Đánh giá lịch đi học lại mới nhất

Tính đến chiều 7.2, tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước đã xây dựng kế hoạch đón học sinh trở lại trường. Dưới đây là lịch đi học của học sinh cả nước do Báo Lao Động cập nhật.

Chi tiết lịch đi học trở lại của học sinh cả nước. Ảnh: Hải Nguyễn

Báo Lao Động cập nhật lịch trở lại trường của học sinh cả nước, tính đến chiều 7.2 cụ thể như sau:

Cập nhật lịch đi học trở lại của học sinh cả nước. 

Tại Đồng Tháp, ngày 7.2, có thêm gần 130.000 học sinh từ lớp 5 - 11 đi học trực tiếp sau 2 tuần triển khai thí điểm cho học sinh lớp 9 và 12.

Sau một tuần kể từ học sinh lớp 5 - 12 đến trường, ngành giáo dục sẽ tiếp tục triển khai cho hơn 170.000 học sinh từ cấp mầm non đến lớp 4 học trực tiếp. Để có bước đánh giá mức độ an toàn, các trường sẽ tiếp tục khảo sát tâm tư, nguyện vọng từ phía phụ huynh, từ đó đưa ra phương án tốt nhất.

Tại Bình Dương, theo phương án dạy học của Sở GDĐT, sau Tết Nguyên Đán, toàn bộ học sinh các cấp sẽ đến trường học trực tiếp.

Theo đó, trẻ mầm non và học sinh tiểu học tổ chức dạy học trực tiếp theo hình thức đăng ký tự nguyện của phụ huynh. Học sinh không đến trường sẽ học trực tuyến theo kế hoạch của nhà trường.

Cuối tháng 2.2022, ngành giáo dục sẽ kiểm tra, đánh giá việc học tập của trẻ mầm non và tiểu học để thực hiện học trực tiếp 100%. Đối với cấp THCS và THPT, hầu hết các trường đã dạy trực tiếp.

Tại Cà Mau, ngày 7.2 là ngày đầu tiên học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài nghỉ vì ảnh hưởng COVID-19 và nghỉ Tết Nhâm Dần. Theo đó, có đến 90% học sinh đến trường, test nhanh phát hiện 7 học sinh nghi nhiễm COVID-19.

Tại Bạc Liêu, ngày 7.2 học sinh tại nhiều tỉnh, thành trở lại trường học trực tiếp, tỉnh Bạc Liêu chỉ cho học sinh các lớp cuối cấp, cụ thể lớp 5, lớp 9, lớp 12 đến lớp. Tất các các khối lớp còn lại vẫn học trực tuyến.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 7.2, học sinh khối lớp 9 và 12 trên địa bàn tỉnh đã quay trở lại trường học trực tiếp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022.

Từ ngày 6.2, hầu hết các trường THCS, THPT, GDTX trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với đội ngũ y tế địa phương triển khai xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ cán bộ đội ngũ giáo viên, nhân viên và học sinh khối lớp 9 và 12, để đảm bảo việc học tập trực tiếp được tổ chức một cách an toàn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Tại Hà Nội, ngày 7.2, các trường học đã diễn tập chuẩn bị đón học sinh từ lớp 7 - 12 trở lại trường từ ngày 8.2. Ngoài ra, công tác chuẩn bị đón học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 18 huyện, thị xã ngoại thành Hà Nội cũng được gấp rút triển khai.

Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học chủ động rà soát, sắp xếp lại chương trình, kế hoạch dạy học theo nội dung điều chỉnh, tinh giản; xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường đảm bảo thích ứng, linh hoạt, hiệu quả.

Tổng hợp của Bộ GDĐT cho biết 63/63 tỉnh, thành đã lên kế hoạch đưa học sinh THCS, THPT đi học trực tiếp trong thời gian từ 7 - 14.2, thay vì chỉ có 9 - 15 địa phương như trước kỳ nghỉ tết.

Cụ thể, ở khối mầm non và tiểu học: 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh đi học trực tiếp trong tháng 2-2022. Trong đó, có 53/63 tỉnh, thành phố cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học bắt đầu học trực tiếp từ ngày 7-2 đến ngày 14-2.

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm sẽ trở lại trường học tập trung từ 14-2

Khối THCS: 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh đi học trực tiếp trong tháng 2-2022. Trong đó có 57-63 tỉnh, thành phố cho 100% học sinh đi học trực tiếp từ ngày 8-2.

- Khối THPT: 63/63 tỉnh, thành phố đã cho học sinh đi học trực tiếp vào 7-2-2022.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học, 100% các trường đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp bắt đầu từ ngày 14-2-2022.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, mong mỏi được đến trường học tập trực tiếp của học sinh, giáo viên là mong mỏi rất chính đáng. Đối với ngành giáo dục, việc chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, dần mở cửa trường học là nhiệm vụ rất quan trọng để các hoạt động giáo dục sớm quay trở lại trạng thái bình thường.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay ngay sau Tết, Bộ GD-ĐT có kế hoạch kiểm tra tình hình chuẩn bị, tổ chức cho học sinh, sinh viên quay trở lại trường học tại một số nơi. Bộ GD-ĐT cũng dự báo, khi quay trở lại học trực tiếp, hệ thống mầm non tư thục sẽ thiếu giáo viên. Cùng với việc mở cửa trường học, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương có kế hoạch bù đắp kiến thức cho học sinh sau khi các em được trở lại học trực tiếp, trong đó rà soát, đánh giá và phân định từng nhóm học sinh cụ thể để lên kế hoạch dạy bù trong ngắn hạn và dài hạn. Việc bù đắp kiến thức được ngành giáo dục xác định không chỉ thực hiện trong 1 năm mà còn kéo dài trong nhiều năm.

Bên cạnh việc bù đắp kiến thức, các nhà trường cũng cần nhận diện được những vấn đề tâm lý của học sinh, để có tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong đại dịch Covid-19 và sau khi quay lại trường học.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý sau thời gian dài học trực tuyến, sẽ có trường hợp học sinh ngại học trực tiếp, giáo viên ngại dạy trực tiếp, do đó, cần có những hỗ trợ để học sinh hứng thú, mong muốn được học trực tiếp, giáo viên thích ứng trở lại với dạy trực tiếp. Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường, cần có các hoạt động hội nhập, tương tác xã hội, kỹ năng khác.

Về đảm bảo an toàn cho học sinh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay GD-ĐT đã ban hành nhiều hướng dẫn cụ thể gửi các địa phương về việc dạy học trực tiếp, mở cửa trường học an toàn. Bộ GD-ĐT cũng phối hợp với Bộ Y tế để có hướng dẫn tới từng cơ sở giáo dục về các phương án đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại trường học trực tiếp.

Bộ GD-ĐT cũng sẽ sớm ban hành văn bản điều chỉnh các văn bản cũ để phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế trong tình hình mới. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT sẽ có thêm một số hướng dẫn cho bậc mầm non để tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai. Trước khi học sinh quay trở lại trường, cần chuẩn bị tinh thần, thái độ cho cả phụ huynh và học sinh.

Chủ Đề