Tiêu chí xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

TTH - Diễn ra từ ngày 9 đến 11/3/2022 tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 là sự kiện chính trị quan trọng đối với hàng chục triệu phụ nữ cả nước nói chung và hội viên, phụ nữ Thừa Thiên Huế nói riêng. Dịp này, đại diện các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh gửi gắm đến đại hội những mong muốn, kỳ vọng.

Tiêu chí xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

Bà Trần Thị Kim Loan

Bà Trần Thị Kim Loan, Ủy viên BCH Trung ương Hội LHPN Việt Nam, TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh:Tin tưởng công tác Hội và phong trào phụ nữ ngày càng phát triển

Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 có chủ đề “Phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì hạnh phúc của phụ nữ, vì sự phồn vinh của đất nước”. Kỳ vọng của phụ nữ tỉnh Thừa Thiên là sẽ cùng với phụ nữ cả nước phát huy lòng yêu nước, truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam cũng như những thành quả của phong trào phụ nữ và hoạt động của hội để khơi dậy tiềm năng, nội lực của các tầng lớp phụ nữ cùng đồng sức, đồng lòng, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đề ra. Nhiệm kỳ này, TW Hội LHPN Việt Nam phát động phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới" - nội hàm bao gồm các yếu tố: Có kiến thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với gia đình và Tổ quốc. Chúng tôi kỳ vọng phong trào sẽ nhận được sự hưởng ứng của các tầng lớp phụ nữ trên mọi miền Tổ quốc. Khi phong trào được phát động, được sự tán thành cao của tất cả đại biểu tham dự, sau Đại hội, TW Hội sẽ thiết kế, xây dựng chương trình, tiêu chí cần có các mục đích, mục tiêu, các chỉ số cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn và từng đối tượng cũng như bố trí ngân sách phù hợp để hỗ trợ các cấp hội có thêm nguồn lực triển khai thực hiện có hiệu quả. Cần huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức tư nhân, doanh nghiệp ủng hộ tinh thần, vật chất cho các cấp hội, các nhóm phụ nữ, nhất là phụ nữ yếu thế.

Chúng tôi tin tưởng đại hội lần này sẽ đề ra được các giải pháp chiến lược nhằm xây dựng tổ chức Hội vững mạnh trong thời kỳ có nhiều khó khăn, thách thức và bầu BCH Trung ương Hội đủ năng lực, có uy tín, đủ sức đảm đương trọng trách mà đại hội tin tưởng giao phó, lãnh đạo công tác Hội và phong trào phụ nữ cả nước phát triển lên tầm cao mới, bắt nhịp với xu thế phát triển, hội nhập của đất nước.

Tiêu chí xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

ThS. BSCKII Hoàng Thị Lan Hương

ThS. BSCKII Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế: Tạo môi trường để đội ngũ nữ trí thức đóng góp nhiều hơn

Bệnh viện Trung ương Huế hiện có tổng số 3.163 cán bộ, viên chức, trong đó cán bộ nữ chiếm tỷ lệ 65%. Đại diện cho tập thể nữ cán bộ, viên chức Bệnh viện Trung ương Huế, hướng về đại hội nhiệm kỳ này, tôi mong muốn đại hội có những chương trình, đề án quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác cán bộ nữ, đến bình đẳng giới.

Theo tôi, muốn phát huy vai trò, vị thế của đội ngũ nữ trí thức trong giai đoạn hiện nay, cần có chiến lược hành động quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Mong Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, cân bằng trách nhiệm của nam giới và nữ giới trong việc cùng chăm sóc con cái, gánh vác công việc gia đình để san sẻ với nữ giới, tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội cống hiến tài năng, trí tuệ trên cương vị công tác của mình. 

Dài hơi hơn, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cần có những kiến nghị, đề xuất tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác phụ nữ nói chung, công tác nữ trí thức nói riêng, để thể chế hóa đường lối, chủ trương thành cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp; tạo cơ hội, điều kiện cho nữ trí thức phấn đấu, cống hiến và phát triển.

Tiêu chí xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

Bà Lê Thị Quỳnh Tường

Bà Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội LHPN huyện A Lưới: Cần quan tâm kết nối để tiêu thụ nông, đặc sản cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Là một trong hai đại biểu đại diện cho phụ nữ Tà Ôi và Cơ Tu của tỉnh được tham dự Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, tôi rất tự hào và vinh dự, xem đây là cơ hội để giao lưu, học hỏi, đặc biệt là học hỏi từ các đại biểu ở nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước về những mô hình hay, cách làm hiệu quả để áp dụng, xây dựng phong trào hội ngày càng phát triển.

Tin tưởng, Đại hội sẽ mang đến cho tất cả phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ các dân tộc thiểu số nói riêng những chính sách mới, chính sách đặc thù thiết thực đến tận hội viên phụ nữ một cách hiệu quả, phù hợp cho từng vùng, miền, đối tượng. Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện A Lưới đang có 3 hợp tác xã sản xuất kinh doanh các đặc sản nông sản, tạo việc làm cho nhiều hội viên phụ nữ và người dân địa phương. Thông qua đại hội này, tôi mong muốn, Trung ương Hội LHPN Việt Nam có chương trình phối hợp với các bộ, ban, ngành chuyên môn hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế theo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất - kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sản xuất theo hướng công nghệ cao, để tăng năng suất, đảm bảo chất lượng. Cũng mong Đại hội quan tâm đến chế độ chính sách phụ cấp cho các chi hội trưởng để động viên và tạo động lực để chị em tích cực tham gia công tác Hội và phong trào phụ nữ ngày càng tốt hơn.

Hải Thuận (lược ghi)

Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Tiêu chí xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

Trong dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Hội LHPN Việt Nam khóa XII trình Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII sắp tới, do Ban Tổ chức Đại hội công bố xin ý kiến các cấp hội phụ nữ trong cả nước cũng định hướng xuyên suốt mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2022-2027 dựa trên tinh thần này.

Thực hiện chủ trương của Đảng, công tác phụ nữ trong những năm qua đã có những bước tiến, giúp nhiều phụ nữ vươn lên. Với vai trò là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, các cấp Hội LHPN Việt Nam đã nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, lấy nhu cầu thiết thân của phụ nữ làm cơ sở để xác định nội dung, hình thức hoạt động; mở rộng kết nối, tăng cường ảnh hưởng đối với phụ nữ và xã hội, đề cao tính chủ động, trách nhiệm của từng cấp và người đứng đầu trong công tác phụ nữ. Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, tham gia các hoạt động xã hội... tiếp tục được đổi mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng; vai trò chủ thể của phụ nữ trong gia đình và xã hội được nâng cao thêm một bước.

Tuy nhiên, phải thừa nhận là công tác phụ nữ ở một số địa phương, ngành nghề, lĩnh vực vẫn còn những “góc khuất”, đó là phong trào phụ nữ dù được phát động nhưng chưa đi vào chiều sâu và đảm bảo thực chất.

Xã hội càng phát triển thì khoảng cách giới càng phải thu hẹp lại, sự tiến bộ của phụ nữ phải được đề cao, thực chất hơn, không chỉ ngoài xã hội mà còn trong từng gia đình. Sau đại hội các cấp hội LHPN phải cụ thể hóa thành các phong trào, cuộc vận động, những mô hình, việc làm phù hợp, thiết thực hơn nữa, tạo điều kiện tối đa cho phụ nữ thể hiện khát vọng vươn lên, hội nhập sâu hơn.

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng cần dành sự quan tâm cao hơn, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt hơn nữa để phong trào và việc làm của các cấp hội phụ nữ ngày càng phát triển. Nhất là cần quan tâm, chú trọng quy hoạch nguồn cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

Tuệ Minh

24/02/2022 2:36:38 CH

Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, đại diện Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng cho rằng, tiêu chí đối "người phụ nữ thời đại mới" sẽ không chỉ là học thức, kinh nghiệm mà còn là sự chủ động, khả năng nắm giữ - điều khiển - sử dụng công nghệ trong cuộc sống.

Tiêu chí xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

Phụ nữ tiếp cận và làm chủ khoa học công nghệ. Ảnh minh họa

Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII là sự kiện chính trị quan trọng dự kiến tổ chức đầu tháng 3/2022, nhằm đánh giá toàn diện phong trào phụ nữ và hoạt động Hội 5 năm qua và đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022 – 2027. Trong đó, "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới" sẽ là phong trào thi đua mới được Đại hội XIII sắp tới xem xét, phát động.

Góp ý vào nội dung này, bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (Light), cho rằng: Bối cảnh toàn cầu nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 (CN 4.0) đã và đang tác động đến toàn cảnh xã hội cũng như tác động đến từng quốc gia, từng gia đình và từng cá thể trong xã hội, trong đó có người phụ nữ. CN4.0 đã đi vào từng ngõ ngách đời sống con người, từ việc cung cấp thông tin, ứng dụng vào vận hành – điều kiển các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như phục vụ cho cuộc sống hàng ngày trong công việc, trong gia đình và kể cả giao tiếp giữa các cá nhân với nhau.

Phụ nữ thời đại mới cần lấy công nghệ là phương tiện phát huy tối đa năng lực

Theo đánh giá, Việt Nam là thị trường kinh tế số có mức tăng trưởng cao và tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó nền kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị khoảng 14 tỷ USD và dự kiến đạt 52 tỷ vào năm 2025. Theo Statista, tỷ lệ sở hữu smartphone có thể xem như một chỉ số để đo lường mức độ phát triển của nền kinh tế của một quốc gia; Năm 2020, tỷ lệ sử dụng smartphone tại Việt Nam đứng thứ 9 trên thế giới với tỷ lệ là 63,1% người dùng.

Do vậy, theo bà Nguyễn Thu Giang, nội hàm "người phụ nữ thời đại mới" trong thời đại CN4.0 sẽ cần phải linh hoạt hơn, năng động hơn để có thể nắm giữ được công nghệ, lấy công nghệ là phương tiện phát huy tối đa khả năng, năng lực của mình trong giảm nghèo, phát triển kinh tế cũng như gắn kết gia đình, giao tiếp – giao lưu – kết nối trong gia đình, trong cộng đồng và trong môi trường quốc tế. 

Bên cạnh đó, "người phụ nữ thời đại mới" cùng có nhiệm vụ gìn giữ các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình và quốc gia cùng như truyền lại cho thế hệ sau.

Tiêu chí xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

Bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (Light)

Tiêu chí đối "người phụ nữ thời đại mới" sẽ không chỉ là học thức, kinh nghiệm mà còn là sự chủ động, khả năng nắm giữ -điều khiển -sử dụng công nghệ trong cuộc sống hàng ngày trong công việc cùng như trong gia đình.

Là một tổ chức xã hội có kinh nghiệm gần 20 năm làm việc với các nhóm yếu thế, Viện LIGHT đã đồng hành với người phụ nữ yếu thế ở các lĩnh vực: người nghèo, người khuyết tật, người DTTS, người nhiễm HIV, người di cư, người cao tuổi, trẻ em gái… 

"Chúng tôi nhận thấy khát khao được tiếp cận, làm chủ công nghệ của họ, những phụ nữ yếu thế chưa bao giờ giảm sút, tuy nhiên để có thể tiếp cận được CN40 thì phụ nữ yếu thế gặp rất nhiều rào cản mà trong đó vấn đề bình đẳng giới, định kiến giới, khuôn mẫu giới cũng như vấn đề nghèo đã làm phụ nữ Việt Nam thời đại CN4.0 bị hạn chế rất nhiều", bà Nguyễn Thu Giang nói.

Hội LHPN Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII dự kiến vào tháng 3/2022 sẽ là động lực để phụ nữ Việt Nam, bao gồm phụ nữ yếu thế vượt lên khó khăn, rào cản để tiếp cận, làm chủ CN4.0 để trở thành "người phụ nữ thời đại mới" với sự đồng lòng, trợ giúp của các cơ quan ban ngành và đặc biệt là hệ thống Hội phụ nữ trải từ trung ương đến cơ sở thôn xóm.

Tiêu chí xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

Phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận với các phương tiện hiện đại trong cuộc sống hàng ngày. Ảnh minh họa

Đầu tư cho nhóm đối tượng đặc biệt

Theo đại diện Viện LIGHT, việc triển khai phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới" sẽ là động lực cũng như cam kết của Hội LHPN Việt Nam để nâng cao năng lực, vai trò của Người phụ nữ Việt Nam trong thời đại CN4.0.

Hiện nay, phụ nữ Việt Nam đặc biệt là thế hệ nữ thanh niên Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận, làm chủ CN4.0 và có những thành tựu, kết quả đã được ghi nhận trên tầm quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên đa phần người phụ nữ Việt Nam còn hạn chế tiếp cận CN4.0 do vẫn phải hoàn thiện các vai trò, nhiệm vụ bình thường nên năng lực, khả năng tiếp thu, sử dụng được CN4.0 còn thấp đặc biệt là nhóm nữ yếu thế: người nghèo, người khuyết tật, người DTTS, người nhiễm HIV, người di cư, người cao tuổi, trẻ em gái...

Việc "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới" cần được coi như là đầu tư cho nhóm đối tượng đặc biệt, đảm bảo tính bền vững của một quốc gia, nhất là đối với các nhóm nữ yếu thế. Do vậy khi thiết kế, xây dựng chương trình, tiêu chí cần có các mục đích, mục tiêu, các chỉ số cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn và từng đối tượng cũng như bố trí ngân sách phù hợp đầu tư cho nhóm này để đảm bảo các bước vững chắc cho nữ yếu thế tiếp cận, nắm giữ và làm chủ công nghệ trong cuộc sống hàng ngày, từ đó góp phần thoát nghèo, tham gia sâu rộng hơn các vấn đề xã hội cũng như góp phần gia đình hạnh phúc và sự phát triển của con cái, thế hệ tương lai của một quốc gia.

Cần huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức tư nhân, doanh nghiệp để tận dụng các kinh nghiệm đáng quí, tận dụng nguồn nhân lực cũng như vật lực của các đối tác này trong quá trình "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới" để góp phần người phụ nữ Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn và song hành với quốc tế.

https://phunuvietnam.vn/