Đánh giá chất lượng máy giặt samsung năm 2024

Máy giặt thông minh tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang là xu hướng mới. Nhiều hãng đã đưa AI vào máy giặt từ một vài năm nay rồi. Hôm nay, mình sẽ so sánh 3 máy giặt thông minh có tích hợp AI nổi bật trên thị trường đến từ các thương hiệu lớn gồm Samsung, LG và Electrolux để chúng ta cùng xem AI có lợi ích như thế nào nhé?

3 máy giặt mình so sánh lần này đều có khối lượng giặt tương đồng là 10kg và là loại máy giặt lồng ngang. Đó là mẫu Samsung AI Ecobubble WW10TP44DSH/SV, LG AI DD FV1410S3B, và Electrolux UltimateCare EWF1042Q7WB. Mình tham khảo trên trang Điện Máy Xanh vào ngày 23/11 thì thấy chiếc Samsung có giá mềm nhất là 10,99 triệu đồng, tiếp đến là LG với giá 14,89 triệu đồng và Electrolux có giá 14,99 triệu đồng.

3 máy giặt Electrolux UltimateCare EWF1042Q7WB, Samsung AI Ecobubble WW10TP44DSH/SV và LG AI DD FV1410S3B.

Đầu tiên, mình so sánh qua chút về thiết kế. Kích thước tổng quan ba máy đều tương đồng nhau. Chất liệu thân vỏ cũng như nhau: vỏ và lồng giặt bằng thép không gỉ, cửa cho đồ giặt thiết kế hai lớp. Cả ba máy đều cho cảm nhận có thân vỏ chắc chắn và được hoàn thiện tốt.

Khác biệt đáng kể về thiết kế của 3 sản phẩm đến từ một số chi tiết như bảng điều khiển và khay đựng chất giặt tẩy. Samsung sử dụng màn hình điện tử để hiển thị các thông số một cách trực quan và hiện đại, thay vì in chết lên các nút vặn như 2 thiết bị còn lại. Ngoài ra, màn LED này còn hiển thị các cảnh báo liên quan đến quy trình vận hành như hết nước giặt xả,… rất tiện lợi.

Bảng điều khiển máy giặt Saumsung AI Ecobubble

Bảng điều khiển máy giặt Electrolux UltimateCare

Bảng điều khiển máy giặt LG AI DD

Khay đựng nước giặt và nước xả trên máy giặt Samsung cũng khác hẳn, là khay tự động phân bổ nước giặt và nước xả, đổ một lần dùng được cho khoảng 16-20 lần giặt. Còn máy giặt LG và Electrolux đều là khay đựng nước giặt và nước xả truyền thống, cần đổ vào mỗi lần giặt.

Nói chung về thiết kế thì mình thấy Samsung ghi điểm ở sự tiện dụng, đặc biệt là chi tiết khay đựng nước giặt và nước xả đổ một lần dùng được gần cả tháng. Khi hết nước giặt/xả thì máy sẽ hiện cảnh báo trên màn hình LED cho người dùng biết.

Khay đựng chất giặt tẩy và nước xả trên 3 máy

Tiếp đến, chúng ta sẽ so sánh các công nghệ và tính năng giặt trên 3 máy, những điểm đánh giá mức độ thông minh của mỗi sản phẩm.

Điểm chung ở ba máy là đều có cảm biến trọng lượng để đo lượng khối lượng đồ giặt. Hai máy Samsung và Electrolux có thêm cảm biến đánh giá độ bẩn của đồ giặt dựa trên độ đục trong của nước để điều chỉnh thời gian giặt phù hợp. Trong khi máy giặt LG lại được trang bị cảm biến đánh giá chất liệu vải.

Máy giặt Samsung có ưu thế hơn hai máy còn lại ở khả năng có thể tự động điều chỉnh lượng nước giặt xả chuẩn xác theo độ bẩn trong suốt quá trình giặt. Nếu đồ còn bẩn, máy sẽ tự động bổ sung thêm nước giặt, tăng thời gian giặt đến khi sạch hoàn toàn. Còn máy giặt Electrolux cũng có cảm biến độ bẩn trong quá trình giặt nhưng chỉ có thể điều chỉnh thời gian giặt chứ không có khả năng bổ sung thêm nước giặt/xả.

Có thể nói, ngăn đựng nước giặt/xả tự động là điểm giúp máy giặt Samsung có thể thực hiện trọn vẹn hơn chức năng giặt giũ thông minh, có thể bổ sung nước giặt/xả dựa trên độ bẩn thực tế của quần áo trong quá trình giặt. Và không chỉ đổ một lần cho nhiều lần giặt, việc phân bổ nước giặt/xả tự động còn giúp việc sử dụng nước giặt/xả tiết kiệm hơn, không lo đổ quá tay.

Samsung ứng dụng cả công nghệ AI vào việc ghi nhớ chương trình giặt.

Samsung còn đưa công nghệ AI vào cả bảng điều khiển. Sau 1 vài lần giặt, máy sẽ tự động ghi nhớ thói quen giặt, từ đó tự động đề xuất chế độ giặt phù hợp mà không cần mất thời gian tuỳ chỉnh trước mỗi lần giặt, người dùng chỉ cần bỏ đồ vào và bấm start là xong. Chẳng hạn, nếu bạn thường đi tập yoga và giặt đồ thể thao vào thứ hai hàng tuần thì mỗi thứ hai khi giặt, máy sẽ tự động chọn sẵn chế độ “giặt đồ thể thao” ở vị trí đầu tiên. Không chỉ nhớ tên chế độ giặt, máy giặt Samsung còn nhớ được cả các cài đặt bổ sung như nhiệt độ nước giặt hay số vòng quay vắt…

Chiếc máy giặt Electrolux cũng có chế độ Favourite, là chế độ người dùng hay dùng nhất trên máy giặt. Tuy vậy, người dùng phải tự thiết lập chế độ ưa thích để máy ghi nhớ, chứ bản thân máy sẽ không tự động đề xuất dựa theo thói quen của người dùng như Samsung.

Trang bị Wi-Fi và hỗ trợ điều khiển máy giặt từ xa qua điện thoại (Android hoặc iOS) tiện lợi.

Cả ba máy có điểm chung là đều trang bị Wi-Fi và hỗ trợ điều khiển máy giặt từ xa qua điện thoại (Android hoặc iOS). Máy giặt Samsung dùng ứng dụng SmartThings, LG là ứng dụng ThinQ, còn máy Electrolux là ứng dụng Electrolux Life.

Cả 3 máy giặt đều hỗ trợ điều khiển qua ứng dụng trên điện thoại

Các ứng dụng trên ba máy đều cho phép lựa chọn chế độ giặt, nhiệt độ nước và tốc độ quay vắt ngay trên điện thoại giống như trên bảng điều khiển của máy. Ngoài ra, ba ứng dụng cũng có tính năng theo dõi về sử dụng điện của máy giặt theo tháng và nhắc nhở thực hiện chế độ vệ sinh lồng giặt dựa theo số chu trình giặt. Riêng ứng dụng SmartThings còn thêm chức năng thú vị là đề xuất chế độ giặt tối ưu dựa theo chất liệu, màu sắc và độ bẩn của đồ giặt. Sau khi chọn loại đồ giặt, màu sắc và độ bẩn của đồ giặt, ứng dụng sẽ đưa ra chế độ giặt được tùy chỉnh phù hợp gồm thời gian giặt, nhiệt độ nước, số lần xả và tốc độ vắt.

Ứng dụng SmartThings trên máy giặt Samsung có chức năng tự động đề xuất chu trình giặt dựa trên loại chất liệu, màu sắc và độ bẩn của quần áo.

Ngoài ra, Samsung là máy giặt có nhiều chế độ giặt hơn cả với 24 chế độ so với 15 chế độ của máy Electrolux và 13 của LG, có thể thấy được máy giặt Samsung tối ưu hơn về các lựa chọn giặt giũ phù hợp với từng loại vải riêng biệt.

Về hiệu quả giặt thực tế, mình thấy cả ba máy đều làm tốt chức năng quan trọng nhất là làm sạch vết bẩn. Mình đã đưa ra bài thử thách tương đối khó nhăn với ba máy: bôi bẩn chiếc áo trắng tương tự nhau bằng cà phê hòa tan, tương cà, tương ớt, dầu mè và hai vết son môi (một vết đậm, một vết nhạt). Sau đó, mình đánh giá khả năng giặt sạch của các máy thông qua hai chế độ giặt: chế độ giặt thông thường bằng nước lạnh và chế độ giặt bằng nước nóng 60 độ C.

Bôi bẩn quần áo bằng cà phê, tương cà, tương ớt và vết son môi để thử thách 3 máy giặt.

Ở chế độ giặt bằng nước lạnh, chiếc áo bẩn trên cả 3 máy đều làm sạch hết các vết bôi bẩn bằng cà phê, tương cà, tương ớt, dầu mè và vết son nhẹ, chỉ còn vết son đậm là không sạch hết. Ở chế độ giặt bằng nước nóng 60 độ C, hiệu quả cũng tương tự, chỉ có khác biệt là vết son đậm còn lưu lại mờ hơn. Mình thấy sự khác biệt về hiệu quả làm sạch giữa ba máy tương đối nhỏ.

3 máy đều có hiệu quả làm sạch tốt tương đồng ở cả hai chế độ giặt bằng lạnh và nước nóng 60 độ C.

Tuy vậy, máy giặt Samsung và LG lại ghi điểm tốt hơn ở khả năng tiết kiệm nước. Hai máy giặt này thường sử dụng lượng nước ít hơn, mỗi mẻ giặt khoảng gần 90 lít nước so với trên 100 lít của máy giặt Electrolux.

Tiêu thụ nước trong một mẻ giặt thông thường.

Về tiêu thụ điện, các máy cũng chênh nhau không đáng kể. Ở chế độ giặt bằng nước lạnh thông thường, mình đo thì thấy mỗi mẻ giặt chỉ tiêu thụ khoảng 0,1-0,15 kWh, tính ra mỗi tháng chỉ khoảng 3-4 kWh điện cho 30 lần giặt. Còn với chế độ giặt bằng nước nóng 60 độ C thì mỗi mẻ các máy sử dụng khoảng 0,5-0,6 kWh, cũng không quá tốn vì ít ai giặt hàng ngày bằng nước nóng như vậy.

Tiêu thụ điện trong một mẻ giặt nước nóng 60 độ C của 3 máy giặt.

Mình cũng đo cả độ ồn hoạt động của 3 máy giặt vào các thời điểm máy cấp nước vào lồng giặt, đảo đồ giặt và quá trình vắt. Sự chênh lệch về độ ồn giữa 3 máy không nhiều, chỉ khoảng 1-2dB ở cả 3 thời điểm. Máy Samsung chạy êm nhất ở lúc khuấy đồ giặt, với độ ồn khoảng 49dB so với 52dB trên máy giặt Electrolux và LG. Trong lúc máy cấp nước vào lồng giặt, máy Samsung cũng có độ ồn nhỏ hơn, 56dB so với 60-61dB trên hai máy giặt còn lại. Còn khi máy vắt ở tốc độ cao nhất (1400 vòng/phút) thì độ ồn của máy đều tương đồng, dao động từ 62-64dB.

So sánh độ ồn lúc 3 máy giặt quay vắt ở tốc độ tối đa (1400 vòng/phút).

Tuy chạy êm hơn trong lúc đảo đồ giặt và cấp nước vào lồng giặt, song máy giặt Samsung lại rung lắc hơn so với hai máy giặt LG và Electrolux khi bắt đầu và kết thúc chu trình vắt. Điều này theo mình thì có thể đến từ trọng lượng tổng thể của máy giặt Samsung nhẹ hơn, chỉ có 67kg so với hai máy còn lại đều có trọng lượng 80kg.

Qua quá trình so sánh 3 máy giặt, có thể thấy sự khác biệt về hiệu quả thực tế giữa các máy giặt lồng ngang của Samsung, LG và Electrolux đã tiệm cận nhau. Điều này thể hiện ở kết quả đánh giá khả năng giặt sạch, tiêu thụ điện, tiêu thụ nước và độ ồn vận hành. Nhưng xét ở khía cạnh AI thì máy giặt Samsung đang là máy giặt thông minh nhất trong ba máy và mang lại sự tiện lợi nhiều nhất trong quá trình sử dụng.

Máy giặt Samsung sử dụng tiện lợi hơn nhờ khay chứa nước giặt/xả tự động và việc đưa AI sâu vào chức năng điều khiển để trải nghiệm giặt giũ trở nên đơn giản hơn. Bên cạnh đó, máy giặt Samsung cũng có giá bán tốt hơn, thấp hơn gần 3 triệu đồng so với máy LG và 4 triệu đồng so với máy Electrolux. Tuy vậy, hai máy giặt LG và Electrolux lại hơn Samsung ở khả năng chống rung lắc.