Tại sao phải đổi cmnd

Người dân ở Hà Nội làm thẻ căn cước công dân gắn chip lưu động tại trụ sở Công an Hà Nội - Ảnh: Báo Lao Động

Các kênh thông tin đại chúng, từ loa phường, đài truyền hình quốc gia cho đến các trang báo, trang tin điện tử lớn nhỏ đều có nói về việc toàn dân sẽ bắt đầu chuyển sang sử dụng loại Căn cước công dân [CCCD] mới, có gắn chip điện tử ngay trong năm 2021.

Mình viết bài này nhằm tổng hợp tất cả các thông tin bạn cần biết về loại thẻ Căn cước mới này, và cả các câu hỏi bên lề khác như ngày đổi, các mức biểu phí,... cùng theo dõi nhé!

Căn cước công dân mới có gắn chip dùng để làm gì?

Cổng thông tin Bộ Công an Tỉnh Tiền Giang thông tin, thẻ CCCD có gắn chip điện tử, còn gọi là thẻ Căn cước điện tử [e-ID] là một loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, có thể đóng vai trò thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

Nó có giá trị chứng minh về căn cước công dân và cho phép người dùng tiếp cận nhiều dịch vụ vốn đòi hỏi hàng loạt giấy tờ khác nhau.Thẻ CCCD gắn chip sẽ lưu trữ những đặc điểm nhận dạng bằng hình ảnh, vân tay và sinh trắc học.

Lợi ích của CCCD mới - Ảnh: TTXVN

Qua đó, có thể phòng tránh được việc các loại giấy tờ bị giả mạo cũng như chi phí cho việc công chứng giấy tờ truyền thống, tạo sự thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch vụ trực tuyến của Chính phủ điện tử.

Có bắt buộc phải chuyển không và khi nào thì chuyển?

Trích dẫn từ tờ Luật Việt Nam, Thông tư 06/2021/TT-BCA, Bộ Công an đã quy định về mẫu thẻ Căn cước công dân, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành, 23/01/2021.

Vì thế, từ cuối tháng 01/2021, Bộ Công an đã tiến hành cấp CCCD gắn chip thay cho CCCD mã vạch.

Theo khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước công dân 2014, đối với người dân ở các địa phương đã tiến hành cấp thẻ CCCD, CMND đã được cấp trước ngày 01/01/2016 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định.

Khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ CCCD. Không có quy định bắt buộc người dân đang sử dụng CMND chưa hết hạn phải đổi sang CCCD trong năm nay.

Ảnh: Thư Viện Pháp Luật

Về chi phí, theo Điều 1 Thông tư 112, từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 30/6/2021, Bộ Tài chính giảm lệ phí cấp Căn cước công dân [CCCD] bằng 50% mức thu lệ phí nêu tại Điều 4 Thông tư 59/2019/TT-BTC. Theo đó, mức tiền phải nộp khi cấp CCCD cụ thể là:

Biểu phí đổi căn cước công dân - Ảnh: Luật Việt Nam

Tóm lại, khi xin cấp đổi, cấp lại CCCD gắn chip trước 30/6/2021, lệ phí chỉ còn một nửa.

Với những tiện ích nêu trên, dù không bắt buộc nhưng người dân vẫn nên nhanh chóng đi làm CCCD để tiết kiệm chi phí, an toàn, tiện lợi.

Hướng dẫn làm thủ tụcđổi thẻ CMND sang thẻ CCCD

Ảnh: Báo Giao Thông

Trang Thư Viện Pháp Luật có giải thích về đối tượng như sau, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp thẻ Căn cước công dân [khoản 1 Điều 19 Luật Căn cước công dân 2014]. Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi [Điều 21].

Ngoài ra, những ai đã có chứng minh nhân dân [9 số và 12 số], thẻ Căn cước công dân mã vạch được đổi sang thẻ Căn cước công dân gắn chip khi có yêu cầu hoặc khi thẻ cũ hết hạn.

Còn thủ tục đổithẻ CMND sang thẻ CCCD, 24h Công Nghệ đã có một bài viết hướng dẫn rất cụ thể, mời bạn tham khảo:Hướng dẫn cách đổi thẻ CMND sang thẻ Căn cước công dân [CCCD] mới nhất.

Ngoài ra bạn nên tham khảothêm cách làm Căn Cước Công Dân [CCCD] gắn chip ngay tại nhà bằng Zalo, giúp bạn tiết kiệm thời gian lên Cơ quan Hành chính, rất bổ ích với những người bận rộn đấy!

Các câu hỏi khác rất được quan tâm về CCCD có gắn chip

Đây là những câu hỏi khác mình thấy được rất nhiều người dùng bình luận trên các mặt báo, và mình có tổng hợp lại và tìm lời giải đáp.

Mới đi làm lại CCCD đầu năm 2020, được cấp CCCD mẫu cũ [loại có mã vạch]. Giờ lại nghe nói cấp mới loại có gắn chip. Vậy tôi có cần đi làm lại Căn cước công dân loại có gắn chip này hay không?

Tờ Luật Việt Nam cũng giải thích: Hiện nay, chỉ những người bị mất, hỏng Chứng minh nhân dân [CMND], Căn cước công dân hoặc bị hết hạn thì mới phải đi đổi sang loại Căn cước công dân có gắn chip.

Còn những CMND, Căn cước công dân vẫn còn hạn sử dụng, không bị hỏng, bong tróc thì vẫn có giá trị sử dụng bình thường. Do đó, trong trường hợp của bạn, bạn không cần phải đi đổi sang Căn cước công dân gắn chip mà vẫn tiếp tục sử dụng Căn cước công dân mã vạch cho đến khi hết hạn.

Lỡ bị đánh rơi, làm mất, bị đánh cắp thẻ CCCD có gắn chip thì có bị rò rỉ thông tin cá nhân không?

Báo Lao Động có giải thích, CCCD gắn chip tích hợp rất nhiều thông tin cá nhân của công dân. Theo đó, nhiều công dân bày tỏ sự lo ngại nếu như đánh mất thẻ và rơi vào tay kẻ trộm, liệu có vấn đề gì không?

Theo Bộ Công an, mức độ bảo mật của chip rất cao nên thông tin định danh của công dân trên thẻ là không thể thay đổi, không thể giả mạo được. Chỉ có chủ sở hữu thẻ mới sử dụng được, nếu có bị trộm cắp cũng không bị ảnh hưởng gì.

Ngoài ra, thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử hoàn toàn không có việc định vị, theo dõi công dân. Việc xác thực danh tính có thể thực hiện offline mà không cần đường truyền Internet.

Đổi sang CCCD gắn chip, có cần làm lại các giấy tờ khác không?

Theo đại diện Bộ Công an, việc đổi sang CCCD gắn chip không gây ảnh hưởng gì tới các loại giấy tờ đang dùng số CCCD mã vạch trước đó. Vì thực tế, số trên CCCD gắn chip với số trên CCCD mã vạch là giống nhau, do đó, công dân không phải đi đổi lại các giấy tờ.

Tương tự, sau khi được cấp CCCD gắn chip, công dân vẫn có thể thực hiện các giao dịch đã sử dụng số CCCD trước đây bình thường mà không hề có bất cứ phiền toái nào.

*Bổ sung ngày 23/3

Trích các câu hỏi và trả lời từ bài viết của trangVTV.vn.

Tôi có hộ khẩu ở thành phố khác, quận khác thì có được làm căn cước công dân [CCCD] ở nơi cư trú không?

Thượng tá Tô Anh Dũng, Giám đốc trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an: Bộ Công an đang chỉ đạo Công an ở 63 tỉnh về cấp căn cước công dân gắn chip điện tử cho người dân tạm trú. Người dân có thể đến nơi gần nhất để đăng ký cấp CCCD mà không phải về nơi đăng ký hộ khẩu.

Những người nào cần làm sớm nhất có thể? Những đối tượng nào được ưu tiên không?

Bộ Công an khuyến cáo tất cả nhân dân nên đi làm CCCD đợt này. CCCD gắn chip điện tử sẽ phục vụ các giao dịch và hướng tới giảm thủ tục hành chính.

Tôi vừa làm căn cước công dân chưa gắn chip thay cho chứng minh thư thì có phải làm mới không?

CMND hoặc CCCD 12 số cũ vẫn có thể sử dụng khi còn hạn.

Vì sao công an các tỉnh, thành phố phải làm cấp tập, làm đêm làm hôm như vậy?

Mục đích của công an là phấn đấu cấp 50 triệu thẻ CCCD gắn chip điện tử đến ngày 1/7/2021. Ngày 1/7/2021 Luật Cư trú có hiệu lực và các giao dịch dân sự đòi hỏi người dân giảm thủ tục hành chính. Sau ngày 1/7, Bộ Công an sẽ kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành. Vì vậy để phục vụ tốt nhất về Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số thì Bộ Công an đã chỉ đạo công an 63 tỉnh, thành phố tăng cường cấp CCCD gắn chip điện tử từ nay đến 1/7/2021.

Căn cước công dân gắn chip có thay được toàn bộ giấy tờ không?

Hiện có 22 loại giấy tờ để chứng minh 1 con người. Khi cấp CCCD gắn chip sẽ xóa bỏ các thủ tục hành chính rườm rà. Người dân có thể sử dụng CCCD gắn chip để giao dịch với các ngành khác mà không cần dùng các loại giấy tờ khác.

Trên đây là tổng hợp những câu hỏi xoay quanh việc đổi sang thẻ căn cước công dân mới. Mình biết các bạn còn rất nhiều câu hỏi về chủ đề này, nhớ để lại ở phần bình luận bên dưới nha, mình sẽ cố gắng hết sức để giải đáp.

Xem thêm:Hướng dẫn đăng ký cấp lại căn cước công dân bị mất cực nhanh bằng ứng dụng Zalo

Video liên quan

Chủ Đề