Kết bài chung cho nghị luận văn học lớp 12

Giống như phần mở bài, kết bài chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong một bài văn. Nhưng nó lại là phần không thể thiếu và ảnh hưởng nhiều đến điểm bài văn của học sinh. Làm thế nào để có thể viết được một kết bài ấn tượng? Cùng tìm hiểu bài hướng dẫn viết kết bài nghị luận văn học dưới đây.

1. Vai trò của phần kết bài

Kết bài nằm ở vị trí cuối của một bài văn, giúp tổng kết lại các ý của toàn bài văn. Nếu phần mở bài được coi như là một câu hỏi thì phần kết bài chính là câu trả lời cho câu hỏi đó.

Phần kết bài có vai trò khẳng định vấn đề nghị luận, giúp người đọc hiểu được rằng vấn đề đã được giải quyết, không còn thắc mắc nào chưa được lý giải.

Phần kết bài có nhiệm vụ tổng kết lại vấn đề ban đầu được đưa ra ở phần mở bài, phát triển vấn đề đó ở phần thân bài. Đồng thời, khơi gợi những nội dung mang tính cảm xúc nối tiếp cho người đọc.

Kết bài phải được viết ngắn gọn, diễn đạt khái quát chứ không phải là trình bày lại các ý đã nêu ở phần thân bài.

Để viết được kết bài hay, bạn có thể viết theo một số cách thức sau:

– Tóm gọn nội dung đã diễn đạt trong toàn bộ bài văn.

– Từ nội dung đã triển khai ở mở bài và thân bài, bạn hãy đưa ra lời kêu gọi hành động ở phần kết bài.

– Từ nội dung đã phân tích phía trên hãy gợi cho người đọc một chủ đề mới.

– Từ nội dung đã viết hãy mở rộng ra các vấn đề liên quan tới bài nghị luận văn học mình đã viết.

2. Ví dụ minh họa

Hãy viết kết bài cho một trong các tác phẩm văn học trọng tâm ôn thi tốt nghiệp THPT sau.

Đề bài: Nêu cảm nhận của bạn về đoạn thơ trích trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

Gợi ý kết bài mẫu:

Đoạn thơ đã diễn tả về nỗi nhớ vô cùng sâu đậm về một vùng đất với biết bao kỷ niệm. Nỗi nhớ “chơi vơi” khiến chúng ta có thể cảm nhận được rõ tình cảm nhớ thương của nhà thơ sâu nặng như thế nào. Nhà thơ không chỉ nhớ về địa danh cụ thể mà còn luôn hướng về nơi mình đã sinh ra, nơi đã trải qua biết bao gian khổ, nơi chứa đựng biết bao tình cảm quân dân. Từ đó, chúng ta có thể thấy bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng là một trong những tác phẩm đặc sắc về thơ ca thời cách mạng. Qua cách thể hiện nỗi nhớ của nhà thơ, chúng ta có thể thấy cá tính sáng tạo riêng của nhà thơ. Và chính điều đó đã tạo nên dấu ấn đặc biệt lâu bền trong lòng độc giả.

3. Lưu ý khi viết kết bài nghị luận văn học

Kết bài có thể viết theo nhiều cách khác nhau, nhưng dù là cách nào thì bạn cũng cần đảm bảo phải có những chi tiết cần thiết cho đoạn kết bài. Một trong những phương pháp viết kết bài hay đó là bạn hãy tham khảo thật nhiều đoạn kết bài mẫu. Khi đọc nhiều thì bạn sẽ có được ý tưởng riêng cho mình, viết theo phong cách của mình. Chú ý không được viết lan man, viết lại nội dung ở thân bài.

Trên đây là cách viết kết bài nghị luận văn học giúp bạn có thể ghi được điểm cao. Hy vọng rằng sau khi đọc xong bài viết này, các bạn có thể định hướng được cho mình nên viết kết bài như thế nào. Chúc các bạn ôn tập các dạng đề nghị luận văn học thường gặp thật tốt.

Tổng hợp những Kết bài Nghị luận văn học Ngữ văn 12 hay nhất :  Tây Tiến, Đất nước, Vợ nhặt, Vợ chồng A Phủ, Rừng xà nu, Chiếc thuyền ngoài xa, Việt Bắc, Sóng, Người lái đò sông Đà, Ai đã đặt tên cho dòng sông

Tài liệu bài luyện tập rèn kĩ năng viết mở bài, kết bài trong văn nghị luận

1, Tuyển tập những kết bài hay và độc đáo về bài Tây Tiến– Quang Dũng

  1. Từ sự kết hợp một cách hài hoà giữa cái nhìn hiện thực với cảm hứng lãng mạn, Quang Dũng đã dựng lên bức chân dung, một bức tượng đài người lính cách mạng vừa chân thực vừa có sức khái quát, tiêu biểu cho vẻ đẹp sức mạnh dân tộc ta trong thời đại mới, thời đại cả dân tộc đứng lên làm cuộc kháng chiến vệ quốc thần kỳ chống thực dân Pháp. Đó là bức tượng đài được kết tinh từ âm hưởng bi tráng của cuộc kháng chiến ấy. Đó là bức tượng đài được khắc tạc bằng cả tình yêu của Quang Dũng đối với những người đồng đội, đối với đất nước của mình. Vì thế từ Tây Tiến, từ bức tượng đài đã vút lên khúc hát ngợi ca của nhà thơ cũng như của cả đất nước về những người con anh hùng ấy.
  2. Quang Dũng vào “làng” thơ cách mạng với bài Tây Tiến . Như có mối duyên gì ràng buộc, bài thơ ấy gắn bó với người làm ra nó đến mức cứ nói đến Quang Dũng là người ta nhớ đến bài thơ Tây Tiến và ngược lại.Có lẽ bởi từ sự kết hợp một cách hài hoà giữa cái nhìn hiện thực với cảm hứng lãng mạn, Quang Dũng đã dựng lên bức chân dung, một bức tượng đài người lính cách mạng vừa chân thực vừa có sức khái quát, tiêu biểu cho vẻ đẹp sức mạnh dân tộc ta trong thời đại mới, thời đại cả dân tộc đứng lên làm cuộc kháng chiến vệ quốc thần kỳ chống thực dân Pháp.
  3. Đọc xong những ý thơ mà tôi có cảm giác vẻ đẹp của thiên nhiên, con người miền Tây còn chập chờn, mien man đâu đó. Bằng tình cảm sâu đậm của mình với mảnh đất này, Quang Dũng đã tạo nên mối tơ tình đồng điệu, gắn bó giữa độc giả với nhà thơ, giữa độc giả với thiên nhiên, con người miền Tây trong những năm tháng kháng chiến gian nan. Quả là “ Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy / Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”.

2. Tuyển tập những kết bài hay và độc đáo về bài Đất Nước- Nguyễn Khoa Điềm:

Những vần thơ rất đẹp trong Đất Nướcđã vượt qua thử thách của thời gian, tiếp tục toả sáng, giúp thế hệ học sinh hôm nay hiểu hơn về thế hệ cha ông trong những ngày tháng hào hùng nhất của dân tộc. Trong thời đại mới, những giá trị của ngày hôm qua góp phần khơidậy lòng tự hào và ý thức trách nhiệm, tình cảm cho mỗi con người trong khát vọng đưa Đất Nước đi xa đến những tháng ngày mơ mộng

3. Tuyển tập những kết bài hay và độc đáo về bài Việt Bắc Tố Hữu

  1. Như vậy nhà thơ Tố Hữu đã thể hiện những tâm sự của mình nói riêng và của tất cả những chiến sĩ và nhân dân Việt Bắc nói chung. Mười lăm năm kháng chiến với biết bao nhiêu kỉ niệm và giờ đây khi phải xa nhau thấy lòng mình thật muốn vỡ òa trong nức nở. Chân không muốn rời xa. Qua đây ta thấy được tình nghĩa đoàn kết keo sơn của con người Việt Nam mà cụthể đó là tình quân dân. Để đạt được những thắng lợi trên mặt trận ấy thì không thể nào quên ơn những người nhân dân Việt Bắc được
  2. Trong câu chuyện với một nhà nghiên cứu văn học người Pháp, Tố Hữu tâm sự rằng: “Mình phải lòng đất nước và nhân dân của mình. Nói về đất nước, nói về nhân dân như nói về người mình yêu”. Phải chăng, tâm sự đó là những lời mà Tố Hữu nói về Việt Bắc, nói về những vần thơ chan chứa tình quân dân gắn bó, tình yêu nước thiết tha. Những tình cảm thiêng liêng ấy cứ vấn vương mãi trong lòng người đọc.

4. Tuyển tập những kết bài hay và độc đáo về bài Sóng- Xuân Quỳnh

  1. Sóng – bài thơ thành công trong phương thức biểu hiện cảm xúc của thi sĩ. Kết cấu song trùng, sự tương xứng giữa hai hình tượng Sóng và Em là sáng tạo nghệ thuật đặc sắc, giàu tính thẩm mĩ của Xuân Quỳnh. Với sự sáng tạo ấy, Xuân Quỳnh đã nói lên một cách nồng thắm mà không kém phần tế nhị những khát khao rạo rực của trái tim yêu. Đó cũng là những khát khao đời thường, dung dị, cao quý. Tiếng nói ấy chân thành, tự nhiên mà sâu sắc được diễn tả qua hình tượng thơ gợi cảm, đa nghĩa. Xuân Quỳnh thực sự là thi sĩ của tình yêu, thi sĩ của những rung động nữ tính trong trái tim.
  2. Bài thơ Sóng là bài thơ giàu giá trị nội dung và nghệ thuật. Thành công của bài thơ là nhờ vào thủ pháp nghệ thuật nhân hóa, ẩn dụ, so sánh, đối lập… nhất là thể thơ ngũ ngôn giàu nhịp điệu. Nhịp điệu của sóng, nhịp điệu của tâm hồn. Tất cả đã làm hiện lên vẻ đẹp rất Xuân Quỳnh giàu trắc ẩn suy tư và khát vọng trong tình yêu. Đọc xong bài thơ “Sóng” ta càng ngưỡng mộ hơn những người phụ nữ Việt Nam, những con người luôn thuỷ chung, luôn sống hết mình vì một tình yêu. Xuân Quỳnh xứng đáng là một nhà thơ nữ của tình yêu lứa đôi, chị đã làm phong phú hơn cho nền thơ ca nước nhà

5. Tuyển tập những kết bài hay và độc đáo về bài  Ai đã đặt tên cho dòng sông– Hoàng Phủ Ngọc Tường

Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dẫn người đọc vào cuộc hành trình khám phá nét đẹp của thiên nhiên Huế. Lần lượt theo dòng chảy của Hương giang, tôi bắt gặp khung cảnh thiên nhiên Huế lúc nguyên sơ, trong trẻo, lúc mượt mà khi kì ảo, lúc dịu dàng say đắm khi thâm trầm trang nghiêm. Sông Hương tôn lên vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên Huế, hòa nhập với không khí của văn hóa Huế. Tất cả đều sống động qua tình yêu tha thiết của Hoàng Phủ Ngọc Tường với con sông này. Qua hình tượng sông Hương tôi còn cảm nhận vẻ đẹp cái tôi Hoàng Phủ Ngọc Tường: một cái tôi trí tuệ uyên bác qua những tri thức phong phú với nhiều lĩnh vực, một cái tôi tài hoa phóng túng với những liên tưởng bất ngờ. Và trên hết là một cái tôi sâu nặng tình yêu và tự hào với Huế – quê hương của mình.Tất cả làm nên sức sống của thiên kí này.

6. Tuyển tập những kết bài hay và độc đáo về bài Người lái đò sông Đà– Nguyễn Tuân

Phong cách Nguyễn Tuân độc đáo và phong phú.Ở tùy bút “Người lái đò sông Đà” chúng ta thấy phong cách giá trị của ông thể hiện rõ nhất là sự nhọn sắc của giác quan nghệ sĩ đi đôi với một kho chữ nghĩa giàu có và đầy màu sắc, lối văn rất mực tài hoa. Dòng sông Đà “hung bạo và trữ tình” cùng hình tượng người lái đò tài hoa chảy mãi trong dòng văn học nước nhà như niềm yêu mến và tự hào về con người, cỏ cây sông núi quê hương của nhà văn Nguyễn Tuân

7. Tuyển tập những kết bài hay và độc đáo về bài Vợ chồng A Phủ– Tô Hoài

Gấp lại những trang sách mà dư âm về nhân vật Mị, về cô gái Mèo với sức sống mãnh liệt trong đêm tình mùa xuân, về số phận đáng thương của người dân dưới xã hội phong kiến đương thời vẫn còn in đậm trong tâm hồn tôi. Mị hay Vợ chồng A Phủ mãi là những rung động sâu sắc mà Tô Hoài để lại nơi người đọc.

8. Tuyển tập những kết bài hay và độc đáo về bài Vợ nhặt– Kim Lân

  1. “Cái đẹp cứu vớt con người” [Đôxtôiepki]. Vâng, “vợ nhặt” củanhà văn Kim Lân thể hiện rõ sức mạnh kì diệu ấy. Ánh sáng của tình người, lòng tin yêu vào cuộc sống là con nguồn mạch giúp Kim Lân hoàn thành tác phẩm. Ông đã đóng góp cho văn học Việt Nam nói chung, về đề tài nạn đói nói riêng một quan niệm mới về lòng người và tình người. Đọc xong thiên truyện, dấu nhấn mạnh mẽ nhất trong tâm hồn bạn đọc chính là ở điểm sáng tuyệt vời ấy.
  1. Bằng ngòi bút miêu tả chân thực, sinh động, cách khắc họa tâm lý nhân vật sắc sảo,độc đáo và cốt truyện đầy bất ngờ Kim Lân đã vẽ lại trước mắt người đọc khung cảnh đói nghèo tràn lan của xã hội Việt Nam những năm 1945. Qua đó tác giả cũng nhấn mạnh tình yêu thương giữa người với người luôn bất diệt.

9. Tuyển tập những kết bài hay và độc đáo về bài Rừng xà nu– Nguyễn Trung Thành

Rừng xà nu là truyện của một người nhưng qua đó ta thấy được số phận của cả một dân tộc . Đó là bức tranh hoành tráng , hoành tráng trong hình ảnh, với vóc dáng vạm vỡ của cao cả của rừng núi và của con người và hoành tráng trong âm hưởng với lời văn đầy nhịp điệu, khi vang động, khi tha thiết trang nghiêm .

10. Tuyển tập những kết bài hay và độc đáo về bài Chiếc thuyền ngoài xa– Nguyễn Minh Châu

Qua truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu đã nêu lên bài học về cái nhìn đa diện, cái nhìn khám phá trong sáng tạo nghệ thuật đối với các nghệ sĩ chân chính. Từ tình huống truyện có ý nghĩa khám phá, phát hiện về sự thật đời sống và qua sự thay đổi nhận thức của Phùng, của Đẩu, tác giả đã khẳng định mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực. Theo ông, bổn phận của người nghệ sĩ là phải phát hiện ra bản chất của cuộc đời. Cái Đẹp, cái Thiện trước hết phải là sự chân thực, Cuộc sống vốn phức tạp, chúng ta không thể đơn giản, sơ lược khi nhìn nhận con người và cuộc sống mà cần có cái nhìn tỉnh táo, sâu sắc cùng với sự tìm tòi, phát hiện để hiểu đúng bản chất của nó.

Tài liệu sưu tầm và tổng hợp

Xem thêm :

Ai đã đặt tên cho dòng sông, Chiếc thuyền ngoài xa, Đất nước nguyễn khoa điềm, người lái đò sông Đà, rừng xà nu, sóng xuân quỳnh, tây tiến, việt bắc, vợ chồng a phủ, vợ nhặt

Video liên quan

Chủ Đề