Thủ thuật y khoa là gì năm 2024

Sinh thiết được xem là kỹ thuật xác định ung thư cũng như nhiều bệnh lý nguy hiểm khác một cách chuẩn xác nhất. Vậy sinh thiết là gì? Chọc sinh thiết hay lấy sinh thiết có an toàn hay không? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp sinh thiết và cách chuẩn bị tốt nhất trước khi làm sinh thiết.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

Cùng với sự phát triển của y học, việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý chuyên sâu đôi khi phải dựa trên những đánh giá và thăm khám ở mức độ tế bào. Thủ thuật sinh thiết là một trong các phương pháp để thực hiện chẩn đoán và hỗ trợ lập kế hoạch điều trị cho các chứng bệnh ở mức độ tế bào như vậy, ví dụ như bệnh ung thư.

Sinh thiết là gì?

1. Khái niệm sinh thiết

Sinh thiết là một thủ thuật lấy đi một mẫu mô từ cơ thể để thực hiện các xét nghiệm đặc trưng và quan sát, đánh giá trên các loại kính hiển vi. Sinh thiết có thể thực hiện ở hầu hết các mô trong cơ thể.

Cụm từ sinh thiết bao hàm cả tiến trình lấy mẫu và thực hiện các xét nghiệm giải phẫu bệnh lý trên kính hiển vi và nhuộm hóa mô miễn dịch. Kết quả trả về sẽ cho biết từ hình dạng, đặc điểm chức năng của mô cần khảo sát, để từ đó cho biết loại mô đó là loại nào, có bất thường gì không, lành tính hay ác tính…

Bác sĩ lâm sàng khi thăm khám và điều trị bệnh đều có thể đưa ra chỉ định lấy sinh thiết mẫu mô cần được kiểm tra. Tùy theo vị trí của mô cần lấy, mà bác sĩ thực hiện sinh thiết có thể là bác sĩ ngoại khoa, bác sĩ nội soi, chẩn đoán hình ảnh.

Mẫu mô sau khi được sinh thiết sẽ gửi đến phòng thí nghiệm để thực hiện giải phẫu bệnh

2. Công dụng của chọc sinh thiết?

Kỹ thuật sinh thiết giúp bác sĩ tìm ra câu trả lời cho các bất thường như:

  • Về mặt chức năng: Đánh giá quá trình viêm của gan [sinh thiết gan], của thận [sinh thiết thận], viêm tụy [sinh thiết tụy], hoặc khảo sát chức năng tạo máu [sinh thiết tủy xương].
  • Về mặt cấu trúc: Cụ thể là đánh giá một khối u bất thường, một nang dịch,… xuất hiện ở cơ quan bất kỳ trong cơ thể. Làm sinh thiết cũng sẽ cho bác sĩ biết khối u này hình thành bởi các tế bào nào, chúng có đặc điểm bình thường hay bất thường.

Sau khi mẫu mô được phân tích kỹ lưỡng, kết quả trả về sẽ giúp làm rõ thêm các chẩn đoán lâm sàng của bác sĩ. Nhờ vào khả năng phân loại mô bất thường mà các kế hoạch điều trị sẽ trở nên đặc hiệu và tùy chỉnh phù hợp với từng người bệnh.

Khi đã được chẩn đoán và điều trị, làm sinh thiết còn giúp đánh giá lại giai đoạn của bệnh, ví dụ như chẩn đoán sự tái phát của khối ung thư sau khi đã được loại bỏ bằng phẫu thuật và hóa trị. Đồng thời, kỹ thuật chọc sinh thiết còn giúp dự đoán hay tiên lượng cho bệnh nhân sau quá trình điều trị hoàn tất.

Chính nhờ khả năng đánh giá hình thể và chức năng của từng loại mô và từng loại tế bào, phần lớn các chỉ định sinh thiết được đặt ra khi các bác sĩ có nghi ngờ về bệnh lý ác tính hay bệnh có biểu hiện “mập mờ” không rõ là lành hay ác tính.

Tại sao phải thực hiện sinh thiết?

Sinh thiết là một phương pháp quan trọng giúp kiểm tra, xác định các bất thường về hình thái và cấu trúc bệnh lý, đặc biệt là ở các bệnh không rõ nguyên nhân hoặc chưa thể xác định được tình trạng bệnh.[1]

Cụ thể, làm sinh thiết có thể giúp tầm soát và chẩn đoán ung thư, viêm loét dạ dày, xác định nhiễm trùng,… Khi có kết quả lấy sinh thiết, bác sĩ sẽ căn cứ theo kết quả để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cũng như đánh giá sự hiệu quả của phương pháp điều trị đã được sử dụng.

Không phải trường hợp nào được chỉ định sinh thiết cũng là do ung thư hay có bệnh lý ác tính nên người bệnh cũng không phải quá lo lắng.

Ai sẽ được chỉ định thực hiện lấy sinh thiết?

Bác sĩ chỉ định sinh thiết khi bệnh lý có một số yếu tố “gợi ý”, nghi ngờ ung thư. Các yếu tố này có thể là hình ảnh học bất thường, đặc điểm lâm sàng gợi ý, hoặc khối u có đặc điểm của một khối di căn [khối u thứ phát].

Nhìn chung, người bệnh thường sẽ được chỉ định thực hiện thủ thuật sinh thiết trong những tình huống sau:

  • Có đặc điểm, yếu tố gợi ý, yếu tố nguy cơ ung thư cao.
  • Có biểu hiện viêm tự miễn như bệnh lý viêm thận, hay viêm gan tự miễn.
  • Có tình trạng nổi hạch mạn tính, việc có hạch này có thể là tình trạng viêm mạn tính do lao hoặc của bệnh lý ung thư dòng bạch huyết, do đó cần phải thực hiện sinh thiết.
  • Một số tình trạng bệnh lý da liễu.

Các phương pháp sinh thiết

Có rất nhiều cách để phân loại các phương pháp sinh thiết khác nhau, tuy nhiên các chuyên gia thường lựa chọn cách phân chia theo phương pháp lấy mẫu như sau:

1. Sinh thiết bấm

Một dụng cụ đặc biệt có hình dạng giống “kìm bấm” nhỏ được thiết kế để “kẹp” và lấy đi một mẫu mô trên da, với kích thước cỡ bằng hạt gạo nhỏ. Dụng cụ này thường dùng nhiều trong phương pháp sinh thiết da.

2. Sinh thiết kim

Đây là một phương pháp sinh thiết sử dụng một đầu kim để “hút” mẫu mô cần đánh giá ra ngoài. Có thể kể đến như chọc sinh thiết vú, sinh thiết gan, chọc sinh thiết thận, sinh thiết tủy xương,… Đặc biệt ở những vị trí mà mô nghi ngờ nằm tương đối gần da thì phương pháp này đặc biệt trở nên hữu hiệu.

Có 2 loại kim được dùng để lấy sinh thiết:

  • Kim nhỏ: Còn gọi là thủ thuật FNA [Fine-needle Aspiration] hay chọc sinh thiết bằng kim nhỏ. Đây là loại kim thông thường, được gắn trên bộ phận hỗ trợ lực hút. Thông qua đầu kim nhỏ này, một số tế bào được hút ra ngoài, trải lên lam và làm xét nghiệm tế bào học.
  • Kim lớn hay kim lõi: Thường gọi với cái tên sinh thiết kim, sinh thiết core. Loại kim này có kích thước lớn hơn so với kim nhỏ, và thường lấy ra mẫu mô có kích thước bằng một hạt gạo.

Ngoài ra, còn có sinh thiết hỗ trợ chân không, sử dụng các thiết bị hút chân không trong quá trình sinh thiết để hạn chế các tổn thương hay vết mổ để lại sẹo to, sẹo xấu.

Bác sĩ đang sinh thiết mô vú bằng kim lớn

Hiện nay với độ chính xác cao của phương tiện chẩn đoán hình ảnh, khi thực hiện sinh thiết kim, thủ thuật sẽ được hướng dẫn bởi các phương tiện hình ảnh như siêu âm, CT scan hoặc MRI.

3. Sinh thiết qua nội soi

Có 2 kỹ thuật nội soi và tương ứng với mỗi kỹ thuật sẽ có phương pháp lấy sinh thiết khác nhau.[2]

3.1 Sinh thiết qua nội soi đường tiêu hóa

Phương pháp lấy sinh thiết này được ứng dụng nhiều trong bệnh lý đường tiêu hóa. Vốn được tích hợp trong dụng cụ nội soi, khi thực hiện nội soi đường tiêu hóa, bác sĩ có thể lấy mẫu sinh thiết khi phát hiện vị trí của mô bất thường.

Hiện nay tại một số cơ sở y khoa chuyên biệt, việc sinh thiết qua nội soi siêu âm [EUS-FNA] đã góp phần làm tăng độ chính xác và tính an toàn của thao tác lấy sinh thiết.

3.2 Sinh thiết qua phẫu thuật nội soi

Việc sử dụng phương tiện phẫu thuật nội soi giúp bác sĩ ngoại khoa xác định chính xác vị trí của khối u trong các khoang của cơ thể, để từ đó lấy sinh thiết chính xác ở nơi cần lấy. Ứng dụng kỹ thuật này có thể kể đến như:

  • Sinh thiết màng phổi
  • Sinh thiết màng bụng
  • Sinh thiết thận, gan qua ngã bụng

4. Sinh thiết mở

Trường hợp cụ thể nhất cho sinh thiết mở đó là quá trình sinh thiết lấy trọn hạch. Đối với quy trình lấy sinh thiết này, bác sĩ ngoại khoa sẽ thực hiện rạch một đường trên da, bóc tách những mô dính xung quanh khối hạch nghi ngờ, rồi lấy trọn vẹn hạch sưng to ra ngoài.

Trong một số tình huống khiến việc gỡ bỏ toàn vẹn khối u hoặc hạch trở nên khó khăn hay nguy hiểm [nằm gần cấu trúc quan trọng], thì việc làm sinh thiết chỉ dừng lại ở việc cắt một phần khối u, một phần của hạch để làm giải phẫu bệnh.

5. Sinh thiết trong lúc phẫu thuật – Sinh thiết lạnh

Phương pháp này tương đồng với sinh thiết mở. Nghĩa là sau khi được tư vấn kỹ lưỡng về nguy cơ khối u này không hề rõ ràng về mặt biểu hiện lâm sàng, đồng thời có nhiều yếu tố gợi ý ác tính và ở vị trí dễ phẫu thuật, kèm theo sự đồng ý của người bệnh.

Cuộc phẫu thuật sẽ được thực để cắt khối u, phần mô này được thực hiện sinh thiết lạnh với kết quả trả về là lành hay ác chỉ trong vòng 15 – 20 phút, giúp phẫu thuật viên quyết định có thực hiện làm sạch triệt để vị trí quanh u hay không.

Các bác sĩ đang thực hiện sinh thiết trong lúc phẫu thuật

Quy trình lấy mẫu sinh thiết như thế nào?

Bên cạnh những băn khoăn về các chỉ định sinh thiết, có lẽ việc làm sinh thiết diễn ra như thế nào cũng là thắc mắc chung của rất nhiều người bệnh.

1. Chuẩn bị lấy sinh thiết

Trước khi thực hiện bất kì thủ thuật y khoa nào, các chuyên gia y tế đều sẽ thăm khám kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn cho người bệnh thực hiện. Lấy mẫu sinh thiết cũng tương tự như vậy. Tùy thuộc vào loại sinh thiết ở bộ phận nào của cơ thể mà yêu cầu của bác sĩ có thể khác nhau đôi chút, nhưng vẫn có một số điểm chung sau:

  • Tạm thời ngưng một số thuốc bạn đang dùng.
  • Không ăn hoặc uống gì trước khi thực hiện thủ thuật, tối thiểu là 6 tiếng.

Bạn cần nói với bác sĩ về các tình trạng như:

  • Các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thuốc bổ, vitamin, thực phẩm chức năng và kể cả các loại thuốc không kê toa.
  • Những tình trạng dị ứng mà bạn đã từng mắc phải trước đây.
  • Nếu là nữ, bạn cần thông báo với bác sĩ rằng bạn có đang mang thai, hay có đang dùng các nội tiết tố ngừa thai hay không.

Đừng ngần ngại khi phải kể những tình trạng trên, vì sự an toàn của bạn là điều mà cả bạn và các chuyên viên y tế cùng quan tâm.

2. Thực hiện sinh thiết

Tùy vào phương thức sinh thiết mà sẽ có các quy trình khác nhau. Dưới đây là một số bước giống nhau giữa các loại sinh thiết:

  • Bạn sẽ được tư vấn về cách thức lấy mẫu.
  • Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn chuẩn bị tư thế, thường là nằm hoặc ngồi ở tư thế tựa lưng có độ nghiêng 45 độ.
  • Vùng da tại nơi sinh thiết sẽ được làm sạch, sát khuẩn bằng cồn hoặc dung dịch betadine.
  • Phương pháp vô cảm sẽ được sử dụng để người bệnh không cảm nhận được cảm giác đau khi thực hiện. Với sinh thiết phẫu thuật, người bệnh sẽ được gây mê. Phần lớn các phương pháp còn lại, phương tiện giảm đau thường dùng là gây tê tại chỗ.
  • Quá trình lấy mẫu bắt đầu.
  • Sau khi lấy mẫu xong, bạn sẽ được băng ép vùng vừa lấy mẫu và được dặn hò theo dõi.
  • Thời gian lấy mẫu sinh thiết dao động từ 15 phút đến 2 tiếng đồng hồ tùy theo phương pháp sinh thiết và cơ quan cần sinh thiết đó là gì.

3. Sau khi sinh thiết

Đa số các phương pháp sau khi hoàn tất bạn có thể về trong ngày, hoặc ở lại viện 1 ngày nếu cơ quan cần sinh thiết ở sâu trong cơ thể.

Một số triệu chứng tại vị trí lấy mẫu sẽ xuất hiện một cách thoáng qua trong vài ngày đầu, bao gồm: đau, chảy máu, bầm da,… Người bệnh sẽ được dặn dò để theo dõi vết thương một vài ngày sau khi làm sinh thiết. Người bệnh nên liên hệ bệnh viện khi:

  • Có biểu hiện sốt.
  • Chảy máu không cầm tại vị trí sinh thiết.
  • Sưng nề, đỏ da, chảy dịch tại vùng thực hiện lấy sinh thiết.

4. Phân tích mẫu sinh thiết

Mẫu mô sẽ được đóng gói, bảo quản, và gửi đến phòng thí nghiệm giải phẫu bệnh của cơ sở y tế. Khi đó các chuyên viên y sinh và bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ tiến hành cắt nhỏ mô, đưa vào kính hiển vi phân giải cao để quan sát, mô tả các đặc điểm cấu trúc tế bào. Đồng thời các chỉ điểm hóa mô miễn dịch sẽ được đưa vào các mẫu khác để tìm các dấu vết đặc hiệu của tế bào ung thư.[3]

Kết quả sau khi đọc sẽ được trả kết quả về nơi chỉ định trong vòng 1-10 ngày. Thông thường sẽ trùng với ngày hẹn tái khám của người bệnh.

Kết quả sinh thiết sẽ được bác sĩ giải thích, tư vấn cho người bệnh

5. Đọc kết quả sinh thiết

Sau khoảng 10 ngày hoặc nhanh/chậm hơn tùy bệnh viện, kết quả giải phẫu bệnh từ mẫu mô lấy từ cơ thể bạn sẽ được bác sĩ phân tích và diễn giải cho bệnh nhân vào ngày tái khám. Một số đặc điểm hình dạng tế bào thường thấy để gợi ý hình dạng tế bào mà bạn có thể sẽ được bác sĩ diễn giải bao gồm:

  • Mô tả đại thể mẫu mô thu nhận được.
  • Mô tả về mặt tế bào vi thể, bao gồm: hình dạng tế bào, hình dạng nhân, tỉ lệ nhân / bào tương, Grad [mức độ biệt hóa tế bào], vùng mô xung quanh,…
  • Phân giai đoạn [nếu kết quả kết luận là tế bào ác tính].[4]

Sinh thiết có rủi ro gì không?

Bất cứ một thủ thuật y khoa nào cũng tiềm ẩn các rủi ro nhất định. Đối với thủ thuật lấy sinh thiết, vốn là một thủ thuật xâm lấn nên có thể kèm theo một số rủi ro có thể gặp bao gồm [phần lớn các rủi ro này sẽ tự hết hoặc được can thiệp xử lý không quá khó khăn]:

  • Nhiễm trùng vùng sinh thiết: thông thường sẽ có một số biểu hiện gợi ý như sưng nề vùng chọc sinh thiết, chảy dịch hoặc sốt,…
  • Chảy máu: thường biểu hiện chảy máu chỉ thoáng qua trong một ngày đầu, và được bác sĩ băng ép kỹ lưỡng sau khi thực hiện thủ thuật.
  • Đau: đau thường xuất hiện trong ngày đầu tiên thực hiện, do trữ lượng thuốc tê và thuốc giảm đau dẫn được thanh thải. Khi này bạn có có thể dùng các loại giảm đau an toàn không kê toa như acetaminophen [paracetamol] để giảm đau.
  • Để lại sẹo: sẹo hình thành tùy theo cơ địa. Biểu hiện này thường thấy ở sinh thiết mở hay sinh thiết qua phẫu thuật.

Các câu hỏi về xét nghiệm sinh thiết thường gặp

1. Lấy sinh thiết có nguy hiểm không?

Thủ thuật sinh thiết có tiềm ẩn rủi ro nhất định, tuy nhiên vẫn là một thủ thuật an toàn để thực hiện và các rủi ro có thể xử lý dễ dàng. Các thủ thuật xâm lấn đều đòi hỏi nhiều yếu tố kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn cao từ người thực hiện, do đó người bệnh nên thực hiện tại các cơ sở y khoa uy tín và có các phương tiện hỗ trợ phù hợp để có độ chính xác và an toàn cao nhất.

2. Sinh thiết bao lâu thì có kết quả?

Kết quả giải phẫu bệnh sau khi chọc sinh thiết thường sẽ được trả về sau 1 đến 10 ngày. Các chuyên gia sẽ hẹn ngày tái khám với người bệnh vào khoảng thời gian này, để thuận tiện trong việc phân tích kết quả cũng như đưa ra chiến lược điều trị tiếp theo phù hợp nhất.

3. Kết quả sinh thiết có chính xác không?

Độ chính xác và tỷ lệ phát hiện ung thư thường là chính xác, tuy nhiên, có một số yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến các thông số kết quả bao gồm:

  • Phương pháp sinh thiết được lựa chọn là gì
  • Khối u có dễ dàng lấy mẫu không
  • Loại cơ quan đang cần lấy mẫu là gì
  • Kỹ thuật chuyên môn của bác sĩ lấy mẫu

4. Làm sinh thiết có phải nhịn ăn không?

Tùy thuộc vào loại sinh thiết người bệnh được làm là gì và sẽ có hướng dẫn tương ứng. Với các thủ thuật gây tê tại chỗ, bạn không cần phải nhịn ăn hay nhịn uống nước.

Tuy nhiên khi thực hiện thủ thuật thông qua phẫu thuật, bác sĩ gây mê thường sẽ yêu cầu người bệnh nhịn ăn trong vòng 6-7 tiếng, và ngừng uống nước trong vòng 2 giờ trước khi thực hiện. Điều này là tối cần thiết để bảo vệ người bệnh khỏi viêm phổi hít trong phẫu thuật, vốn là biến chứng nguy hiểm nhưng lại dễ phòng ngừa.

5. Xét nghiệm sinh thiết bao nhiêu tiền?

Chi phí cho mỗi lần sinh thiết còn tùy thuộc vào phương pháp thực hiện cũng như vị trí cơ quan cần sinh thiết. Mức giá sinh thiết có thể dao động từ 500.000 cho đến hơn 9.000.000 VNĐ, chẳng hạn như sinh thiết tiền liệt tuyến qua siêu âm nội soi đường trực tràng có giá khoảng 5.500.000 VNĐ trong khi sinh thiết lõi tuyến vú dưới hướng dẫn siêu âm có giá khoảng 2.000.000 VNĐ.

*Lưu ý bảng giá dịch vụ trên đây là bảng giá tham khảo tại thời điểm cập nhật bài viết. Khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp bệnh viện để được tư vấn cụ thể về chi phí tại thời điểm khách hàng sử dụng dịch vụ.

Khi chỉ định thủ thuật, bác sĩ sẽ tư vấn chi tiết về mức giá cho người bệnh. Chi phí sinh thiết thường được chi trả bằng bảo hiểm y tế nên bạn cũng không cần quá lo lắng về mức giá này.

Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh với cơ sở vật chất hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực Hình ảnh học và Điện quang chẩn đoán là một địa chỉ đáng tin cậy để người dân đến tầm soát và thực hiện các kỹ thuật y khoa đòi hỏi độ chính xác cao.

Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

Sinh thiết là một thủ thuật xâm lấn, nhằm lấy một mẫu mô từ cơ quan nghi ngờ mang đi thực hiện các xét nghiệm về giải phẫu bệnh. Thông qua đó giúp bác sĩ xác định, đánh giá các câu hỏi phức tạp về chẩn đoán, chiến lược điều trị thích hợp cũng như tiên lượng phục hồi của người bệnh sau điều trị. Để kết quả lấy sinh thiết được chuẩn xác, người bệnh cần thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín, với đội ngũ chuyên gia lành nghề.

Thủ thuật y khoa tiếng Anh là gì?

MEDICAL PROCEDURES [Thủ thuật y khoa]

Phẫu thuật là như thế nào?

Phẫu thuật là các thủ thuật dùng trong ngoại khoa để chữa bệnh hoặc chẩn đoán bệnh. Ngoài ra còn mục đích tìm tòi trên cơ sở khoa học những phương pháp và kỹ thuật mổ mới để giải quyết các yêu cầu chữa bệnh ngày một cao hơn.

Ngành kỹ thuật y khoa là gì?

Kỹ thuật y sinh là gì? Đây là một lĩnh vực giao cắt giữa kỹ thuật và y học, nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp kỹ thuật để giải quyết các vấn đề y tế. Ngành này tập trung vào phát triển các công nghệ mới nhằm cải thiện việc chẩn đoán bệnh, điều trị và chăm sóc sức khỏe.

Y học có nghĩa là gì?

Y học, y khoa hay gọi ngắn là y [Tiếng Anh: medicine] là khoa học ứng dụng liên quan đến chẩn đoán, tiên lượng, điều trị và phòng ngừa bệnh tật. Y học gồm nhiều phương pháp chăm sóc sức khỏe vốn liên tục phát triển với mục đích duy trì, hồi phục sức khỏe từ việc phòng ngừa và chữa bệnh.

Chủ Đề