Ca sĩ thu vân là ai?

Đa phần những giọng ca đoạt giải ở các cuộc thi Chuông vàng vọng cổ [CVVC], nếu không chính thức gắn bó với một đơn vị nghệ thuật nào, sẽ tìm đường về TP.HCM để có cơ hội phát triển nghề nghiệp. Nhưng Quán quân Đường đến danh ca vọng cổ Thu Vân thì không. 
 

Quán quân Đường đến Danh ca Vọng cổ Thu Vân


Nhiều năm sau ngày đoạt giải, vẫn thấy Vân đâu đó ở quê hương Cờ Đỏ [Cần Thơ], vẫn thấy gắn với Đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang. Từ chối nhiều lời mời gọi hấp dẫn lên TP.HCM lập nghiệp đã đành, lần nào lên Vân cũng vội vội, vàng vàng, chỉ mong xong việc sớm để chạy về quê.

Vân nói: “Thời gian, rồi những thử thách trong cuộc sống, nghề nghiệp làm tôi thay đổi nhiều. Tôi mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn, nhưng lạ một điều là lúc nào tôi cũng chỉ muốn được ở gần ba mẹ. Tôi luôn cảm thấy mình như đứa trẻ mỗi khi được ở bên cạnh ba mẹ - yên bình và hạnh phúc lắm”. 

Buổi trưa Sài Gòn nắng gắt, con đường bên ngoài ồn ào xe cộ, khói bụi… Nhưng dường như chẳng sự ồn ào nào có thể chen được vào tâm thức của Quán quân Đường đến danh ca vọng cổ. Nhất là khi ký ức về ngôi nhà đơn sơ với một khoảnh sân nho nhỏ, nơi Út Vân được nuôi lớn bằng tình thương yêu vô bờ của cha mẹ đã ùa về, đầy ắp trong câu chuyện.

Là con gái út trong gia đình có đến chín anh chị em, nhà không giàu tiền giàu bạc, nhưng từ nhỏ Út Vân đã được bao bọc bởi tình yêu thương. Mẹ buôn bán gạo, ba tận dụng khoảnh sân chăn nuôi, kiếm thêm thu nhập nuôi con. Út Vân muốn gì ba mẹ cũng chiều, kể cả chuyện mười bốn tuổi vẫn đòi ngủ chung với ba mẹ, mà phải được nằm giữa mới chịu. 
 

Thu Vân giữa vòng tay ba mẹ


“Tôi sẽ rất lúng túng nếu phải trả lời ký ức nào của tuổi thơ khiến tôi nhớ nhất, bởi tôi có quá nhiều ký ức đẹp mà mỗi khi nghĩ về, tôi chỉ thấy ấm áp. Nhiều khi nghĩ chắc trên đời này không người cha nào thương con gái như ba tôi. Mười mấy tuổi đầu, phải lội quãng đường sình lầy khá xa về nhà, tôi mệt đừ, lười biếng leo lên giường nằm ngủ, để nguyên cặp chân lấm lem sình lầy, thả lòng thòng xuống đất. Tưởng con say ngủ, ba bưng thau nước lên tận giường, vừa rửa chân vừa lẩm bẩm thương con gái lội sình vất vả. Rửa chân sạch sẽ, ba đặt tôi nằm ngay ngắn trên giường. Nước vô chân ai mà ngủ được, vậy đó nhưng tôi vẫn giả đò ngủ say để tận hưởng cảm giác hạnh phúc được ba chiều. Tôi luôn nghĩ mình có hôm nay chính vì những yêu thương chăm sóc được vun bồi từng ngày” - Thu Vân nhớ lại.

Nhà đông anh em, hễ một người ra riêng, nhà lại rộng hơn một chút. Vân nói: “không hiểu sao nhà cứ rộng dần, đến mức mình rơi vào cảm giác lo sợ một ngày nào đó mình mất hơi ấm gia đình, không còn sự yêu thương của mẹ cha”. 
 

Thu Vân – vai Mận , vai diễn đạt HCV Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 [vở Cơn mê cuối cùng]


Rồi nỗi sợ phải “tan đàn xẻ nghé” cũng đến, không phải vì các anh chị lớn lần lượt có gia đình ra ở riêng mà vì mẹ Vân làm ăn thua lỗ, gia đình rơi vào cảnh nợ nần. Khoản nợ khi đó chỉ chừng hai mươi triệu nhưng với gia đình Vân là cả một gia tài. Mẹ không dám về nhà. Chủ nợ chì chiết đòi nợ sớm hôm. Cô bé Vân núp sau nhà khóc tấm tức, lòng chỉ nung nấu một điều duy nhất: làm cách nào để có tiền trả nợ cho mẹ.

Được trời phú cho giọng ca mượt mà, truyền cảm, vốn đã nổi tiếng ở miền quê Cờ Đỏ, Thu Vân kiên quyết nghỉ học và xin ba mẹ cho lên An Giang đi hát kiếm tiền. Trước cảnh nợ nần và sự kiên quyết của con gái, ba mẹ Vân đành phải gật đầu.

Mười sáu tuổi, Vân bắt đầu một cuộc sống tự lập. Quen được cưng chiều, thế giới bên ngoài với Vân quả là thử thách. Con nhỏ có giọng ca trội hơn các chị làm nhiều người không ưa, nhưng phải chấp nhận vì nó là giọng ca chính kiếm ra tiền cho cả nhóm. Vân không nhớ mình đã khóc bao nhiêu đêm vì bị chèn ép. 
 

Thu Vân [trái] ở vòng bán kết Đường đến danh ca vọng cổ


Có đêm, một mình hát khan cả cổ, nhưng tiền thu được vẫn phải chia đều. Có đêm Vân một mình thu lu trong phòng trọ cũ kỹ, nghèo nàn. Trời đổ mưa nước chảy ngay giữa giường…. Vậy đó, nhưng mọi nỗi Vân đều ôm hết, không dám nói ra vì sợ ba mẹ buồn, sợ mẹ “bắt” về. Lớn lên Vân thành người sống khép kín khi nào không biết.

“Đến giờ, nhiều đêm mơ cảnh người ta đến nhà đòi nợ, còn mẹ thì không dám về nhà. Nỗi ám ảnh đó chính là động lực để tôi đi qua được những khó khăn mà giờ nghĩ lại tôi vẫn ngạc nhiên không hiểu vì sao mình có thể “chì” đến vậy”- Giọng Vân mênh mang nỗi buồn.

Giải Chuông vàng cuộc thi CVVC 2009 mở ra cho Thu Vân một chặng đường mới. Lạ là khi đa số những người thắng giải ở một cuộc thi thường nghĩ ngay đến cơ hội để được tỏa sáng, thì Vân, ý nghĩ đầu tiên là: sửa cái nhà cho ba mẹ, làm sao để ba mẹ có một cuộc sống đủ đầy, sung túc hơn. 

Cô gái hơn hai mươi tuổi vẫn cứ thích quẩn quanh với ba mẹ, thích lui cui vào bếp tự tay nấu những món ăn mình yêu thích mỗi khi về nhà. “Sở thích” khác lạ đó “đẩy” Vân ra khỏi những cơ hội giúp cô tỏa sáng. 
 

Thu Vân - Quán quân cuộc thi Đường đến danh ca vọng cổ


Hỏi Thu Vân có bao giờ luyến tiếc vì những gì đã qua, có buồn vì mình bước chậm hơn nhiều so với một số đồng nghiệp cùng trang lứa? Cô chia sẻ: “Có lẽ do lớn lên ở miền quê, chịu ảnh hưởng nhiều từ cách sống chậm rãi cũng như cách đặt hết tình thương vào gia đình con cái của ba mẹ nên với tôi, gia đình, ba mẹ quan trọng và quý giá nhất trong cuộc đời này. Tôi cho rằng, con đường mỗi nghệ sĩ đang đi luôn được đặt trong “tầm mắt” của tổ nghiệp. Điều gì thuộc về mình, tổ nghiệp sẽ trao cho. Con đường mình chọn có thể nhanh, có thể chậm, điều đó “tùy duyên”, nhưng khi bước đi bằng chính đôi chân của mình, bằng sự nỗ lực của chính bản thân, mình sẽ vững vàng hơn. Và cho dù có tỏa sáng hay không thì gia đình vẫn là điều không thể thiếu trong cuộc sống của tôi”. 

Điều duy nhất khiến Vân thỉnh thoảng chạnh lòng là cô vẫn chưa tìm được tình yêu cho riêng mình. Những khó khăn, phức tạp bủa vây quanh cô gái trẻ thuở vừa chân ướt chân ráo rời vòng tay mẹ đã biến cô bé vô tư thành người sống khép kín, luôn e dè, cảnh giác trước tất cả mọi “biểu hiện” khác thường ở cuộc sống xung quanh. Cô “cảnh giác” cả những người đến ngỏ lời yêu. 

“Biết là không đúng, nhưng Vân chưa thể thấy an toàn để mở lòng. Cho đến lúc này”, Quán quân Đường đến danh ca vọng cổ nói, “tôi chỉ cảm thấy được là chính mình khi trở về nhà, được vào bếp tự tay nấu những món ăn yêu thích, được vui đùa, trêu ghẹo ba mẹ hay đi siêu thị cùng các cháu. Hạnh phúc riêng chắc rồi sẽ đến nhưng giờ nó vẫn ở một nơi nào đó… rất xa”.

Thảo Vân 

Thu Vân trong tiết mục Duyên nghiệp - Ảnh: ĐĐDCVC

Để chuẩn bị cho tiết mục quyết định tối 1-4 , huấn luyện viên Thoại Mỹ lần nữa tự tay viết kịch bản cho gà cưng dự thi. Duyên nghiệp nói về một cô đào hát vì gặp phải biến cố lớn trong cuộc đời nên phải xa nghiệp diễn…

Tuy nhiên, trong đêm thi quyết định tiết mục Duyên nghiệp của Thu Vân vẫn chưa thực sự ấn tượng và giúp cô tỏa sáng so với các đêm thi trước. Thế nhưng, yếu tố quan trọng nhất là giọng hát thì rõ ràng Vân vẫn trội hơn 2 thí sinh còn lại. 

Xem Thu Vân hóa thân thành cô đào hát 

Giám khảo Thanh Kim Huệ nhận xét, Vân diễn xuất chưa vào tâm trạng để thể hiện ra được cái buồn, hụt hẫng của người nghệ sĩ khi phải xa sân khấu: “Tôi từng có thời gian xa sân khấu. Em có biết là tâm trạng của tôi rất khó tả. Cứ chiều tới là thấy buồn, buồn ghê lắm, thấy hụt hẫng như bị thất tình… Ở tiết mục này em chưa thể hiện được điều đó”.

Tuy nhiên, Thanh Kim Huệ thừa nhận rằng: “Giọng của em tốt lắm, vừa cao vừa dày, vẫn còn chân phương chưa có kỹ thuật nhiều. Tôi góp ý em là cố gắng tập thêm những câu bỏ nhỏ trong bài hát để cách ca của mình tình cảm, có hồn hơn!”.

NSƯT Thanh Tuấn khẳng định: “Giọng ca của em đủ nội lực, kế thừa các đàn chị, gần nhất là Cẩm Tiên, Phượng Hằng, Thanh Ngân… Em chính là người có thể tìm đến Danh ca vọng cổ!” NSƯT Hoài Linh cũng tỏ vẻ rất thích tiếng hát của Thu Vân: “Giọng em mượt mà, âm vực cao, rộng, diễn xuất cũng khá biểu cảm”.

Lê Văn Gàn trong tiết mục Đường đến Danh ca - Ảnh: ĐĐDCVC

Lê Văn Gàn được xem là một trong những giọng ca lạ của cuộc thi. Anh sở hữu một làn hơi khỏe, giọng gió hết sức tình cảm. Trong đêm thi tối 1-4, huấn luyện viên Kim Tử Long đã xây dựng cho Gàn tiết mục Đường đến Danh ca với sự hỗ trợ của 12 thí sinh có mặt trong đội Kim Tử Long từ đầu chương trình.

Tiết mục Đường đến Danh ca nói về một nghệ sĩ trẻ đứng trước lựa chọn lao vào thị trường hay phục vụ những khán giả đích thực… Tiết mục của Gàn khá đơn giản, tương đối vừa sức với anh.

 Xem Lê Văn Gàn trong Đường đến Danh ca 

Song, Hoài Linh cho rằng tiết mục dàn dựng chưa chặt chẽ và có phần hời hợt. Về giọng ca của Gàn, Thanh Tuấn và Thanh Kim Huệ cùng quan điểm cho rằng anh có giọng đẹp nhưng hơi mỏng. “Giọng em vút cao lên nghe hơi bị éo. Giọng Gàn dày thêm một phân nữa là tuyệt vời!” – Thanh Tuấn tiếc nuối.

Tiết mục xúc động tái hiện lại cuộc đời của chính thí sinh Minh Chí - Ảnh: ĐĐDCVC

So với Thu Vân và Lê Văn Gàn, Minh Chí gần như là người nghiệp dư khi đến với Đường đến Danh ca vọng cổ, nhưng thật bất ngờ trong 3 thí sinh vào chung kết, Chí được đánh giá là thí sinh có khả năng lấy nước mắt khán giả nhiều nhất. Chưa từng được diễn, chỉ là người hát salon nhưng qua từng vòng thi Chí thể hiện mình là người có tiềm năng. Cách ca cách diễn của Chí chân phương nhưng luôn chạm đến trái tim khán giả.

Trong đêm chung kết, Thoại Mỹ dàn dựng cho Chí tiết mục Cánh diều ước mơ tái hiện lại cuộc đời của chính Minh Chí, một câu bé nghèo, không gặp may mắn trong cuộc sống nhưng luôn vươn lên với ước mơ trở thành nghệ sĩ hát cải lương. Trong ba tiết mục dự thi, có thể nói tiết mục của Chí gây xúc động mạnh và lấy được nước mắt của khán giả. 

Xem tiết mục của Minh Chí 

Đáng tiếc là phần gây xúc động nhất, ấn tượng nhất do các nghệ sĩ Võ Minh Lâm, Quỳnh Hương… tái hiện lại hình ảnh bé Chí thưở bé vướng phải cơn sốt bại liệt. Minh Chí chưa được dành đủ đất để phát huy khả năng ca diễn tạo cảm xúc như những tiết mục trước đây của anh.

Nhưng ước mơ trở thành nghệ sĩ hát cải lương của Chí đã khiến giám khảo Thanh Tuấn xúc động, ông khẳng định: “Giọng em ngọt, dày, đầy. Giọng thổ, nhịp tốt, biết ca. Những yếu tố mà nghệ sĩ chuyên nghiệp cần. Như vậy, bây giờ em đã là nghệ sĩ hát cải lương rồi đó!”.

Thoại Mỹ chung vui cùng Thu Vân [thứ 3 từ trái sang] với giải quán quân mùa đầu tiên Đường đến Danh ca vọng cổ - Ảnh: ĐĐDCVC

Đêm chung kết xếp hạng 1-4, quyền quyết định ngôi quán quân đã được trao cho ba NSƯT Thanh Tuấn, Thanh Kim HUệ và Hoài Linh. Mỗi thí sinh sẽ dự thi một tiết mục tự chọn, có thể là tác phẩm kinh điển hoặc sáng tác mới. Kết quả Thu Vân đạt số điểm trung bình 9.8 giành ngôi quán quân trị giá 300 triệu đồng. Theo sát Vân là Lê Văn Gàn và Minh Chí, cùng đoạt số điểm trung bình 9.7. Như vậy Đường đến Danh ca vọng cổ mùa đầu tiên có đến 2 á quân là Lê Văn Gàn và Minh Chí. 

LINH ĐOAN

Video liên quan

Chủ Đề