Phát triển năng lực nói và nghe cho học sinh Tiểu học

A. PHẦN MỞ ĐẦU

     1. Lý do chọn đề tài:

     Môn Tiếng Việt ở nhà trường phổ thông nói chung và ở nhà trường Tiểu học nói riêng có một vị trí vô cùng quan trọng. Chương trình tiếng Việt tiểu học mới với chủ trương: “ Hình thành và phát triển học sinh các kỹ năng sử dụng tiếng Việt[Nghe, nói, đọc, viết] để học tập và giao tiếp trong môi trường của lứa tuổi”. Đây cũng chính là mục tiêu cơ bản của môn tiếng Việt. Mục tiêu đó coi trọng tính thực hành, thực hành các kỹ năng sử dụng tiếng Việt trong những môi trường giao tiếp cụ thể. Điều này góp phần chỉ đạo việc biên soạn nội dung chương trình sách giáo khoa và chi phối các nguyên tắc, phương pháp dạy học môn tiếng Việt nói chung và môn tiếng Việt lớp 1 nói riêng. Mỗi phân môn, mỗi tiết học, mỗi nội dung dạy học đều hướng tới mục đích phát triển của lời nói.

      Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó làm cho nó ngày càng phát triển rộng khắp”. Muốn thực hiện lời dạy đó trường Tiểu học cần có phương pháp, hình thức tổ chức dạy học hợp lý và tích cực nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Việt, giúp học sinh sử dụng thành thạo tiếng Việt. Đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục chương trình môn tiếng Việt mới đã được triển khai đại trà trên toàn quốc. Một trong những quan điểm cơ bản của xây dựng chương trình là quan điểm giao tiếp và quan điểm này đã được thể hiện khá rõ trong sách Tiếng Việt 1, nhất là sự xuất hiện của nội dung luyện nói được coi như một nội dung độc lập. Đây là một nội dung mới trong SGK Tiếng Việt 1. Việc dạy học nói mới bắt đầu hình thành và rèn luyện cho học sinh kỹ năng nói – một trong những kỹ năng giao tiếp quan trọng của con người. Trẻ lớp 1 trước khi đến trường đã “biết nghe, biết nói” tiếng Việt song vẫn chưa thật sự thành thạo và thực tế hoạt động nói năng của các em vẫn còn nhiều hạn chế. Và chương trình mới môn Tiếng Việt 1 yêu cầu giáo viên khi dạy phải đảm bảo mục tiêu hình thành và phát triển cho học sinh đầy đủ 4 kỹ năng. Trong đó kỹ năng nói được luyện tập kết hợp trong các kỹ năng đọc, nghe, viết. Việc rèn kỹ năng nói đã giúp cho trẻ có khả năng giao tiếp, biết ứng xử và nhận xét sự vật, sự việc trên những nhận thức riêng, bằng sự cảm nhận ngây ngô của con mắt trẻ thơ.  Đó chính là lý do tôi chọn đề tài “Biện pháp rèn kỹ năng nói cho học sinh lớp 1 qua phân môn Học vần” này để nghiên cứu.

     2. Mục đích nghiên cứu.

- Củng cố kiến thức của bản thân. Qua đó thấy được những tồn tại trong giảng dạy phân môn học vần ở trường tiểu học hiện nay về việc luyện nói cho học sinh.

 - Nâng cao chất lượng rèn kĩ năng nói cho học sinh.

- Góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt nói chung và nội dung luyện nói nói riêng ở lớp 1.

- Phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh khi học luyện nói trong môn Tiếng Việt 1.

     3. Phạm vi nghiên cứu.

- Việc đổi mới phương pháp dạy học ở tất cả các môn học là rất cần thiết bởi vì nó nâng cao chất lượng giáo dục học sinh. Song đề tài này chỉ thưc hiện nghiên cứu trong phạm vi rèn kĩ năng nói cho học sinh lớp 1 qua phân môn Học vần.

 -   Phạm vi: Phần luyện theo chủ đề của phân môn Học vần; phần luyện nói ở cuối tiết 2 phân môn Tập đọc.

  -  Thời gian nghiên cứu: Từ đầu tháng 8 – 2018 đến  tháng 3 năm 2019.

     4. Phương pháp nghiên cứu.

  - Đọc các tài liệu, tập đọc, tài liệu dạy và học môn Tiếng Việt ở tiểu học, các tạp chí giáo dục Tiểu học, chuyên san.

  - Quan sát, tìm hiểu, phân tích.

  - Nghiên cứu sách Tiếng Việt 1, sách giáo viên và các tài liệu tham khảo khác có liên quan đến phần luyện nói của học sinh.

  - Điều tra việc nói của học sinh trong giờ Học Vần và Tập đọc.

  - Điều tra về dạy luyện nói của bản thân và đồng nghiệp.

  - Nghiên cứu những vấn đề lí luận và thực tiễn liên quan đến dạy luyện nói cho học sinh lớp 1; những hứng thú của học sinh khi nói.

     5. Đối tượng nghiên cứu:

- Biện pháp rèn kỹ năng nói cho học sinh lớp 1 qua phân môn Học vần.

B. PHẦN NỘI DUNG

    CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

     1. Cơ sở tâm lý của học sinh lớp 1.

Mục tiêu của môn Tiếng Việt mới đã thể hiện được quan điểm mới trong dạy học đó là quan điểm giao tiếp. Dạy học theo quan điểm giao tiếp là xu thế phổ biến trong các tài liệu dạy tiếng mẹ đẻ cũng như dạy ngoại ngữ ở các nước tiên tiến hiện nay. Quan điểm này được thể hiện trên cả hai phương diện nội dung và phương pháp dạy học.

Điều kiện trước tiên đảm bảo cho một cuộc giao tiếp diễn ra bình thường là phải có ít nhất hai đối tượng tham gia:1 đóng vai người nói và 1 đóng vai người nghe. Hai vai này sẽ luân phiên thay đổi nhau trong suốt quá trình giao tiếp, họ cũng phải sử dụng một thứ ngôn ngữ nhất định, cùng chịu sự chi phối của hoàn cảnh và nội dung giao tiếp để hướng tới mục đích đã đề ra.

Trong quá trình dạy học luyện nói, lý thuyết giao tiếp giúp giáo viên có sự định hướng về nội dung và phương pháp dạy học nhằm đạt được mục tiêu dạy học đề ra. Từ đó học sinh sẽ có kỹ năng giao tiếp và tất nhiên sẽ phát triển được lời nói cho các em.

Sự hình thành hoạt động học tập ở trẻ lớp 1:

Đi học lớp 1 là một giai đoạn mới trong cuộc đời của trẻ.  Đặc điểm nhận thức của trẻ lớp 1: Các em chưa nhận biết được chính xác các tri thức khi tri giác các đối tượng, khi học tiếng Việt lớp 1 hiện tượng phổ biến là học sinh đọc được cả tiếng nhưng không rõ được các bộ  phận của tiếng, không phân biệt được sự khác nhau giữa các tiếng, các vần, giữa các con chữ. Nguyên nhân vì khả năng phân tích yếu, chưa phát hiện được sự khác nhau về chi tiết của các chữ, các vần…vì thế giáo viên cần coi trọng khâu hướng dẫn học sinh phân tích tiếng, vần, chữ…sau khi cho các em tri giác toàn bộ các từ, tiếng.  Ngoài ra trẻ lớp 1 thích tìm hiểu cái mới, ưa hoạt động, khả năng tập trung chú ý còn yếu. Do vậy cần tập trung các phương pháp trực quan, đàm thoại, trò chơi học tập.

     2. Vai trò của việc phát triển kỹ năng nói cho học sinh lớp 1.

    “Nói” là một trong bốn kỹ năng quan trọng trong việc dạy tiếng Việt để học sinh có khả năng thực hành giao tiếp nhanh và đạt hiệu quả cao nhất.Học sinh lớp 1 nhìn chung còn yếu kỹ năng nói này và các em rất ngại nói trong các giờ học do nhiều nguyên nhân khác nhau như: tâm lý ngượng ngùng, dè dặt, ngại các bạn cười khi mình nói sai; do lớp học đông, giáo viên ít có thời gian rèn luyện kỹ năng cho mỗi học sinh. Tổ chức luyện nói tốt sẽ giúp khắc phục bớt những hạn chế trên. “ Học thầy không tày học bạn” Trong khi luyện nói học sinh có thể học hỏi lẫn nhau, sửa lỗi cho nhau, tự do nói theo ý của mình mà không ngại thầy cô giáo. Thông qua thực hành nói học sinh tiếp thu kiến thức một cách chủ động, khắc phục được sự ức chế khi trong lớp chỉ có một số học sinh giỏi tham gia phát biểu, do vậy sẽ lôi cuốn được toàn thể học sinh trong lớp tham gia hoạt động kể cả các em học trung bình hoặc yếu. Tăng cường khả năng ứng xử của học sinh trong các tình huống khác nhau, gây hứng thú, tự tin mạnh dạn cho học sinh khi thực hành giao tiếp, giờ học sẽ trở lên vui vẻ, sôi nổi và đạt hiệu quả cao.

CHƯƠNG II: THỰC TRẠNG

     Những khó khăn và thuận lợi của giáo viên và học sinh:

Khi tiếp cận với phương pháp dạy học mới giáo viên thường quan niệm: Trong các tiết dạy phải có hệ thống câu hỏi và buộc học sinh trả lời các câu hỏi ấy. Như vậy yêu cầu học sinh dùng một số phương pháp thực hành nhiều cho nhớ và giáo viên khi dạy ít quan tâm đến đặc điểm tâm lý của học sinh lớp 1 đó là “ Học mà chơi, chơi mà học” các em khi học rất dễ nhớ nhưng cũng rất nhanh quên..

 - Về phía giáo viên: Các phương pháp mà giáo viên sử dụng trong việc giảng dạy phần này chưa khai thác hết nội dụng cần chuyển tải cho học sinh. Việc sử dụng đồ dùng dạy học còn nhiều hạn chế, giáo viên còn dạy “ Chay” chưa coi những phương tiện trực quan là cần thiết trong việc luyện nói. Vì thế nên kỹ năng nói của các em học sinh lớp 1 còn nhiều hạn chế.

- Về phía học sinh: Học sinh lớp 1 gặp rất nhiều khó khăn trong việc luyện nói xuất phát từ những nguyên nhân sau:

       Thực tế cho thấy khả năng nói của học sinh mới bước vào lớp 1 rất là yếu. Đó là do vốn từ của các em còn quá ít, do chưa có sự quan tâm chu đáo chặt chẽ của cha mẹ nên các em khó hoặc không diễn đạt được khi nói, khi giao tiếp; các em phát âm không chuẩn, phát âm không đúng; còn rụt rè trong giao tiếp, giao tiếp kém hoặc có thì nói năng cộc lốc, không biết cách diễn đạt hết ý nghĩa của mình.

       Khả năng ngôn ngữ, vốn sống còn ít. Học sinh lớp 1 lần đầu tiên được đầu tiên được tiếp xúc với chữ cái, học âm- vần luyện nói thành câu, đoạn do đó vốn từ của học sinh còn rất ít khả năng diễn đạt còn hạn chế nên khi luyện nói thì đây cũng là một trở ngại không nhỏ đối với các em. Bên cạnh đó thì học sinh lớp 1 có thể nói môi trường hoạt động lứa tuổi chỉ có thể tiếp xúc với gia đình, nhà trường[ chủ yếu là lớp học], tiếp xúc với môi trường xã hội còn rất ít. Thêm nữa học sinh lớp 1 chưa đi xa nhiều, khả năng nhìn nhận quan sát sự vật, sự việc xung quanh còn rất hạn chế vì thế vốn sống ít nên khi luyện nói cũng gặp khó khăn.

       Do tâm lý rụt rè, e ngại. Như đã nói học sinh lớp 1 khả năng giao tiếp, giao lưu trò chuyện với mọi người xung quanh còn rất là ít do đó học sinh thường hay e ngại, rụt rè. Mặt khác do tâm lý sợ nói sai ý của giáo viên, sợ bạn bè chê cười nên học sinh cũng rất ít thể hiện mình, rất ít nói thậm chí tới giờ luyện nói các em không mở miệng.

     Một số hạn chế của sách giáo khoa và sách giáo viên

 Sách giáo khoa lớp 1:

- Có bài chủ đề luyện nói không liên quan đến chữ, vần của bài đó.

 Ví dụ: Bài 20 - k, kh, kẻ, khế thì chủ đề luyện nói lại là “ù ù, vo vo, vù vù, ro ro, tu tu”.

- Một số chủ đề nói chưa gần gũi,chưa phù hợp với học sinh của từng vùng miền. Ví dụ: Bài 8 - le le , bài 9- vó bè , bài 33- Lễ hội , bài 34 – Đồi, núi.

- Phần luyện tập tổng hợp: Số lượng từng dạng bài tập còn chưa hợp lý. Bài tập về nghi thức lời nói còn ít [chỉ có 2 bài, chỉ xoay quanh vấn đề nói lời chào, lời chia tay] đó là bài Mẹ và cô - Sách Tiếng Việt 1 tập 2 trang 73 và bài Bác đưa thư - sách Tiếng Việt 1 tập 2 trang 136. Số lượng nói theo đề tài nhiều và chủ yếu là độc thoại [đây lại là mức độ cao của dạng thức lời nói, sẽ rất khó với học sinh lớp 1].

- Những đề tài hội thoại có tranh gợi ý không còn phù hợp với thông tư 30.

       Sách giáo viên:

- Phần lớn các bài soạn trong sách giáo viên chỉ là gợi ý cách thức, các bước đơn giản. Các biện pháp đưa ra để luyện nói  cho học sinh chỉ là nêu tên mà không chỉ ra cụ thể cách thức thực hiện. Ví dụ: Phần học vần, sách giáo viên hướng dẫn dạy học luyện nói lặp đi lặp lại cách làm sau:

+ Bước 1: Học sinh đọc tên bài luyện nói.

+ Bước 2: Giáo viên có các câu hỏi gợi ý theo tranh cho thích hợp.

+ Bước 3: Học sinh trả lời.

Hoặc: Với bài luyện nói “Bạn đã làm gì để bảo vệ loài chim?” [Sách Tiếng Việt 1 tập hai - trang 152], sách giáo viên chỉ hướng dẫn: Chia nhóm, các nhóm kể cho nhau xem bạn đã làm gì để bảo vệ các loài chim. Cử người kể trước lớp.

- Hệ thống câu hỏi ở một số bài còn hạn chế:

+ Câu hỏi không kích thích tính tư duy của học sinh. Ví dụ: Bài “Le le”- có câu hỏi: Vịt, ngan được người nuôi ở ao, hồ. Còn loài vịt sống tự do không có người chăn được gọi là gì?

+ Có câu hỏi quá dài, khiến người nghe khó theo dõi, trong khi đáp án trả lời lại là “có” hoặc “không”: Ra giữa nắng bắt chuồn chuồn, châu chấu, cào cào, tối về sụt sịt, mai không đi học được, có tốt không?

+ Có câu hỏi trong cùng một hệ thống trùng lặp nhau: Chủ đề “Phim hoạt hình có câu hỏi 1: Em thấy cảnh gì trong tranh?, câu hỏi 2: Trong cảnh đó em thấy những gì?, câu hỏi 3: Có ai ở trong cảnh? Họ đang làm gì?

Chính vì những khó khăn, hạn chế trên mà giáo viên thêm phần ngại và lúng túng khi dạy luyện nói cho học sinh. Hơn nữa, nội dung luyện nói còn được coi là khó dạy, khó học. Dạy nói cho học sinh lớp 1 phải gắn với cả việc dạy đọc, dạy viết, dạy nghe. Vì vậy khi dạy nội dung này người giáo viên phải có nhiều sáng tạo, linh hoạt, biết kết hợp nhiều phương pháp dạy học trong quá trình lên lớp, biết điều chỉnh những nội dung cần thiết để giờ học đạt kết quả tốt.

       Do đề tài hội thoại. Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 đã xây dựng những đề tài hội thoại phong phú, đa dạng để học sinh luyện nói. Tuy nhiên những tình huống hội thoại được SGK xây dựng cũng đem lại không ít khó khăn cho học sinh lớp 1. Những đề tài hội thoại quá khó vượt ra ngoài vốn hiểu biết của học sinh và đặc biệt là học sinh lớp 1, khả năng nói còn hạn chế. Trong những đề tài này có thể kể đến những đề tài sau:

- Không có gợi ý:

+ Nói về quyển vở của các em [tr 77]

+ Nói về ngôi nhà mơ ước của em [tr. 83]

 + Kể về người bạn tốt của em [tr. 107]…

       Học sinh lớp 1 khả năng nói còn hạn chế, mới lúc đầu tập nói nhiều câu, liên kết thành đoạn ngắn là điều khó khăn do đó nên có những đoạn gợi ý mà học sinh dựa vào đó mà nói, từ đó học sinh có thể sáng tạo ra những câu, đoạn mới.

- Có gợi ý nhưng gợi ý không thực tế:

+ Ở nhà em làm gì để giúp bố mẹ [ Gợi ý bằng tranh vẽ]

     Những gợi ý bằng tranh vẽ để hướng dẫn cho học sinh luyện nói trong đề tài này không phù hợp với học sinh lớp 1, đặc biệt đối với những em ở thành phố thì lại càng không thể[ Quét nhà, cho gà ăn, tưới cây] Sẽ làm cho học sinh lúng túng không biết nói gì hoặc nói không đúng sự thật.

+ Hãy kể với cha mẹ hôm nay ở lớp em đã ngoan như thế nào?

- Đề tài khó:

+ Nói về ngôi nhà em mơ ước[ Tr. 83]

+ Nói về sen[ Tr.92]…

+ Hỏi nhau: Bạn làm gì để bảo vệ các loài chim?[tr. 152]

        Do hệ thống câu hỏi luyện nói gợi ý còn nhiều hạn chế.

 - Câu hỏi không kích thích tư duy của học sinh do có những gợi ý chưa kích thích tính sáng tạo của trẻ, câu hỏi chứa đựng những nội dung cần hiểu.

Ví dụ: Hương hoa lan thơm thế nào?

 Khi sen nở trông đẹp như thế nào?

Hay đường đến trường có những cảnh gì đẹp ?

- Có những câu hỏi diễn đạt chưa hay.

Ví dụ: Đứa con biết vâng lời cha mẹ thì được gọi là đứa con gì?[ bài vâng lời cha mẹ] hay chữ đẹp thể hiện tính nết của ai?

 - Có những câu hỏi quá khó muốn trả lời được câu hỏi học sinh phải vận dụng khả năng phân tích tổng hợp những chi tiết liên quan.

Ví dụ: Em hiểu thế nào là người bạn tốt?[tr. 107].

     Do đó, vấn đề đặt ra là việc sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học và tổ chức những hoạt động thích hợp để học sinh nắm được kiến thức và hình thành được kỹ năng luyện nói tốt…trong phân môn Học vần lớp 1 hiện nay là rất cần thiết.

      Kết quả khảo sát khả năng nói của HS giữa HKI như sau:

+ Học sinh biết sử dụng từ, biết nói câu văn trọn vẹn để diễn đạt ý, nội dung nói có mở rộng : 7 em = 16,6%

+ Học sinh biết sử dụng từ, chỉ nói được câu theo gợi ý câu hỏi: 13 em= 29,5%

+ Học sinh sử dụng từ chưa hợp lý, hay lặp từ, câu văn lủng củng, sắp xếp ý lộn xộn, chưa trả lời hết câu hỏi gợi ý: 22 em = 53,9%

CHƯƠNG III: NHỮNG BIỆN PHÁP RÈN KỸ NĂNG LUYỆN NÓI CHO HỌC SINH LỚP 1 QUA PHÂN MÔN HỌC VẦN.

          1. Giúp học sinh phát triển lời nói

           Để giúp học sinh phát triển lời nói, giáo viên cần biết vận dụng lý thuyết hội thoại vào dạy luyện nói:

1.1. Phải tạo được nhu cầu hội thoại cho học sinh

- Việc tạo ra nhu cầu nói năng cho học sinh hết sức quan trọng. Khi có nhu cầu biểu đạt, các em sẽ mạnh dạn, hứng thú, trình bày chân thực hơn những suy nghĩ riêng của mình về đề tài đang được nói đến.

- Để tạo ra nhu cầu giao tiếp cho học sinh, giáo viên cần tạo ra những tình huống giao tiếp giả định nhưng phải gần gũi và có sức hấp dẫn, kích thích nhu cầu nói của các em . Khi đã hoà mình vào hoàn cảnh đã nhập vai giao tiếp thì khi ấy các em sẽ thể hiện hết mình, muốn nói thực sự hết mình.

1.2. Phải tạo ra được hoàn cảnh giao tiếp tốt:

- Hoàn cảnh giao tiếp trong giờ Tiếng Việt chính là điều kiện lớp học trong giờ luyện nói. Nó gồm: không khí lớp học, tư thế của giáo viên, các hoạt động nghe của học sinh, trật tự lớp học và một số hoạt động khác có ảnh hưởng gián tiếp đến việc nói năng của học sinh. Bởi vì học sinh không thể nói trong hoàn cảnh lớp học ồn ào hoặc các em sẽ khó diễn đạt trước cặp mắt nghiêm khắc của giáo viên. Các em sẽ tự tin hơn, phấn khởi hơn trước sự chú ý lắng nghe của các bạn, trước ánh mắt trìu mến hoặc những lời động viên khích lệ của cô giáo.

- Khi học sinh đang nói giáo viên không nên ngắt lời một cách tuỳ tiện bởi sự gián đoạn trong lời nói thường làm các em lúng túng, giáo viên chỉ nên sửa sai hoặc uốn nắn khi các em đã kết thúc phần nói của mình.

 2. Rèn kĩ năng nói cho học sinh qua phần Luyện nói:

Để rèn kĩ năng nói và khả năng diễn đạt cho học sinh thì giáo viên cần phải làm những việc sau:

2.1. Xác định và nắm rõ mục tiêu chính của chủ đề luyện nói

Chính chủ đề là điểm tựa, gợi ý cho phần luyện nói. Gợi ý sao cho tất cả học sinh đều được nói, không đi quá xa với chủ đề. Chẳng hạn như chủ đề. “Nói lời cảm ơn; Con ngoan trò giỏi; Giúp đỡ cha mẹ”…..nếu đi quá sâu sẽ lẫn sang tiết Đạo đức. Để khắc phục điều này tôi chỉ định hướng các em câu hỏi gợi ý xoay quanh vấn đề trọng tâm cần luyện nói.

Ví dụ: Với chủ đề: Nói lời cảm ơn

+ Em hãy kể cho cô và các bạn trong nhóm nghe về những lần mình đã cảm ơn ai đó về điều gì?

          Với chủ đề Giúp đỡ cha mẹ tôi hỏi:

+ Hai bạn nhỏ đã làm gì để giúp đỡ cha mẹ?

+ Em thường giúp đỡ cha mẹ vào những lúc nào?

+ Em đã giúp đỡ cha mẹ những việc gì? Hãy nói cho các bạn cùng nghe nhé!

          Còn với chủ đề: Con ngoan, trò giỏi tôi có câu hỏi gợi ý:

+ Em đã làm được những việc gì để cố gắng là một người con ngoan trong gia đình?

+ Em đã làm gì để cố gắng trở thành một trò giỏi ở trường học?

2.2. Xây dựng hệ thống câu hỏi cho phù hợp với từng đối tượng học sinh ở mỗi chủ đề Luyện nói.

          Phải chuẩn bị hệ thống câu hỏi gợi ý cho từng nhóm đối tượng tuỳ nội dung của từng bài. Tuỳ theo từng chủ đề mà tôi có định hướng cho học sinh khi luyện nói, khi đặt câu hỏi để giúp các em biết cách nói cho sát nội dung bài và nói một cách tự nhiên, chủ động không gượng ép. Tôi phải chuẩn bị và dự trù thêm một số câu hỏi cho từng đối tượng, đi từ câu hỏi khái quát rồi mới gợi ý bằng những câu hỏi nhỏ [Khi các em lúng túng sẽ dễ dàng có cơ sở theo định hướng của cô để rèn nói.]

Ví dụ:

          Khi tôi dạy bài 24. Chủ đề : Quà quê Tôi xây dựng hệ thống câu hỏi dành cho các đối tượng như sau:

- Tranh vẽ gì? [tranh vẽ mẹ đi chợ về cho hai chị em quà.] - dành cho học sinh trung bình - yếu.

- Quà của mẹ có những gì? [quà của mẹ có nhãn, mía, hồng] - dành cho học sinh trung bình - yếu.

- Các em thử đoán xem bé đón mẹ hay đón quà? [ hai chị em rất vui, bé chìa hai tay đón  mẹ và cả quà mẹ cho nữa.] - Dành cho học sinh khá - giỏi.

         Các em sẽ hào hứng và tham gia vào phần luyện nói một cách chủ động, tích cực hơn. Nếu các em trả lời đúng nhưng chưa thành câu, giáo viên chú ý uốn nắn sửa chữa ngay và cho các em nói lại để các em nhớ, tạo thành kĩ năng.

          Cần lưu ý để tạo nên ấn tượng tốt cho các em khi giảng dạy nói chung và đàm thoại nói riêng thì người giáo viên phải thực sự gương mẫu trong việc nói năng, nói đủ ý, diễn đạt gãy gọn và trong quá trình rèn luyện cho học sinh qua từng câu, từng bài nên kiên trì, không nóng vội mà quát nạt, giận dỗi hay trách móc học sinh. Phải hết sức nhã nhặn với các đối tượng trong lớp tạo không khí vui vẻ, phấn trấn giúp các em có cảm giác thoải mái thì hoạt động nói mới diễn ra một cách tự nhiên.

          Nên chú trọng tìm hiểu điểm tâm sinh lý, những khó khăn của học sinh trong lớp để có sự sẻ chia, thông cảm, động viên các em nói nhiều và mạnh dạn hơn bắt đầu từ những điều đơn giản nhất, dần dần tăng mức độ khó lên theo thời gian.

2.3. Phân các chủ đề thành nhiều nhóm để lựa chọn phương pháp và hình thức khác thay đổi cho phù hợp với cá nhân, nhóm, đối thoại, độc thoại,…

Với những chủ đề gần gũi với học sinh như: Chủ đề: bố mẹ, ba má; Quà quê; Nhà trẻ; Bé và bạn bè; Người bạn tốt; Bữa cơm. Hãy kể với cha mẹ hôm nay ở lớp con đã ngoan thế nào?;…Giáo viên gợi mở cho học sinh nói qua vốn hiểu biết thực tế của các em, lựa chọn những hình thức học tập, trò chơi v.v…

Chẳng hạn:

- Chủ đề nói về gia đình: “Bố mẹ - Ba má, Bà cháu”…có thể cho học sinh sắm vai nhân vật thể hiện tình cảm của ông bà, bố mẹ đã yêu thương, quan tâm, chăm sóc em hoặc những tình cảm, việc làm của em thể hiện sự hiếu thảo của một người cháu, người con đối với ông bà, cha mẹ mình.

- Với chủ đề “Vó bè”: Cho học sinh quan sát thật kĩ bức tranh và giới thiệu trực tiếp đó chính là vó bè. Phân biệt thêm hình ảnh chiếc vó và bè. Gợi ý để các em nói được dụng cụ đó được đặt ở đâu? Dùng để làm gì?

Với một số chủ đề khó hơn, chưa thật phù hợp với thực tế địa phương [Ví dụ bài 20, bài 22, bài 30, bài 34, bài 40, bài 54,…] Thì giáo viên cần hướng dẫn học sinh nghe - nói một cách linh hoạt, khai thác những nội dung gần gũi với học sinh và ít nhiều liên quan đến chủ đề [không nhất thiết phải có trong tranh minh hoạ ở sách giáo khoa]

Ví dụ: Bài 20: Luyện nói về âm thanh của một số sự vật [ù ù, vo vo, vù vù, ro ro, tu tu] Trước hết cần khai thác vốn hiểu biết của các em về các sự vật vẽ trong tranh [Em biết sự vật nàovẽ trong tranh? Khi chuyển động sự vật đó phát ra âm thanh như thế nào?] Giáo viên cũng có thể mở rộng, liên hệ đến các sự vật khác không vẽ trong tranh nhưng gần gũi với cuộc sống của các em.

Ví dụ: Gió thổi vào rặng tre nghe như thế nào?

Tiếng sáo diều trên cao nghe ra sao?

 Tiếng mưa rơi trên mái nhà thế nào?  

 Em biết tiếng kêu của những con vật nào?...

Bài 34: Chủ đề Đồi núi, giáo viên có thể dùng tranh trong sách giáo khoa hoặc tranh ảnh sưu tầm về cảnh đồi núi để giới thiệu và mở rộng hiểu biết cho học sinh trước khi nêu câu hỏi cho học sinh trả lời, nêu nhận xét về sự vật được vẽ trong tranh.

Bài 40: Chủ đề Ai chịu khó? Tranh vẽ có hình ảnh minh hoạ có thể chưa rõ ý chủ đề [chó đuổi gà] song giáo viên chỉ cần dựa vào hình ảnh về người và con vật để đặt câu hỏi gợi ý học sinh nói về khía cạnh “chịu khó” [Không khai thác nội dung xa chủ đề].

Ví dụ: Bác nông dân chịu khó làm gì?

Con trâu làm việc thế nào?

Con chim chịu khó làm gì?

Chú mèo chịu khó làm gì để giúp ích cho con người?

 Con chó chịu khó trông nhà giúp ai?

Con gà chăm chỉ kiếm mồi thì gà có chịu khó không?...

Với một số chủ đề chưa phù hợp thông tư 30:

          Bài 65: chủ đề Điểm mười – sách Tiếng việt 1 tập 1;  Trả lời câu hỏi theo tranh trang 56 sách Tiếng Việt 1 tập 2; Hãy kể với cha mẹ hôm nay ở lớp con đã ngoan thế nào trang 101 sách Tiếng Việt 1 tập hai. Đây là một phần mới vì thông tư 30 hiện nay là không chấm điểm mà chỉ nhận xét. Vậy khi có chủ đề này giáo viên phải giải thích cho học sinh biết được những năm học trước giáo viên hàng ngày chấm điểm cho học sinh thì điểm 10 là số điểm cao nhất tương ứng với những bạn nắm chắc kiến thức, thể hiện tốt kiến thức bài học. Bên cạnh đó giáo viên có thể định hướng để học sinh nói ra những câu khen học sinh nắm chắc kiến thức và thể hiện tốt bài làm của mình mà hàng ngày giáo viên vẫn làm.

2.4. Chuẩn bị đồ dùng học tập đầy đủ và phong phú:

- Hình ảnh trong sách giáo khoa là chủ yếu.

- Tận dụng những vật thật, tranh ảnh có sẵn trong thực tế để làm phương tiện giảng dạy.

 Ví dụ khi dạy về chủ đề: Dế, cá cờ, bi ve, lá đa tôi có thể chuẩn bị sẵn những vật thật đó để học sinh có thể quan sát trực tiếp tạo hứng thú cho các em. Từ đó gợi ý các em có thể lấy những đồ dùng đó làm những trò chơi dân gian mà trẻ em xưa vẫn chơi. Hoặc khi dạy chủ đề: Đèn dầu, đèn điện, đèn huỳnh quang, chủ đề: Rổ rá, chủ đề: Chuối, bưởi, vú sữa… tôi cũng tiến hành tương tự .

- Tận dụng những tranh ảnh, đồ dùng mà học sinh có thể cùng sưu tầm được. Ví dụ: tranh ảnh, vi deo về lễ hội khi dạy về chủ đề Lễ hội, các đoạn video clip về gió, mây, mưa,  bão, lũ……

- Khi phương tiện dạy học đầy đủ, phong phú, sát với thực tế sẽ tạo cho các em hào hứng, chủ động và tích cực tham gia vào quá trình luyện nói.

2.5. Lựa chọn phương pháp và hình thức tổ chức dạy học thích hợp:

a. Gợi ý bằng hệ thống câu hỏi qua phương pháp đàm thoại. Trong quá trình đàm thoại giữa giáo viên và học sinh dựa trên lời nói của học sinh giáo viên sẽ chỉnh sửa câu nói sao cho rõ, gọn, đủ ý diễn đạt theo nội dung của chủ đề.

b. Sử dụng tranh ảnh, đồ dùng trực quan: Học sinh quan sát và diễn đạt những gì đã đạt được quan sát khi nhìn tranh. Mỗi tình huống trong tranh là một tình huống thể hiện chủ đề của bài. Khi học sinh đã quen với việc luyện nói, giáo viên sẽ nâng dần hình thức trong quá trình dạy luyện nói.

c. Tổ chức các hoạt động trò chơi, tạo hứng thú, giúp các em mạnh dạn, tự tin, tích cực tham gia trong quá trình luyện nói.

Ví dụ như chủ đề: Nặn đồ chơi; Áo choàng, áo len, áo sơ mi; Ghế đẩu, ghế xoay, ghế tựa; Phim hoạt hình …. học sinh sẽ được tham gia chơi nặn hình bằng đất, tô màu, vẽ tranh, hoặc chọn các loại áo thích hợp với thời tiết…

d. Tổ chức luyện nói theo hình thức cá nhân, nhóm đôi, nhóm  bốn,…học sinh sẽ tự nói cho nhau nghe, cùng trao đổi những nhận biết và bày tỏ cảm xúc của mình về nội dung chủ đề.

e. Phương pháp quan sát động viên khen thưởng: Trong tiết dạy, tôi thường chú ý đến học sinh ít nói, thụ động, đặt câu hỏi dễ động viên các em cùng tham gia nói. Đối với  những em khá giỏi tôi sẽ khuyến khích, gợi mở bằng những câu hỏi khái quát hơn để giúp các em tự tin, mạnh dạn trình bày ý kiến, cảm xúc của mình một cách chân thành; tạo không khí lớp học thân thiện, cởi mở, động viên khen thưởng kịp thời nhằm kích thích sự hứng thú, ham học hỏi của các em. Trong khi dạy luyện nói tôi thường chú ý đến rèn kĩ năng nói to, rõ tiếng, nói thành câu, đủ ý diễn đạt, câu nói giàu cảm xúc, ngữ điệu tự nhiên, chân thành. 

2.6. Vận dụng triệt để thông tư 22 vào quá trình dạy luyện nói:

Tôi thường xuyên bám sát thông tư để nhận xét động viên các em một cách kịp thời tạo hứng thú cho các em khi học luyện nói.

 Ví dụ: Với những em nhút nhát chưa mạnh dạn nếu các em trình bày đúng chủ đề nhưng nói còn nhỏ thì tôi có thể khen: Cô khen con nói đủ ý, đúng chủ đề nhưng nếu con nói to hơn nữa thì sẽ rất hay. Hoặc với những em khá giỏi, tự tin khi nói tôi có thể khen: Cô khen con nói đúng chủ đề, rõ ý, to rõ ràng nhưng nếu con biết kết hợp cử chỉ, điệu bộ trong khi nói thì thật là tuyệt vời….

Hay khi HS được luyện nói trong nhóm xong, tôi có thể cho HS nhận xét về quá trình làm việc nhóm, nhận xét cả về năng lực, kiến thức.

3. Sử dụng một số phương pháp dạy học tích cực vào dạy luyện nói trong môn Tiếng Việt.

          3.1. Vận dụng phương pháp đóng vai

- Phương pháp đóng vai là phương pháp dạy học trong đó giáo viên tổ chức cho học sinh giải quyết một tình huống của nội dung học tập gắn liền với cuộc sống thực tế bằng cách diễn xuất ngẫu hứng không cần luyện tập kịch bản trước.

- Phương pháp đóng vai nhằm giúp học sinh thể hiện tình huống giao tiếp  bằng cách  đóng vai nhân vật giao tiếp, trau dồi trí tưởng tượng, rèn kỹ năng nói trong hội thoại, biết thể hiện ngữ điệu, cử chỉ, hành động khi vào vai nhân vật. Phương pháp này  thường dùng khi dạy các bài nói kiểu tình huống giao tiếp, hoặc trò chuyện, hỏi - đáp về một đề tài.

Ví dụ:    - Bài 31[Học vần]: Bé tự giới thiệu

              - Bài 60 [Học vần]: Nói lời cảm ơn

              - Bài: “Bác đưa thư - sách Tiếng Việt 1 tập hai trang 137”: Tập nói lời

chào hỏi của Minh:        + Khi gặp bác đưa thư

                                  + Khi mời bác uống nước.

- Nhìn chung, vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy luyện nói sẽ tạo môi trường tự nhiên để rèn luyện kỹ năng nói, học sinh sẽ sáng tạo lời thoại của mình cho đúng với nội dung bài nêu ra và học sinh nói một cách tự nhiên.

* Một số chú ý khi sử dụng phương pháp đóng vai:

+ Nội dung thực hành đóng vai phải vừa tầm với tất cả học sinh, trong đó tăng độ khó với học sinh khá giỏi, giảm độ khó với học sinh yếu để tạo điều kiện cho các em được tham gia đóng vai theo tình huống giao tiếp.

+ Khi tổ chức đóng vai, cần kết hợp với phương pháp kể chuyện, thảo luận … để tạo điều kiện cho nhiều học sinh được tham gia. Giáo viên cần lưu ý học sinh chú ý theo dõi, có thái độ đúng đắn và vỗ tay tán thưởng sau khi bạn thể hiện vai diễn.

+ Ngoài ra, giáo viên cần biến đổi tình huống giao tiếp đã cho để tạo ra các bài tập tình huống giao tiếp mới phù hợp với từng đối tượng học sinh và giúp học sinh tiến hành bài tập từ đó rèn luyện kỹ năng nói cho các em một cách có hiệu quả.

Ví dụ:  ở bài “Bác đưa thư”, cô giáo biến đổi tình huống giao tiếp như sau:

“Một bạn trong vai bác đưa thư đến bấm chuông, Minh đi ra” Cô mời một em đóng vai bác đưa thư, một em đóng vai Minh. Như vậy, tình huống biến đổi ở chỗ: không chỉ có lời nói của bé mà còn có cả lời nói của bác đưa thư đáp lại khi được Minh chào hỏi và mời nước. Tình huống này có yêu cầu cao hơn, có nhiều em được tham gia đóng vai hơn.

+ Sau khi học sinh đóng vai, giáo viên tổ chức cho nhận xét, đánh giá, rút kinh nghiệm, khen ngợi những em thể hiện vai diễn tốt.

3.2. Bước đầu vận dụng phương pháp dạy học thảo luận nhóm theo mô hình VNEN trong dạy học nội dung luyện nói ở lớp 1:

- Đặc trưng phương pháp dạy học hợp tác nhóm là học sinh trước hết phải làm việc các nhân để có chính kiến riêng của mình, sau đó nói với nhau, đưa ra ý kiến của mình và lắng nghe ý kiến của các bạn để hoàn thiện thêm ý kiến của mình …. do vậy học sinh được tạo nhiều cơ hội hơn để diễn đạt, khám phá ý tưởng, mở rộng suy nghĩ và rèn luyện kĩ năng nói; tự tìm tòi để phải đưa ra được ý kiến của mình, tạo cơ hội để học hỏi từ các bạn, cũng từ đây các em có kĩ năng giao tiếp tốt hơn. Việc học tập trong nhóm tăng cường tính tích cực, chủ động, linh hoạt hơn.

Phương pháp thảo luận nhóm là một phương pháp dạy học trong đó giáo viên tạo điều kiện cho học sinh học tập theo từng nhóm nhằm luyện tập khả năng giao tiếp bằng cách trao đổi, hợp tác, tranh luận, bàn bạc… với nhau để giải quyết các vấn đề học tập và tìm ra được những tri thức, kỹ năng , kỹ xảo mới cho bản thân. Qua thảo luận nhóm, ngôn ngữ và năng lực tư duy của học sinh trở nên linh hoạt hơn, đồng thời còn giúp các em luyện tập tính tự giác, tính đoàn kết tập thể, có sự mạnh dạn, tự tin trong học tập và giao tiếp.

- Các buổi học thảo luận nhóm bao giờ cũng rất sôi nổi. Những học sinh nhút nhát, ít phát biểu trong lớp sẽ có môi trường tham gia xây dựng bài. Hơn thế nữa, hầu hết các hoạt động nhóm đều mang cơ chế tự sửa lỗi và học sinh học lẫn nhau, theo đó các lỗi sai được giải đáp trong bầu không khí thoải mái.

- Khi tổ chức học nhóm giáo viên cũng có cơ hội tận dụng những ý kiến và kinh nghiệm của học sinh. Khi đó học sinh có lợi thế hơn khi làm việc độc lập, các em dễ nghĩ ra cách làm bài tập. Đồng thời khi học nhóm, mối quan hệ giữa các học sinh được cải thiện, tạo cho lớp học bầu không khí tin cậy. Mọi người ai cũng thích hoạt động giao tiếp xã hội, vì thế việc chia nhóm sẽ tạo một thái độ tích cực hơn với hoạt động giảng dạy.

- Có nhiều cách để chia nhóm: nhóm ngẫu nhiên, nhóm cùng trình độ, nhóm cùng sở thích….. giáo viên nên chọn chia nhóm sao cho phù hợp để phần luyện nói diễn ra một cách tự nhiên, sôi nổi và hào hứng đối với các em.

* Một số chú ý khi tổ chức dạy học luyện nói theo phương pháp nhóm:

+ Các đề tài đưa ra thảo luận phải có tác dụng kích thích sự suy nghĩ, gây sự tò mò, chú ý của học sinh. Vì nếu đề tài quá dễ thì học sinh chóng chán, thảo luận không có hiệu quả, còn nếu quá khó học sinh không có ý kiến thì cuộc thảo luận sẽ bế tắc.

+ Không quá lạm dụng hình thức thảo luận nhóm trong giờ dạy luyện nói vì nếu kéo dài sẽ ít có tác dụng.

+ Trong lúc thảo luận, giáo viên cần cố gắng cho mọi học sinh đều được bày tỏ quan điểm, ý kiến. Giáo viên nên quan sát để hỗ trợ khi học sinh cần, mặt khác để có biện pháp khích lệ đối với những học sinh quá ít lời. Lúc ấy giáo viên có thể nhẹ nhàng hỏi: “Nào bây giờ cô muốn nghe ý kiến của các bạn chưa nói” hay: “Bạn nói rồi, bây giờ mời em cho ý kiến?”….

+ Sau khi thảo luận, các nhóm có thể giao lưu trình bày kết quả của nhóm mình.Trưởng ban học tập sẽ lên điều khiển thảo luận của các nhóm. Khi có ý kiến phản hồi từ các nhóm, trưởng ban học tập có thể tự giải quyết hoặc nếu kiến thức quá khó thì trưởng ban học tập sẽ tập hợp ý kiến và nhờ sự trợ giúp của giáo viên. Các em tự giao lưu trao đổi lẫn nhau sẽ làm cho phần luyện nói của các em được tự nhiên hơn. Giáo viên cần chú ý đến câu hỏi có nhiều ý kiến.

+ Giáo viên nên để học sinh có nhận xét về bài nói của các nhóm, sau đó mới đưa ra đánh giá của mình và có thể khen ngợi ý kiến đóng góp của các em, động viên tinh thần làm việc của các nhóm.

Ví dụ 1: Bài luyện nói về chủ đề: “Giữ gìn sách vở” Sách Tiếng Việt 1 tập một trang 165.

- GV chia lớp thành các nhóm [nhóm đôi, ba, tư]

- Câu hỏi thảo luận:

+ Hãy chia sẻ cách giữ gìn sách vở của mình cho bạn. [Gợi ý: Bạn đã làm gì để giữ gìn sách vở? Để sách vở luôn sạch, đẹp không bị quăn mép, long bìa thì bạn cần làm gì?...]

- Từng cá nhân trình bày trong nhóm cách làm của mình, các thành viên khác nhận xét góp ý bổ sung cho bạn rồi thống nhất cách làm. Nhóm trưởng lên báo cáo kết quả làm việc [các thành viên trong nhóm luân phiên làm nhóm trưởng].

- Các nhóm sau khi thảo luận sẽ trình bày trước lớp dưới sự điều khiển của trưởng ban học tập. Các nhóm sẽ giao lưu bổ sung ý kiến. Cuối cùng giáo viên nêu ý kiến và đánh giá tinh thần làm việc của các nhóm.

Ví dụ 2: Bài luyện nói “Trò chuyện về trời mưa” sách Tiếng việt 1 tập hai  - trang 125.

- Tiến hành tương tự. Giáo viên cũng có thể phát phiếu học tập cho các nhóm, trong đó có nêu các câu hỏi thảo luận:

     + Bạn thích trời nắng hay trời mưa? Vì sao?

     + Bạn thích trời mưa như thế nào?

     + Sau cơn mưa cây cối và cảnh vật như thế nào?

3.3.Vận dụng phương pháp thông qua trò chơi học tập trong dạy học nội dung luyện nói ở lớp 1:

- Trò chơi là hoạt động của con người nhằm mục đích vui chơi, giải trí, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Thông qua trò chơi, người chơi còn có thể được rèn luyện thể lực, các giác quan, sự thông minh, nhanh nhạy, sáng tạo, hoạt bát và đặc biệt là được giao lưu, học hỏi với bạn bè, đồng đội. Đối với trẻ em thì  trò chơi có vai trò rất quan trọng trong sinh hoạt, vì vậy nếu biết kết hợp hợp lý giữa học tập và vui chơi thì sẽ tạo được hiệu quả cao trong học tập, tránh được hiện tượng mệt mỏi, nhàm chán cho học sinh.

* Một số chú ý khi sử dụng phương pháp trò chơi trong giờ luyện nói lớp 1

- Nội dung của trò chơi phải gắn liền với nội dung tri thức, kỹ năng cần rèn luyện cho học sinh trong giờ học đó.

Ví dụ: Bài luyện nói: “Nói về sen” [Tiếng Việt 1 tập hai - trang 92]

+ Giáo viên có thể đưa ra trò chơi “Thi nói về sen” giữa 2 đội chơi, mỗi đội 5 em. Hai đội sẽ gắp thăm giành quyền nói trước, mỗi em nói một câu về sen, hai đội luân phiên nhau nói, câu sau không được trùng câu trước. Đội nào có câu nói lặp lại hoặc dừng trước sẽ thua cuộc.

- Mỗi trò chơi đều phải có luật chơi. Trò chơi học tập cần có luật chơi đơn giản, dễ nhớ, dễ thực hiện và thời gian chơi ngắn, phù hợp với trình độ của học sinh. Luật cũng cần được phổ biến rõ ràng trước cuộc chơi.

- Tuy nhiên cũng không nên lạm dụng trò chơi quá nhiều trong giờ học, chỉ nên chơi vào ít phút cuối của giờ học, khi xuất hiện yêu cầu củng cố kiến thức, kỹ năng, khi học sinh đã có dấu hiệu mệt mỏi. Lúc đó trò chơi sẽ tạo sự hưng phấn để kết thúc tiết học và tạo thư giãn cho các em bước vào tiết học tiếp theo.

- Trò chơi học tập trong giờ luyện nói có thể kết hợp các vận động như: truyền điện, nói và viết lên bảng lớp….

Ví dụ:  + Thi nói tiếp sức về đề tài trong bài: “Nói về các con vật mà em biết” [ Tiếng Việt 1 tập hai - trang 149]

              + Hoặc thi tiếp sức [theo đội] điền vào chỗ chấm tên các con vật mà em biết:

Ví dụ: Nhanh như…..

            Dữ như……

            Hiền như…….

            Chạy như……..

            Hót như……..

            Đen như…..

            Nhát như…..

          + Thi nói tiếp câu về đề tài sen: Nói tiếp vào các câu sau để được ý trọn vẹn

- Đầm sen rộng……

- Lá sen………

- Hoa sen…

- Nhị sen….

- Hương sen…..

          Ở mỗi câu trên có thể gọi nhiều em nói để tạo ra sự phong phú, đa dạng qua đó học sinh thấy rằng có nhiều cách diễn đạt một ý hoặc cùng một sự vật có thể được nhìn bằng nhiều góc độ khác nhau. Như vậy còn rèn được cho học sinh óc sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú.

3.4. Vận dụng phương pháp dạy học vấn đáp vào dạy nội dung luyện nói ở lớp 1:

- Phương pháp vấn đáp [hỏi - đáp] chiếm một vị trí quan trọng ở bậc Tiểu học nói chung và ở lớp 1 nói riêng. Nó được sử dụng rộng rãi trong quá trình dạy học nhằm gợi mở cho học sinh làm sáng tỏ những vấn đề mới, rút ra những kết luận cần thiết từ những điều đã học. Nó tạo điều kiện cho học sinh phát huy được tính tích cực, độc lập nhận thức, phát triển hứng thú học tập và khát vọng tìm kiếm vấn đề để giải quyết.

          - Ở giai đoạn đầu [phần học âm], phương pháp hỏi đáp được dùng nhiều hơn vì lúc này học sinh chưa có nhiều kinh nghiệm trong kỹ năng nói. Khi ấy các em rất cần sự gợi mở, dẫn dắt dần dần của giáo viên, hướng các em vào việc trình bày một vấn đề nào đó.

* Một số điều cần chú ý khi sử dụng phương pháp vấn đáp trong giờ dạy luyện nói ở lớp 1:

          + Giáo viên cần xác định rõ mục đích, yêu cầu hỏi đáp để đưa ra hệ thống câu hỏi chính và những câu hỏi phụ để gợi mở.

          + Các câu hỏi cần có mối liên hệ với nhau để trở thành đoạn hội thoại giữa giáo viên và học sinh.

          + Câu hỏi phải rõ ràng, dễ hiểu, sát trình độ của học sinh.

+ Câu hỏi phải có tác dụng kích thích tính tích cực, độc lập tư duy, phát triển hứng thú nhận thức của học sinh.

          + Giáo viên cần có thái độ bình tĩnh khi học sinh trả lời chưa đúng hoặc thiếu chính xác, tránh thái độ nôn nóng, vội vàng cắt ngang ý kiến của học sinh khi không thật cần thiết.

+ Không chỉ chú ý đến kết quả câu trả lời của học sinh mà phải chú ý đến cả cách diễn đạt câu trả lời của các em. Từ đó cần sửa lỗi diễn đạt cho học sinh sao cho chính xác, rõ ràng, hợp logic. Giáo viên cần biết cách động viên, khuyến khích học sinh trả lời, tập thành thói quen trả lời một cách đầy đủ, đúng ý, sáng tạo, tránh trả lời rập khuôn, máy móc, không đủ ý, đủ câu.

          + Giáo viên cần tổng kết phần hỏi đáp bằng cách yêu cầu học sinh độc thoại, nói một đoạn ngắn về chủ đề đó [thường là học sinh giỏi] để rèn kỹ năng độc thoại cho các em.

          Ví dụ: Bài luyện nói: “Bữa cơm” [Tiếng Việt 1 tập một -  trang 127]. Giáo viên có thể tổ chức bằng phương pháp hỏi đáp như sau:

- Yêu cầu học sinh nêu chủ đề luyện nói.

- Yêu cầu học sinh quan sát tranh trong sách giáo khoa, giáo viên nêu câu hỏi cho HS trả lời:

+ Tranh vẽ cảnh gì?

+ Có những ai đang ăn cơm?

+ Bữa cơm trong gia đình em có những ai? [nhiều học sinh trả lời]

+ Trong bữa cơm có những món gì?

+ Em cảm thấy thế nào khi được ăn cơm cùng gia đình?.

Với học sinh khá giỏi có thể yêu cầu học sinh kể về một bữa cơm bán trú….

- Những câu hỏi đầu thường dành cho những học sinh yếu hoặc ít nói. Sau mỗi câu trả lời giáo viên cần động viên, khuyến khích để học sinh tự tin, mạnh dạn. Cuối cùng giáo viên yêu cầu một vài em tự nói một số câu về chủ đề “Bữa cơm”. Đây chính là phần nâng cao, dành cho những học sinh khá, giỏi.

3.5. Vận dụng phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề trong dạy luyện nói ở lớp 1:

- Phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề là phương pháp dạy học mà trong đó giáo viên đặt ra những vấn đề của bài học thông qua các tình huống có vấn đề. Từ đó thu hút được sự  quan tâm tìm hiểu của học sinh, đòi hỏi học sinh phải tích cực, chủ động suy nghĩ, giải quyết các vấn đề đặt ra để tìm kiếm cho bản thân những kiến thức mới và cách học tập mới. Đây không phải là phương pháp dạy học mới nhưng nhìn chung nhiều giáo viên chưa vận dụng thành thạo phương pháp này hoặc hiệu quả sử dụng chưa cao.       

- Phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề nhằm hình thành ở học sinh khả năng tư duy giải quyết vấn đề, khả năng thích ứng, khả năng hợp tác trong đời sống, đặc biệt trong giao tiếp... Phương pháp này đòi hỏi học sinh tham gia giải quyết các vấn đề do một hoặc một số tình huống đặt ra. Nhờ đó, học sinh vừa nắm được tri thức, vừa phát triển tư duy sáng tạo và chủ động chiếm lĩnh tri thức mới.

* Một số chú ý khi sử dụng phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề:

- Tình huống có vấn đề mà giáo viên nêu ra phải phù hợp nội dung bài luyện nói.

- Yêu cầu học sinh dựa vào kinh nghiệm sống của mình để tìm thấy tình huống có liên quan đến nội dung bài học. Từ đó học sinh thấy được mối liên quan giữa bài học với thực tế cuộc sống và kích thích sự suy nghĩ của các em.

- Sau khi nêu vấn đề, cần gợi ý để học sinh nhớ lại kiến thức đã học có liên quan đến vấn đề, thấy được trình tự giải quyết vấn đề đó.

Ví dụ: Bài luyện nói “Nói về các con vật em yêu thích” [Tiếng Việt 1 tập hai -  trang 95] giáo viên có thể nêu ra tình huống sau: Khi nói về các con vật, có bạn hỏi em:

Bạn yêu quý con vật nào nhất?

Bạn có thể kể cho tớ nghe về nó được không?

 Em sẽ nói về con vật đó với bạn thế nào để bạn cũng thấy mến nó?

- Học sinh sẽ phát hiện ra vấn đề cần giải quyết là: Nói với bạn về con vật mình yêu quý để bạn cũng mến nó.

- Giáo viên cần gợi ý để học sinh tìm cách giải quyết, hướng các em về giới thiệu con vật mình quý mến, giới thiệu những nét đáng yêu của con vật đó.

[Ví dụ: Tớ có một con chó rất xinh, nó có bộ lông vằn đen nên tớ gọi nó là Vện. Nó rất khôn, tớ đi học về là nó chạy tới, ngoáy tít cái đuôi. Tớ còn dạy nó chơi bóng với tớ, mỗi khi quả bóng lăn ra xa nó lại chạy đến tha về cho tớ…..]

- Sau khi học sinh trình bày trước lớp, giáo viên yêu cầu cả lớp nhận xét, đánh giá bài làm của bạn. Giáo viên có thể hỏi:

+ Nghe bạn kể, con thấy con vật của bạn có gì đáng yêu?

+ Bạn dùng những từ nào để nói về sự đáng yêu đó?

- Cuối cùng giáo viên nêu nhận xét, khen và động viên để tạo hứng thú cho các em luyện nói.

Tuy nhiên không có một phương pháp, hình thức nào là áp dụng tuyệt đối, tối ưu mà ở đây người giáo viên phải phối hợp linh hoạt các phương pháp và hình thức dạy học với nhau thì kết quả giờ dạy mới cao.

 4. Nắm chắc các hoạt động khi tiến hành dạy Luyện nói cho học sinh lớp 1:

4.1. Các hoạt động trước khi luyện nói:

- Tạo tâm thế sẵn sàng học tập cho học sinh: Như trên đã nói, để có được bài nói tốt, người nói cần có sự chuẩn bị tốt, tức là cần xác định được những việc cần làm để thực hiện bài tập luyện nói có hiệu quả. Đối với học sinh lớp 1, sự chuẩn bị trước tiên cho giờ luyện nói là các em phải có hứng thú học tập. Giáo viên cần tạo cho học sinh một tâm thế hào hứng để bước vào giờ học. Bởi lẽ, nội dung luyện nói thường khó đối với học sinh, mặt khác mục này được sắp xếp  vào cuối tiết học. Lúc đó học sinh đã mệt mỏi, sự chú ý của các em không cao. Vì vậy, trong suốt các nội dung học tập trước đó của giờ học, giáo viên cần tạo không khí học tập nhẹ nhàng, tự nhiên và nên duy trì điều đó trong giờ luyện nói.

- Giáo viên cần chú ý chuẩn bị tốt các hoạt động cho giờ luyện nói nhằm tạo không khí hào hứng, sôi nổi trong giờ học, kích thích học sinh tham gia nói.

- Giáo viên cần định hướng bằng một số câu hỏi gợi ý để học sinh hiểu rõ chủ đề luyện nói.

4.2. Các hoạt động trong giờ luyện nói:

- Giáo viên phải kích thích nhu cầu nói của học sinh bằng cách sử dụng trực quan, tạo tình huống giao tiếp phù hợp, động viên học sinh tham gia tích cực khi luyện nói.

- Giáo viên phải tạo hoàn cảnh giao tiếp tốt. Đó là các điều kiện trong lớp học ở thời điểm luyện nói. Giáo viên cần giáo dục học sinh trong lớp biết cách lắng nghe và có thái độ đúng khi nghe bạn nói. Giáo viên phải là người động viên, khích lệ kịp thời để học sinh phấn khởi trong khi nói.

- Giáo viên cần giúp học sinh thực hiện được việc giữ bình tĩnh, tự tin và chú ý đến thái độ của người nghe trong khi mình nói.

- Giáo viên cần giúp học sinh biết lựa chọn và sử dụng đúng các nghi thức lời nói cũng như các từ ngữ, các kiểu câu khi nói.

- Giáo viên cần giúp học sinh biết sử dụng ngữ điệu phù hợp khi nói, tránh lối nói như đọc thuộc lòng hoặc ngữ điệu thái quá.

- Khi học sinh đang nói, giáo viên không nên ngắt lời các em một cách tuỳ tiện. Nếu cần uốn nắn giáo viên cũng cần tế nhị, nhẹ nhàng, nên để học sinh dứt lời thì mới sửa lỗi. Giáo viên không nên làm đứt mạch suy nghĩ hoặc tạo cho học sinh tâm lý e ngại vì sợ nói sai.

5. Giáo viên cần chú ý sửa một số lỗi sai học sinh thường mắc phải khi nói.

  - Trong câu của học sinh có từ sai.

 Ví dụ: Trong bài 49 chủ đề luyện nói là “ Biển cả” học sinh thường sai khi nói “ Tàu đánh cá bay trên biển” Từ sai trong câu trên là “ Bay” với trường hợp này học sinh nên gọi học sinh khác nhận xét lỗi sai của bạn và cho học sinh nói sai sửa lại câu nói câu nói của mình. Trong câu này từ sai có thể được thay bằng từ “Chạy” hoặc “ Lướt”.

 - Câu nói của học sinh không đúng với chủ đề của đề bài.

 - Phần nói của học sinh mới chỉ là một từ hoặc một cụm từ.

 - Trong phần ôn vần học sinh cùng được luyện nói khi nói câu có vần vừa ôn, với một số vần có vần giống nhau về cách phát âm nhưng khác nhau về cách viết học sinh rất dễ nhầm lẫn khi tìn tiếng, từ, câu.

Ví dụ: Trong phần ôn vần iêuyêu. Khi yêu cầu học sinh “ hãy nói câu có vần iêu? Một học sinh đã trả lời “ Con yêu bố mẹ” câu nói này của học sinh có tiếng có vần yêu nhưng không đúng với yêu cầu của giáo viên. Trong trường hợp này thì nên ghi câu nói của học sinh lên bảng sau đó cho học sinh nhận xét sửa sai.

        Trên đây là một số biện pháp mà tôi đã áp dụng vào việc dạy luyện nói cho học sinh lớp 1. Mặc dù chưa hết năm học, nhưng qua khảo sát học sinh và qua thực tế dạy và học trên lớp tôi thấy kết quả khả quan hơn rất nhiều so với đầu năm.

      Kết quả khảo sát khả năng nói của HS Giữa HKII như sau:

+ Học sinh biết sử dụng từ, biết nói câu văn trọn vẹn để diễn đạt ý, nội dung nói có mở rộng : 20 em = 47,6%

+ Học sinh biết sử dụng từ, chỉ nói được câu theo gợi ý câu hỏi: 10 em = 23,8%

+ Học sinh sử dụng từ chưa hợp lý, hay lặp từ, câu văn lủng củng, sắp xếp ý lộn xộn, chưa trả lời hết câu hỏi gợi ý: 12 em = 28,6%.

      Những điểm cần lưu ý khi thực hành kỹ năng nói cho học sinh.

      Luyện nói là việc tạo cho học sinh những cơ hội giao tiếp gần giống với đời thực. Giáo viên cần khuyến khích cho các em học sinh làm theo phương châm thử nghiệm, chấp nhận mắc lỗi. không nên tạo cho các em áp lực, các em sẽ mang nặng tâm lý sợ mắc lỗi. Trong luyện tập các giáo viên có hai chức năng chính :một là cung cấp tư liệu, giúp đỡ và giải đáp những vấn đề khó về ngữ liệu và kiến thức mà học sinh gặp phải; Hai là theo dõi, lắng nghe, ghi nhận các lỗi học sinh mắc phải trong quá trình thực hành để sửa trước lớp sau tiến trình thực hành nói của học sinh. Giáo viên cần sử dụng tối đa thời gian trên lớp, tạo mọi cơ hội để học sinh có thể sử dụng ngữ liệu đã học một cách có nghĩa, có hiệu quả.Chọn chủ đề dễ phát triển, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi. Giáo viên có thể đặt vấn đề có tính chất phản diện để học sinh tranh luận cho thêm phần sôi nổi. Trên cơ sở rèn luyện trên lớp, giáo viên cần khuyến khích học sinh tự luyện tập ở nhà, và thực hành thường xuyên khi có điều kiện.

 C. PHẦN KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

    1.  KẾT LUẬN

Trên đây là một số biện pháp mà tôi đã áp dụng vào việc dạy luyện nói cho học sinh lớp 1. Mặc dù để đánh giá kết quả luyện nói của học sinh thì không thể thống kê bằng những con số cụ thể được nhưng tôi nhận thấy nếu giáo viên chú ý, quan tâm đến nội dung luyện nói trong mỗi giờ học của môn Tiếng Việt, chọn lựa và đưa ra những phương pháp dạy học hợp lý thì chất lượng nói [giao tiếp] của học sinh có khác biệt rõ rệt.  Bản thân giáo viên không còn cảm thấy “ngại” khi dạy nội dung này trong các giờ học. Học sinh cũng không còn cảm thấy lúng túng mỗi khi được giáo viên yêu cầu nói về một vấn đề gì nữa mà ngược lại các em rất hào hứng, mong chờ được nói. Học sinh được tham gia giao tiếp trong mỗi tiết học nhiều hơn. Đặc biệt với nhiều em học sinh đầu năm rất nhút nhát, ít hoạt động trong các giờ học thì cuối học kỳ 1 đã tiến bộ hẳn. Các em đã mạnh dạn hơn trong giờ học, dám giơ tay phát biểu xây dựng bài, đóng góp ý kiến mỗi khi thảo luận nhóm trong các tiết học.Kỹ năng nói, trình bày vấn đề của học sinh tốt hơn. Các em biết cách trả lời câu hỏi đủ ý, đủ câu, biết cách nhận xét vấn đề bạn trình bày…

 Tuy nhiên, trong quá trình dạy học, không có một phương pháp nào tối ưu, mỗi phương pháp đều có những mặt mạnh và những hạn chế của nó. Khi tiến hành dạy học giáo viên cần nắm vững các phương pháp dạy học, lựa chọn và kết hợp các phương pháp sao cho phù hợp với nội dung và mục đích bài học, phù hợp với tâm sinh lý học sinh lớp 1 để có thể  đạt kết quả cao trong dạy học luyện nói. Giáo viên cần khéo léo, mềm dẻo và linh hoạt khi vận dụng các phương pháp dạy học đó.

Khi bắt đầu đến trường thì cùng với gia đình, nhà trường và xã hội cần giáo dục trẻ ngay từ những thói quen trong giao tiếp mạnh dạn tự tin, văn minh lịch sự thể hiện tác phong tư cách đạo đức của người có văn hoá. Do đó sự phối kết hợp ăn ý nhịp nhàng giữa nhà trường và gia đình là vô cùng qua trọng và cần thiết. Trong mục giáo dục Tiểu học có đưa phần mục tiêu rèn luyện nhân cách lên hàng đầu:

“ Rèn luyện cái tâm” bao gồm:

- Xây dựng ở học sinh lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, yêu quý anh chị em.

 - Kính trọng thầy cô giáo lễ phép với người lớn tuổi.

 - Giúp đỡ bạn bè và các em nhỏ...

      Giáo viên cần dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu giảng dạy tăng cường hiệu quả của các giờ sinh hoạt chuyên môn để đưa ra những bài giảng sinh động hấp dẫn. Ngôn ngữ của giáo viên phải chuẩn mực chính xác trong sáng

       Đối với gia đình: Từ khi trẻ bập bẹ biết nói những người lớn tuổi trong gia đình cần phải luôn lưu tâm uốn nắn lời ăn tiếng nói cho con em mình. Các cụ đã dạy “ uốn cây từ thuở còn non” Không những thế nguời lớn còn là tấm gương cho trẻ noi theo.

Với giáo viên trực tiếp giảng dạy:

+ Cần xác định rõ được vị trí và vai trò của phần luyện nói trong tiết Học vần và Tập đọc từ đó giảng dạy có hiệu quả cao nhất.

+ Giáo viên cần phân bố thời gian một cách hợp lí và tuyệt đối không được bỏ qua phần Luyện nói trong các tiết dạy.

Với Tổ, khối chuyên môn:

+ Cần đưa ra thảo luận các chủ điểm Luyện nói trong cuộc họp chuyên môn để chia sẻ và cùng thống nhất phương án dạy cho các bài trong tuần.

+ Tổ chức chuyên đề Học vần, Tập đọc [tiết 2] để giáo viên học hỏi kinh nghiệm của nhau.

      Như vậy mục tiêu giáo dục Tiểu học còn là xoá nạn mù chữ, dạy học sinh nghe nói đọc viết biết tính toán, có kiến thức cơ bản về tự nhiên- xã hội mà còn chú trọng rèn nhân cách con người là chính. Nhưng lòng hiếu thảo sự kính trọng ông bà cha mẹ thầy cô và người lớn tuổi phải được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, từ lời nói thái độ cử chỉ và việc làm. Điều này khẳng định vai trò to lớn của những lời nói biểu cảm của học sinh trong quá trình giao tiếp với mọi người xung quanh. Vì vậy việc rèn kỹ năng nói cho học sinh là một vấn đề vô cùng quan trọng và cần thiết . Luyện nói là một dung quan trọng giúp học sinh trau dồi khả năng diễn đạt, tự tin hơn trong giao tiếp. Chính vì thế nên cần hướng dẫn học sinh luyện nói.

Quận Hoàng Mai

Video liên quan

Chủ Đề