng lớn. Những quyền đó được ghi thành văn với các điều kiện bảo đảm thực hiện nền dân chủ theo xu thế tiến bộ của thời đại mới, kế thừa và phát triển truyền thống “chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước”, cổ vũ và động viên nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau đó./.

TS. Văn Thị Thanh Mai


[1] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2000, t.8, tr 27

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1996 t.4, tr8

[3] Văn phòng Quốc hội, Hiến pháp 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam, Nxb. CTQG, H, 1998, tr 88

[4] Văn phòng Quốc hội, Hiến pháp 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam, Sđd, tr 88, 89

[5] Văn phòng Quốc hội, Hiến pháp 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam, Sđd, tr 121

[6] Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và các Hiến pháp Việt Nam [1946, 1959, 1980, 1992], Nxb. CTQG, H, 2005, tr 11

[7] Văn phòng Quốc hội, Hiến pháp 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam, Sđd, tr391

[8] Đặng Phong, Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945 -2000, Nxb. KHXH, H, 2002, t.1, tr185

[9] Việt Nam dân quốc công báo, số 15, ngày 13/4/1946

[10] Bùi Ngọc Sơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiết chế Chủ tịch nước ở Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và pháp luật,

số 5/ 2005, tr5

[11]Bùi Ngọc Sơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiết chế Chủ tịch nước ở Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và pháp luật,

số 5/ 2005, tr6

[12]Hồ Chí Minh, Toàn tập,Sđd, t.4, tr 440

[13] Thái Vĩnh Thắng, Lịch sử lập hiến Việt Nam, Nxb. CTQG, H, 1997, tr26

[14] Văn phòng Quốc hội, Hiến pháp 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam, Sđd, tr 121

Video liên quan

Chủ Đề