Tại sao bố mẹ nên dành thời gian cho con cái

Thời nay, không ít cha mẹ lo lắng đến nhiều hiểm nguy khi con ở nhà chơi nên tìm phương án thay thế bằng cách gửi con vào siêu thi điện máy, ngồi một chỗ lướt game, mát mẻ, có nhân viên siêu thị để mắt trông chừng.

Những đứa trẻ smart phone giờ nhan nhản, không chỉ ở các thành phố lớn bố mẹ bận rộn đi làm mà ngay ở nông thôn, nếu cha mẹ không nghiêm khắc nhắc nhở thì con sẽ dễ dàng nghiện điện thoại. Cha mẹ muốn rảnh rỗi yên thân làm thêm, làm việc nhà hay đơn giản là tán gẫu trên mạng, lướt facebook không muốn con ỉ ôi, mè nheo, khóc mếu là đưa ngay cho con điện thoại.

Điều này thật tai hại, trẻ con khi nghiện game, nghiện điện thoại sẽ lười vận động, mệt mỏi, lờ đờ, luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu khi bố mẹ đòi lại điện thoại. Những tác hại rõ rệt khi trẻ con nghiện điện thoại, ti vi là thị lực suy giảm rõ rệt, tính khí các con hung hăng, sẵn sàng khẩu chiến ngay với người thân trong gia đình để đòi quyền lợi chơi điện thoại. Con trai chơi game bạo lực bắn giết, con gái tải clip trang điểm làm đẹp, nhạc chế sống sượng dung tục rồi học thuộc, hát theo như một cách giải trí thời thượng.

Tôi từng biết có những phụ huynh mê mải kiếm tiền, nhận việc về nhà làm thêm mà rối bời vì hai con nhỏ. Vậy là bố mẹ để con xem ti vi suốt cả ngày, con chán ti vi thì chơi điện thoại. Thậm chí bố mẹ cày công việc trên máy tính tới 11-12 giờ đêm thì con cũng ung dung xem ti vi, chơi điện thoại đến khi bố mẹ xong việc mới chịu đi ngủ.

Sau mấy năm như thế, con anh chị thị lực bị suy giảm rõ rệt, mắt cận thị mắt loạn thị phải đeo kính mấy năm nay. Anh chị thấy mình đã sai lầm khi chưa dành thời gian hợp lý cho con. Họ bớt việc làm thêm, chủ động cùng vui chơi với con, dạy con làm việc nhà, hạn chế hết mức cho con dùng điện thoại và xem ti vi, tìm cách kéo con ra ngoài vui chơi, chạy nhảy, chơi thể thao với các bạn.

Nhưng vẫn có nhiều cha mẹ chiều con, mủi lòng khi con năn nỉ đòi chơi điện thoại, dù nhận ra tác hại của việc con dán mắt vào điện thoại mỗi ngày vài tiếng. Chị hàng xóm kể chuyện về con với vẻ mặt rầu rĩ: "Ngày bé, con xinh lắm, mắt tròn xoe, mình để con chơi điện thoại nhiều giờ thấy con lác một bên mắt". Chị vẫn không kiên quyết khi con xin xỏ, đòi chơi điện thoại vì lý do chị còn mải theo dõi phim dài tập, mải làm việc nhà nên con cứ nheo nhéo bên tai là không chịu được, thôi quẳng cho chúng nó cái điện thoại để mẹ còn thoải mái xem phim, làm việc, bếp núc. Lũ trẻ chỉ đợi mẹ ừ một tiếng là hò reo sung sướng, là dí mắt vào điện thoại cười rúc rích.

Cha mẹ thở than thời buổi công nghệ, điện thoại làm hư trẻ con. Tôi cho rằng, chẳng có điện thoại thông minh nào làm hư con bạn nếu như bạn không chiều con mọi lúc, mọi nơi. Tôi áp dụng phương pháp đơn giản nhất là chỉ cho con chơi điện thoại chừng 1 tiếng/ngày vào 2 ngày cuối tuần, khi mẹ thực sự rảnh rỗi để kiểm soát thời gian con sử dụng. Tôi khuyến khích con ra ngoài vận động thể thao cùng các bạn, đá bóng, đá cầu, chơi cờ vua, thỉnh thoảng đi bơi. Con có bộ sưu tập truyện tranh Đô rê mon cùng một số truyện cổ tích, truyện thiếu nhi khác nên các bạn hay tới chơi, mượn truyện hoặc đọc truyện ngay tại nhà tôi.

Có rất nhiều phụ huynh không thích trẻ con tụ tập tại nhà mình vì chúng nghịch ngợm, bày bừa, ồn ào nên chỉ cần trẻ nhà khác lấp ló ngoài cửa là đã xua tay. Trẻ con không thể ngồi yên trong nhà, chúng ghét cảnh một mình. Trẻ con thích có bạn chơi, thích có không gian để cả lũ tập hợp chơi chung trò chơi gì đó. Bố mẹ đều phải đi làm, trẻ con xóm tôi tự xoay sở chơi với nhau, từ nhà nọ tới nhà kia, đứa lớn trông đứa bé, anh chị bày trò cho các em chơi.

Còn những hôm nghỉ làm, tôi dạy các con làm việc nhà theo kiểu vừa học vừa chơi với con gái bé, giao khoán việc cho con trai lớn. Thỉnh thoảng tôi rủ lũ trẻ đạp xe đi chơi cánh đồng, khám phá phiên chợ quê sống động với dãy hàng hoa cây cảnh, dãy bán vật nuôi, hàng bán nông cụ mà các bé chưa bao giờ biết tới. Tôi dạy con cách đọc sách, cảm nhận vẻ đẹp ngôn ngữ, những lời nhắn nhủ mà tác giả gửi gắm trong mỗi câu chuyện nhỏ.

Thực ra tôi không phải là phụ huynh sáng tạo mà tôi chỉ lặp lại đúng theo cách bố mẹ tôi từng làm với các con khi chúng tôi còn nhỏ. Ngày trước, bố mẹ cứ đến hè là giao cho anh em tôi nuôi bầy gà vịt để có tiền mua quần áo, sách vở cho năm học mới. Tôi ở khu tập thể chật chội, vẫn áp dụng được cách làm này bằng việc khuyến khích, giao việc nhà cho con làm và có phần thưởng tặng các con. Dạy con làm việc nhà mất thời gian, nhưng phải vẽ việc ra cho lũ trẻ mới nhanh hết ngày, lũ trẻ sẽ háo hức khi được mẹ dạy cách nhặt rau muống, tuốt rau ngót, thái cà tím, bổ cà chua, nặn bánh trôi, bánh rán, rửa ốc, luộc ốc, cách pha nước chấm hợp với từng món ăn khác nhau.

Nhiều cha mẹ than thở không có tiền cho trẻ tham gia trại hè, học kì quân đội để trẻ mở mang, hiểu biết, bạo dạn... Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là cha mẹ hãy dành thời gian cho các con, cùng vui chơi với con trong dịp nghỉ hè. Bạn có thể dạy con biết bao điều lý thú từ những thứ gần gũi xung quanh các con, chỉ có điều bạn có dành thời gian xứng đáng cho lũ trẻ hay không?

Thanh Mai

[Thị trấn Đông Anh, Hà Nội]

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email .

Xin trân trọng cảm ơn!

Có một bài học làm cha mẹ mà tôi tuyệt đối tin tưởng, đó là câu nói của tác giả người Nhật Bản Ibuka Masaru trong cuốn sách ''Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn'': “Thứ duy nhất mà cha mẹ cần làm đó là hãy dành nhiều thời gian hơn để yêu thương con." “Nhiều thời gian hơn để yêu thương con” ư? Chẳng phải là chúng ta đang dành trọn thời gian và sức lực của mình để mang đến cho con những gì tốt nhất sao? Chúng ta làm thêm giờ, ưu tiên các cuộc hẹn với đối tác và khách hàng, đi công tác gần xa… tất cả là để đảm bảo thu nhập ổn định, đủ để con được học trường tốt, đi du lịch nước ngoài, mặc quần áo hàng hiệu, sở hữu những món đồ chơi đắt tiền… Tất nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc mỗi ngày trôi qua trong sự cuống cuồng, vội vã và vô số những tiếng giục giã, mắng mỏ, càu nhàu, than phiền, thở dài. Thời gian đối với những ông bố bà mẹ có con nhỏ luôn là thứ xa xỉ, bởi vì chúng ta đang dùng thời gian đó để “sống vì con” chứ không phải “sống cùng con".

Tôi nhớ mãi một bài viết có tên “10 phút kỳ diệu” của một người mẹ. Chị chia sẻ một bộ phim tài liệu về việc điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý [ADHA – Attention-deficit hyperactivity disorder] cho trẻ mắc bệnh ở Đan Mạch. Trong một lộ trình điều trị kéo dài từ 4 đến 8 tuần, “liều thuốc” đầu tiên và quan trọng nhất mà các bác sỹ yêu cầu cha mẹ có con mắc bệnh phải thực hiện đó là thực-sự-dành-cho-con-10-phút-mỗi-ngày. Đó là khoảng thời gian mà bố mẹ phải gạt bỏ mọi thứ, dành trọn tâm trí, trái tim và cả đam mê của mình để ngồi xuống chơi cùng con, giúp con thư giãn, tập trung vào một việc gì đó. Bộ phim khép lại bằng những giọt nước mắt ở đúng khoảnh khắc nhiều bậc phụ huynh nhận ra mình đã không hiểu gì về thế giới của con và 10 phút kỳ diệu thực sự đã giúp con họ giảm hẳn các dấu hiệu của bệnh sau 8 tuần điều trị, chứ không cần đến bất kỳ loại thuốc đặc trị nào. Cách đây ít lâu, một người bạn gửi cho tôi đoạn clip kể lại câu chuyện cậu bé Noah muốn mời mẹ đến xem vở kịch mà cậu biểu diễn ở trường. Người mẹ một nách hai con, cả ngày bù đầu với hàng tỷ công việc, từ bỉm sữa đến công sở, thậm chí không đủ thời gian để dừng lại nghe hết câu chuyện mà cậu con trai muốn nói. Noah đã quyết định làm hết các công việc nhà mà mẹ vẫn phải làm. Mỗi khi hoàn thành một phần việc, cậu ghi lại số thời gian đã dùng, cho đến khi có đủ 120 phút - là độ dài vở kịch mà cậu sẽ diễn. Noah đã tìm cách “mua” thời gian của mẹ để “mẹ có thể đến buổi biểu diễn của con. " Đoạn video cũng kết thúc bằng những giọt nước mắt đầy ngỡ ngàng của mẹ Noah. Tôi thấy hình ảnh của mình trong những thước phim và câu chuyện đó. Những buổi sáng cáu kỉnh giục con “nhanh lên đi," những buổi chiều hứa đón con đúng giờ rồi thất hứa, những buổi tối chỉ muốn nhanh chóng “tống” con lên giường để mình còn làm việc… Tôi hiểu ra rằng, dành thời gian cho con thực ra không phải là việc bạn có thể cho con bao nhiêu tiếng mỗi ngày, mà là bạn sử dụng nó như thế nào. Vì thế, dù chỉ 10 phút mỗi ngày nhưng thực sự chất lượng thì đó chính là món quà tuyệt vời nhất mà bạn có thể dành cho con.


Và đây là những lời khuyên giúp bạn có thể dành tặng cho con 10 phút kỳ diệu mỗi ngày.

10 phút chào buổi sáng

Một ngày mới của con sẽ tuyệt vời hơn nếu được bố mẹ đánh thức bằng một cái ôm thật chặt, những nụ hôn thật kêu lên trán và lắng nghe lời thủ thỉ của con về giấc mơ đêm qua… Bố mẹ có thể cùng con tập những bài thể dục vui nhộn với âm nhạc hay đọc một cuốn sách mà con yêu thích. Những cử chỉ âu yếm và lời nói ngọt ngào của bố mẹ mỗi sáng luôn là chất xúc tác hoàn hảo giúp con khởi đầu ngày mới sảng khoái và nhiều tiếng cười.

10 phút sau khi tan trường

Mọi em bé đến trường đều có một ước mơ vô cùng giản dị: Được bố mẹ đón sớm, hoặc ít ra là đúng giờ. Và niềm vui không gì sánh được của con chính là được ùa vào lòng bố mẹ sau mỗi giờ tan trường. Vì thế, nếu có thể, hãy dành sự ưu tiên cho việc đón con vào mỗi buổi chiều. 10 phút sau khi tan trường là lúc bạn có thể cùng con chơi một trò chơi mà con yêu thích ngay tại sân trường, cùng con chia sẻ những điều vui vẻ mà con trải qua trong ngày… Hãy thay đổi câu hỏi quen thuộc: “Hôm nay con đi học có vui không?” bằng một câu cụ thể hơn như: “Điều gì khiến con vui/buồn nhất hôm nay? Con chơi với bạn nào? Con ngồi cạnh bạn nào lúc ăn trưa? Cô giáo của con hôm nay mặc áo màu gì?”… Những câu hỏi thể hiện sự quan tâm của bố mẹ tới cảm xúc và trải nghiệm của con ở trường sẽ giúp trẻ cởi mở và tự tin chia sẻ hơn. Đây là khoảng thời gian cực kỳ hiệu quả để bố mẹ thấu hiểu những khó khăn mà con đang trải qua ở trường, một cách thật đơn giản để tình cảm gia đình gắn bó bền chặt.


10 phút trước khi đi ngủ

Trong một bài báo có tên “10 phút quan trọng nhất trong ngày của trẻ” đăng trên tạp chí chuyên về tâm lý học Psychology Today, tiến sỹ Kenneth Barish – tác giả của cuốn sách ''Pride and Joy: A Guide to Understanding Your Child’s Emotions and Solving Family Problems'' [Sự kiêu hãnh và niềm vui - Con đường để hiểu cảm xúc của con và giải quyết mâu thuẫn gia đình] từng giành giải thưởng Sách quốc tế năm 2013 cho rằng: “10 phút trước khi đi ngủ là 10 phút quan trọng nhất trong một ngày của trẻ." Ông khuyên các bậc cha mẹ nên dành 10 phút này để trò chuyện với con, lắng nghe và giải quyết những mâu thuẫn, hiểu lầm trong ngày bằng những lời thủ thỉ ấm áp. Điều này thực sự giúp những tổn thương mà trẻ gặp phải nhanh chóng được chữa lành, trẻ được thư giãn và có giấc ngủ tốt hơn. Những thói quen trước giờ đi ngủ như đọc sách, massage hay hát ru cho con cũng là điều tuyệt vời mà bố mẹ nên làm trong 10 phút kì diệu này.

Đừng bỏ lỡ những dịp đặc biệt

Bạn không thể dùng tiền để mua được khoảng thời gian mà các con đang lớn lên, nó trôi qua rất nhanh và không bao giờ quay trở lại. Vì thế, đừng bỏ lỡ những cột mốc quan trọng của con, những khoảnh khắc mà con thực sự cần có sự hiện diện của bạn để được khích lệ, động viên, vui sướng và tự hào với những trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc sống của con. Buổi biểu diễn đầu tiên của con, trận thi đấu thể thao cuối cùng ở bậc tiểu học, buổi triển lãm mà con mong chờ nhất… Hãy ở bên con vào những khoảnh khắc đặc biệt đó để con cảm nhận được rằng, với bạn, con chính là điều đặc biệt và quan trọng nhất.

10 phút chỉ là một góc vô cùng bé nhỏ trong quỹ thời gian làm cha mẹ của mỗi chúng ta, nó có thể được bớt ra từ một buổi nhậu, từ một trận tennis sau giờ làm của bố, từ một buổi shopping hay tập yoga của mẹ… nhưng lại mang đến những trải nghiệm cảm xúc vô cùng tuyệt vời cho trẻ, đó chính là cảm giác được lớn lên cùng bố mẹ!

Video liên quan

Chủ Đề