Tình huống phạm tội trong tội phạm học

02[87]/2015

Mục lục

  • 1.Các tình huống phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh hiện nay
  • 2.Một số biện pháp khắc phục, loại trừ tình huống phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy tại Tp. Hồ Chí Minh nhằm phòng ngừa tội phạm
  • 3.Tài liệu tham khảo

CÁC TÌNH HUỐNG PHẠM TỘI TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN, MUA BÁN TRÁI PHÉP HOẶC CHIẾM ĐOẠT CHẤT MA TÚY TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH HIỆN NAY VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VỀ PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM

NGUYỄN HUỲNH BẢO KHÁNH*

02[87]/2015 - 2015, Trang 47-53

Ngày đăng:

  • Trích dẫn
  • Share

    • Twitter
    • Facebook
    • Zalo

TÓM TẮT

Nguyên nhân và điều kiện của các tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy từ góc độ các tội phạm cụ thể là sự tương tác giữa các đặc điểm tiêu cực thuộc về cá nhân người phạm tội với những tình huống khách quan bên ngoài dẫn đến quá trình hình thành động cơ phạm tội, kế hoạch hóa hành vi phạm tội và thực hiện hành vi phạm tội trên thực tế. Bài viết tập trung vào phân tích các tình huống tương tác với những đặc điểm tiêu cực của cá nhân người phạm tội dẫn đến hành vi phạm tội trên tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, tác giả kiến nghị một số biện pháp khắc phục, loại trừ những tình huống này nhằm phòng ngừa hiệu quả hơn các tội phạm về ma túy.


ABSTRACT:

Causes and conditions of illegal stocking, transporting, trading or appropriating narcotics are interaction of the negative characteristics of the criminal with objective situations leads to formation of motivation, plan and criminal acts in practice. This article focuses on the analysis of the situations which interact with negative characteristics of the individual criminal lead to illegal stocking, transporting, trading or appropriating narcotics in Ho Chi Minh city in recent years, thereby proposing some solutions to prevent drug- related crime.

TỪ KHÓA: không có,

KEYWORDS: không có,

Trích dẫn:

×

NGUYỄN HUỲNH BẢO KHÁNH*, CÁC TÌNH HUỐNG PHẠM TỘI TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN, MUA BÁN TRÁI PHÉP HOẶC CHIẾM ĐOẠT CHẤT MA TÚY TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH HIỆN NAY VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VỀ PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM , Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, 02[87]/2015, Trang 47-53

//tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=4ec981f1-6a61-47c3-ad6f-42bf1c0a0fca

Đăng ký để tải miễn phí Đăng ký

Bài viết đã được lưu vài tài khoản.

×

Vui lòng vào mục "Quản lý tài khoản" -> "Bài viết đã lưu" để có xem tiếp ngay lần đăng nhập sau.

1.Các tình huống phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh hiện nay

Trong khoa học Tội phạm học Việt Nam, khái niệm “tình huống”có thể được diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau nhưng khá thống nhất về nội dung. Ví dụ “tình huống là các nhóm hoàn cảnh xác định tội phạm về thời gian, địa điểm, nhóm những người tham gia; các đặc điểm thuộc về thể chất của người phạm tội, về vật thể, về các đối tượng khác của hành vi phạm tội; các điều kiện trong đó những người và vật thể đó đang tồn tại và các điều kiện làm giảm sự mạo hiểm đối với người phạm tội”[1]hay “tình huống là cơ hội hoặc hoàn cảnh cụ thể đã trực tiếp ảnh hưởng đến việc phát sinh tội phạm của người phạm tội vào thời điểm nhất định”[2]; hoặc “tình huống, hoàn cảnh khách quan được hiểu là những yếu tố được xác định cụ thể về không gian, thời gian, tình huống có thể gắn liền với đặc điểm đối tượng của hành vi phạm tội và của nạn nhân”[3]. Trên cơ sở kế thừa các quan điểm này, chúng tôi xác định tình huống phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy là các yếu tố thuộc về không gian, thời gian, các đặc điểm thuộc hoàn cảnh khách quan bên ngoài đã được người phạm tội sử dụng và có vai trò hỗ trợ cho các tội phạm được thực hiện trên thực tế. Trong phần dưới đây, tác giả trình bày khái quát các dạng tình huống cơ bản trong nguyên nhân và điều kiện các tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.

1.1 Tình huống không gian

Tình huống không gian được hiểu là những địa điểm thuận lợi được người phạm tội sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy có những tình huống cụ thể dưới đây:

a. Khu dân cư đông đúc có nhiều đường, hẻm quanh co

Đây là các khu vực, địa điểm thuận lợi được người phạm tội sử dụng để tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy và phổ biến ở hầu hết các quận nội thành, đặc biệt là các địa bàn có tình hình tội phạm ma túy phức tạp như khu Mã Lạng, các tuyến đường Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão [Quận 1]; các tuyến đường Tôn Đản, Đoàn Văn Bơ [Quận 4]; các tuyến đường Phạm Thế Hiển, Nguyễn Duy, Cao Xuân Dục [Quận 8]; các tuyến đường xung quanh bệnh viện Chợ Rẫy, đường Hồng Bàng, đường Phạm Hữu Trí [Quận 5], khu vực hẻm 72 Xô Viết Nghệ Tĩnh [Quận Bình Thạnh][4]… Những khu vực này tập trung mật độ dân cư đông đúc [chủ yếu là dân lao động] cho nên hành vi phạm tội ít gây sự chú ý của mọi người xung quanh hoặc đây cũng là khu vực nhiều người, nhiều hộ gia đình cùng phạm tội nên những người phạm tội sẽ tìm cách “che dấu” cho nhau. Bên cạnh đó, địa bàn với nhiều đường phố giao nhau, nhiều đường hẻm quanh co chằng chịt sẽ là lợi thế để người phạm tội có thể trốn chạy khi bị các cơ quan chức năng truy bắt.

b. Khu vực có nhiều sông, rạch

Các sông, rạch cũng là nơi khá phổ biến được người phạm tội lựa chọn để thực hiện các hành vi mua bán trái phép chất ma túy, đó là khu vực sông Sài Gòn: bến Bạch Đằng, khu vực gần Cảng Sài Gòn, cảng Khánh Hội [thuộc Quận 1, Quận 4], tuyến kênh Tẻ [thuộc Quận 4, Quận 7]; kênh Bến Nghé -Tàu Hủ [thuộc Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 6, Quận 8 và Quận 10][5]... Hành vi phạm tội được diễn ra trên ghe thuyền gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện tội phạm. Trong trường hợp bị phát hiện, các đối tượng này sẽ vứt ma túy xuống sông để phi tang và cơ quan chức năng không có chứng cứ để bắt giữ họ. Sông ngòi kênh rạch chằng chịt cũng là nơi các đối tượng mua bán lợi dụng để tẩu thoát bằng các phương tiện ghe xuồng hoặc nhảy xuống nước khi bị cơ quan chức năng phát hiện.

c. Các địa điểm quanh khu vực công viên

Công viên cũng là nơi các đối tượng lựa chọn thực hiện các hành vi mua bán trái phép chất ma túy vì đây là khu vực có đông người tụ tập vui chơi giải trí, mọi người có thể gặp gỡ, trò chuyện công khai mà không gây ra sự chú ý của mọi người xung quanh. Ngoài ra, công viên cũng là nơi các đối tượng nghiện ma túy sử dụng để tiêm chích ma túy và người phạm tội đến nơi này để bán ma túy cho người nghiện. Các khu vực công viên hiện nay là điểm “nóng” của tệ nạn ma túy, tội phạm về ma túy là công viên 23-9 [khu B] Quận 1, công viên Hòa Bình Quận 5, Công viên văn hóa Lê Thị Riêng Quận 10 [hẻm 601 Cách Mạng Tháng Tám], công viên Phú Lâm Quận 6[6]… Ở khu vực công viên, các đối tượng thường tàng trữ ma túy trong người, cất giấu trong xe máy hoặc một nơi nhất định trong công viên và khi tìm được người mua, các đối tượng này sẽ trực tiếp đi lấy ma túy giao cho người mua hoặc sau khi nhận tiền sẽ chỉ chỗ cho người mua lấy ma túy.

d. Các địa điểm là dạ cầu, cầu vượt

Dạ cầu, cầu vượt cũng làkhu vực công cộng mọi người có thể lui tới tự do và có thể tập trung nhiều người nghiện ma túy, đặc biệt những cây cầu nối liền các quận, huyện đã được người phạm tội sử dụng để thực hiện hành vi tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, trong đó đáng chú ý là khu vực cầu vượt An Sương, Quận 12, cầu Khánh Hội [nối Quận 1 và Quận 4]; cầu Chà Và nối Đại lộ Võ Văn Kiệt - hướng Quận 5; cầu Chà Và và đường Bình Đông - hướng Quận 8; cầu Hiệp Ân nối phường 10 và phường 12 Quận 8, cầu Nhị Thiên Đường gần hẻm 690, 843 và 904 Nguyễn Duy], khu vực dạ cầu chữ Y - khu vực chợ Đệm đoạn 310 Hưng Phú Quận 8]. Sự đông đúc, hối hả của các phương tiện giao thông cũng như những khó khăn khi truy bắt tội phạm của các cơ quan chức năng ở những vùng giáp ranh là lý do cơ bản để người phạm tội sử dụng những địa điểm này để thực hiện hành vi phạm tội.

e. Các địa điểm kinh doanh các ngành nghề nhạy cảm

Tp. Hồ Chí Minh hiện có hơn 18 ngàn khách sạn, nhà nghỉ, 183 vũ trường, gần 3 ngàn quán karaoke, hàng ngàn các cơ sở kinh doanh biến tướng khác như nhà hàng, quán ăn, câu lạc bộ nhưng thực chất là tổ chức kinh doanh bán rượu mạnh - trên 30 độ cồn, tổ chức các sàn nhảy với âm thanh, ánh sáng như vũ trường nhằm thu hút các đối tượng có tiền đến uống rượu và sử dụng ma túy - chủ yếu là ma túy tổng hợp.[7]Các đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy ở những địa điểm này thường là người bên ngoài móc nối với chủ, nhân viên của quán tổ chức rủ rê, bán cho khách hoặc chính chủ, nhân viên tàng trữ, bán ma túy cho người có nhu cầu. Nếu như trước đây các tụ điểm này thường tập trung ở những khu vực trung tâm Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5 thì hiện nay các đối tượng có xu hướng mở rộng phạm vi hoạt động và sử dụng tại khu vực các quận lân cận như Quận Bình Thạnh, Quận Gò Vấp, Quận 12, Quận Tân Phú hay khu vực ngoại thành như huyện Bình Chánh.

f. Khu vực các cảng

Khu vực các cảng xảy ra hành vi phạm tội được quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự [BLHS] năm 1999 chủ yếu là cảng quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, các cảng đường thủy như cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận, cảng Cát Lái và một số cảng khô khác. Đây là những khu vực người vận chuyển ma túy thường sử dụng để vận chuyển trái phép chất ma túy từ các quốc gia về Tp. Hồ Chí Minh hoặc từ Tp. Hồ Chí Minh sang các quốc gia khác. Tại các cảng này ma túy được cất giấu tinh vi trong hành lý cá nhân, trong người hoặc trong trong các kiện hàng hóa và được vận chuyển [hoặc sẽ vận chuyển] bằng các phương tiện tàu bay, tàu thủy.

g. Hệ thống bưu điện

Ma túy cũng được vận chuyển tại các bưu điện thông qua việc gửi, nhận hàng hóa, chủ yếu là hàng hóa từ các quốc gia khác về Tp. Hồ Chí Minh. Bưu điện là địa điểm được người phạm tội sử dụng vì nhận vận chuyển hàng hóa đi đến nhiều địa điểm khác nhau và khi được gửi, hàng hóa phải được đóng gói cẩn thận. Người phạm tội đã sử dụng yếu tố này để cất giấu ma túy tinh vi vào hàng hóa nhằm tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng.

1.2. Tình huống thời gian

Tình huống thời gian được hiểu là những khoảng thời gian thuận lợi hỗ trợ cho hành vi phạm tội xảy ra. Trong nhóm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, yếu tố thời gian không mang tính đặc trưng, điều này có nghĩa là vào bất cứ thời gian nào trong ngày các hành vi phạm tội cũng có thể được thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, tùy thuộc vào những hoàn cảnh, địa điểm cụ thể mà người phạm tội có thể lựa chọn thời gian phù hợp. Ví dụ các hành vi mua bán trái phép chất ma túy tại các vũ trường, quán bar… thường xảy ra vào ban đêm hoặc các đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy từ vùng biên giới, từ nước ngoài về Tp. Hồ Chí Minh cũng thường lựa chọn thời gian là ban đêm hay thời điểm có nhiều chuyến bay đi và đến cùng một lúc nhằm gây khó khăn cho việc phát hiện của các cơ quan chức năng. Thời gian xảy ra các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy ở khu vực dân cư hay công viên, dạ cầu sẽ tùy thuộc vào sự quan sát của người phạm tội để ít gây sự chú ý của người dân xung quanh hoặc tránh thời điểm các cơ quan chức năng thường đi tuần tra…

1.3. Nhu cầu sử dụng trái phép các chất ma túy

Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng Tp. Hồ Chí Minh được đánh giá là địa phương có người sử dụng ma túy trái phép - người nghiện ma túy nhiều nhất nước.[8]Chính nhu cầu sử dụng ma túy của những người nghiện ma túy trên địa bàn và các khu vực lân cận là yếu tố thúc đẩy sự xuất hiện và gia tăng các tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy tại Tp. Hồ Chí Minh.

1.4. Sự không tố giác tội phạm của người dân

Một trong những tình huống tạo điều kiện cho hành vi phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy tại Tp. Hồ Chí Minh là việc không tố giác tội phạm của một bộ phận người dân khi chứng kiến hoặc biết hành vi phạm tội xảy ra. Điều này cũng lý giải hiện tượng có những khu vực mà tội phạm về ma túy có thể tồn tại công khai trong một khoảng thời gian dài. Một bộ phận người dân ở các khu vực này có thể cùng thực hiện hành vi phạm tội hoặc không thực hiện hành vi phạm tội nhưng ngại va chạm, sợ bị trả thù nên không tố giác với các cơ quan chức năng những hành vi tiêu cực đang xảy ra xung quanh. Người phạm tội biết được những đặc điểm tâm lý của người dân nên có thể công khai thực hiện hành vi phạm tội.

* ThS. Luật học, giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.

[1] Xem Võ Khánh Vinh, Giáo trình Tội phạm học, Nxb Giáo dục, 1999, tr. 117.

[2] Xem Dương Tuyết Miên, Tội phạm học nhập môn, NXB Công an nhân dân, 2009, tr. 235; Giáo trình Tội phạm học, Trường ĐH Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, 2012, tr. 139.

[3] Xem Giáo trình Tội phạm học, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh, Nxb Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, 2013, tr. 220.

[4] Khảo sát thực tế của tác giả với sự hướng dẫn của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy [C.47], đội phòng chống ma túy các Quận 1, Quận 4, Quận 5, Quận 8, Quận Bình Thạnh.

[5] Tlđd.

[6] Tlđd.

[7] Vũ Đức Khiển, Hoạt động phòng chống tội phạm ma túy tại các cơ sở kinh doanh nhạy cảm trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh - Thực trạng và giải pháp, Nxb Công an nhân dân, 2014, tr. 11.

[8] Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, năm 2006 Tp. Hồ Chí Minh có 23.000 người nghiện ma túy, nhiều nhất nước.

Theo báo cáo của Công an Tp. Hồ Chí Minh, hiện thành phố có khoảng 19.000 người nghiện ma túy.

Theo ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh - trong bài trả lời phỏng vấn báo Thanh niên - hiện thành phố có khoảng 40.000 người nghiện ma túy. Xem: www.thanhnien.com,ngày 24/12/2014.


2. Một số biện pháp khắc phục, loại trừ tình huống phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy tại Tp. Hồ Chí Minh nhằm phòng ngừa tội phạm

2.1. Các biện pháp tác động đến tình huống không gian

Tình huống không gian được người phạm tội sử dụng là những địa điểm về tự nhiên hay nhân tạo có ý nghĩa nhất định trong đời sống của con người. Khắc phục, loại trừ các tình huống không gian của việc phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy không có nghĩa là xóa bỏ không cho tồn tại những địa điểm này mà cần phải áp dụng các biện pháp quản lý xã hội nhằm chuyển hóa các yếu tố tiêu cực của những địa điểm này, phát huy yếu tố tích cực, không để những địa điểm này bị sử dụng vào mục đích phạm tội. Như trên đã phân tích, đặc điểm chung của các địa điểm này là nơi tụ tập dân cư đông đúc và phục vụ các sinh hoạt chính đáng của người dân cho nên các biện pháp quản lý phải được thực hiện thận trọng không để ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân và phải tuân thủ các nguyên tắc của hoạt động phòng ngừa tội phạm. Hoạt động quản lý các địa điểm được người phạm tội sử dụng có thể được thực hiện thông qua việc tăng cường tuần tra của cơ quan cảnh sát, lập chốt dân phòng, lắp camera quan sát và tăng cường đèn chiếu sáng vào ban đêm.

Đối với khu vực dạ cầu, công viên hay sông rạch có nhiều bụi rậm thì các cơ quan chức năng tại địa phương kết hợp với đoàn thanh niên, các tổ chức tình nguyện cần thường xuyên vệ sinh, chỉnh trang khu vực. Đối với các khu vực là những khu đất quy hoạch đang xây dựng hoặc đang bị bỏ trống thì ngoài việc tăng cường tuần tra của cảnh sát, đội dân phòng thì yêu cầu cần thiết là không để các khu vực này nhếch nhác mất vệ sinh khiến người dân ngại lui tới và trở thành cứ địa cho người nghiện, người phạm tội ma túy. Chính quyền địa phương cần có những biện pháp tác động đến ý thức của các chủ đầu tư trong việc sử dụng đất đúng mục đích, đẩy nhanh tiến độ thi công, tăng cường rào chắn quanh khu vực và có thể áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong những trường hợp cần thiết.

Ở những địa điểm là khu vực cầu vượt, nơi tập trung rất nhiều phương tiện giao thông thì cần lập lại trật tự xã hội nói chung, trật tự giao thông ở những nơi này nói riêng như cảnh sát giao thông tăng cường hiện diện điều tiết giao thông, kịp thời phối hợp với cảnh sát phòng, chống ma túy trong việc phát hiện, tạm giữ người, phương tiện có dấu hiệu phạm tội ma túy. Đối với những khu vực có nhiều đường hẻm quanh co, cơ quan nhà nước cần mở rộng đường hẻm, vận động, thậm chí cưỡng chế người dân thực hiện đúng quy định lối sống văn minh đô thị như không chiếm dụng lòng, lề đường, tạo đường hẻm thông thoáng sạch sẽ. Đồng thời, vận động người dân cảnh giác với những đối tượng lạ có dấu hiệu thực hiện hành vi phạm tội ma túy và kịp thời thông tin với các cơ quan chức năng để có những biện pháp ngăn chặn phù hợp. Riêng với những khu vực đường, hẻm ma túy tập trung nhiều hộ phạm tội ma túy thì có thể áp dụng những biện pháp kiên quyết hơn như chặn các đường hẻm thông nhau [như từng áp dụng ở khu vực Mả Lạng, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1], lập chốt tại các cửa ngõ ra vào hẻm do cảnh sát khu vực, tổ dân phòng quan sát, kiểm tra các đối tượng có nghi vấn, tổ chức hệ thống loa phát thanh thường xuyên tuyên truyền pháp luật phòng, chống ma túy đồng thời kịp thời thông tin cho người dân những trường hợp phạm tội và những hình phạt đã bị áp dụng cho người phạm tội nhằm răn đe các đối tượng có nguy cơ phạm tội.

Để loại bỏ các yếu tố tạo cơ hội cho những người có động cơ phạm tội mua bán, tàng trữ ma túy tại các địa điểm kinh doanh các ngành nghề nhạy cảm, điều cần thiết là phải đảm bảo những địa điểm này hoạt động đúng với mục đích thật sự của chúng là giúp con người có đời sống tinh thần lành mạnh. Các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến ngành nghề nhạy cảm giữ vai trò rất quan trọng từ khâu cấp phép hoạt động đến khâu hậu kiểm. Lợi nhuận là mục đích lớn nhất của các chủ cơ sở kinh doanh cho nên việc tăng cường quản lý từ cơ quan nhà nước phải gắn liền với các hình thức xử phạt nghiêm khắc để chủ cơ sở có sự cân nhắc lợi ích của việc để cho hành vi phạm tội xảy ra tại cơ sở mình với các hậu quả bất lợi họ phải gánh ch­­ịu khi hành vi phạm tội bị phát hiện. Khi những hậu quả bất lợi họ phải gánh chịu lớn hơn những lợi ích do tội phạm mang đến thì chủ các cơ sở này sẽ không thực hiện hành vi tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy hoặc tăng cường giám sát hoạt động của nhân viên để hành vi phạm tội không xảy ra. Một vấn đề cũng rất quan trọng ảnh hưởng đến việc cân nhắc lợi ích của chủ cơ sở kinh doanh là cơ quan quản lý phải cho họ thấy được nguy cơ hành vi tàng trữ, mua bán trái phép ma túy của họ có thể bị phát hiện bất kỳ khi nào. Theo đó, cơ quan quản lý phải thường xuyên và đột xuất kiểm tra hoạt động của các cơ sở liên quan đến chấp hành quy định về thời gian hoạt động[9], hợp đồng lao động của nhân viên, đặc biệt là kiểm tra phản ứng nhanh với ma túy đối với các đối tượng có nghi vấn… nhằm tạo nên thói quen chấp hành pháp luật của những người kinh doanh các ngành nghề nhạy cảm. Các biện pháp trên có thể trực tiếp ngăn chặn, làm cho những địa điểm này không trở thành điều kiện hỗ trợ cho hành vi phạm tội.

Tại các cảng và hệ thống bưu điện, biện pháp quan trọng nhất vẫn là tăng cường hệ thống kiểm soát, phát hiện ma túy trong người hành khách và hàng hóa được vận chuyển và Nhà nước cần đầu tư đúng mức để nâng cao hiệu quả của hoạt động này, cụ thể như thường xuyên nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ an ninh, hải quan, nhân viên bưu điện kể cả việc cử sang nước phát triển học tập, huấn luyện các biện pháp nghiệp vụ phát hiện ma túy cũng như khả năng nhận diện người có dấu hiệu phạm tội thông qua hộ chiếu, thời gian di chuyển, những đặc điểm tâm lý bất thường. Đồng thời, trang bị máy móc soi chiếu phát hiện và giám định ma túy hiện đại, sử dụng chó nghiệp vụ trong việc hỗ trợ phát hiện ma túy tại những khu vực và đối tượng có nguy cơ cao như người nhập cảnh từ các nước châu Phi, Thái Lan… hay hàng hóa xuất đi Australia, Đài Loan [Trung Quốc]. Ngoài ra, các quy định của pháp luật liên quan đến các hoạt động thông quan, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh rõ ràng, thống nhất cũng là biện pháp quan trọng ngăn chặn các địa điểm này không thể trở thành nơi vận chuyển trái phép chất ma tuý và người có động cơ phạm tội không thể lợi dụng những điểm yếu của việc vận chuyển hàng hóa, hành khách để vận chuyển trái phép chất ma túy.

2.2. Các biện pháp tác động đến tình huống thời gian

Nắm bắt được quy luật về thời gian cũng như kịp thời phát hiện sự thay đổi về thời gian xảy ra các tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy tại Tp. Hồ Chí Minh là yêu cầu quan trọng nhằm khắc phục tình huống này. Thời gian mà người phạm tội thực hiện các tội phạm nêu tại Điều 194 BLHS năm 1999 có liên quan chặt chẽ với yếu tố không gian, tức là tùy vào những địa điểm khác nhau người phạm tội sẽ thực hiện hành vi phạm tội vào những khoảng thời gian khác nhau, chính vì vậy các chủ thể phòng ngừa cần có những biện pháp nhằm tác động đồng thời vào cả hai yếu tố thời gian và địa điểm.

Đối với các hành vi phạm tội thường xảy ra theo những quy luật thời gian nhất định, ví dụ nếu như đêm khuya là thời gian thường xảy ra hành vi mua bán trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh nhạy cảm hay vận chuyển trái phép chất ma túy vào Tp. Hồ Chí Minh [bằng đường hàng không, đường bộ, đường thủy] thì các cơ quan chức năng cần tăng cường hoạt động kiểm tra vào những thời điểm này. Đối với các hành vi phạm tội diễn ra không theo quy luật thời gian nào như hành vi tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy ngoài đường phố, công viên, chỗ ở của người phạm tội thì cơ quan chức năng cần luân phiên tăng cường thực hiện hoạt động kiểm tra những đối tượng, khu vực có nguy cơ.

Bên cạnh đó, với tính chất ngày càng nguy hiểm, tinh vi của nhóm tội phạm này trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh hiện nay, các chủ thể phòng chống tội phạm chuyên trách cần theo dõi sự thay đổi về thời gian được người phạm tội sử dụng để tăng cường mật độ kiểm soát và thiết kế các biện pháp phòng, chống cho phù hợp. Ví dụ điển hình cho trường hợp này là ở hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy tại sân bay Tân Sơn Nhất, người phạm tội đang có xu hướng lựa chọn những thời điểm có nhiều chuyến bay đi hoặc đến [cả ban ngày lẫn ban đêm] hay hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy bằng đường bộ có thể xảy ra vào những ngày nghỉ lễ có mật độ phương tiện giao thông đông đúc.

2.3. Các biện pháp khắc phục, loại trừ nhu cầu sử dụng trái phép chất ma túy

Khắc phục, loại trừ nhu cầu sử dụng trái phép chất ma túy đồng nghĩa với việc áp dụng các biện pháp cai nghiện ma túy nhằm làm giảm, tiến tới loại trừ tệ nạn nghiện ma túy trong xã hội và điều này cũng đồng nghĩa với việc số lượng các tội phạm về ma túy sẽ giảm, hạn chế khi không có người nghiện ma túy. Theo chúng tôi, công tác phòng ngừa không để xuất hiện người nghiện mới và công tác cai nghiện cho những người nghiện có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và cần phải được tiến hành đồng bộ. Việc phòng ngừa tình trạng nghiện mới cần sự tổng hợp các biện pháp về văn hóa - giáo dục - tâm lý xã hội từ phía gia đình, nhà trường và toàn xã hội; đó là sự quan tâm, yêu thương, giáo dục phòng ngừa từ phía gia đình, nhất là đối với người chưa thành niên, kết hợp với việc nâng cao nhận thức tác hại của ma túy cho toàn cộng đồng từ các chương trình tuyên truyền, giáo dục của các cơ quan đoàn thể. Đối với công tác cai nghiện ma túy, nếu đã xác định người nghiện ma túy là “người bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ”[10]một dạng bệnh nhân đặc biệt thì việc chữa bệnh cho họ phải là quá trình lâu dài, tổng thể các quy trình can thiệp, hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội; đặc biệt các biện pháp cai nghiện phải được nghiên cứu, kiểm nghiệm, đánh giá một cách nghiêm túc và có cơ sở khoa học.

Theo chúng tôi, Tp. Hồ Chí Minh nên mạnh dạn triển khai hình thức cai nghiện thay thế bằng Methadone và các chất ma túy tổng hợp thay thế khác vì phương pháp này tránh gây đau đớn vật vã cho bệnh nhân khi cắt cơn mà hiệu quả trong việc thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy đã được kiểm chứng. Với 5 cơ sở điều trị bằng Methadone như hiện nay, thành phố chỉ đang điều trị được cho 1.526 người nghiện ma túy[11]chính vì vậy yêu cấp thiết là mở rộng các tụ điểm điều trị bằng Methdone và các chất thay thế khác. Các tụ điểm điều trị bằng Methadone nên giao về Trung tâm Y tế dự phòng của 24 quận, huyện để người nghiện ở các quận huyện đều có điều kiện đăng ký điều trị và sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết có thể mở rộng xuống hệ thống Trung tâm Y tế xã, phường, thị trấn nhằm tạo điều kiện tối đa cho người nghiện ma túy được tiếp cận với phương pháp cai nghiện này. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cần quan tâm, đầu tư cho công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan, có chính sách khuyến khích về vật chất đối với người tự nguyện khai báo và tự nguyện cai nghiện, như cơ chế hỗ trợ tiền thuốc, tiền ăn và tạo điều kiện mua bảo hiểm y tế. Các cơ sở cai nghiện tập trung [bao gồm cơ sở cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện] cần được chính quyền thành phố mở rộng về quy mô đáp ứng việc cái nghiện khi số người cần được cai nghiện vượt quá dự kiến như hiện nay, tiến tới thí điểm thành lập bệnh viện điều trị, cai nghiện ma túy, xem nghiện ma túy là căn bệnh nguy hiểm cần được nghiên cứu và điều trị chuyên khoa ở tầm quy mô như ở những bệnh viện chuyên khoa khác.

Thêm vào đó, vấn đề không kém phần quan trọng và có thể quyết định hiệu quả cai nghiện hiện nay là cần thiết nghiên cứu ban hành bộ giáo trình chuẩn để áp dụng chung cho các cơ sở cai nghiện và nhanh chóng tìm ra phác đồ phù hợp để điều trị người nghiện ma túy tổng hợp. Các cơ quan chức năng của thành phố như Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh Xã hội… có thể học tập kinh nghiệm điều trị cho người nghiện ma túy từ các nước phát triển kết hợp với các phương pháp từ y học cổ truyền [mát xa, châm cứu…], tìm ra phương pháp cai nghiện phù hợp với đặc điểm thể chất của người Việt Nam. Tp. Hồ Chí Minh cũng có thể học tập kinh nghiệm điều trị cắt cơn, cai nghiện ma túy bằng Cedemex tại gia đình, cộng đồng như tỉnh Thái Nguyên đang áp dụng và có hiệu quả khá khả quan.[12]

Vấn đề tạo việc làm cho người sau cai nghiện cũng cần được quan tâm đúng mức vì đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tái nghiện cũng như tình trạng phạm tội. Những năm qua chính quyền thành phố đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm giáo dục dạy nghề - giải quyết việc làm Nhị Xuân [xã Tân Thới Sơn, huyện Hóc Môn] nhưng chưa thu hút được học viên tham gia làm việc sau khi được cai nghiện. Vấn đề này cần được đánh giá chính xác, xác định nguyên nhân và tìm cách khắc phục nhằm phát huy được mô hình giải quyết việc làm sau cai nghiện, từ đó nhân rộng mô hình này cho các quận, huyện khác trong thành phố.

2.4. Các biện pháp khuyến khích hoạt động tố giác tội phạm của người dân

Tình trạng người dân chứng kiến hoặc biết các tội phạm về ma túy xảy ra nhưng không tố giác tội phạm xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, theo chúng tôi quan trọng nhất là người dân chưa nhận thức đầy đủ sự cần thiết của hoạt động tố giác tội phạm, chưa nhận thấy được lợi ích do hoạt động này mang đến cho cuộc sống của họ và đặc biệt là tâm lý sợ bị trả thù. Để khắc phục các đặc điểm tâm lý này, các chủ thể phòng chống tội phạm chuyên trách cần tiến hành các biện pháp nâng cao ý thức của người dân trong việc tố giác các tội phạm về ma túy. Các biện pháp này là sự kết hợp giữa các biện pháp văn hóa - giáo dục lâu dài với những biện pháp khuyến khích, động viên trước mắt như lập đường dây nóng nhận tin tố giác, có chế độ khen thưởng cho người tố giác tội phạm và quan trọng là có cơ chế bảo vệ an toàn cho người tố giác tội phạm. Khi nhận thức rõ lợi ích của xã hội, gia đình và bản thân trong hoạt động tố giác tội phạm và đặc biệt khi nhận được sự bảo vệ của các cơ quan chức năng, người dân sẽ tự giác tham gia vào hoạt động phòng ngừa tội phạm.

Như vậy, vấn đề quan trọng nhất là các chủ thể chuyên trách như cơ quan Công an, Cảnh sát, Viện Kiểm sát phải là lực lượng hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tham gia tố giác tội phạm bằng cách thành lập nhiều điểm tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm và nghiêm túc xử lý các thông tin đó, sẵn sàng áp dụng các biện pháp bảo vệ khi người dân yêu cầu và có chế độ động viên, khen thưởng đối với những thông tin có giá trị. Hình thức đơn giản nhưng hiệu quả nhất của hoạt động tố giác là gọi điện thoại cho các trạm tiếp nhận thông tin phòng chống tội phạm ma túy và gọi điện thoại trực tiếp đến cảnh sát khu vực phụ trách từng khu phố. Hình thức gọi điện thoại vừa đơn giản, vừa tiết kiệm thời gian của người dân vừa bảo đảm tính bí mật cho người cung cấp thông tin - một yếu tố quan trọng mà người tố giác tội phạm quan tâm. Do người dân thành phố đã quen với số điện thoại 113 khi muốn trình báo các vấn đề về an ninh trật tự, chúng tôi kiến nghị số điện thoại này cũng nên được sử dụng để tiếp nhận các thông tin liên quan về tội phạm ma túy. Tuy nhiên, để có thể đáp ứng được các cuộc gọi đến, tổng đài 113 phải được đầu tư nâng cấp để có thể nhận được cùng một lúc nhiều cuộc gọi và cán bộ nhân viên phải phân loại, xử lý thông tin chuyển về các cơ quan chức năng tương ứng trong thời gian sớm nhất. Từ những thông tin tố giác tội phạm, cơ quan cảnh sát phòng chống ma túy sẽ tiến hành xác minh và có những biện pháp xử lý thích hợp.

Kết luận: Phòng ngừa các tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy tại Tp. Hồ Chí Minh là tổng hợp các biện pháp tác động vào nguyên nhân và điều kiện của tội phạm. Đó có thể là các biện pháp cải thiện các điều kiện xã hội nói chung, các biện pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật nói riêng nhưng cũng có thể phòng ngừa bằng cách xác định các tình huống hỗ trợ cho hành vi phạm tội và khắc phục các tình huống đó. Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ trình bày một số tình huống cơ bản và kiến nghị một số biện pháp khắc phục mang tính định hướng. Trên thực tế, người phạm tội có thể sử dụng nhiều tình huống hay chỉ sử dụng một tình huống đơn lẻ để thực hiện hành vi phạm tội và tự thân các tình huống này cũng có thể thay đổi theo các chiều hướng khác nhau; do đó, các chủ thể phòng, chống tội phạm cần thường xuyên nghiên cứu, quan sát để kịp thời phát hiện các tình huống được người phạm tội sử dụng, từ đó đề ra các biện pháp khắc phục, loại trừ tình huống nhằm phòng ngừa tội phạm có hiệu quả.

[9] Theo Điều 24 Nghị định 103/2009/NĐ-CP, các quán bar, karaoke, vũ trường không được hoạt động sau 12 giờ đêm đến sáng, trừ các trường hợp các cơ sở này trong các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 3 sao trở lên hoặc hạng cao cấp được hoạt động sau 12 giờ đêm nhưng không quá 2 giờ sáng.

[10] Xem: Quyết định số 2245/QĐ- UBND của UBND Tp. Hồ Chí Minh ngày 9/5/2014 về ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.

[11] Tài liệu Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới và triển khai kết luận số 95- KL/TW ngày 2/4/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị - của UBND Tp. Hồ Chí Minh ngày 26/4/2014.

[12] Theo bài viết “Hiệu quả bước đầu cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex” của Thái Sơn trên báo Nhân dân điện tử ngày 29/6/2013 Cedemex là thuốc hỗ trợ cắt cơn, cai nghiện được sản xuất từ kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước và hợp tác quốc tế theo Nghị định thư khóa V giữa Việt Nam và Trung Quốc từ 2004 - 2007. Từ năm 2008, Cedemex đã được ứng dụng điều trị ma túy tại 8 tỉnh thành trên cả nước và từ 2013, tỉnh Thái Nguyên dùng Cedemex cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng và có kết quả khá tốt, số người không tái nghiện đạt trên 60%. Xem tại //www.nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/23639702-hieu-qua-buoc-dau-cai-nghien-ma-tuy-bang-thuoc-cedemex.html.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

©

Bài viết được đăng tải dưới sự cho phép của Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài viết được bảo lưu. Chi tiết xin vui lòng liên email

Vui lòng đăng nhập tài khoản để tải miễn phí.

Gmail

Đăng ký

Quên mật khẩu?

Đặt mua

Bản giấy tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Bài viết liên quan trên

Google scholar

Trích dẫn bài viết qua

Google scholar Crossref

  • Bài báo mới

Video liên quan

Chủ Đề