Review phim vô cực

“Hôm nay sẽ là ngày tàn của chúng ta.”

“Vậy nó sẽ là ngày tàn vinh quang nhất trong lịch sử.” – Okoye

Đây là hai câu thoại mở màn cho trận chiến hoành tráng cuối cùng của liên minh các siêu anh hùng bảo vệ viên đá Tâm Trí (Mind Stone), cũng chính là bảo vệ sự tồn vong của nhân loại, trước khi viên đá ấy rơi vào tay Thanos – kẻ đã chiếm hữu được năm viên còn lại (Reality Stone, Space Stone, Power Stone, Time Stone và Soul Stone) bằng việc sử dụng sức mạnh vũ lực của mình. Thanos đã quyết chí hoàn thiện vũ khí hủy diệt Găng Tay Vô Cực với mục đích đem lại sự cân bằng cho vũ trụ bằng cách khai trừ một nửa dân số (dù vô tội hay có tội) ra khỏi dòng sự sống.

Nối tiếp loạt phim về siêu anh hùng cùng với ý tưởng phim xem chừng không thể thực hiện được đó, vũ trụ điện ảnh Marvel đã cho ra mắt bộ phim siêu bom tấn Avengers: Cuộc chiến vô cực, chính thức ra mắt khán giả toàn cầu vào ngày 25/04/2018. Bộ phim có điểm IMDb ngất ngưởng: 9.1/10. Tại sao nó được đánh giá cao đến vậy? Tôi xin trả lời dưới góc nhìn cá nhân mình, đó là bộ phim có quy mô khổng lồ: Cả về thời gian, không gian, nhân vật tham gia và các tầng ý nghĩa.

Các bạn sẽ không thể theo dõi tối đa được bom tấn Avengers: Cuộc chiến vô cực nếu các bạn chưa xem hết tất cả 18 bộ phim trước đó của Marvel về các siêu anh hùng, mở màn là Iron man công chiếu lần đầu tiên cách đây 10 năm (2008). Trong bộ phim lần này, tất cả các anh hùng hiện diện, bao gồm: Captain America, Iron man, Spider man, Dr. Strange, Black Panther, Thor, Loki, Scarlet Witch, Hulk, Falcon, Vision, Hawkeye, v.v… (Để “vân vân” thực ra là nhiều quá không nhớ hết các nhân vật. Khổ!) Diễn biến phim không phức tạp như Inception, nhưng nếu không nắm bắt được những viên gạch đã xây nên từ trước, người ta cũng khó lòng theo dõi được những chi tiết của siêu phẩm này.

Phải nói rằng nếu không có sự tích lũy nội dung, ý tưởng, dàn diễn viên từ 10 năm trước thì đến hôm nay, Marvel không thể sản xuất ra được Avengers: Cuộc chiến vô cực. Bộ phim này thật sự khổng lồ nếu nhìn dưới góc độ tích hợp từ các phần tử nhỏ hơn cấu thành nên nó trong suốt ngần ấy thời gian. Riêng điều này cũng thể hiện một ý nghĩa rất mạnh mẽ rằng: Giấc mơ dù vĩ đại đến đâu chúng ta đều có thể vươn tới được, chỉ cần ta tiến lên từng bước. “Từng bước” của Avengers: Cuộc chiến vô cực chính là 18 bộ phim hoành tráng trước đó. Chỉ mới hình dung tạm vậy thôi đã thấy Marvel đã làm được một điều không tưởng.

Có thể rất lâu nữa sau bộ phim này, người ta mới lại được chứng kiến một sự cộng hưởng hoành tráng như vậy. Tính đến thời điểm hiện tại, xét về tính quy mô, khả năng tích lũy, chúng ta có thể nghĩ đến Star Wars. Nhưng khả năng làm được như Avengers là điều bất khả vì dàn diễn viên chính của Star Wars đã già nua, trong khi các nhân vật của Mavel vẫn còn rất mạnh mẽ và sung sức, thậm chí càng về sau khả năng diễn xuất của họ càng trở nên sắc bén.

Avengers: Cuộc chiến vô cực tiếp tục khẳng định sự vĩ đại của mình khi nội dung phim hướng đến chủ đề thuộc tầng mức vũ trụ, song song đó là tầng mức nhận thức tối cao của vạn vật – God, được truyền tải trong quá trình Thanos hiện thực hóa ý tưởng dường như điên rồ của mình, đó là lập lại cân bằng trong vũ trụ. Nói đến đây, tôi chợt nhớ đến bộ phim Kingsman: The Secret Service. Ở đó, Richmond Valentine, một tên nhà giàu hoang tưởng đã thực hiện ý tưởng thiết lập lại trật tự thế giới bằng việc giết bỏ một nửa dân số Trái Đất. Tất nhiên, hắn đã không thành công. Còn về việc ý tưởng của Thanos có giống như Valentine không thì tôi sẽ trình bày ở phần sau.

Bộ phim bom tấn của Marvel lần này đã quét được rất nhiều chủ đề cuộc sống cũng như các tầng ý nghĩa tương đương. Chúng được lồng ghép một cách rất khéo léo và đa dạng xuyên suốt bộ phim. Một nội dung nổi bật và đáng chú ý nhất chính là sự hiệp nhất, thống nhất, đoàn kết để đi tới chân lý cuối cùng, sức mạnh tối thượng. Tôi chưa từng chứng kiến bộ phim nào mà sự hiệp nhất từ những mảnh chia rẽ được thể hiện mãnh liệt như bộ phim này. Nó không chỉ thể hiện ở chi tiết các siêu anh hùng tụ hội, mà còn thể hiện ở chi tiết sáu viên đá Vô Cực đều quy về một mối – trong tay của Thanos và sự chú ý của toàn thảy nhân loại cũng hướng về chung một điểm – cái chết.

Nick Fury: There was an idea…

Dr. Strange: …to bring together a group of remarkable people…

Vision: …to see if we could become something more.

Thor: So when they needed us, we could fight the battles…

Natasha Romanoff: …that they never could.

Nói về sáu viên đá Vô Cực, tôi có sự liên tưởng đến các luân xa. Trong đó, luân xa thứ nhất tương ứng với Reality Stone (Màu đỏ) – người sở hữu nó có thể kiến tạo, thay đổi thực tại theo ý muốn, phá vỡ các định luật, sự logic. Luân xa thứ hai tương ứng với Soul Stone (Màu cam) – trong phim không đề cập đến chức năng của viên này, nhưng muốn có được nó, người tìm kiếm phải đánh đổi linh hồn người họ yêu nhất (Thanos đã đánh đổi mạng sống của con gái nuôi – Gamora). Luân xa này cũng được biết đến với các từ khóa là mối quan hệ (relationships, relating), cảm xúc (feelings). Luân xa thứ ba tương ứng với Mind Stone (Màu vàng) – người sở hữu nó có thể nâng cao năng lực tư duy/trí thông minh của mình, liên kết tâm trí với các tâm trí khác trong vũ trụ. Trong phim, đây là viên đá cuối cùng cần được bảo vệ. Điều này như muốn nhắn nhủ rằng tâm trí là thứ quyết định mọi sự sống còn, đây cũng hàm ý về tầm quan trọng của việc kiểm soát tâm trí, khả năng hiện thực hóa các ý tưởng thành các thực tại sống. Luân xa thứ tư tương ứng với Time Stone – người sử dụng nó có thể kiểm soát dòng thời gian, du hành, nhìn thấu thời gian. Trong khi đó, luân xa thứ tư cũng được biết như một cánh cổng (portal/gateway) để dịch chuyển giữa các thực tại/dòng thời gian khác nhau, là cầu nối giữa 3 luân xa ở dưới và 3 luân xa ở trên, đồng thời nó cũng mang ý nghĩa về tình yêu (love), lòng trắc ẩn (compassion). Trong phim, Dr. Strange đã thể hiện được hàm ý này khi anh ta đã thay đổi quyết định ban đầu của mình là giữ viên đá đến cùng dù mọi người xung quanh phải chết, để cứu mạng Iron man. Luân xa thứ năm tương ứng với Space Stone (Màu blue) và cuối cùng, luân xa thứ sáu tương ứng với Power Stone (Màu tím).

Sự liên hiệp của sáu viên đá Vô Cực trong găng tay Vô Cực của Thanos để đi đến sức mạnh tối thượng khiến tôi tiếp tục liên tưởng đến sự dịch chuyển của Kundalini qua sáu luân xa và mở tung cánh cửa cuối cùng ở luân xa thứ bảy – sự giao hòa ý thức cá nhân với ý thức vũ trụ. Thật kinh ngạc là viên đá thứ bảy có tồn tại – Ego Stone. Nó dung chứa ý thức của thực thể vũ trụ. Quả thực, Marvel không chỉ đang hướng đến sự hiện đại trong các chi tiết về công nghệ tiên tiến mà còn hướng đến sự huyền bí thông qua những biểu tượng tâm linh. Riêng cá nhân tôi cho rằng đây là một sự kết hợp đỉnh cao mà một bộ phim có thể đạt được.

Và cũng chính bởi sự tiến bước vào sự hiệp nhất tối thượng nên trong bộ phim này, tất cả các nhân vật siêu anh hùng đều dùng làm bệ phóng cho sự hiện diện của Thanos. Bất chấp trước kia các anh hùng có hoành tráng cỡ nào, khi chạm trán Thanos, tất cả đều trở nên lu mờ, bé nhỏ như số 1 so với 1 tỷ, như hạt cát với sa mạc, giọt nước với đại dương. Thanos là anh hùng của mọi anh hùng.

Để thực hiện ý tưởng cân bằng lại vũ trụ của mình, Thanos đã phải hi sinh cái tôi, không chỉ của bản thân (bằng việc chấp nhận sự quay lưng của toàn bộ thế giới, hy sinh mạng sống của người mà ông ta yêu thương nhất – con gái Gamora), mà còn của những người khác – bằng cách lấy đi sự sống của họ.

Nhắc đến đây tôi lại nhớ đến câu nói của Yoda trong phim Star Wars:

“Train yourself to let go of everything you fear to lose.”

Thanos đã làm được điều đó, ông ta đã bỏ đi tất cả mọi thứ dính mắc ở cõi cuộc đời.

Nhưng chính vì vậy, Thanos đã bị toàn bộ nhân loại hiểu nhầm là một kẻ tàn độc, máu lạnh khi gây ra những cuộc thảm sát hàng loạt. Nhưng không có ai chịu đặt câu hỏi rằng tại sao Thanos bằng mọi giá phải sở hữu cả 6 viên đá vô cực để có thể tiêu trừ một nửa dân số trong vũ trụ trong khi ông ta chỉ cần 5 viên thôi là cũng đủ sức làm việc đó. Và cũng không ai chịu đặt câu hỏi rằng sức mạnh của cái tôi/bản ngã Thanos có thể tồn tại cùng lúc với sức mạnh khổng lồ của 6 viên đá (sức mạnh của toàn vũ trụ) không? Chắc chắn là không. Ông ta sẽ nổ tung ra như tên trâu Kai trong phim hoạt hình Kungfu Panda 3 sau khi hắn đón nhận toàn bộ thần lực. Vậy nên, việc cho rằng Thanos là một kẻ máu lạnh, tồi tệ là điều hoàn toàn sai lầm. Vì Thanos xứng đáng là một vị thần.

Xuyên suốt bộ phim Thanos dễ dàng bị hiểu lầm là kẻ ác nhân vì những cấp dưới của ông ta toàn là những tên máu lạnh, cấp dưới nữa thì toàn những quái vật hình thù gớm ghiếc. Nhưng ông ta đâu còn sự lựa chọn nào khác, vì những người “tử tế, ngon lành” đều đã quay lưng lại với ý tưởng của Thanos hết rồi. Đến đây tự nhiên tôi thấy Thanos có điểm chung với gian hùng Tào Tháo trong việc dụng binh, đó là chú trọng năng lực mà không màng đến lương tâm. Trong bộ phim Avengers: Cuộc chiến vô cực, Thanos cũng chỉ cần thực hiện được mục đích cuối cùng là quy tụ đủ 6 viên đá là được, vậy nên năng lực cấp dưới là tất cả những gì ông ta cần.

Cái chết của mọi người do Thanos gây ra trong những cảnh phim ban đầu đều là các thảm họa diệt chủng – một sự cưỡng ép bằng bạo lực nên càng làm gia tăng ý tưởng của mọi người về sự vô nhân tính của ông ta. Nhưng không ai chịu hiểu rằng sự bạo lực ban đầu bắt buộc phải thực hiện và Thanos đang rất cố gắng có được 6 viên đá để những chết sau này phát ra từ bên trong mà không phải từ áp lực bên ngoài (vũ lực). Đó là cái chết tự nhiên, ông ta làm nên cái chết tự nhiên cho tất cả mọi người. Thân xác tan thành cát bụi, không xung đột, không căng thẳng, không đau đớn. Nó chỉ đơn giản xảy ra.

“You may think this is suffering. No this is salvation.” – Thanos

Nếu biết có một vị thần bằng da bằng thịt ở ngoài kia sẽ xóa sổ một nửa dân số trên Trái Đất bất kỳ lúc nào ông ta thấy sự mất cân bằng thì ngay lúc này bạn có nâng niu từng phút giây sống không? Sự thật là lúc nào vũ trụ cũng ở trong trạng thái cân bằng, sinh tử diễn ra thầm lặng từng khoảnh khắc. Nhưng vì nó quá vi tế và thầm lặng nên con người không thèm bận tâm đến sự thật là cái chết lúc nào cũng cận kề. Người ta dành sự quan tâm đến những thứ vặt vãnh khác như số tiền lương cuối tháng, thằng sếp hách dịch, người chồng ngoại tình nhiều hơn sự sống mà họ đang được hưởng trong giờ khắc hiện tại. Họ quên mất rằng mình đang sống.

Việc Thanos thiết lập cân bằng trên quy mô vũ trụ sẽ mang đến một động lực thức tỉnh khủng khiếp. Vì khi ấy, toàn thảy con người đều hướng về một điểm, như tôi đã nói, cái chết.

Không ai có quyền lực khi đứng trước cái chết, kể cả các siêu anh hùng. Thanos đã trở thành cái chết, đã hi sinh cái tôi của mình tất cả để cho mọi người thấy được sự thật đó. Chúng ta không nhìn thấy thần chết bao giờ, nhưng ở đây Thanos đã hiển lộ đúng là một vị thần. Mọi nỗ lực chống lại cái chết, ngăn chặn cái chết diễn ra vẫn thuộc về cái tôi. Sự nỗ lực đó phải biết quy hàng. Khi một người không còn siết chặt sự sống nữa, sự sống mới tuôn chảy. Thanos đã khiến cho toàn bộ nhân loại đối mặt với bản ngã của họ, với nỗi sợ hãi lớn nhất trong cuộc đời họ – nỗi sợ chết, sợ đánh mất người mình yêu thương nhất. Ở đây, cái chết là người thầy vĩ đại nhất dạy ta về lòng biết ơn. Cái chết cũng gợi nhắc về sự sống, vòng quay mới của sự sống, sự tái sinh ở một mức nhận thức phát triển hơn.

“In time, you will know what it’s like to lose. To feel so desperately that you’re right. Yet to fail all the same. Dread it. Run from it. Destiny still arrives.” – Thanos

Bộ phim kết thúc là hàng loạt sự tan rã thân xác, bất kể là siêu anh hùng hay quái vật. Cảnh phim được tái hiện rất nhẹ nhàng, thanh thản, bình an, các nhân vật hoàn toàn không chút kháng cự. Còn Thanos thì lần đầu tiên hé nở một nụ cười mãn nguyện. Dù bộ phim không hé lộ diễn biến thế giới sẽ ra sao sau khi một nửa loài người đã đi về cõi chết, nhưng chúng ta có thể đoán rằng sau đó, những người ở lại sẽ trân trọng nhau và trân trọng cuộc sống hơn trước kia rất nhiều. Những tỵ hiềm, ganh đua, đấu đá, xung đột, mâu thuẫn đều trở nên bé nhỏ vì con người đã được diện kiến một sức mạnh vĩ đại khôn cùng, đó là cái chết.

Tôi cho rằng kết thúc phim này là hoàn hảo và tuyệt đối đúng thời điểm, không quá nhanh cũng không quá trễ. Nếu có người bảo rằng cái kết lãng xẹt, nhạt nhẽo thì chẳng qua họ không hiểu toàn bộ diễn biến trước đó của bộ phim mà thôi.

Chưa dừng lại ở đó, Avengers: Cuộc chiến vô cực còn thể hiện được những nội dung sâu sắc khác:

  1. Sức mạnh ý chí của con người trong việc hiện thực hóa một ý tưởng dù bé nhỏ hay khổng lồ.
  2. Niềm tin vào những điều tốt đẹp có thể xảy ra dù nó chỉ mang xác suất cực nhỏ (trong phim xác suất đó là 1/14 triệu.)
  3. Tính kỷ luật cần thiết khi đứng trước những cám dỗ hay sóng gió cuộc đời.
  4. Sự phát triển của khoa học công nghệ sẽ song hành cùng sự phát triển nhận thức tâm linh của con người.

Có người nói rằng bộ phim có đôi lúc hài quá lố, xàm xí. Riêng tôi thì không thấy như vậy. Những chi tiết hài chỉ cho thấy rằng trong những tình huống ngặt nghèo, nghiêm trọng, người ta vẫn giữ được sự lạc quan, sự nhạy bén của trí óc vẫn không bị ảnh hưởng. Nên càng xàm bao nhiêu càng thấy rõ bản lĩnh của người chơi bấy nhiêu. Chưa kể, khi chứng kiến một nội dung khổng lồ về sức mạnh tối thượng, sự hòa nhập với vũ trụ rồi thì mấy chuyện xàm kia cũng chẳng đáng để bận tâm lắm, nếu thật sự không thích chúng. Ngay đến cả việc nhớ tên các nhân vật siêu anh hùng cũng chẳng còn quan trọng nữa.

Về hình thức, tôi không còn gì phải bàn luận nhiều, bộ phim có dàn diễn viên xuất sắc, kỹ xảo thượng hạng, góc quay và nhạc phim hùng tráng. Nếu xem Avengers dưới dạng 3D thì các giác quan sẽ còn được thỏa mãn hơn nữa. Bộ phim diễn biến vô cùng lôi cuốn, nhiều pha lật ngược tình thế khiến người xem bất ngờ, choáng váng, kích thích não bộ làm việc liên tục.

Review phim vô cực

Tôi không tìm ra được điểm nào không hài lòng với bộ phim này. Phải nói rằng, đây là bộ phim hùng tráng nhất mà tôi từng được xem và cũng là bộ phim mang lại rung động mãnh liệt nhất mà tôi từng trải qua.

10/10 là điểm tôi dành cho Avengers: Cuộc chiến vô cực.

“When I’m done, half of humanity will still exist. Perfectly balanced – as all things should be. I hope they remember you.” – Thanos

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Theo triethocduongpho.com