Đồ dùng dạy học tự làm là gì

Tự làm đồ dùng dạy học

ND- Bộ Giáo dục và Ðào tạo [GD và ÐT] vừa xây dựng dự thảo đề án phát triển thiết bị dạy học [TBDH] tự làm cấp học mầm non và phổ thông.

Ðây được coi là chủ trương cần thiết, nhằm đưa phong trào tự làm TBDH trở thành các hoạt động sư phạm thường xuyên trong nhà trường, góp phần tạo ra các TBDH tự làm mới, cải tiến, sửa chữa các TBDH đã có trong nhà trường, thiết thực hưởng ứng phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" và phong trào "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học, tự sáng tạo". Ðược biết, tổng kinh phí thực hiện đề án lên đến 700 tỷ đồng, trong đó 68 tỷ đồng được sử dụng cho các hoạt động tại các trường công lập [số kinh phí ở địa phương hằng năm vẫn được sử dụng để phục vụ các hoạt động tự làm đồ dùng dạy học [ÐDDH] và sửa chữa, mua sắm bổ sung ÐDDH đã được trang bị. Từ năm 2010-2011, Bộ GD và ÐT chọn năm tỉnh, thành phố để tham gia thí điểm, tổng kinh phí chi cho các hoạt động trong giai đoạn này là 80 tỷ đồng [trong đó kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động tại trường học khoảng 75 tỷ đồng]. Giai đoạn 2012-2013 sẽ tổ chức tập huấn đại trà tự làm ÐDDH cho 63 tỉnh, thành phố. Kinh phí triển khai trong giai đoạn này là 620 tỷ đồng, trong đó phần lớn kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động tại trường học hằng năm khoảng 610 tỷ đồng. Giai đoạn từ năm 2014 trở đi sẽ sử dụng kinh phí thường xuyên của địa phương.

Không phải từ bây giờ, mà trước đây, phong trào tự làm TBÐDDH đã mở rộng và phát triển tại nhiều địa phương, tại nhiều trường học. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhận thức của hoạt động tự làm TBDH còn hạn chế. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện cũng như việc tuyên truyền, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá của các đơn vị chức năng từ ngành GD và ÐT chưa được quan tâm đúng mức. Ðáng chú ý, chưa có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý về cơ chế, chính sách cụ thể để duy trì các hoạt động tự làm TBDH trong các cấp học và loại hình đào tạo.

Ðể nâng cao chất lượng GD và ÐT, nhất là nâng cao hiệu quả trong việc đổi mới phương pháp giáo dục, khắc phục lối dạy cứng nhắc, truyền thụ một chiều, việc Bộ GD và ÐT xây dựng đề án này được coi là hết sức cần thiết. Vấn đề quan trọng là cần có giải pháp cụ thể để thực hiện theo kế hoạch và mục tiêu đã đề ra. Trước mắt, cần rà soát để hiện thực và bổ sung các văn bản chỉ đạo, quản lý các hoạt động, từ tổ chức các hội thi thiết bị dạy học tự làm, hướng dẫn việc đánh giá, giám định việc dạy giỏi gắn kết với hoạt động tự làm TBDH đến việc đề ra chế độ chính sách cũng như đánh giá thi đua khen thưởng trong hoạt động này. Ngành cũng cần sớm xây dựng kế hoạch và bố trí ngân sách hằng năm hỗ trợ các hoạt động làm TBDH, hướng dẫn khai thác các nguồn kinh phí khác từ các tổ chức xã hội hỗ trợ cho các hoạt động tự làm TBDH tại địa phương và các cơ sở trường học. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và quy trình kiểm tra hoạt động tự làm TBDH cũng như hiệu quả các TBDH đã được trang bị. Mặt khác, tổ chức các hình thức thi đua khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên thông qua các hoạt động tự làm TBDH và việc đánh giá giáo viên thông qua các hội thi, hội giảng hoặc hội thi sáng tạo. Rà soát bổ sung các quy định về trách nhiệm đối với phong trào TBDH tự làm trong các tiêu chuẩn thi đua, chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Vấn đề quan tâm khác, cần phân biệt danh mục các TBDH nào giáo viên có thể tự làm được, thiết bị nào cần có sự hợp tác của các cơ quan, đơn vị sản xuất. Có vậy, mới tiết kiệm được kinh phí của Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này vừa đạt hiệu quả cao trong việc sử dụng ÐDTBDH vào giảng dạy và học tập trong nhà trường.

THẠCH ANH

Video liên quan

Chủ Đề