Khi có nguy cơ bị tiêu diệt, địch có thủ đoạn ứng phó như thế nào?

6/22/2021 7:50:19 AM

Để đánh bại các cuộc hành quân “tìm diệt” của địch và kéo chúng, nhất là quân viễn chinh Mỹ, lên chiến trường Tây Nguyên tiêu diệt, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tiến công mùa Xuân 1968, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định mở Chiến dịch Đăk Tô. Chiến dịch thắng lợi đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nghệ thuật đánh địch ứng cứu giải tỏa

Bước vào mùa khô năm 1967, quân địch ở Tây Nguyên đẩy mạnh các hoạt động trinh sát xác định hướng, khu vực và mục tiêu tiến công của chủ lực ta, hòng ngăn chặn, phản kích, tiêu diệt và mở rộng phạm vi chiếm đóng. Để thực hiện mục tiêu đó, địch tăng cường lực lượng, phương tiện lên chiến trường Tây Nguyên và tổ chức các cuộc hành quân tìm diệt. Đầu tháng 10/1967, biết ta chuẩn bị mở chiến dịch ở Bắc Kon Tum, địch vội vàng kết thúc cuộc hành quân Mac Arthur ở Gia Lai, chuyển hướng về vùng rừng núi trên Đăk Tô, hình thành hai cụm căn cứ quân sự tuyến phòng thủ Bắc Tây Nguyên: cụm 1 tại khu vực ngã ba đường 14 và đường 18, cụm 2 dọc đường 18. Lực lượng, gồm: Lữ đoàn 1, Sở Chỉ huy hành quân, cụm kho hậu cần của Mỹ và Trung đoàn 42 ngụy.

Về phía ta, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, cuối năm 1967, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định mở Chiến dịch Đăk Tô, uy hiếp mạnh quân địch, buộc chúng phải điều quân ứng cứu, giải tỏa, tạo điều kiện tiêu diệt lớn quân Mỹ, làm tan rã quân ngụy, chống phá “bình định”. Theo đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch tập trung toàn bộ lực lượng tiến công địch ở các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, khu vực chính là Bắc Kon Tum. Đồng thời, xác định: Tây Nam Đăk Tô là hướng chủ yếu, bởi quân địch tập trung lớn ở đây, nhưng lại có nhiều sơ hở, ta có nhiều thuận lợi tiêu diệt địch khi chúng ra ứng cứu, giải tỏa; Đông Bắc Đăk Tô là hướng thứ yếu; hướng nghi binh là Gia Lai. Sau khi phát hiện ta gấp rút tiến hành công tác chuẩn bị, địch gấp rút đưa quân đến bao vây, nhưng đã lọt vào khu vực quyết chiến của ta. Với tinh thần chiến đấu liên tục, dũng cảm, kiên cường, quân và dân Tây Nguyên, nòng cốt là Sư đoàn 1 đã tiêu diệt lớn quân địch1. Sự phát triển của nghệ thuật tiến công trực tiếp với quân viễn chinh Mỹ ở địa hình rừng núi, được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau:

1. Tích cực làm tốt công tác chuẩn bị. Mở Chiến dịch Đăk Tô, quân và dân Tây Nguyên gặp không ít khó khăn cả về lực lượng, cơ sở vật chất và vũ khí, trang bị. Bởi, trong giai đoạn này, địch mở nhiều cuộc hành quân quy mô nhỏ, hòng “tìm diệt” chủ lực ta nên quân và dân Tây Nguyên đã phải chiến đấu dài ngày, quyết liệt, gian khổ, tiêu hao nhiều cơ sở vật chất, hậu cần, đạn dược, thậm chí sức lực mệt mỏi. Vì vậy, làm tốt mọi công tác chuẩn bị từ vật chất đến tinh thần, tạo thế và lực là điều kiện quan trọng, tiên quyết giành thắng lợi. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ đạo các lực lượng bám sát phương châm “ra sức tăng cường chất lượng, để đánh thắng số lượng đông của địch”2; đẩy mạnh công tác giáo dục, động viên bộ đội về ý nghĩa, mục đích chiến dịch, xác định quyết tâm chiến đấu, chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ; tăng cường huấn luyện bổ sung các nội dung kỹ thuật, chiến thuật, nhất là chiến thuật đánh địch có sức cơ động cao, vũ khí hiện đại - quân viễn chinh Mỹ, cơ sở nền tảng để nâng cao hiệu suất chiến đấu.

Để xác định phương án, xây dựng kế hoạch chiến đấu phù hợp, bảo đảm chắc thắng ngay từ trận đầu, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã tổ chức cho cán bộ từ cấp tiểu đoàn trở lên đi trinh sát thực địa, thống nhất kế hoạch tác chiến rồi ở lại trực tiếp chỉ đạo, chuẩn bị chiến trường và đón bộ đội vào triển khai đội hình chiến đấu. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng công binh, vận tải, gấp rút sửa chữa, khắc phục những đoạn đường hư hỏng trên các hướng; huy động lực lượng các binh trạm, cơ quan, đơn vị cùng nhân dân trên toàn Mặt trận tiếp nhận, khai thác, vận chuyển vật chất hậu cần, lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược,… phục vụ Chiến dịch. Công tác bảo đảm bí mật cũng được Bộ Tư lệnh quan tâm, nhưng quân địch tăng cường lực lượng trinh sát, nên phần nào phát hiện được ý định của ta. Vì thế, Bộ Tư lệnh Chiến địch một mặt đẩy mạnh các hoạt động ở phía sau lưng địch và các hướng để nghi binh, lừa địch. Mặt khác, tích cực hoàn thành chuẩn bị cho các lực lượng hành quân chiếm lĩnh trận địa sớm hơn dự định 03 đến 05 ngày. Như vậy, quân và dân Tây Nguyên không những hoàn thành mọi công tác chuẩn bị rất sớm, mà còn tạo thế và lực lớn hơn hẳn địch làm cho chúng lúng túng điều quân theo đúng ý định tác chiến Chiến dịch.

2. Lựa chọn chính xác khu quyết chiến chiến dịch, xây dựng thế trận liên hoàn, linh hoạt, vững chắc. Trước đối tượng tác chiến mới là quân viễn chinh Mỹ, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chọn khu vực quyết chiến bảo đảm vừa có thế đánh, thế giữ, vừa thuận lợi cho việc bố trí lực lượng và chuyển hóa thế trận, đẩy đối phương vào thế bất lợi, khiến chúng không thể phát huy được sức mạnh của vũ khí, trang bị, cũng như hỗ trợ và chi viện cho nhau. Để đánh bại quân địch phản kích với lực lượng lên đến lữ đoàn, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã thống nhất chọn các điểm cao: Ngọc Dơ Lang, Ngọc Rinh Rua, Ngọc Kom Liệt, Ngọc Kring làm khu vực quyết chiến chủ yếu; đồng thời, tổ chức một số chốt trên các điểm cao: 782, 875, 843, 882,... trong đó điểm cao 875 là chốt trọng điểm. Đây là những điểm cao liên hoàn, có địa hình hiểm trở, dốc đứng, rừng rậm, thuận lợi cho ta bố trí lực lượng, phương tiện hình thành “vòng vây” khép kín và chi viện; nếu giữ được các điểm cao này uy hiếp trực tiếp các mục tiêu địch ở khu vực Đăk Tô - Tân Cảnh. Khi địch tổ chức phản kích, đột kích thì chúng phải triển khai đội hình ở những nơi bất lợi, phải lần lượt đánh từng điểm cao, hỏa lực chi viện gặp khó khăn [do khu vực này cách Đăk Tô - Tân Cảnh khoảng 08 km - 12 km]: sức cơ động và tốc độ tiến công giảm, lực lượng, phương tiện khó tập trung và bộc lộ ngoài công sự nên dễ bị tiêu diệt. Sau khi nhận nhiệm vụ, Sư đoàn 1 đã bố trí Trung đoàn 320 ở khu vực Ngọc Dơ Lang, Ngọc Rinh Rua; Trung đoàn 66 ở khu vực Ngọc Kom Liệt, Ngọc Kon Kring; Trung đoàn 174 ở khu vực điểm cao 882 và 875 - khu vực quyết chiến chiến dịch, trong đó bố trí 01 đại đội chốt ở điểm cao 882 và 01 đại đội chốt ở điểm cao 875. Ngoài ra, còn bố trí 01 đại đội trợ chiến ở khu vực Tây điểm cao 875 làm nhiệm vụ vận động tiến công kết hợp chốt để tiêu diệt địch, tạo thế vững chắc, liên hoàn, linh hoạt, đảm bảo đánh bại các đợt phản kích, đột kích của Lữ đoàn 1 và Lữ đoàn dù 173 của địch khi chúng lọt vào thế trận chuẩn bị sẵn ở khu vực điểm cao 875.

3. Vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu và chuyển hóa thế trận kịp thời. Để đánh bại quân địch trên tuyến phòng thủ Bắc Tây Nguyên, chiến lược “tìm diệt” và tiêu diệt toàn bộ quân ứng cứu, giải tỏa của chúng, các lực lượng chiến dịch vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu lừa, dụ địch đến khu vực quyết chiến để tiêu diệt. Đồng thời, chuyển hóa thế trận từ phục kích, tập kích sang “vận động tiến công kết hợp chốt”. Đây là hình thức chiến thuật lần đầu tiên được lực lượng vũ trang Tây Nguyên vận dụng khi đối đầu trực tiếp với quân viễn chinh Mỹ, đánh dấu bước phát triển, vận dụng sáng tạo hình thức chiến thuật “vận động tiến công” trong kháng chiến chống Pháp vào cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên.

Sau khi phát hiện ta không tiến công lớn trên hướng Gia Lai và Đăk Lăk, quân địch đã triển khai Lữ đoàn 1 chiếm Ngọc Rinh Rua, điểm cao 882 và Ngọc Dơ Lang nhằm khống chế và chặn đứng các cuộc tiến công của ta. Về ta, để giữ thế chủ động đánh địch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch sử dụng lực lượng phòng ngự tại các chốt phối hợp với lực lượng cơ động, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật phục kích, tập kích, vận động tiến công, tiến công vào hai bên sườn, phía sau đội hình Lữ đoàn 1 và đánh thiệt hại nặng 01 tiểu đoàn, buộc địch phải điều động Lữ đoàn dù 173 lên Đăk Tô để tăng cường sức chiến đấu. Nắm được ý định này, Sư đoàn 1 sử dụng lực lượng tại các chốt Ngọc Dơ Lang, Ngọc Kom Liệt, điểm cao 843, 882,... phục kích, vây ép, kết hợp pháo kích buộc Lữ đoàn dù 173 phải triển khai lực lượng ở thế bất lợi; từ đó, nhanh chóng chuyển hóa thế trận từ phục kích sang vận động tiến công địch vào khu vực điểm cao 875. Sau khi đánh địch đổ bộ đường không, thực hiện ý định chiến thuật, Trung đoàn 174, Sư đoàn 1 bỏ chốt 882, chuyển Tiểu đoàn 3 và một phần Tiểu đoàn 1 về điểm cao 875, hình thành thế trận phòng ngự “chân kiềng” sẵn sàng đánh địch tại khu vực này. Đúng như dự kiến, khi địch bắt đầu điều quân ứng cứu, giải tỏa, Sư đoàn 1 phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Chiến dịch, tổ chức các bộ phận nhỏ quy mô đại đội, tiểu đoàn vừa hình thành chốt chặn, vừa vận động tiến công tiêu diệt 01 tiểu đoàn của Lữ đoàn dù 173, 01 đại đội của Sư đoàn Kỵ binh bay khi chúng lọt vào khu vực quyết chiến tại điểm cao 875, góp phần kết thúc thắng lợi Chiến dịch.

Chiến dịch Đăk Tô khép lại để lại nhiều bài học quý có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, khẳng định nghệ thuật tổ chức chuẩn bị, xây dựng thế trận, vận dụng sáng tạo các hình thức chiến thuật và phát triển cách đánh mới, tiêu diệt quân ứng cứu, giải tỏa của địch. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc [nếu xảy ra], đối tượng tác chiến sẽ là lực lượng hỗn hợp, gồm cả hải quân, lục quân và không quân, có sức cơ động cao, vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, hỏa lực mạnh, độ chính xác cao, tác chiến trong nhiều môi trường cùng một lúc, bài học trong Chiến dịch Đăk Tô cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển trong điều kiện mới.

Đại tá, TS. NGUYỄN HÙNG CHIẾN, Học viện Lục quân
______________

1 - Loại khỏi vòng chiến đấu 4.570 tên; phá hỏng 03 sân bay, bắn rơi và phá hủy 70 máy bay, 18 khẩu pháo, 52 xe quân sự, 02 kho đạn, 03 kho xăng; thu: 104 súng các loại, 14 máy vô tuyến điện.

2 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam – Chiến dịch tiến công Đăk Tô 1967, Nxb QĐND, H. 1996, tr. 28.

Video liên quan

Chủ Đề