Những khó khăn khi thực hiện chương trình sách giáo khoa mới

Tiết dạy thực nghiệm môn Toán cho học sinh lớp 1 tại Trường tiểu học thị trấn Tân Kỳ [Nghệ An].[ Ảnh: Mỹ Hà]

Năm học 2020 - 2021 kết thúc, cô giáo Đỗ Thị Mỹ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ninh Mỹ [huyện Hoa Lư, Ninh Bình] chia sẻ, đây là năm học đặc biệt, bởi vì năm học 2020 - 2021 là năm đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đã kéo theo nỗi lo về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, khả năng tiếp thu của học sinh... Tuy nhiên, sau một năm triển khai, cả giáo viên và học sinh có những chuyển biến tích cực. Giáo viên lớp 1 của trường đã áp dụng hiệu quả các phương pháp, kỹ thuật dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Vì vậy, học sinh được phát triển toàn diện các kiến thức, kỹ năng, biết vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. 

Cô giáo Nguyễn Minh Tâm, Trường tiểu học Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức [Hà Nội] cho biết, đổi mới từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh trong bối cảnh vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến khiến việc triển khai chương trình mới khó hơn nhiều lần. Tuy nhiên, chương trình giáo dục phổ thông mới được biên soạn mở, phù hợp yêu cầu thực tiễn, giáo viên có thể vận dụng linh hoạt, sáng tạo. “Vì vậy dù khó khăn, đến đầu tháng 8 vừa qua mới chính thức khép lại năm học cũ nhưng ngoài đọc thông, viết thạo, học sinh đã biết xử lý những tình huống trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới” -  Cô Tâm cho biết. 

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả của học sinh lớp 1 trong cả nước năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cho thấy, 41,1% số học sinh hoàn thành xuất sắc chương trình; 15% hoàn thành tốt; 40,8% hoàn thành và 3,1% số học sinh chưa hoàn thành. Về kết quả học tập môn Tiếng Việt và Toán lớp 1, số học sinh hoàn thành tốt tăng từ 5% đến 7,6% so với năm học 2019 - 2020. So sánh với chương trình trước đây, số học sinh chưa hoàn thành tương đương nhưng số học sinh hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt chương trình mới đã tăng cao hơn. 

TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học [Bộ Giáo dục và Đào tạo] cho biết, điểm đáng chú ý khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là sự vào cuộc của các địa phương đã tích cực sắp xếp lại mạng lưới, quy mô trường, lớp để tạo thuận lợi cho triển khai chương trình. Tỷ lệ phòng học kiên cố của giáo dục tiểu học cả nước đạt 79,5%; phòng học bán kiên cố đạt 18,5%; tỷ lệ phòng học tạm, mượn đã giảm đáng kể. Đội ngũ giáo viên được sắp xếp cơ bản bảo đảm thực hiện dạy học 2 buổi/ngày; tất cả trường tiểu học ưu tiên tỷ lệ 1 phòng học/lớp. Các giáo viên được lựa chọn giảng dạy cho lứa học sinh đầu tiên học theo chương trình mới đều được tập huấn trước khi đứng lớp. Nhiều địa phương có sự chuẩn bị chu đáo, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Đào Công Lợi cho biết, ngoài việc bảo đảm tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn còn giao quyền chủ động cho giáo viên trong việc lựa chọn nội dung, sắp xếp thời khóa biểu phù hợp thực tế. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các kỹ thuật dạy học tích cực; phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Vì vậy, chất lượng dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 1 của tỉnh được bảo đảm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, nhiều địa phương gặp không ít khó khăn vì hạn chế cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên vẫn xảy ra trong nhiều năm qua và chưa được giải quyết một cách căn bản. Nhiều địa phương chưa đạt tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp theo quy định. Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1 còn nhận được ý kiến của dư luận xã hội về việc chương trình SGK môn Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới còn nặng; một số ngữ liệu đưa vào các bộ sách giáo khoa còn chưa phù hợp…

Năm học 2021 - 2022 đang đến gần, do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, nơi có điều kiện thì tổ chức học trực tiếp, nơi cách ly xã hội chuyển sang học trực tuyến càng đặt ra nhiều thách thức khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Thầy giáo Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Ngọc [TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc] cho biết, để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học mới hiệu quả giáo viên tổ, nhóm của trường đã cùng kết nối để xây dựng những video dạy học cho học sinh. Theo đó, mỗi người có một thế mạnh sẽ đảm nhận một nhiệm vụ, như lên hình, làm Powerpoint, ứng dụng các công cụ, phần mềm để thiết kế bài giảng bằng những sản phẩm video ngắn với các bài học có nội dung mới mẻ, sáng tạo. 

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong bối cảnh tác động phức tạp của dịch Covid-19 như hiện nay, cần đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học. Các cơ sở giáo dục chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp tình hình dịch bệnh. Ngành giáo dục và đào tạo chú trọng xây dựng kho học liệu điện tử phù hợp để sẵn sàng cho việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia giáo dục, các nhà trường cần xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới theo hướng mở và phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1.

 Giờ học của học sinh Trường tiểu học Thượng Lộc, huyện Can Lộc [Hà Tĩnh]. Ảnh: Thu Nguyệt

Quỳnh Nguyễn
nhandan.vn

THỨ NĂM, 28/10/2021 10:40:02


Học sinh lớp 6 và giáo viên còn nhiều bỡ ngỡ với chương trình giáo dục phổ thông mới

Nhiều khó khăn Thầy Vũ Tiến Công, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Minh [Gia Lộc] cho biết học sinh lớp 6 chuyển từ cấp tiểu học lên THCS phải tiếp cận ngay với chương trình giáo dục mới. Kiến thức một số môn nặng hơn so với chương trình giáo dục phổ thông năm 2006 như ngữ văn, lịch sử-địa lý... "Em đang quen phương pháp học ở cấp tiểu học, được nghe thầy cô đọc và ghi vào vở nhưng nay phải tự mình lĩnh hội và ghi chép, lại thêm nhiều kiến thức mới nữa nên việc tiếp thu bài học khá khó khăn", em Nguyễn Thị Hoa, học sinh lớp 6 Trường THCS Quang Minh chia sẻ. Nhiều giáo viên dạy lớp 6 khẳng định bản thân khá bỡ ngỡ khi triển khai dạy chương trình này. Khó nhất là giáo viên chưa tìm hiểu được mối liên hệ của các phân môn trong các môn tích hợp. Thầy giáo Phạm Trung Nghĩa, dạy phân môn địa lý lớp 6 của Trường THCS Phạm Sư Mạnh [Kinh Môn] cho biết vì yêu cầu lồng ghép 2 môn địa lý và lịch sử thành một nên giáo viên lúng túng khi ra đề bài kiểm tra, chấm điểm, nhập điểm trên phần mềm...  "Chúng tôi mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu, soạn bài giảng theo chương trình mới. Đặc biệt là khó kiểm tra đánh giá học sinh", thầy Nghĩa nói.  Việc triển khai giảng dạy các môn học tích hợp lần đầu tiên thực hiện ở lớp 6 đòi hỏi giáo viên phải được đào tạo liên môn. Nhưng hầu hết giáo viên được đào tạo đơn môn nên phần lớn các trường vẫn bố trí mỗi giáo viên dạy từng phân môn. Môn khoa học tự nhiên vẫn phải bố trí 3 giáo viên dạy và môn lịch sử - địa lý bố trí 2 giáo viên dạy... Ngoài ra, nhiều trường thiếu giáo viên nên lúng túng trong sắp xếp, bố trí thời khóa biểu.

Nhiều kiến thức ở phân môn học sinh đang học nhưng lại liên quan đến kiến thức ở phân môn học sinh chưa được học nên gây khó cho cả giáo viên và học sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Kiều Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Thành [Kim Thành] cho biết học sinh chưa được học về cách dùng nhiệt kế trong phân môn vật lý mà phân môn hóa học đã có bài thực hành đo nhiệt độ nóng chảy của các chất nên học sinh khó hình dung...


Nhiều trường còn thiếu trang thiết bị hỗ trợ dạy học Chương trình giáo dục phổ thông lớp 6 mới

Chủ động thích ứng Theo thầy Công, Trường THCS Quang Minh đang thực hiện phương pháp dạy học theo hình "bậc thang" tăng dần độ khó; giao nhiệm vụ cụ thể ở lớp và ở nhà cho từng đối tượng học sinh; giáo viên chắt lọc kiến thức để giảm tải việc ghi chép cho học sinh. Nhiều trường đang sắp xếp thời khóa biểu theo tuần thay vì theo mỗi kỳ học như trước đây khiến cả cán bộ quản lý và giáo viên vất vả hơn nhưng đành phải chấp nhận để phù hợp với logic kiến thức môn học và bảo đảm tính thống nhất. Đối với môn khoa học tự nhiên, có tuần, nhiều trường phải sắp xếp cho giáo viên dạy 2 tiết hóa học, 1 tiết sinh học nhưng tuần khác lại có 3 tiết sinh học, không có tiết hóa học. Do đó, giáo viên dạy phân môn có tuần vất vả nhưng có tuần nhàn rỗi. Các giáo viên dạy cùng môn tích hợp cũng thường xuyên trao đổi, thảo luận, sau đó báo cáo lãnh đạo trường để sắp xếp thời khóa biểu nhằm bảo đảm tính thống nhất của kiến thức. Ví dụ, tuần kế tiếp có phần học phân môn hóa học nhưng liên quan đến kiến thức vật lý thì giáo viên dạy hai phân môn trao đổi và báo cáo lãnh đạo trường để tuần này dạy trước phần kiến thức phân môn vật lý có liên quan đến phân môn hóa.  Nhiều giáo viên, lãnh đạo trường THCS cho biết giải pháp trước mắt là giáo viên phải tự thích ứng, tự tìm ra mối liên hệ giữa các phân môn. Sau đó phải trực tiếp dạy môn tích hợp, từ đó mới có những đề xuất sát thực tế.  Nhiều Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn liên trường để tháo gỡ những khó khăn trên. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lộc đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn liên trường cho tất cả 21 trường THCS trong huyện. Nội dung chủ yếu bàn về khắc phục những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông lớp 6; trao đổi kinh nghiệm để có giải pháp thực hiện hiệu quả.  Hầu hết các trường cũng chủ động tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn theo từng chuyên đề. Lãnh đạo nhà trường tích cực dự giờ, tổng hợp những khó khăn, sau đó cùng tổ chuyên môn, giáo viên bàn giải pháp tháo gỡ.

Trong tháng 11 tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức sinh hoạt chuyên môn trực tuyến toàn tỉnh dành cho giáo viên dạy lớp 6. Giáo viên sẽ cùng thảo luận, nêu khó khăn, đề xuất giải pháp, sở sẽ tổng hợp và có chỉ đạo sát với thực tế.

THẾ ANH

Video liên quan

Chủ Đề