Sinh hoạt đảng là gì

Chi bộ Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm thuộc Đảng bộ phường Tân Sơn Nhì [quận Tân Phú] trong một cuộc sinh hoạt chi bộ.

[Stxdd.thanhuytphcm.vn] - Về nguyên tắc, việc sinh hoạt của tổ chức đảng [cấp ủy, chi bộ, đảng bộ…] có nghĩa là làm cho tổ chức đảng tồn tại và sống động. Một tổ chức đảng không có sinh hoạt thì khi các quyết định lãnh đạo được đưa ra dưới danh nghĩa của tổ chức đảng thực chất chỉ là của cá nhân nào đó đang chi phối tổ chức đảng đó. Do đó, xét theo nghĩa rộng, sinh hoạt đảng là tất cả các hoạt động của tổ chức đảng, bao gồm sinh hoạt của cấp ủy [nếu chi bộ có cấp ủy hoặc đảng viên đó là cấp ủy viên], sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt đột xuất, các hoạt động khác [kiểm điểm, nghe báo cáo thời sự, tổ chức kết nạp đảng, hoạt động kiểm tra của tổ chức đảng, hoạt động chất vấn…]. Trong nhiều trường hợp, sinh hoạt chi bộ là một hình thức của sinh hoạt đảng nói chung; và theo nghĩa hẹp nhất, sinh hoạt chi bộ còn có nghĩa là các cuộc họp định kỳ của chi bộ [hàng tháng, chuyên đề…].

Trong Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XI, “sinh hoạt đảng” là cụm từ được nhắc tới nhiều lần, vừa mang nghĩa hẹp vừa mang nghĩa rộng. Chẳng hạn, một trong những nội dung của Khoản 1 Điều 12 là cấp ủy viên phải “chấp hành nghiêm chỉnh nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Trường hợp này, sinh hoạt đảng mang nghĩa rộng. Còn nội dung ở Khoản 1 Điều 8 quy định: “Đảng viên bỏ sinh hoạt chi bộ hoặc không đóng đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng; đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, không làm nhiệm vụ đảng viên, đã được chi bộ giáo dục mà không tiến bộ thì chi bộ xem xét, đề nghị lên cấp có thẩm quyền xóa tên trong danh sách đảng viên” thì có hàm ý mang nghĩa hẹp, chỉ việc tham dự các kỳ họp định kỳ của chi bộ.

Còn Khoản 2 Điều 23 quy định tổ chức cơ sở đảng có nhiệm vụ “nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỷ luật và tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng” có thể hiểu đồng thời theo nghĩa hẹp, tức là có những giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng các cuộc sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề, đồng thời theo nghĩa rộng là phải nâng chất tất cả các hoạt động của tổ chức đảng đó.

Một trong những quy định quan trọng điều chỉnh về sinh hoạt chi bộ là Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư khóa X về “nâng cao chất lượng sinh hoạt ở chi bộ”. Chỉ thị 10 nêu một số nhiệm vụ quan trọng trong vấn đề sinh hoạt chi bộ, đó là:

- Cấp ủy, chi bộ phải thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt đảng theo Điều lệ Đảng. Nội dung sinh hoạt chi bộ phải thực hiện đúng nguyên tắc để tổ chức và sinh hoạt đảng, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu, để mọi đảng viên hiểu và xác định rõ vị trí, nhiệm vụ của mình...

- Sinh hoạt chi bộ phải kịp thời phổ biến quán triệt nghị quyết và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, các chủ trương, chính sách pháp luật mới của Đảng và Nhà nước, tình hình thời sự trong và ngoài nước cho đảng viên; tập trung thảo luận thẳng thắn và giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của chi bộ đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đảng viên và quần chúng.

- Phải thực sự mở rộng và phát huy dân chủ, nhất là việc thảo luận, quyết định những vấn đề thuộc chức năng nhiệm vụ của chi bộ và trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của đảng viên, tạo được không khí cởi mở chân thành để mọi cán bộ, đảng viên bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, bảo vệ những đảng viên thẳng thắn đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, tiêu cực, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất và tình thương yêu đồng chí trong Đảng…

- Thông qua sinh hoạt chi bộ hằng tháng, cấp ủy phải nắm được tình hình tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, kể cả đảng viên do cấp ủy cấp trên quản lý; kịp thời bồi dưỡng, khen thưởng những đảng viên gương mẫu, có thành tích xuất sắc và giúp đỡ, giáo dục, xử lý những đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm hoặc vi phạm nguyên tắc sinh hoạt đảng và tiêu chuẩn đảng viên…

Trên cơ sở Chỉ thị này, ngày 25/5/2007, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW về “nội dung sinh hoạt chi bộ trong các loại hình tổ chức cơ sở đảng”. Trong đó, Hướng dẫn nêu yêu cầu chi ủy, chi bộ trong các loại hình tổ chức cơ sở đảng cần thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần theo quy định của Điều lệ Đảng; sinh hoạt chi ủy, chi bộ phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc của Đảng, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của chi bộ; bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu. Trong sinh hoạt chi bộ cần thường xuyên đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện các nhiệm vụ của chi bộ...

Hướng dẫn này nêu một số nội dung cụ thể đối với từng loại hình chi bộ, như chi bộ thôn, xóm, ấp, bản, tổ dân phố, chi bộ trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp [trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu...], chi bộ trong các doanh nghiệp nhà nước, chi bộ trong doanh nghiệp có vốn của nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước liên doanh với nước ngoài, chi bộ trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, chi bộ trong lực lượng vũ trang [quân đội, công an]. Với mỗi loại hình khác nhau thì có nội dung sinh hoạt không giống nhau, dù có cùng những yêu cầu tương tự nhau.

Tiếp đó, ngày 2/3/2012, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW “hướng dẫn thực hiện về nội dung sinh hoạt chi bộ”, thay thế cho Hướng dẫn 05. Đến ngày 22/9/2017, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 18-KL/TW về “tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X “về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” trong tình hình mới”. Kết luận nêu rõ: “Cấp ủy đảng các cấp, nhất là cấp ủy cấp trên trực tiếp của chi bộ phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tập trung chấn chỉnh và khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém trong sinh hoạt chi bộ. Phân công cấp ủy viên, cán bộ các ban của cấp ủy dự, theo dõi, hướng dẫn sinh hoạt của các chi bộ trong đảng bộ cơ sở mình. Quan tâm củng cố, giúp đỡ các chi bộ nông thôn vùng khó khăn, những chi bộ còn yếu kém, chi bộ trong doanh nghiệp ngoài nhà nước”.

Ngày 6/7/2018, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW về “một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, thay thế cho Hướng dẫn 09. Hướng dẫn này đặt ra một yêu cầu quan trọng là “các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương về sinh hoạt chi bộ; tăng cường lãnh đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ”. Đồng thời, “chi ủy phải chuẩn bị tốt và thường xuyên đổi mới nội dung sinh hoạt bảo đảm đúng quy định, hướng dẫn của cấp trên, phù hợp với tình hình, đặc điểm của chi bộ; nâng cao hiệu quả lãnh đạo thực hiện nghị quyết của chi bộ”... Hướng dẫn cũng nêu cụ thể và chi tiết về công tác chuẩn bị và các bước sinh hoạt chi bộ, nội dung sinh hoạt chi bộ, khung tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ…

Hướng dẫn số 12 hiện tại là quy định có giá trị thi hành về sinh hoạt chi bộ, bên cạnh Kết luận 16 và Chỉ thị 10. Tuy nhiên, những nội dung của các hướng dẫn trước đây vẫn nên được tìm hiểu, nghiên cứu và vận dụng một cách phù hợp, linh hoạt nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong thực tiễn.

Vân Tâm

Tin liên quan

Sinh hoạt chi bộ là nghĩa vụ, trách nhiệm hết sức quan trọng của mỗi chi bộ và đảng viên. Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chi bộ và có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, giúp đảng viên nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng và thực hiện chức năng lãnh đạo, giáo dục của chi bộ. Đảng ta đã nhiều lần đề cập việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, trong đó có Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 2-3-2012 của Ban Tổ chức Trung ương.

Nói sinh hoạt chi bộ là hoạt động rất quan trọng, bởi có các ý nghĩa sau:

Thứ nhất, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Với vai trò lãnh đạo toàn diện, tổ chức đảng luôn thể hiện được khả năng định hướng, dẫn dắt, quyết định… các hoạt động của cơ quan, đơn vị và các đoàn thể trong cơ quan, đơn vị cùng các hoạt động của đảng viên trong khuôn khổ thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Vai trò đó có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị cũng như tham gia tích cực vào công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

Vì ý nghĩa đó, trong một cuộc sinh hoạt chi bộ có chất lượng, các vấn đề, nhất là các khiếm khuyết, hạn chế của chi bộ, của cơ quan, đơn vị, của các đoàn thể và của từng đảng viên, được đưa ra phân tích, làm rõ… nhằm khẳng định cái đúng, phê bình và đấu tranh với cái sai. Qua đó, tổ chức và đảng viên tích cực được biểu dương, được động viên và tiếp tục phát huy; các tổ chức và cá nhân có sai sót, hạn chế được góp ý, rút kinh nghiệm nhằm sửa chữa hoàn thiện hơn. Nếu một tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh sẽ không có hoặc có rất ít những đảng viên suy thoái, biến chất; ngược lại, nếu tất cả hoặc tuyệt đại đa số đảng viên gương mẫu, vững vàng, có năng lực, phẩm chất tốt… sẽ góp phần quyết định vào việc xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

Thứ hai, nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đảng viên.

Các chi bộ trong tất cả các loại hình tổ chức đều phải thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ theo quy định của Điều lệ Đảng và hoạt động của các tổ chức đảng cũng phải tuân thủ theo các quy định của Đảng. Bên cạnh đó, tổ chức đảng và đảng viên còn phải tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật, trong việc quản lý, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Do đó, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ luôn gắn với việc không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực hiện các chủ trương, đường lối đó trong điều kiện cụ thể của mình.

Vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng thông qua các cuộc sinh hoạt chi bộ là tác động, thúc đẩy, định hướng, giám sát và kiểm tra để cơ quan, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong các cuộc sinh hoạt chi bộ, công tác xây dựng Đảng và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị luôn được đặt song song, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh là để thực hiện nhiệm vụ chính trị tốt hơn và thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng chính là để góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh. Do đó, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ luôn có ý nghĩa tạo ra động lực, phương hướng, giải pháp một cách hợp lý nhất, hiệu quả nhất để thực hiện thành công đồng thời hai nhiệm vụ đó. Từ đây, nhận thức và ý thức tự giác của mỗi đảng viên được nâng cao, tính tiên phong, gương mẫu cũng được thể hiện rõ nét.

Thứ ba, giúp đảng viên nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện tốt nhiệm vụ.

Đảng ta có 5 nguyên tắc tổ chức và hoạt động, gồm: nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh và tự giác, nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng. Các nguyên tắc này phải được thể hiện ở từng đảng viên thì tổ chức đảng và toàn Đảng mới có thể thực sự trong sạch, vững mạnh và khẳng định được vai trò cũng như sức chiến đấu của mình.

Với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, các đảng viên được nâng cao ý thức trách nhiệm, được học tập, được động viên, kích thích sự tu dưỡng, rèn luyện, từ đó thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên. Thậm chí, với tính kỷ luật, sự gương mẫu… các đảng viên không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng một cách nghiêm túc, thiết thực. Bởi sự thể hiện của mỗi cá nhân đảng viên có tác động đến sự thể hiện [chính là vai trò lãnh đạo] của tổ chức đảng, nếu tất cả đảng viên đều gương mẫu, tích cực thì tổ chức đảng vững mạnh, có khả năng thuyết phục được quần chúng; ngược lại, nếu nhiều đảng viên tha hóa, biến chất, thiếu gương mẫu thì tổ chức đảng mất dần vai trò của mình.

Cũng thông qua việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, các đảng viên được rèn luyện để nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật, tinh thần tự phê bình và phê bình, tăng cường đoàn kết, thống nhất và tình thương yêu đồng chí. Có thể nói, sinh hoạt chi bộ là một dịp để mỗi đảng viên được trải nghiệm, được học, được rèn giũa các phẩm chất đó. Vì vậy, một cuộc sinh hoạt chi bộ nhàm chán, đơn điệu không chỉ làm mất dần vai trò lãnh đạo của chi bộ mà còn làm các đảng viên mất tính năng động, sáng tạo, tăng tính thụ động và sức “ỳ”.

Sinh hoạt có chất lượng chính là dịp để các đảng viên bộc lộ mình một cách rõ ràng, cụ thể, qua đó có thể nắm chắc tình hình tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên và có biện pháp cụ thể để xây dựng đội ngũ đảng viên và xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.

ThS. Nguyễn Xuân Ngọc

Video liên quan

Chủ Đề