Nguyên nhân chính sách bảo vệ môi trường

Luật Bảo vệ môi trường 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 có nhiều điểm mới tạo đột phá trong công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường với phương châm không đánh đổi môi trường bằng sự tăng trưởng và phát triển kinh tế trước mắt và đã có nhiều biện pháp, chính sách cụ thể phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước được Đảng, Nhà nước quan tâm định hướng.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường [BVMT] là một trong ba trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến công tác BVMT.

Trên tinh thần đó, Luật BVMT 2014 ra đời đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác BVMT trong hơn 5 năm qua, đóng góp quan trọng cho các thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, được nhân dân ghi nhận, bạn bè quốc tế đánh giá cao, coi đây như một mô hình phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Môi trường cho hay, tình hình đất nước và trên thế giới hiện nay đã có những biến đổi sâu rộng, nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Từ những vấn đề, thách thức mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống và để đáp ứng yêu cầu hội nhập trong thời kỳ mới đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật BVMT.

Bảo vệ tài nguyên môi trường- một trong ba trụ cột phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Hải Anh

Cụ thể, nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, BVMT đã được ban hành cùng với nhiều cam kết quốc tế có liên quan đến môi trường đã được Việt Nam tham gia [hiệp định CPTPP, EVFTA, v.v.] đặt ra yêu cầu cần sớm được thể chế hóa để tạo hành lang pháp lý triển khai thực hiện.

Hơn nữa, thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển vượt bậc về trình độ khoa học và công nghệ, góp phần định hình các mô hình tăng trưởng mới; mở ra nhiều cơ hội cho việc thay đổi phương thức quản lý môi trường theo hướng hiện đại hơn, thích ứng với những thay đổi nhanh của thực tiễn cuộc sống.

Đặc biệt thách thức là quan hệ hợp tác quốc tế trên thế giới cũng đang có những thay đổi sâu sắc. Sự cọ xát và cạnh tranh chiến lược, điều chỉnh chiến lược, tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, quyết liệt và có tác động sâu rộng; các vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống ngày càng nghiêm trọng.

Trong đó, cạn kiệt tài nguyên, nhất là năng lượng và nguồn nước đang là vấn đề nổi trội, tác động tới an ninh và phát triển của nhiều nước, nhiều khu vực. Nhu cầu về tài nguyên của các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế của các nước đang phát triển sẽ tăng vọt dẫn tới việc cạnh tranh các nguồn tài nguyên vốn đã gay gắt sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải sớm có những thay đổi về chính sách BVMT để thích ứng.

Đại diện Tổng cục Môi trường chia sẻ thêm, mặc dù đã đạt những thành tựu đáng khích lệ nhưng môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải.

Ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục có xu hướng gia tăng tại các lưu vực sông, làng nghề và đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị, thành phố lớn. Điều đó đòi hỏi cần có sự bổ sung, hoàn thành các quy định, công cụ pháp lý để kiểm soát, quản lý có hiệu quả chất lượng các thành phần môi trường, tiệm cận với quy định pháp lý của các nước trên thế giới, bảo đảm người dân Việt Nam phải được sống trong môi trường trong lành.

Nhiều điểm mới đột phá trong tư duy về bảo vệ môi trường

Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; cải cách thể chế môi trường của Việt Nam tiệm cận hài hòa với chính sách pháp luật BVMT trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bối cảnh quốc tế đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Đại diện Tổng cục Môi trường cho hay, mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.

Luật BVMT năm 2020 nêu cao tinh thần phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia vào các hoạt động BVMT, từ hoạch định chính sách đến tổ chức, giám sát thực hiện, trong đó doanh nghiệp, người dân phải đóng vai trò trung tâm; Nhà nước đóng vai trò kiến tạo pháp luật, cơ chế, chính sách về BVMT.

Luật với nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào 1 giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án.

Luật cũng đã thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội.

Một số điểm mới của Luật như cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT. Thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường.

Điểm mới nữa của Luật BVMT 2020 là cắt giảm thủ tục hành chính; định chế nội dung sức khỏe môi trường; bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước. Thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương.

Theo Tổng cục Môi trường, để bảo đảm thi hành Luật BVMT 2020 có hiệu quả, thời gian tới, đơn vị tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến Luật BVMT; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật. Đồng thời, cần tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật đến các bộ, ngành, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp và nhân dân với nội dung, hình thức phù hợp nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống.

Dưới đây tổng hợp những nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trong công tác BVMT thời gian qua.

Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân về BVMT chưa đầy đủ, chưa chuyển thành ý thức và hành động cụ thể là thách thức đối với công tác BVMT

Các cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, đúng mức về tầm quan trọng của công tác BVMT đối với sự nghiệp phát triển bền vững đất nước; còn tồn tại khoảng cách lớn giữa nhận thức và hành động, giữa cam kết và thực hiện. Vẫn còn tư tưởng ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư bằng mọi giá, xem nhẹ yêu cầu BVMT, quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế chưa được thực hiện triệt để.

Ý thức về BVMT vẫn chưa thành thói quen, nếp sống của nhân dân; các thói quen xấu gây ô nhiễm môi trường, làm mất vệ sịnh, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng như: vứt rác, chất thải, xác súc vật bừa bãi ở nơi công cộng, nguồn nước, v.v. chưa được loại bỏ, thậm chí một số nơi còn phổ biến. Thái độ, hành vi, lối sống, thói quen tiêu dùng thiếu thân thiện với môi trường, còn phổ biến ở nhiều nơi. Vấn đề săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã của người Việt Nam đang bị nhiều tổ chức quốc tế phê phán, thậm chí lên án.

Ý thức chấp hành Luật BVMT và giữ gìn vệ sinh môi trường của các hộ sản xuất kinh doanh, nhất là các hộ sản xuất kinh doanh thuộc các làng nghề còn kém. Ý thức trách nhiệm về BVMT của nhiều nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thấp, chưa chủ động, tự giác thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ BVMT, phần lớn vẫn chạy theo lợi nhuận, coi nhẹ BVMT.

Nhận thức, hiểu biết đầy đủ về vai trò và giá trị của đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái, tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế xanh như là một phương thức để phát triển bền vững trong xã hội, đặc biệt là của các ấp ủy đảng, chính quyền vẫn còn rất hạn chế.

Hệ thống chính sách, pháp luật vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chồng chéo, thiếu nhiều quy định về các vấn đề môi trường mới

Hệ thống pháp luật về BVMT tuy đã được hình thành về cơ bản nhưng vẫn còn nhiều bất cập, nhiều quy định còn chung chung, nhiều quy định còn mang tính nguyên tắc. Còn thiếu hoặc đã có quy định nhưng chưa đầy đủ về BVMT đất, nước, không khí, về tái chế chất thải, về khắc phục ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường, về tiêu dùng bền vững. Chưa có cơ sở pháp lý về quy hoạch môi trường, phân vùng chức năng sinh thái làm căn cứ để hoạch định chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, lập quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng.

Chưa có hành lang pháp lý, chính sách tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ môi trường và sản phẩm thân thiện với môi trường. Thiếu các cơ chế về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra, giải quyết tranh chấp, xung đột về môi trường. Mặc dù đã có các quy định về tội phạm môi trường trong Bộ luật Hình sự nhưng chưa đầy đủ và cụ thể nên chưa thực hiện được trên thực tế. Nhiều quy định về xã hội hóa hoạt động BVMT mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc, thiếu cơ chế phù hợp để thực hiện nên chưa phát huy được hiệu quả.

Cơ chế, chính sách BVMT chậm đổi mới, chưa đồng bộ với thể chế thị trường. Các loại thuế, phí về môi trường mới chỉ bước đầu tạo nguồn thu cho ngân sách mà chưa phát huy được vai trò công cụ kinh tế điều tiết vĩ mô, hạn chế gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, thúc đẩy các hoạt động kinh tế – xã hội theo hướng hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

Ngoài ra, do sự bất cập giữa các hệ thống luật về bảo vệ và phát triển rừng, thuỷ sản, đa dạng sinh học nên việc quản lý các khu bảo tồn, các loài hoang dã còn có nhiều chồng chéo dẫn tới hiệu quả thực thi pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học chưa cao.

Tổ chức bộ máy còn chưa phù hợp, tương xứng; chức năng, nhiệm vụ chồng chéo, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thấp

Bộ máy quản lý nhà nước về môi trường dù đã được kiện toàn nhiều lần nhưng vẫn chưa đồng bộ và thống nhất từ trung ương đến địa phương, chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, chưa giải quyết hiệu quả các vấn đề liên ngành, liên vùng, xuyên quốc gia, chưa ngang tầm với yêu cầu BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Việc phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT còn phân tán, chồng chéo và chưa hợp lý, nhất là trong quản lý chất thải, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Hiện vẫn thiếu một thể chế điều phối thống nhất về bảo tồn đa dạng sinh học. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học được chia sẻ giữa Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT và Ủy ban nhân dân các tỉnh, còn tồn tại chồng chéo và xung đột.

Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về BVMT vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa theo đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, nhất là ở các địa phương, cơ sở. Số lượng cán bộ còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Tại các Chi cục BVMT, thiếu các đơn vị và cán bộ chuyên trách về đa dạng sinh học.

Đầu tư, chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu

Nguồn lực tài chính cho BVMT cả từ ngân sách nhà nước và vốn đầu tư từ các chương trình, dự án đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu, không đủ kinh phí để hỗ trợ các địa phương nhất là đối với nhu cầu triển khai một số dự án có vốn đầu tư lớn về hạ tầng kỹ thuật xử lý CTR; xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường tại các LVS, khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong khi đó, chúng ta chưa có cơ chế hiệu quả để huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa BVMT nên nguồn lực tài chính cho công tác BVMT chưa đáp ứng yêu cầu, không theo kịp yêu cầu BVMT trong điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước hiện nay.

Chi thường xuyên cho sự nghiệp môi trường năm 2019 đã đạt trên 1% tổng chi ngân sách nhà nước nhưng ở một số Bộ, ngành và địa phương chưa được bố trí đủ, đúng với nội dung chi, ở một số nơi chưa tập trung vào các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm. Không ít địa phương [nhất là những địa phương có nguồn thu không đủ bù chi] chưa bố trí đủ 1% chi ngân sách cho BVMT. Tình trạng sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường chưa đúng mục đích cho các mục chi tiêu khác còn khá phổ biến ở nhiều địa phương. Nguyên nhân của tình trạng này là do Vai trò của cơ quan quản lý môi trường trong việc quản lý và sử dụng kinh phí chi sự nghiệp môi trường chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan đầu mối và chịu trách nhiệm về quản lý môi trường.

Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 15 tháng 11 năm 2004 đã khẳng định “tạo sự chuyển biến cơ bản trong đầu tư BVMT”, tuy nhiên, đến nay chi đầu tư xây dựng cơ bản cho BVMT chưa được tách thành một nguồn chi riêng như chi sự nghiệp môi trường, nên kinh phí bố trí từ nguồn này là hết sức hạn hẹp, không đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vẫn còn nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải chưa được bố trí nguồn vốn để triển khai, kinh phí đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải thuộc khu vực công ích chưa tương xứng với mức độ gia tăng chất thải dẫn đến mức độ ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng; có những địa phương đã sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường chi cho xây dựng cơ bản và vì thế hạn chế rất lớn đến những nhiệm vụ cần thiết thuộc sự nghiệp môi trường.

Bên cạnh đó, tỷ lệ đầu tư trở lại cho BVMT từ các nguồn thu liên quan đến môi trường còn thấp. Chưa có cơ chế huy động nguồn lực trong xã hội hoặc đã có nhưng chưa phù hợp nên nguồn lực huy động được còn nhỏ lẻ, không đáng kể. Thiếu nguồn lực đầu tư là thách thức lớn trong bối cảnh các vấn đề môi trường ngày càng gia tăng, tích tụ ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Hỗ trợ phát triển chính thức [ODA] cho BVMT còn thấp, phân tán và đang có xu hướng giảm dần ở loại hình viện trợ không hoàn lại. Nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý, khắc phục, cải tạo môi trường” chưa được áp dụng triệt để, mức chi chưa đúng, chưa đủ.

Khoa học và công nghệ chưa có nhiều đóng góp thiết thực, đột phá cho công tác BVMT

Các kết quả nghiên cứu khoa học chưa cung cấp đầy đủ luận cứ cho việc hoạch định chính sách, pháp luật về BVMT. Hoạt động nghiên cứu và triển khai về BVMT còn hạn chế, chưa hiệu quả. Thị trường công nghệ môi trường chậm được hình thành. Năng lực, trình độ công nghệ BVMT còn lạc hậu, chưa đáp ứng được với yêu cầu của thực tế. Công nghệ xử lý môi trường chậm được thẩm định, đánh giá và hướng dẫn áp dụng. Đầu tư cho khoa học công nghệ trong lĩnh vực BVMT còn dàn trải, chưa tập trung nguồn lực ưu tiên giải quyết những vấn đề bức xúc, do vậy chưa có những đóng góp mang tính đột phá.

Công tác điều tra cơ bản về tài nguyên sinh vật và về đa dạng sinh học tuy có một số thành tựu, nhưng chưa mang tính hệ thống. Thông tin về đa dạng sinh học còn rải rác ở các tổ chức nghiên cứu và quản lý khác nhau. Chưa có các tiêu chuẩn chung, và có rất ít dữ liệu đối chiếu hoặc các cơ chế chia sẻ.

Hệ thống quan trắc đa dạng sinh học vẫn chưa được hình thành. Quan trắc môi trường mới tập trung quan trắc các yếu tố môi trường vô sinh, chưa chú trọng đến việc theo dõi diễn biến của các hệ sinh thái và các thành phần đa dạng sinh học khác.

Thiếu tính chủ động và chưa tận dụng được nhiều cơ hội trong hội nhập và hợp tác quốc tế

Trong hoạt động hợp tác quốc tế, nhìn chung, chưa có sự chủ động, chưa tranh thủ được tối đa, chưa nắm bắt kịp thời các cơ hội huy động hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ về BVMT. Khai thác nguồn hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia và kinh nghiệm quốc tế chưa hiệu quả.

Năng lực thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế về môi trường còn hạn chế. Năng lực đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế về môi trường của các doanh nghiệp còn thấp và hạn chế.

Video liên quan

Chủ Đề