Thầy ba minh là ai

Bởi Nguyễn Nga

Giới thiệu về cuốn sách này

Page 2

Bởi Nguyễn Nga

Giới thiệu về cuốn sách này

TTO - Vào một buổi chiều ảm đạm tháng sáu năm 1942, gió Nam thổi ròng bốn năm ngày liên tiếp, mang bao nhiêu huyền bí, lạnh lẽo từ ngoài khơi vịnh Xiêm La đổ dồn vào lô rừng tràm số 323 của làng Đông Thái. Giọng biển gào thét như hăm dọa. Tiếng cây rừng rít lên như kháng cự, như căm tức. Bao nhiêu âm thanh hòa hợp lại.

Mới nghe thì rất trầm hùng nhưng nghe mãi sanh nhàm tai, vô vị, không bằng những giọt nước mưa kia... đang kiêu hãnh chui qua lỗ trống mái nhà của ông Chòi Mui, rớt xuống bộ ván nghe lát chát!

Ông Chòi Mui nhìn giọt nước mà cười một mình. Nụ cười hiền hòa không mảy may chút gì là hờn oán, nao núng:

- Mày dột vô nhà tao thì tao ra sau bếp lấy cái tô hứng mày, để dành uống chơi! Khỏi mắc công ra sau hè múc.

Lộp độp! Lộp độp!

Giựt mình, ông quay lại. Mưa dột ngay nóc mùng từ nãy giờ, thấm vải mùng rớt xuống chiếu. Cuốn mùng ư? Không dám, vì mùng đã quá tuổi, đụng chạm mạnh sợ rách. Dời giường ngủ qua chỗ khác ư? Nhà chật. Dột lâm râm khắp nơi như mặt rỗ. Ông Chòi Mui ra sau bếp tìm một miếng lốp tràm [vỏ tràm] nhét sơ sịa vào mái nhà để mong hạn chế phần nào cái lỗ dột quá lớn rồi. Ông hát lên:

Chiều chiều bắt nhái giăng câu,

Nhái kêu éo ẹo, cái phận tui nghèo,

Chọc ghẹo tui chỉ?

Thích chí, ông lập lại đoạn chót:

- Chớ phận tui nghèo, chọc ghẹo tui chi?

Có người ghé xuồng ngay bến. Không cần dòm ra, ông dư biết là Năm Pho, người láng giềng gần nhứt, cách một con kinh nhỏ chừng năm trăm thước.

Chưa kịp phủi mấy giọt mưa đọng trên mặt, trên vai áo, Năm Pho đã vội lên tiếng:

- Ông già nãy giờ nói chuyện với ai vậy? Bộ có giấu bà nào trong mùng hả? Hèn chi tôi nghe ông hát, thiệt hết sức “mùi”!

Ông cười:

- Có thuốc rê cho tao một điếu. Buồn, hát một mình. Mấy bữa rày túng quá. Sao? Có chuyện gì lạ không?

Năm Pho nhăn trán lại, suy nghĩ giây lâu, chập sau, chéo miệng;

- Có vụ này hơi lạ. Nhưng mà khó thi hành quá! Tôi hỏi ý ông. Không đồng ý thì đừng rầy tôi nghe!

- Cứ nói.

- Số là có một thầy Chà mới tới xóm Đình.

Ông Chòi Mui lườm Năm Pho:

- Bộ mầy muốn xúi tao đánh nó giựt thuốc rê hả? Nghèo, phải ráng chịu. Không bao giờ tao chịu làm chuyện sái với lương tâm.

- Ông đừng nóng. Để thủng thẳng tôi nói. Thầy Chà này không bán thuốc rê. Nó bán vải.

- Bộ nó khùng sao? Nhè tháng mưa này không có gạo nấu, ai lại mua vải.

- Nó nói sẽ ở xóm mình sáu, bảy tháng. Nghĩa là tới tháng Chạp bán vải thì vừa. Trong lúc chờ đợi, nó dạy nghề võ, bùa phép. Đặc biệt có thứ bùa để làm mê các cô gái. Đưa cho nó một đồng bạc, nó bán bùa đó. Ông thấy chưa? Rõ ràng nó làm bại hoại luân thường, muốn đục khoét xóm nầy. Làm sao trị được nó?

Nghe qua, ông Chòi Mui tức giận, muốn biết rõ đầu đuôi, hư thực thế nào, ông bảo Năm Pho:

- Vậy thì thằng Năm mày chịu khó lại xóm Đình, mời thầy Chà nọ vô đây lập tức. Nói tao mời nó vô đây cho biết mặt, để làm quen. Nhắc cho nó biết rằng: Theo tục lệ, ai muốn làm ăn ở lô rừng 323 nầy, phải cho tao biết trước.

Nghèo thì nghèo chớ tối hôm đó ông Chòi Mui dám chống xuồng lại tiệm mua chịu nửa lít rượu đãi khách. Về nhà, ông bắt hai con cá lóc đốt lửa nướng trui. Và châm ngọn đèn dầu mù u để chờ đợi.

Chập sau khách đến. Có Năm Pho theo dẫn đường.

Bắt đầu vào tiệc. Rượu vào, lời ra. Khách nói thao thao bất tuyệt, cướp cả quyền ăn nói của chủ nhà. Rằng: “Tôi là thầy Chà, lừng danh một cõi. Người như tôi là giống người thông minh, khác hẳn người Ấn Độ, người Miên, người Lèo. Bà con đừng hiểu lầm”.

Rằng: “Tôi chèo ghe giỏi hơn người Việt. Cây chèo bằng cây thao lao rất dẻo. Bên này, chèo ghe chạy buồm. Bên kia, tàu của Tây “đoan” rượt bắt. Tàu của Tây không bao giờ thắng. Tụi tôi bán thuốc rê không đóng thuế, Tây tức lắm”.

Rằng: “Về môn thể thao, tôi có tài đá cầu. Đứng trên mui ba chiếc ghe khác nhau, đá chuyền trái cầu qua lại không bao giờ rớt, trong lúc ghe chạy buồm lướt như bay”.

Rằng: “Lên trên bờ, người chúng tôi đánh võ không bao giờ thua người Việt Nam. Một mình tôi đã hạ trên mười võ sĩ Việt Nam, trong số đó có Sáu Cường, Lê Hữu Vĩnh... Tôi đánh bằng bùa, bằng phép, bằng hơi gió... Thấy người Việt Nam nghề võ dở quá, tôi tội nghiệp nên mới tới đây dạy giùm”.

Nãy giờ ngồi nghe mà Năm Pho nổi giận. Thầy này xạo quá, phách lối, láo khoét, khác hẳn người Chà đến xóm này bán vải hồi năm kia, năm ngoái. Quả thật, hắn là một tên lưu manh, bịp bợm, lợi dụng danh nghĩa người đồng hương. Gây sự với hắn thì khó quá. Vật bất ly thân, đi ăn nhậu như vậy mà hắn không quên đem theo gói vải và cây thước tây để đo. Cây thước ấy là một thứ võ khí trá hình: thước vuông mỗi cạnh năm phân, làm bằng thứ cây đen huyền, hai đầu có bịt sắt. Năm Pho nói một câu cho hả giận:

- Thầy giỏi thiệt... Nhưng thuốc rê của thầy làm ra không được sạch sẽ. Nghe đồn trong đó có tẩm nước đái con nít để cho mùi thuốc thêm gắt. Có thiệt vậy không?

Ông Chòi Mui nhìn Năm Pho ra vẻ không bằng lòng, có ý bảo Năm Pho đừng nói nữa, không có lợi. Ông cởi áo ra, chỉ cho thầy Chà thấy những hình, những chữ xăm khắp ngực của ông:

- Bùa phép là vô ích. Tôi học nhiều thứ quá nên không thèm xài. Mấy hình Ông Phật, hình nóc chùa này tôi xăm hồi còn lưu lạc ở Tà Keo [Cao Miên], ở U Đông [Xiêm]. Anh hãy nhìn cho kỹ: Con số 1932 xăm ở cánh tay trái đây là kỷ niệm hồi tôi còn ở tù, Tây nghi tôi theo đảng Nguyễn An Ninh. Cái thẹo sau lưng đây là hồi tôi chém lộn với cặp rằng ở điền Tây “La Bách”. Đó là kỷ niệm ngày xưa, tôi không muốn nhắc lại. Bây giờ chỉ cần xài mấy hàng chữ nho xăm chung quanh ngực. Coi cho kỹ nè!

- Tôi không đọc được.

- Đó là câu cách ngôn “Tứ hải giai huynh đệ”. Người bốn biển đều là anh em, không phân biệt màu da, giòng giống. Ăn ở công bằng, đừng ỷ thế mà ngang tàng. Đời mà, nước nào cũng như nước nào. Đó là nói bao đồng, chứ nói hẹp, câu này có nghĩa khác hay hơn.

Thầy Chà lắc đầu ngơ ngác:

- Tôi không biết.

Ông Chòi Mui cả cười:

- Thôi, được. Để tôi hỏi anh: Anh đi nhiều xứ, nhiều nơi, vậy chớ gà ở đâu nhiều nhứt?

Thầy Chà cố bóp trán suy nghĩ, nhìn đăm đăm ngọn đèn mù u sắp tàn. Năm Pho vào trong, đem bếp un ra quạt khói. Muỗi vẫn còn bu lại cắn. Hồi lâu, hắn mới trả lời:

- Gà ở chợ nhiều hơn chỗ khác. Tôi nói ở chợ chó gà nhiều đó!

Ông Chòi Mùi lập tức rót thêm rượu, nâng lên:

- Hay! Thưởng anh chén rượu này. Rồi nghe tôi hỏi tiếp: Gà ở đâu bán rẻ nhứt?

Thầy Chà đành chịu bí.

Ông Chòi Mui nói:

- Gà ở lối xóm, bà con mình bán cho nhau rẻ nhứt. Ở chợ, gà nhiều nhưng bán mắc. Vì thiếu cái nhân tình. Lối xóm, gà lưa thưa nhưng bán rẻ. Vì nghĩ tình bà con quen thuộc, sớm tối có nhau, lúc hoạn nạn sung sướng. Ở đời, anh với tôi đây, đều phải có nhân tình... Tứ hải giải huynh đệ là vậy đó.

Biết ông Chòi Mui công kích mình, thầy Chà đòi về lập tức, không muốn ở thêm một giây lát nào. Hắn viện cớ quá say, về nhà tìm nước uống. Trước khi xuống xuồng, hắn hỏi vặn một câu:

- Xin lỗi, ông chủ nhà tên gì?

- Tôi tên Chòi Mui. Vì hồi mới lại rừng này, tôi nghèo quá không có nhà, xin một cái mui ghe cũ của người ta về để tạm trú ẩn. Chòi Mui nghĩa là cái Chòi làm bằng Mui ghe. Lối xóm kêu như vậy riết rồi thành quen. Tôi là kẻ vô danh mà, thầy...

Mười hôm sau, Năm Pho trở lại nhà ông Chòi Mui tường thuật cho ông nghe cái cảnh đau lòng xảy ra liên tiếp ba bốn chiều rồi tại sân đình. Thầy Chà đã đánh đến chết giấc năm sáu thanh niên trong làng vì các cậu này dám “thử nghề” với hắn. Do đó, có phong trào tôn hắn làm “sư tổ”, ai muốn học võ phải nạp cho hắn 5 đồng và một con gà mái. Chiều chiều hắn ra sân dạy võ, thắt lưng xanh, vận “xà rông”, múa men la hét. Thiên hạ xúm lại rất đông và vỗ tay hoan nghênh. Thảm hại nhứt là một cô gái nọ còn trẻ măng có lẽ vì mê bùa, mê ngải của hắn nên đi theo xin được làm vợ mặc dầu cha mẹ đánh chửi.

Ông Chòi Mui vô cùng tức giận:

- Dân xóm mình sao kỳ cục quá, như vậy là nối giáo cho giặc. Nó khinh khi dân mình. Tao có cách nầy để trị nó và luôn thể để làm bà con sáng mắt.

Làm đơn tố cáo hắn ư? Vô hiệu quả, vì thời xưa luật lệ của thực dân dung túng bọn đầu cơ, bọn “cao bồi lô canh” này.

Đấu võ với hắn ư? Khó mà thắng thầy Chà vì xóm nầy còn ai chuyên môn “đánh đấm” như hắn? Những kẻ võ sĩ chuyên nghiệp đã giải nghệ từ lâu. Không lẽ họ để ra nhiều thời giờ tập dượt lại, bỏ cả công ăn việc làm.

Hút tàn điếu thuốc, ông Chòi Mui hỏi:

- Năm Pho! Ở nhà mày có ai có cái thùng còn nguyên không?

- Có một cái, nhưng khoét mặt rồi, để xách nước.

- Không được, mày phải mượn người đi tiệm nài cho được cái thùng thiếc còn nguyên trên mặt. Lủng một hai lỗ nhỏ cũng không sao. Kiếm cho tao một cây kéo cắt thiếc luôn nữa.

Rồi ông nói nhỏ:

- Nè, tao khoét một cái lỗ vừa bằng cái đầu của nó. Thiếc quanh lỗ bén nhọn đập trở vô trong, thành ra giống như cái hom lờ... Mày kiếm một người lạ mặt, rình khi nào nó đi giữa đồng vắng thì đi theo, úp đại lên đầu nó như vầy...

Tiệm chú Xồi. Rượu múc không kịp mà bán. Thiên hạ xúm lại tiệm, đong rượu uống tại chỗ. Họ cười nói huyên thuyên. Không ai thấy được tận mắt tấn bi kịch nọ, nhưng ai cũng đưa ra nhiều tin tức, tỏ rằng mình là kẻ thạo tin...

- Chắc nó trở về trả thù quá! Coi chừng!

- Mấy người biết không! Con tôi gặp thằng chả bị tròng đầu giữa ruộng. Thiếc chói lên sáng trưng. Tiếng la bài hãi trong thùng thiếc nghe hù hù như tiếng ong bầu. Không có tôi ra cứu, chắc nó chết luôn ở ngoải. Làm sao nó thấy đường về? Về nhà, hương ấp biểu tôi gỡ thùng ra. Tôi phải đè nó xuống, mượn cây kéo cắt thiếc khoét một lỗ lớn mới rút đầu nó ra được. Mặt mày nó đầy máu, hai lỗ tai muốn sứt. Gỡ con cá ra khỏi lưới câu mà hèn gì? Chưa nói là nó ngột thở...

Thích chí quá, Năm Pho lên tiếng:

- Tôi đố mấy người: Vậy chớ ai bày ra mưu đó? Hay thiệt! Mạnh dùng sức, yếu dùng chước. - Thiên hạ nhốn nháo lên:

- Chắc chú mày quá! Gà đẻ, gà cục tác. - Năm Pho cãi:

- Đừng nói bậy mà tôi ở tù oan, tội nghiệp vợ con ở nhà...

Tàn buổi nhậu, ai về nhà nấy nhưng câu chuyện vẫn còn. Từ đấy những đêm khuya, bà con thỉnh thoảng tụm năm tụm ba. Họ suy luận, đặt bao nhiêu giả thuyết để thử tìm tánh danh của người mà họ coi là ân nhân, có công bày mưu đánh đuổi thầy Chà ra khỏi xóm. Có kẻ nghi cho ông Chòi Mui. Đến hỏi, ông mỉm cười, trả lời vắn tắt:

- Phải có nhiều người! Sao lại hỏi một mình tôi?

Rồi ông gật gù, nhịp tay xuống ván mà hát. Không nghe câu đầu. Chỉ nghe mấy tiếng khàn khàn “cái phận tôi nghèo, chọc ghẹo tôi chi”. Đoạn chót ấy ông hát lập đi lập lại ba bốn lần, nhại theo giọng “ti tì tí tị tì ti” của đờn độc huyền.

SƠN NAM

Video liên quan

Chủ Đề