Phân tích tác hại của hiv-aids đối với gia đình và xã hội

Thứ năm 06/01/2022 14:20

Sống tích cực là sống lạc quan, tin tưởng và chủ động tham gia vào các hoạt động của xã hội hữu ích khác. Sống tích cực giúp người nhiễm HIV sống lâu, sống khỏe và sống có ý nghĩa hơn. Sống tích cực, sẽ giúp người nhiễm HIV chấp nhận và vượt qua tình trạng nhiễm bệnh.

Sống tích cực mang lại nhiều lợi ích cho người nhiễm HIV/AIDS

Những người nhiễm HIV không nên đầu hàng số phận mà hãy tìm cách đương đầu với bệnh tật. Sống tích cực cũng sẽ giúp người nhiễm HIV không tự kỳ thị, sống hòa nhập cộng đồng như mọi người khác và lấy lại vi trí của mình trong gia đình, đồng thời khuyến khích người nhiễm HIV vươn lên trong cuộc sống.

Ngoài ra, với lối sống tích cực sẽ giúp người nhiễm HIV nhận thấy mình vẫn là người có ích, có đóng góp cho xã hội, được xã hội thừa nhận và được tiếp xúc tiếp cận thông tin mới, nâng tầm hiểu biết của mình đồng thời cải thiện hình ảnh của người nhiễm HIV/AIDS trong gia đình, trong xã hội, không bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Từ đó người nhiễm HIV được gia đình, xã hội giúp đỡ, chăm sóc, hỗ trợ nhiều hơn.

Khi sống tích cực thì người nhiễm HIV cũng sẽ chủ động tìm hiểu về HIV/AIDS, biết cách đương đầu với HIV/AIDS thông qua tự chăm sóc sức khỏe, chủ động tìm kiếm, tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, làm cho sức khỏe ngày càng tốt lên.

Tất cả các lợi ích trên đều có tác dụng làm cho hệ miễn dịch của người nhiễm HIV/AIDS được tăng cường, kéo dài quá trình diễn biến tự nhiên của người nhiễm HIV trong cơ thể và cuối cùng kéo dài thời gian sống của họ.

Để sống tích cực người nhiễm HIV cần duy trì lối sống lành mạnh bằng cách tiếp tục làm những công việc mà bạn có thể làm phù hợp với sức khỏe, Hãy chủ động chia sẻ với gia đình và người thân những vấn đề khó khăn bạn gặp phải.

Bên cạnh đó, người nhiễm HIV cũng cần chủ động tập thể dục ít nhất 20-30 phút mỗi ngày và chơi một môn thể thao thích hợp. Tham gia các hoạt động xã hội hoặc sinh hoạt trong các nhóm hỗ trợ, câu lạc bộ tự lực hoặc câu lạc bộ của những người đồng cảnh và dành nhiều thời gian cho thư giãn nghỉ ngơi.

Về chế độ ăn uống, người nhiễm HIV cũng cần lưu ý bảo đảm ăn đủ chất, đủ năng lượng, thức ăn và nước uống phải hợp vệ sinh, uống nước đun sôi để nguội, rau quả phải được rửa sạch, tốt nhất với nước sôi để nguội, không ăn thức ăn sống, tái hay thức ăn ôi thiu. Không hút thuốc lá, không uống rượu bia, ngủ ích nhất 7 giờ mỗi ngày. Vì nếu bị tiêu chảy hay ngộ độc thức ăn ở người nhiễm HIV thì ngoài những ảnh hưởng đến sức khỏe như những người bình thường thì còn có thể là nguyên nhân “kích hoạt” làm cho HIV sinh sôi nảy nở nhiều hơn nên dễ bị chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Về chăm sóc sức khỏe, người nhiễm HIV cần tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh truyền nhiễm hoặc bệnh lao, đồng thời đi khám sức khỏe định kỳ, tiếp cận sớm với phòng khám và điều trị HIV/AIDS đăng ký để được điều trị bằng thuốc kháng vi rút [ARV], được kịp thời và tuân thủ việc dùng thuốc theo hướng dẫn của Bác sĩ.

Khi có một trong những dấu hiệu như khó thở, có màng trắng hay vết loét trong miệng, nổi hạch, khó nuốt, sốt hay tiêu chảy quá 2 ngày, sụt cân nhanh, nhìn kém hoặc hoa mắt thì người nhiễm HIV cần đến ngay cơ sở y tế.

Với phụ nữ nên làm xét nghiệm “phiến đồ âm đạo và cổ tử cung” định kỳ hàng năm để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Trao đổi với Bác sĩ để lực chọn biện pháp tránh thai thích hợp hoặc muốn có thai, mang thai.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ rằng, người nhiễm HIV nếu được điều trị sớm, chăm sóc sức khỏe tốt và có lối sống tích cực thì có tuổi thọ tương đương với những người bình thường không bị nhiễm HIV. Do vậy, sống tích cực không chỉ mang lại lợi ích cho người nhiễm HIV mà còn góp phần làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về người nhiễm HIV cũng như dịch HIV/AIDS.

Để hiện thực hóa mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030 [số người nhiễm HIV được phát hiện mới đạt mức dưới 1.000 trường hợp/năm; tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong dưới 1 trường hợp/100.000 dân…], các cơ quan chức năng đã, đang triển khai nhiều giải pháp chung tay đẩy lùi HIV/AIDS. Đây cũng là hành động góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, nâng cao chất lượng dân số.

Trẻ em có HIV tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội trong giờ học trực tuyến năm học 2021-2022.

Vẫn còn nhiều người nhiễm mới

Thực tế cho thấy, HIV/AIDS tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Đối với người bệnh, sức khỏe bị suy giảm, cuộc sống, sinh hoạt gặp không ít khó khăn. Nếu điều trị không đúng cách hoặc không chú ý giữ gìn sức khỏe cho bản thân, cộng đồng, người có HIV/AIDS có thể lây, truyền bệnh cho người khác qua đường máu, từ mẹ sang con... làm giảm chất lượng dân số.

Trong khi đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS tuy đạt được nhiều kết quả khả quan, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhưng vẫn còn nhiều ca mắc mới, nhiều người tử vong. Theo Bộ Y tế, số ca mắc HIV mới được phát hiện trên cả nước từ đầu năm 2021 đến ngày 17-8 là 6.835 trường hợp, 905 trường hợp chuyển AIDS, 1.146 trường hợp tử vong. Lũy tích số người nhiễm HIV còn sống là gần 212.000 trường hợp, trong đó, gần 90.000 trường hợp trong giai đoạn AIDS. Tổng số người nhiễm HIV tử vong lũy tích đến nay là 107.000 trường hợp.

Tại Hà Nội, đến thời điểm này, toàn thành phố ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nhiễm HIV/AIDS còn sống. Người nhiễm HIV tập trung chủ yếu trong độ tuổi lao động [25-49 tuổi] với 60% tổng số người được phát hiện. Đáng lưu ý, hiện cả 30/30 quận, huyện, thị xã và hơn 99% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đã phát hiện có người nhiễm HIV.

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, ngày 6-7-2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TƯ về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030” [Chỉ thị số 07-CT/TƯ] yêu cầu các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị và toàn xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm về những nguy cơ tiềm ẩn của đại dịch HIV/AIDS, những thách thức và yêu cầu của công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới...

Đồng bộ nhiều giải pháp

Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu mà Chỉ thị số 07-CT/TƯ đề ra, cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở đã, đang tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về những khó khăn, thách thức của công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nội dung tuyên truyền lưu ý người dân không kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại gia đình, cộng đồng, nơi học tập, làm việc; biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, tạo sức lan tỏa trong xã hội... Hoạt động tuyên truyền diễn ra bằng nhiều hình thức, qua phương tiện truyền thông, các mạng xã hội, như: Facebook, Youtube, Zalo, Viber...

Cùng với đó, các tỉnh, thành phố tăng cường xét nghiệm, điều trị HIV, can thiệp cho nhóm đối tượng ưu tiên theo quy định của Luật Phòng, chống HIV/AIDS; sử dụng bảo hiểm y tế trong khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS. Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho các nhóm nguy cơ cao; đẩy mạnh xét nghiệm HIV trong cơ sở y tế, xét nghiệm HIV lưu động và tự xét nghiệm HIV...

Tại Hà Nội, từ nay đến cuối năm 2021 và những năm tiếp theo, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó, giải pháp được ưu tiên thực hiện là tăng cường xét nghiệm HIV, nhằm phát hiện sớm các trường hợp lây nhiễm, để có biện pháp can thiệp, điều trị phù hợp. Thành phố duy trì hoạt động 73 phòng xét nghiệm sàng lọc, cấp chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm HIV cho hơn 10 cơ sở y tế. Trung bình mỗi tháng, các cơ sở này xét nghiệm HIV cho gần 20.000 lượt người...

Cùng với đó, 579/579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thủ đô đã xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên đồng đẳng tham gia can thiệp giảm tác hại tại cộng đồng; can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm người có nguy cơ cao. Riêng học viên đang điều trị tại các cơ sở cai nghiện ma túy, các cơ quan chức năng vừa chú trọng tuyên truyền về tác hại của HIV và cách phòng, chống, vừa tổ chức xét nghiệm HIV cho 100% học viên; trường hợp nào dương tính với HIV, họ sẽ được điều trị theo phác đồ phù hợp...

Đặc biệt, Hà Nội rất quan tâm chăm sóc phụ nữ mang thai, trẻ em nhiễm HIV. Những trẻ em nhiễm HIV mất nguồn nuôi dưỡng ngoài cộng đồng được nuôi dưỡng tập trung, lâu dài tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội. “Nhờ được chăm sóc tốt, hơn 60 cháu đang độ tuổi đến trường có đủ sức khỏe để học tập”, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội Phạm Đình Giang thông tin.

Việc tuyên truyền, vận động người dân không kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại gia đình, cộng đồng đạt những hiệu quả tích cực. Nhờ đó, không ít người nhiễm HIV trở thành tấm gương về nghị lực vươn lên. Chị Đào Phương Thanh, đang làm việc tại Phòng Khám ngoại trú, Khoa Truyền nhiễm [Bệnh viện Đa khoa Đống Đa] cho biết: “Chứng kiến những người có HIV sống trong mặc cảm, tự ti, nhiều năm trước, tôi không ngần ngại công khai bản thân là bệnh nhân và kêu gọi mọi người cùng tự tin vui sống. Mưa dầm thấm lâu, những câu lạc bộ, chương trình, hoạt động do tôi và những người có HIV thực hiện đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của cộng đồng”.

Với nhiều giải pháp đã, đang triển khai, Hà Nội cùng cả nước phấn đấu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030, hoàn thành các chỉ tiêu: Số người nhiễm HIV được phát hiện mới đạt mức dưới 1.000 trường hợp/năm; tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới một trường hợp/100.000 dân; tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%...

Nguồn: hanoimoi.com

Video liên quan

Chủ Đề